11 sai lầm phụ huynh cần tránh khi giao tiếp với trẻ

Sự kiện: Dạy con

Đặt tầm mắt quá cao so với trẻ hay hỏi những câu chung chung là lỗi phổ biến của nhiều phụ huynh.

1. Không hoàn toàn tập trung khi nói chuyện với trẻ

Sự tập trung là yếu tố quan trọng trong giao tiếp. Do vậy, hãy để điện thoại di động sang một bên, tắt TV và các thiết bị điện tử khác hoặc tìm một nơi yên tĩnh nếu muốn thảo luận những chuyện nghiêm túc với con, ngoài những mẩu đối thoại lặt vặt thường ngày.

2. Không thu hút sự chú ý của trẻ

Trước khi bắt đầu, phải đảm bảo con chú ý đến những điều bạn sẽ nói. Giao tiếp bằng mắt là cách để duy trì sự kết nối trong khi trò chuyện.

3. Không đặt câu hỏi cụ thể

Khi hỏi một đứa trẻ "Hôm nay ở trường ổn chứ con?", câu trả lời bạn nhận được cũng sẽ chung chung như thế: "Ổn ạ". Tuy nhiên, nếu câu hỏi được chuyển thành: "Chuyện thú vị nhất xảy ra ở trường hôm nay là gì?" hoặc "Chuyện buồn cười nhất mà con chứng kiến hôm nay là gì?", bạn sẽ được cung cấp thông tin chi tiết hơn

4. Lảng tránh hoặc bỏ qua

Đôi khi trẻ mắc lỗi nhưng bạn quá bận bịu với nhiều việc khác nên không giải thích cặn kẽ mà bỏ qua hết lần này đến lần khác. Nếu trẻ tái phạm, bạn nổi giận và trách phạt chứ không định hướng cho trẻ cách sửa lỗi.

Để hạn chế việc này, bạn hãy luôn nhớ giải quyết vấn đề thật sớm, nói chuyện với con khi bình tĩnh và trao đổi về cách cư xử tốt hơn trong tương lai.

5. Ca cẩm hoặc giáo huấn quá nhiều

Dù tức giận đến bao nhiêu, bạn cần nhớ việc nói dông dài và lặp đi lặp lại sẽ không hiệu quả, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ. Do đó, hãy cố gắng chọn câu từ ngắn gọn, đơn giản và đủ ý.

6. Đặt tầm mắt quá cao so với trẻ

Nếu bạn thả tầm mắt từ trên cao xuống để nói chuyện với trẻ, đặc biệt là khi đang nổi giận, trẻ dễ cảm thấy sợ sệt, bất an. Hãy hạ người để tầm mắt ngang bằng với trẻ, ngay cả khi bạn không hài lòng về hành vi của con và muốn trao đổi về vấn đề đó. Trẻ sẽ tiếp thu những lời người lớn nói dễ dàng hơn nếu cảm thấy thoải mái.

7. Thảo luận thay vì áp đặt

Trẻ thường không nghe lời hoặc ngầm chống đối nếu bố mẹ sử dụng giọng điệu áp đặt hoặc đe dọa. Bạn hãy thử tiếp cận một vấn đề theo cách "bố mẹ và con sẽ cùng tìm hiểu và đề xuất giải pháp nhé".

8. Chỉ trích hoặc dè bỉu

Khi tức giận, bạn có thể nói những lời cay nghiệt và thiếu tôn trọng trẻ. Điều này khiến trẻ dần dần không còn muốn chia sẻ với bố mẹ nữa, dù là chuyện vui hay buồn. Hãy luôn bày tỏ ý kiến với thái độ tôn trọng, ngay cả khi bạn thực sự cảm thấy chuyện trẻ nói là ngớ ngẩn và thiếu hợp lý.

9. La hét và mất bình tĩnh

Hãy kiểm soát cảm xúc của bản thân trước khi nói chuyện. Chứng kiến cảnh bố mẹ la hét, quát tháo thường xuyên, trẻ sẽ nghĩ đó là hành vi bình thường và bắt chước. Hơn nữa, hiệu quả của phương pháp dạy con này không kéo dài lâu.

10. Ngắt lời trẻ

Không ai muốn bị ngắt lời khi đang cố gắng giải thích điều gì đó hoặc bày tỏ ý kiến của mình. Do đó, nếu trẻ muốn kể một câu chuyện dài hoặc nói về cảm xúc của mình, bạn hãy lắng nghe từ đầu đến cuối.

11. Không cảm ơn trẻ vì đã chia sẻ

Trẻ cần biết rằng bố mẹ sẵn sàng đón nhận những lời chia sẻ dù ngô nghê của mình. Bạn hãy giúp trẻ mở lòng bằng cách nói cảm ơn mỗi khi được chia sẻ, đặc biệt là với những chuyện khó nói.

Không có 6 điều này, cố gắng mấy thì cách dạy con cũng thất bại hoàn toàn

Cách nuôi dạy con quyết định phần lớn việc hình thành nhân cách của trẻ về sau. Nếu sai lầm, con sẽ không bao...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
([Tên nguồn])
Dạy con Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN