10 tuổi đã luyện thi để đậu vào ĐH Tokyo, chàng trai chia sẻ cuộc sống thực sự bên trong
Để được vào ngôi trường hàng đầu Nhật Bản, chắc chắn bạn cần phải trả một cái giá vô cùng “đắt đỏ”.
Trong một phóng sự của đài truyền hình Nhật Bản có tên: “Lớp đào tạo đặc biệt của Đại học Tokyo”, tập trung chính vào một nhân vật hiện đang là sinh viên năm cuối tại đây tên là Fusegawa Tenma (1997). Theo đó, chàng trai này đã bật mí một sự thật khiến nhiều người bàng hoàng: “Để vào được Đại học Tokyo, nếu bạn bắt đầu chuẩn bị từ cấp 2 thì đã quá muộn”.
Đại học Tokyo (Todai) là niềm mơ ước của tất cả học sinh Nhật Bản. Để được vào trường, quá trình học tập này vất vả hơn nhiều người tưởng tượng. Có một thực tế là không ít những sinh viên tại đây bắt đầu tham gia lò luyện thi từ năm lớp 4 bậc tiểu học.
Fusegawa Tenma.
Fusegawa cho biết, các sinh viên tại trường Todai hầu hết đều học tại các trường trung học phổ thông danh tiếng. Nếu có định hướng thi vào ĐH Tokyo, các học sinh phải báo cáo với nhà trường sớm và tham gia các lò luyện thi đặc biệt.
Ngoài việc học chính ở trường, học sinh phải luyện thi 2-4 tiết mỗi tuần, điều này gần như chiếm lấy toàn bộ thời gian giải trí sau giờ học. Sau mỗi đợt thi chọn lọc, các lò luyện thi sẽ điều chỉnh chỗ ngồi theo kết quả, nếu tham gia càng sớm, bạn sẽ được ưu tiên ngồi ở dãy phía trước. Việc cạnh tranh tại đây rất khốc liệt.
Có một thực tế rằng, học phí từ bậc tiểu học cho tới trung học phổ thông, đặc biệt là trường chuyên lớp chọn cũng tốn ít nhất hàng chục triệu yên, một con số cực kỳ lớn. Fusegawa nghĩ rằng, tất cả mọi người đều muốn giữ hình ảnh ưu tú của sinh viên trường Todai, nhưng ít ai quan tâm rằng ngoài thành tích học xuất sắc thì học phí tại đây vô cùng đắt đỏ. Đây là thực tế của nền giáo dục Nhật Bản.
Cuộc sống thực sự của sinh viên Đại học Tokyo
Nói thêm về mình, Fusegawa cho biết ngoài là sinh viên, anh còn là một tác giả trẻ của cuốn sách có tựa đề “Phương pháp học tập tiết kiệm kiểu Todai”. Đây là cuốn sách chia sẻ những phương pháp học tập hiệu quả, giúp anh đỗ đại học Todai.
Trải qua vài năm học tại đây, anh nói rằng có một sự khác biệt rất lớn giữa người thông minh và không thông minh tại Todai.
- Thói quen suy nghĩ
Đây là thói quen rất quan trọng đối với sinh viên Todai. Bởi mọi người hiểu được rằng, hành động “suy nghĩ” sẽ không giải quyết được gì nếu không biến nó thành một phương tiện để giải quyết vấn đề. Bằng cách chia sẻ “những gì không hiểu” và “những gì đã biết”, sau đó tập trung vào “tại sao mình không hiểu” và “làm thế nào để có thể hiểu”, sẽ đưa ra kết luận trong thời gian ngắn.
Trong trường hợp nếu đó là điều bản thân đã suy nghĩ rất kỹ nhưng vẫn không hiểu, sinh viên Todai sẽ đi tìm người giúp đỡ hoặc đọc sách tìm hiểu.
- Sinh viên hỏi giảng viên rất nhiều sau giờ học
Tại Todai, giảng viên thường đến muộn và giờ học hay bị trì hoãn. Điều này không có nghĩa là giảng viên là người lười biếng hay thiếu nghiêm túc. Lý giải cho điều này, đó là do sau mỗi tiết học, sinh viên thường đặt câu hỏi rất nhiều, dẫn đến việc các tiết học khác muộn là điều khó tránh khỏi.
Fusegawa cho biết, thỉnh thoảng mình phải xếp hàng để đặt câu hỏi với giảng viên. Khi lắng nghe các bạn hỏi giảng viên, anh nhận ra nhiều người trong số họ đặt ra những câu hỏi được suy nghĩ rất cặn kẽ trước đó. Không hiếm những câu hỏi được đặt ra khiến giáo sư phải “đau đầu”.
Họ suy nghĩ nhiều về những gì mình có thể nghĩ ra, xác định đó là vấn đề khó cần phải hỏi giảng viên thì họ mới đặt câu hỏi. Việc giải quyết vấn đề nhờ sự giúp đỡ của người có quyền lực và kiến thức sẽ hiệu quả hơn nhiều so với việc tự giải quyết một mình.
Với sinh viên Todai, nếu không biết, không hiểu điều gì, họ sẽ tìm hiểu tại sao mình không biết, đường cùng họ mới hỏi giảng viên.
- Hiểu được tầm quan trọng của thời gian
Trong học tập, Fusegawa luôn tự nhủ “chỉ suy nghĩ 3 phút nếu có vấn đề chưa hiểu, xem ngay đáp án nếu không tìm ra câu trả lời”. Vì sinh ra trong một gia đình bình thường, bố mẹ không đủ khả năng chi trả học phí tại Todai, ngay từ khi là học sinh trung học, anh đã học cách tiết kiệm tiền.
Fusegawa hiểu rằng, việc sử dụng thời gian hiệu quả là điều cực kỳ quan trọng. Áp dụng nghiêm túc điều này trong học tập, anh nhận ra sẽ thật lãng phí thời gian khi cứ nghĩ về một điều gì đó mà bản thân không thể tìm thấy câu trả lời, trong khi người khác có thể biết. Nhưng nếu có câu trả lời cho điều gì đó bạn không biết, giải pháp duy nhất là tra cứu nó.
Tất cả chúng ta đều sống trong một khoảng thời gian giới hạn, vì vậy tốt hơn hết là hãy sử dụng thời gian một cách hiệu quả nhất, để nó mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn.
Nguồn: [Link nguồn]
Một đứa trẻ ưu tú không chỉ có IQ cao mà EQ cũng rất quan trọng, nó bắt nguồn từ chính mối quan hệ với các thành viên...