13 quy tắc giữ cho con luôn an toàn cha mẹ nào cũng nên nằm lòng
Cha mẹ không thể lường trước được mọi nguy hiểm có thể xảy đến với con hằng ngày. Vì thế, việc dạy trẻ những bài học tự bảo vệ mình là rất cần thiết.
1. Dạy con luôn thông báo với cha mẹ khi ra ngoài hoặc về nhà
Hãy tạo thói quen trong gia đình bằng cách các thành viên luôn liên lạc với nhau để thông báo về tình hình khi rời trường học, nơi làm việc hoặc khi đã về đến nhà. Nếu con quan sát thấy cha mẹ luôn thực hiện việc này với nhau thì chúng sẽ nhận thức được đây không phải là phương pháp kiểm soát mà chỉ là cách các thành viên trong gia đình thể hiện sự quan tâm lẫn nhau. Việc này sẽ giúp các bậc phụ huynh sớm nhận ra những dấu hiệu lạ nhằm bảo vệ con an toàn.
2. Tin tưởng khi con nói về những tình huống kỳ lạ
Nếu bất chợ con nói với bạn về một tình huống kỳ lạ liên quan đến gia đình, giáo viên, bạn bè thì hãy tin tưởng con và đừng coi đó là trò đùa. Hãy tìm hiểu vền những điều bé đã tâm sự vì những kẻ bắt cóc hay hiếp dâm thường chính là người quen của con và gia đình.
3. Lưu số điện thoại của giáo viên, bạn bè
Nếu cô giáo thông báo con không đi học đúng giờ, cha mẹ hãy gọi điện thoại hỏi bạn bè thân thiết của trẻ để tìm hiểu nguyên nhân.
4. Chụp hình toàn thân con trước khi đi đâu đó quá đông hoặc xa
Nếu không may con bị mất tích thì việc mô tả lại trang phục của bé sẽ khó khăn nếu cha mẹ không biết trước khi ra khỏi nhà trẻ mặc gì. Chính vì thế, các bậc phụ huynh nên chụp hình toàn thân con trước khi chúng đến một nơi đông đúc hoặc đi xa để phòng trường hợp này.
5. Tìm con ngay lập tức nếu chúng liên tục không nghe máy
Nếu bạn đã cố gắng liên lạc với con nhiều lần mà không được thì hãy bắt đầu tìm kiếm con vì biết đâu, chúng đang gặp tình huống xấu.
6. Dạy con các kỹ năng
Trên hết, cha mẹ nên dạy con những kỹ năng sinh tồn để bản thân chủ động khi gặp khó khăn. Giả sử, nếu con bị lạc thì nên học thuộc địa chỉ và số điện thoại rồi nhờ công an tìm giúp. Hoặc khi ở một nơi hoang vắng thì trẻ nên làm gì. Đây đều là những kỹ năng rất cần thiết để con tự bảo vệ mình.
7. Chụp ảnh đế giày của con
Nếu gia đình hoặc lớp học sắp tổ chức chuyến đi dã ngoại trong công viên rộng lớn hoặc ở trong rừng thì cha mẹ hãy chụp ảnh đế giày của con. Nếu con bị lạc thì hình chụp này sẽ giúp lực lượng cứu hộ nhận diện dấu giày của trẻ. Ngoài ra, các bậc phụ huynh nên cho con mặc đồ sáng màu khi đi dã ngoại để dễ nhận biết.
8. Thống nhất một nơi gặp gỡ khi đến địa điểm đông đúc
Nếu đưa con đến một nơi đông đúc như buổi hòa nhạc, khu mua sắm, công viên… cha mẹ hãy luôn thống nhất trước với trẻ về một địa điểm sẽ đi tới nếu chẳng may con bị lạc. Tốt nhất hãy chọn vị trí có thể nhìn thấy từ xa và dễ di chuyển như đài phun nước, cửa chính…
9. Không cấm trẻ dùng mạng xã hội
Việc cấm con sử dụng mạng xã hội sẽ chỉ càng làm tăng sự tò mò của trẻ. Rất có thể, con sẽ đối phó với việc cấm đoán của phụ huynh bằng cách dùng những tài khoản với tên giả. Thay vào đó, hãy để bé có tài khoản riêng và tự đăng tải những thông tin cá nhân.
Bạn có thể giới hạn khoảng thời gian tiếp xúc với mạng xã hội của con và dạy chúng những quy tắc bảo mật internet cũng như cách tránh xa mối nguy hiểm trực tuyến như lừa đảo hoặc các đối tượng đáng ngờ. Thêm vào đó, cha mẹ nên trở thành người bạn, tâm sự với con nhiều hơn để trẻ chủ động chia sẻ về những điều đã tiếp thu từ mạng xã hội. Đây cũng là cách giữ an toàn cho con.
10. Cài đặt GPS cho con
Nếu con dùng điện thoại, các bậc phụ huynh hãy cài đặt các ứng dụng định vị để biết được lịch trình di chuyển của con và có thể phản ứng tức thời nếu vị trí của con có điều đáng ngờ.
Ngoài ra, bạn có thể mua máy GPS dưới dạng 1 chiếc vòng tay để biết được vị trí của con.
11. Ghi thông tin liên lạc của gia đình vào chiếc thẻ và bỏ túi cho con
Nếu con còn quá bé, cha mẹ hãy ghi số điện thoại của mình và bạn bè, người thân trên một tấm thẻ để phòng trường hợp con bị lạc, nhân viên cứu hộ hoặc người đi đường sẽ dựa vào thông tin này để đưa trẻ về nhà.
12. Đừng la mắng khi con bị lạc
Khi trẻ bị lạc, các bậc phụ huynh tuyệt đối không được tỏ ra tức giận vì việc này sẽ khiến con sợ hãi và lần sau, nếu tiếp tục rơi vào hoàn cảnh tương tự, chúng sẽ không dám tìm cha mẹ nữa. Lúc này, bạn nên nhìn thẳng vào mắt con và an ủi, động viên trẻ. Sau đó, điều cần thiết là cùng con tìm ra lý do bị lạc và dạy cho bé các kỹ năng cần thiết để tự xoay sở khi bị lạc.
13. Dạy cho con cách tự giữ an toàn khi đang chơi cùng bạn
Một cuộc thử nghiệm đã chỉ ra rằng 7 trong số 9 đứa trẻ sẽ đi theo một người lạ nếu cha mẹ đang bị phân tâm lúc đó. Vì thế, các bậc phụ huynh nên dạy con cách tránh khỏi những tình huống nguy hiểm khi có người lạ tiếp cận trong lúc đang chơi cùng các bạn. Cha mẹ không thể trông chừng con cả ngày nên việc dạy kiến thức bảo vệ mình cho con là rất cần thiết.
Các bậc phụ huynh cần đảm bảo cho trẻ nắm vững những kỹ năng thiết yếu để có khả năng thoát khỏi những nguy hiểm...