2 bà mẹ đã sử dụng cùng 1 phương pháp giúp con trai đậu vào ĐH Bắc Kinh và Harvard

Sự kiện: Dạy con

Phương pháp này rất đơn giản và nổi tiếng trong giới học thuật, cha mẹ có thể áp dụng với con mình.

Mẹ “lừa” con trai vào Đại học Bắc Kinh

Khi còn nhỏ, rất nhiều trẻ em ở Trung Quốc dưới sự hướng dẫn của cha mẹ luôn lấy Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh làm mục tiêu phấn đấu học tập.

Tuy nhiên, có một người mẹ khác với phần lớn những người mẹ khác trong quá trình dạy dỗ con cái. Cô không lấy Thanh Hoa hay Bắc Kinh làm mục tiêu cho con trai mình hướng tới, nhưng nhờ một cách giáo dục đặc biệt mà con của cô vẫn đậu vào Đại học Bắc Kinh.

2 bà mẹ đã sử dụng cùng 1 phương pháp giúp con trai đậu vào ĐH Bắc Kinh và Harvard - 1

Sau khi vào Đại học Bắc Kinh, chàng trai này phát hiện ra mình bị mẹ lừa suốt 18 năm qua. Khi chia sẻ về bản thân mình, chàng trai này cho biết hồi học tiểu học, anh chẳng phải học giỏi gì, cũng rất lười biếng học hành. Thế nhưng, thay vì thúc giục con cái học như những phụ huynh khác, mẹ của anh lại nói dối điều này.

Anh kể thêm rằng, vào một ngày nọ, mẹ anh trở về nhà với bộ dạng thất vọng, buồn chán não nề. Lúc đó, người mẹ nói rằng: “Con trai à! Vì trình độ học vấn của mẹ quá thấp, mẹ không được học hành tới nơi tới chốn nên đã bị đuổi việc. Mẹ hy vọng mỗi ngày khi con trở về nhà, con hãy kể lại cho mẹ nghe những gì con đã học ở trường”.

Sau đó, mẹ anh còn nói thêm một cách nghiêm túc: “Nếu mẹ không kiếm được tiền vì không được học hành, mẹ sẽ không có tiền mua đồ ăn cho con”.

Sau cuộc trò chuyện này, anh cảm thấy có động lực học tập tăng cao chưa từng thấy. Kể từ ngày đó, mỗi khi đi học về, vừa đặt cặp sách xuống bàn là anh đã kể cho mẹ nghe những gì mình học trên trường. Người mẹ chăm chú lắng nghe, rất hợp tác, thậm chí còn lấy vở ra ghi chép lại.

Cứ như thế, ngày này qua năm khác, anh không còn dám lười học nữa, lúc nào cũng chú ý nghe giảng bài, ghi chép cẩn thận để còn về nhà dạy lại cho mẹ mình nữa. Từ một người vốn không quan tâm tới việc học, nay anh học ngày càng giỏi. Bởi vì nếu không nghe kỹ, anh sẽ không thể dạy lại cho người mẹ hiếu học của mình.

Bằng cách này, người mẹ đã dùng "mánh khóe nhỏ" của mình để "lừa" con trai vào Đại học Bắc Kinh. Sau khi vào Đại học Bắc Kinh, có cơ hội tiếp xúc và đọc thêm nhiều thứ, anh nhận ra mình bị lừa và hiểu được ý tốt của mẹ.

Mẹ mù chữ đưa con trai đến Harvard

Vào ngày 26/5/2016, tại một buổi tổng kết ở Đại học Harvard, He Jiang (1988) - một sinh viên từ Trung Quốc bước lên bục giảng với tư cách đại diện cho toàn thể sinh viên trong trường phát biểu. Có thể nói rằng, đây là sinh viên Trung Quốc đầu tiên nhận được vinh dự này.

2 bà mẹ đã sử dụng cùng 1 phương pháp giúp con trai đậu vào ĐH Bắc Kinh và Harvard - 2

Được biết, He Jiang sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân ở thị trấn Nam Bình, huyện Ninh Hương, thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam. Điều khiến He Jiang ấn tượng nhất về quãng đời thơ ấu của mình là những câu chuyện trước khi đi ngủ của gia đình. Dù công việc đồng áng có mệt mỏi và vất vả như thế nào trong ngày, cha của He Jiang vẫn kể chuyện cho 2 đứa con trai trước khi đi ngủ.

Mẹ của He Jiang không biết chữ nhưng bà luôn yêu cầu 2 con trai của mình đọc các câu chuyện trong sách giáo khoa cho bà nghe, sau đó bà sẽ hỏi những điều mình không hiểu.

Người mẹ rất thích học cùng với 2 cậu con trai mỗi ngày, còn He Jiang và em trai rất thích dạy cho mẹ học.

Bằng cách này, He Jiang và em trai của mình ngày càng học tốt hơn. Sau đó, He Jiang được nhận vào Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, sau đó đến Đại học Harvard học tiến sĩ.

Phương pháp Feynman

Dù là người mẹ “lừa” con trai đậu vaò Đại học Bắc Kinh hay bà mẹ mù chữ của He Jiang, tất cả đều tuân theo phương pháp và quan niệm học tập của nhà giáo dục Feynman một cách cố ý hoặc vô ý .

Người Mỹ gốc Do Thái Richard Feynman (1918-1988) được coi là nhà vật lý chỉ đứng sau Albert Einstein và là người đầu tiên đưa ra khái niệm nanomet. Ông đã đoạt giải Nobel Vật lý năm 1965.

2 bà mẹ đã sử dụng cùng 1 phương pháp giúp con trai đậu vào ĐH Bắc Kinh và Harvard - 3

Feynman có một khả năng đặc biệt, ông có thể diễn đạt những ý tưởng phức tạp bằng ngôn ngữ đơn giản. Ông nổi tiếng với phương pháp Feynman, khi yêu cầu người học phải kể lại cho người khác nghe những gì mình đã học hằng ngày bằng chính ngôn ngữ của họ. Đây chính là yếu tố quan trọng nhất trong phương pháp của ông.

Việc giải thích kiến ​​thức đã học một mặt giúp học sinh hiểu sâu hơn kiến ​​thức, mặt khác học sinh cần tìm ra những nút kiến ​​thức hoặc những điểm còn vướng mắc mà các em chưa hiểu.

Trong quá trình giảng bài, các em sẽ hóa thân thành thầy giáo, cô giáo, sau đó hệ thống lại kiến thức mình đã học và giải thích cho người khác nghe, từ đó củng cố và nắm vững kiến thức hơn. Đây là nguyên nhân sâu xa giúp những người học theo phương pháp Feynman ngày càng nhớ lâu và trở nên xuất sắc, cuối cùng được nhận vào các trường danh tiếng thế giới như Đại học Bắc Kinh và Harvard.

Nguồn: [Link nguồn]

Muốn nuôi dạy con cái trở nên tự lập và tự tin, cha mẹ nên thường xuyên nói 3 câu này

Một đứa trẻ biết tự lập, tự tin không thể tách rời sự giáo dục gia đình, trong đó cha mẹ đóng vai trò quan trọng nhất.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phan Hằng (Theo Sohu) ([Tên nguồn])
Dạy con Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN