15 điểm đỗ SP, 10 năm chất lượng vẫn kém

Nhiều ý kiến cho rằng, thay vì đề xuất kéo dài thời gian đào tạo sinh viên Sư phạm lên 5 thì nên tăng chất lượng đầu vào sẽ nâng chất lượng nhanh hơn?

Tăng điểm, giảm chỉ tiêu

Trong khi đề xuất tăng thời gian đào tạo để nâng chất lượng giáo viên được cho là “thiếu thực tế” thì nhiều ý kiến khẳng định muốn cải thiện chất lượng chỉ còn cách chọn những người xuất sắc ngay từ đầu. 4 năm hay 5 năm đào tạo chỉ trang bị cho SV kỹ năng, nghiệp vụ, chứ không thể thay đổi được kiến thức chuyên môn.

Một giảng viên tỏ ra lo ngại cho chất lượng đào tạo sinh viên sư phạm bây giờ: “Tôi thấy, chất lượng đào tạo của các trường sư phạm hiện nay quá kém. Đơn cử tôi hướng dẫn nhiều em SV sư phạm về trường tôi thực tập, nhận thấy kiến thức chuyên môn của các em quá yếu (sư phạm sử mà không biết rõ cả ngày thành lập Đảng), nghiệp vụ sư phạm thì hầu như không có gì. Buồn thay, nếu các em ấy ra trường và thành thầy, cô giáo!”

Độc giả Đức Tuấn cho rằng nên nâng cao chất lượng đầu vào bằng cách giảm chỉ tiêu, “bởi tôi thấy có một một bộ phận sinh viên học sư phạm bởi vì họ không đậu ngành mà họ mong muốn, rồi nộp hồ sơ vào sư phạm như là một cơ hội vào ĐH”.

“Tăng điểm đầu vào! Môn ngành giảng dạy phải trên 7 điểm đại học theo đề chung của Bộ” là ý kiến của bạn đọc Lisa Hoa.

Độc giả Nguyễn Thế Hùng thẳng thắn nhận định: “Điểm đầu vào sư phạm chỉ bằng một nửa điểm các ngành y và kinh tế thì lấy đâu ra người giỏi. Cho nên Nhà nước cần thay đổi nhanh chóng nếu không thế hệ sau chúng ta có một lớp học sinh dốt mà thôi”.

Chị Đào Quỳnh Trang tỏ ra bức xúc: “Chất lượng giáo dục ở đâu? Khi người thi vào sư phạm cấp cao đẳng, trung cấp mà một phương trình bậc 2 không biết giải...”.

Anh Mạnh Khương khẳng định “chỉ cần đầu vào tốt và một môi trường đào tạo nghiêm túc thì chất lượng giáo viên sẽ cao”.

Theo độc giả Khương, tiêu chí quan trọng trên hết của người thầy là năng lực chuyên môn.

Thẳng thắn phản đối mức điểm đầu vào như hiện nay, độc giả Ngô Đăng Khoa than vãn: “13 điểm đậu sư phạm, trình độ GV không tồi mới là lạ. Với điểm đó không biết học có tiếp thu được gì không nữa là dạy người khác. Lương cao, điểm đầu vào 21 điểm trở lên, chất lượng lên ngay”.

Giải bài toán đầu ra

Đi đôi với cắt giảm chỉ tiêu, tăng điểm tuyển sinh thì vấn đề việc làm cho giáo viên cũng được độc giả quan tâm không kém. Theo bạn đọc Tuấn Anh, trước tiên phải giúp người giáo viên có một công việc ổn định, mức thu nhập đủ sống, “chứ đi dạy mà cái ăn còn không đủ thì phải làm thêm nghề tai trái. Vậy lấy thời gian đâu mà nghiên cứu nữa?”

Là một người trong nghề, độc giả Anh Khoa cho rằng giải pháp tuyển ít và tăng điểm là hợp lý. Song song với nó, thu nhập giáo viên cũng phải đủ nuôi bản thân và một đứa con để GV yên tâm công tác. Bạn Hải Thương đề xuất nhà nước phải có chính sách thực sự ưu đãi cho giáo viên, ví dụ như cấp nhà ở.

Một độc giả khác cho rằng để hạn chế tình trạng sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp như hiện nay, chỉ nên cho phép các trường lấy chỉ tiêu theo nhu cầu của địa phương. Sau khi tốt nghiệp, cử nhân cần được phân công công tác rõ ràng nhằm tránh tiêu cực và lãng phí nhân lực. Thậm chí, độc giả Ngọc Ánh còn cho rằng SV sư phạm ra trường cần được tuyển thẳng vào công chức.

“4 năm hay 5 năm điều đó hoàn toàn không quan trọng. Bộ GD-ĐT nên nâng cao chất lượng đầu vào của các trường Sư phạm, nâng cao các ưu đãi trong giáo dục sư phạm để thu hút được những học sinh có thành tích xuất sắc đăng kí dự thi. Sư phạm nếu chỉ dừng lại ở 15, 16 điểm đầu vào thì 5 năm hay lâu hơn nữa thì cũng có giải quyết được vấn đề hay không?” – bạn đọc Cao Thị Huyền bình luận.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thảo (Vietnamnet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN