15 câu hỏi giúp con tư duy nhạy bén cha mẹ nên áp dụng hằng ngày

Sự kiện: Dạy con Giáo dục

Chỉ cần lồng ghép 1 cách khéo léo những câu hỏi này trong các cuộc trò chuyện hằng ngày, cha mẹ đã giúp con mở rộng tư duy và có 1 tương lai tươi sáng hơn.

1. Con hãy dùng 5 từ để miêu tả về bản thân?

Câu hỏi này chính là gợi ý để trẻ hình dung rõ về cá tính của riêng mình cũng như định hình cách mà người khác nhìn nhận về chúng. Điều này giúp con xác định được mình là ai và mình đang ở đâu trong thế giới xung quanh.

 2. Khi làm điều gì khiến con cảm thấy hạnh phúc?

Dù sở thích là gì thì đó cũng là điều khiến con có động lực và cảm thấy hạnh phúc hơn khi thực hiện nó. Câu hỏi này giúp cha mẹ xác định được sở thích, đam mê và từ đó có định hướng tốt cho nghề nghiệp trong tương lai của trẻ.

3. Con có thể hướng dẫn điều này cho người khác được không?

Câu hỏi này chính là gợi ý tuyệt vời giúp trẻ cảm thấy tự tin hơn vào khả năng của mình cũng như thúc đẩy mong muốn được chia sẻ, giúp đỡ người khác. Được cha mẹ đánh giá cao đồng nghĩa với việc trẻ hiểu được tầm quan trọng và giá trị của bản thân, từ đó con có động lực học tập và rèn luyện để phát triển khả năng của mình hơn.

4. Điều tuyệt vời/ tệ hại nhất đã từng xảy ra với con?

Cuộc sống không hoàn toàn là màu hồng và cũng không chỉ có màu đen u ám, nó là sự pha trộn hoàn hảo của các yếu tố. Bởi vậy, trẻ em cũng cần được tiếp cận thế giới theo góc độ toàn diện đó. Con nên hiểu rằng không phải điều gì cũng diễn ra dễ dàng cũng như những điều tồi tệ không kéo dài mãi. Hiểu rõ điều tốt và xấu trong cuộc sống của mình là cách con dễ dàng và bình thản đối mặt với mọi việc hơn.

5. Con học được những gì từ những điều tốt/ xấu đó?

Người phương Tây có câu ngạn ngữ rằng: kinh nghiệm chính là người thầy tài giỏi nhất. Đúng như vậy, trẻ em cũng cần tự rút ra những bài học và kinh nghiệm từ thất bại hay thành công của chính mình, cha mẹ và mọi người xung quanh.

15 câu hỏi giúp con tư duy nhạy bén cha mẹ nên áp dụng hằng ngày - 1

6. Con nghĩ những bài học nào sẽ cần thiết khi trưởng thành?

Câu hỏi này giúp trẻ hiểu rằng, mình không mãi là đứa trẻ vô lo vô nghĩ và sẽ sớm trưởng thành. Vì vậy, trẻ cần chuẩn bị kiến thức và kỹ năng sống cần thiết cho tương lai. Cha mẹ có thể sẽ cảm thấy ngạc nhiên khi thấy trẻ có nhiều hứng thú với việc học và đọc sách hơn khi thường xuyên trao đổi về vấn đề này.

7. Nếu được quay lại thời gian, con sẽ thay đổi điều gì?

Cuộc nói chuyện bắt đầu bằng câu hỏi này giúp cha mẹ hiểu rõ hơn khúc mắc của trẻ về những sai lầm và cả những tiếc nuối trong quá khứ. Qua câu chuyện đó, cha mẹ có thể lồng ghép bài học về việc đối phó với những sai lầm và thất vọng, đúng theo câu tục ngữ “thất bại là mẹ thành công”.

8. Con muốn nói lời cảm ơn tới những ai?

Câu hỏi này khuyến khích con bày tỏ lòng biết ơn, sự tôn trọng với mọi người đã giúp đỡ mình, từ những người thân yêu trong gia đình, thầy cô giáo, bạn bè hoặc những người đã từng nhận được sự giúp đỡ.

9. Con nghĩ 1 người nào đó cảm thấy thế nào?

Việc hiểu và chiều theo cảm xúc của chính mình dễ dàng hơn rất nhiều việc tìm hiểu cách nghĩ và hành xử của người khác. Bởi vậy, câu hỏi này giúp trẻ có 1 cách nhìn toàn diện hơn về những người và những điều diễn ra trong cuộc sống.

Cha mẹ hãy thường xuyên hỏi con câu này để giúp trẻ có 1 trái tim đồng cảm, sẵn sàng thấu hiểu và sẻ chia. Những đứa trẻ có lòng trắc ẩn và nhân ái luôn có 1 cuộc sống phong phú và trọn vẹn hơn nhờ sở hữu 1 trái tim ấm áp, sẵn sàng suy nghĩ và sẻ chia vì người khác.

10. Con nghĩ trong tương lai mình sẽ có cuộc sống như thế nào?

Thêm 1 câu hỏi gợi nhắc trẻ nghĩ đến những kế hoạch trong tương lai. Việc hiểu được những điều mình mong muốn có được khi trưởng thành giúp trẻ sớm xác định những điều mình cần làm. Cha mẹ có thể đóng vai trò là người dẫn đường giúp trẻ dễ dàng hình dung hơn những điều mình cần làm để có 1 tương lai như mong đợi.

11. Con yêu mến những người bạn nào nhất? Và tại sao?

Bạn bè luôn là người có sức ảnh hưởng rất lớn tới thái độ và tính cách của trẻ. Bởi vậy, câu nói “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” rất đúng trong trường hợp này.

Cha mẹ không nên phán xét và ép buộc con phải chơi với ai, nhưng việc chỉ rõ cho con thấy những điểm tích cực và tiêu cực của bạn bè sẽ giúp trẻ giữ vững được lập trường và có quyết định của riêng mình.

12. Nếu mai này nổi tiếng, con muốn trở thành người như thế nào?

Khi trả lời câu hỏi này, tức là con đã hình dung ra hình tượng mà mình hướng đến. Cha mẹ nên tìm hiểu đó là người như thế nào và cùng con định hình tính cách và quá trình phấn đấu để trở thành nhân vật như vậy.

13. Con sẽ làm gì để thay đổi thế giới?

Trẻ em luôn giàu năng lượng, ít sợ hãi và dè chừng hơn người lớn. Bởi vậy, khi con đủ lớn để nhận thấy mỗi ngày đều mở ra những điều mới mẻ, cha mẹ hãy giúp con ấp ủ những hoài bão để làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.

14. Ngày hôm nay con đã giúp đỡ được những ai?

Cuộc sống xung quanh còn rất nhiều hoàn cảnh khó khăn, trẻ nhỏ cần có 1 trái tim nhân ái, sẵn sàng sẻ chia. Những người cần đến sự giúp đỡ của con có thể nhỏ bé như chú mèo bị mắc kẹt, bạn cùng lớp quên không mang thước kẻ,...

15. Nếu có 1 quyền lực khiến tất cả mọi người phải tuân theo, con sẽ đề ra quy tắc nào?

Đây chính là cách khiến cha mẹ hiểu hơn về cá tính của con, điều được bộc lộ qua quy tắc cá nhân do trẻ đặt ra. 1 đứa trẻ biết tôn trọng các quy tắc thường biết tôn trọng và làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình đối với gia đình và xã hội.

Tuyệt chiêu giúp con nuôi dưỡng tư duy “không sợ hãi”

Không phải lúc nào bạn cũng có thể ở bên cạnh bảo vệ con mình nên hãy dạy trẻ biết cách đối phó và vượt qua những...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Linh Trang (Theo Lifehack) ([Tên nguồn])
Dạy con Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN