18 điểm trúng tuyển ngành Y Đa khoa: Không bất thường!

PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng, Giảng viên Đại học Y Hà Nội nói: “Điểm đầu vào chỉ đánh giá một phần, cái cốt lõi vẫn là đầu ra. Do đó, 18 điểm trúng tuyển ngành Y đa khoa cũng không có gì bất thường”.

18 điểm trúng tuyển ngành Y Đa khoa: Không bất thường! - 1

PGS.TS,Nguyễn Tiến Dũng, giảng viên ĐH Y Hà Nội.

Sau khi trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ thông báo, thí sinh được 18 nộp hồ sơ sẽ trúng tuyển vào ngành Y đa khoa và Dược học đã khiến dư luận xôn xao.

Điểm đầu vào không phải là tất cả

Trước thông tin này, PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng, Giảng viên Đại học Y Hà Nội nói: “Điểm đầu vào chỉ đánh giá được một phần, cái cốt lõi vẫn là đầu ra. Do đó, 18 điểm trúng tuyển ngành Y đa khoa cũng không có gì bất thường”.

Theo PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng, trước tiên để vào ngành y phải chọn được người học giỏi ở bậc phổ thông tức là học sinh đó phải có điểm cao nhưng điều này không phải là tất cả.

Ông lý giải, học ngành y phải trải qua 6 năm đào tạo và thực tập. Nếu trường đào tạo tốt, nơi thực tập của sinh viên tốt, khả năng tiếp thu của các em tốt thì chất lượng vẫn được đảm bảo. Chẳng hạn, khi ra trường, sinh viên đó đáp ứng được nhu cầu của xã hội, phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân thì lúc này điểm đầu vào không còn quan trọng nữa.

Trước ý kiến lo ngại, chất lượng đầu vào thấp, sau này trình độ bác sĩ sẽ non kém, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành, PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng cho rằng, kết luận này quá vội vàng. Bởi trường còn chưa đào tạo, chưa có thực tế. Do đó, không có cơ sở để so sánh chất lượng vào thời điểm này.

PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng cho biết, trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ hướng đến đào tạo cho những sinh viên làm việc nơi vùng nông thôn, vùng núi. Như vậy điểm đầu vào sẽ không thể bằng những sinh viên định hướng công việc ở các thành phố lớn. Do đó, điểm xét tuyển nhưu vậy vẫn phù hợp với điều kiện hiện nay.

PGS.TS Nguyễn Thị Yến – Trưởng phòng Quản lý Đào tạo ĐH Y Hà Nội cho rằng, đào tạo Y khoa là ngành đặc thù, cần đảm bảo nhiều yếu tố. Ngoài việc tuyển được sinh viên năng lực, tố chất tốt, cơ sở đào tạo phải có đủ giảng đường, bệnh viện để thực tập, thực hành. Giảng viên, bên cạnh năng lực chuyên môn, nghiên cứu khoa học, phải có năng lực quản lý và yêu nghề.

Bà Yến cho biết, để mở ngành này, cơ sở vật chất tốt chỉ chiếm một phần quan trọng. Bởi, ngoài đơn thuần việc truyền thụ kiến thức, việc chuyển tải kinh nghiệm, cái tâm của nghề rất quan trọng.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thị Yến, việc các trường ngoài công lập mở ngành Y, Dược không còn xa lạ trên thế giới, bởi họ đảm bảo được khung chương trình quốc tế, đội ngũ giảng viên tốt, nhưng đối với Việt Nam còn nhiều hạn chế.

18 điểm trúng tuyển ngành Y Đa khoa: Không bất thường! - 2

Phòng thực hành điều dưỡng của trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ. 

Sẽ nâng mức điểm xét tuyển

PGS Vũ Văn Hóa, Hiệu phó Đại học Kinh doanh và Công nghệ cho biết, sẽ nâng điểm xét tuyển ngành Y đa khoa và Dược học để đảm bảo chất lượng đào tạo.

Theo ông Hòa, trước đây nhà trường đã công bố điểm nhận hồ sơ vào ngành Y đa khoa và Dược học là 20 điểm. Tuy nhiên, sau đó với mức điểm này có ít hồ sơ nộp vào ngành Y đa khoa và Dược học nên nhà trường đã rút xuống còn 18 điểm.

Tuy nhiên, trước những lo lắng của dư luận về chất lượng đào tạo ngành Y đa khoa và Dược học khi lấy điểm chuẩn quá thấp, ông Hóa cho rằng, một trường mới đào tạo không thể có điểm đầu vào bằng một trường có bề dày lịch sử được. Tuy nhiên, nhà trường đã quyết định cân nhắc sẽ để lại mức điểm nhận hồ sơ là 20 điểm cho 2 ngành này.

Vị Hiệu phó Đại học Kinh doanh và Công nghệ cho biết nhà trường đã gửi biên bản đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép trường tuyển sinh 2 ngành Y đa khoa và Dược học trong năm nay.

“Đây là nhà trường thông báo kế hoạch tuyển sinh như thế. Còn việc có được xét tuyển ngành Y đa khoa hay không thì còn phải chờ lệnh từ Bộ. Sau khi được Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng ý thì trường Đại học Kinh doanh Công nghệ Hà Nội mới xét tuyển”, ông Hóa thông tin thêm.

Ông Hóa khẳng định, hiện nay trường đã mua đủ các thiết bị, các phòng thí nghiệm đã có, các nhân sự đã bổ sung xong. Ngoài ra, trường đã ký hợp đồng với tất cả các bệnh viện để cho sinh viên thực tập.

Do đó, Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội mong muốn cơ quan quản lý của 2 Bộ sớm cho ý kiến và đồng ý để nhà trường tuyển sinh ngành Y đa khoa và Dược học trong năm 2016.

Rất ít thí sinh nộp hồ sơ

Theo lãnh đạo trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ, mặc dù hạ thấp điểm nhưng số lượng thí sinh nộp hồ sơ cũng rất ít. Hiện tại trường mới nhận được 30 chỉ tiêu cho ngành Dược học và 100 chỉ tiêu cho ngành Bác sĩ Đa khoa (trong khi đó tổng chỉ tiêu của cả hai ngành này là 400).  Mặc dù vậy, cũng chưa chắc tất cả số học sinh này sẽ đến nhập học bởi năm nay thí sinh được đăng ký hai trường, mỗi trường hai nguyện vọng.

“Việc thí sinh chọn lựa các trường Y Hà Nội, Y Thái Nguyên, Y Thái Bình là điều đương nhiên. Chúng tôi hy vọng những thí sinh không đủ điều kiện vào những trường này sẽ nộp hồ sơ bổ sung vào ĐH Kinh doanh và Công nghệ”, ông Hóa thông tin.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Tuyển sinh đại học cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN