10 lý do khiến sinh viên quốc tế muốn tới Đức du học

Sự kiện: Du học

Một trong những lý do được nhiều sinh viên thích nhất khi tới Đức du học đó là được miễn học phí hệ đại học.

1. Giáo dục miễn phí

Đây có lẽ là lý do chính khiến nhiều sinh viên quốc tế muốn tới Đức học.

Các trường đại học công lập ở Đức đều miễn học phí, chỉ trả một số phí nhất định, thường dao động từ 100 – 350 euro (2,7 triệu – 9,6 triệu đồng) cho mỗi học kỳ. Điều này được thực thi từ năm 2014, sau khi các trường học công trên khắp nước Đức đồng loạt bãi bỏ học phí.

Trong những năm tiếp theo, bang Baden-Württemberg đã áp dụng lại học phí cho sinh viên quốc tế không thuộc khối EU (nếu thuộc nhóm này, bạn phải trả 1.500 euro (khoảng 51 triệu đồng) mỗi học kỳ.

Vào năm 2023, bang Bavaria cũng cho phép các trường đại học thu học phí đối với công dân không thuộc EU, nhưng hầu hết các trường đại học vẫn chưa thực hiện điều này.

2. Các trường đại học Đức đứng đầu bảng xếp hạng toàn cầu

Theo bảng xếp hạng các trường đại học hàng đầu thế giới năm 2024 của Times Higher Education, 8 trường đại học ở Đức nằm trong số 100 trường đại học tốt nhất thế giới. 21 trường được xếp hạng trong số 200 trường đại học hàng đầu thế giới.

Đây là những con số ấn tượng khi xét đến việc đây là bảng xếp hạng toàn cầu. Và thậm chí còn tuyệt vời hơn khi bạn nhận ra rằng, chi phí theo học tại các trường đại học này gần như miễn phí. 

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

3. Yếu tố thực hành trong giáo dục được đề cao

Đức có hệ thống giáo dục kép. Bạn có thể tìm thấy các chương trình kép, kết hợp đào tạo học thuật với kinh nghiệm thực tế thông qua quan hệ đối tác với các công ty (trong hầu hết các trường hợp, các công ty này trả tiền cho sinh viên học và làm về công việc của họ). 

Các chương trình này thường được cung cấp bởi các trường Đại học Khoa học Ứng dụng nhưng cũng được cung cấp bởi các tổ chức giáo dục đại học khác ở Đức. Nếu truy cập vào cơ sở dữ liệu AusbildungPlus, bạn sẽ tìm thấy hơn 2.000 chương trình kép.

4. Có thể học bất cứ điều gì

Đức có 423 trường đại học (309 là công lập và 114 là tư thục).

Chuyên gia giáo dục đại học tại Đức, Gent Ukëhajdaraj cho biết, các ngành học phổ biến nhất ở Đức là luật, kinh tế và khoa học xã hội. Mặt khác, ngành học phổ biến nhất đối với sinh viên quốc tế là kỹ thuật (hơn 40% sinh viên quốc tế ở Đức chọn ngành này). 

5. Có thể du lịch châu Âu với visa du học sinh

Visa du học sinh cho phép bạn đi lại mà không cần xin phép trong các nước thuộc khu vực Schengen (gồm 23 thành viên EU và 4 quốc gia không thuộc EU là Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland và Liechtenstein). Từ Áo đến Thụy Sĩ, bạn sẽ có thể đi lại trong thời gian rảnh rỗi của mình mà không phải lo lắng về việc xin thị thực khác. 

Đức giáp với Áo và Thụy Sĩ ở phía nam, Pháp, Luxembourg, Bỉ và Hà Lan ở phía tây, Đan Mạch ở phía bắc, Ba Lan và Séc ở phía đông. Bạn có thể ghé thăm tất cả các quốc gia này.

6. Chi phí sinh hoạt phải chăng

Trên thực tế, Đức là nơi có chi phí sinh hoạt phải chăng, tuỳ theo điều kiện của từng người sẽ có sự so sánh khác nhau.

Một sinh viên Đức cần chi tiêu 992 euro/tháng (khoảng 27 triệu đồng), tương đương 11.904 euro/năm (khoảng 327 triệu đồng).

Để so sánh chi phí sinh hoạt ở Đức với Mỹ, bạn có thể hình dung như sau:

Một người ở Đức chi tiêu ít hơn khoảng 12% tiền so với một người ở Mỹ trong 1 tháng. Giá tiêu dùng như thực phẩm, đồ uống, tiền thuê nhà, v.v... ở Đức thấp hơn khoảng 26%. Đồng thời, giá thuê căn hộ 1 phòng ngủ ở trung tâm thành phố tại Đức rẻ hơn khoảng 50% so với ở Mỹ. 

7. Có thể đi làm thêm

Tính đến ngày 1/3/2024, Đức đã tăng số giờ làm việc mà sinh viên quốc tế có thể làm trong quá trình học. Hiện tại, con số này là 140 ngày làm việc toàn thời gian hoặc 280 ngày làm việc bán thời gian mỗi năm.

Trước đó, sinh viên quốc tế có thể làm việc 120 ngày làm việc toàn thời gian hoặc 240 ngày làm việc bán thời gian mỗi năm.

Có nhiều công việc sinh viên bạn có thể làm ở Đức trong thời gian học, bao gồm trợ lý học thuật, phục vụ ăn uống và thậm chí là công việc bán lẻ hoặc sản xuất.

8. Sinh viên thích ở lại Đức sau khi học xong

Theo dữ liệu từ Văn phòng liên bang về di cư và người tị nạn cho thấy, có sự thay đổi đáng kể sinh viên muốn ở lại lao động từ năm 2023. Điều này có nghĩa là họ ở lại Đức để tìm việc làm, có việc làm hoặc nhận được thẻ xanh EU dành cho những người có trình độ cao. 

Cụ thể: 

- 30,7% sinh viên thay đổi tình trạng cư trú thành “tìm việc”

- 25,9% sinh viên đã thay đổi tình trạng cư trú thành “người lao động có tay nghề đào tạo học thuật”

- 37% sinh viên đã nhận được thẻ xanh EU.

Mọi người đến Đức để có cuộc sống tốt đẹp hơn. Ngay cả những người có mục tiêu chính chỉ là theo đuổi giáo dục ở Đức cũng sớm nhận ra rằng, họ có thể xây dựng cuộc sống ở đây.

9. 90% sinh viên ở lại tìm việc làm sẽ tìm được việc làm

Báo cáo Giám sát Di cư Giáo dục và Việc làm năm 2023, có những thay đổi về tình trạng giấy phép cư trú của công dân nước thứ ba (ngoài EU). Theo báo cáo này cho thấy:

- 51,7% công dân nước thứ ba có quyền cư trú theo diện “Tìm kiếm việc làm sau khi học tập” đã thay đổi tình trạng cư trú của họ thành “Người lao động có tay nghề có đào tạo học thuật” trong năm 2023.

- 37,8% tổng số người có tư cách cư trú là “Người tìm việc” đã nhận được “Thẻ xanh EU”. 

10. Môi trường để thực hành tiếng Đức

Với hơn 130 triệu người nói tiếng Đức trên toàn thế giới, việc học tiếng Đức sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho bạn. 

Đức, Áo, Luxembourg, Bỉ, Thụy Sĩ, Liechtenstein, đây là tất cả các quốc gia mà tiếng Đức là ngôn ngữ chính thức. Bạn có thể tìm được rất nhiều công việc nếu thành thạo tiếng Đức.

Ngay cả khi chương trình học không bằng tiếng Đức, chỉ cần ở Đức cũng giúp bạn luyện tập ngôn ngữ tốt hơn bất kỳ ứng dụng học ngôn ngữ nào. Bạn sẽ được tiếp xúc với tiếng Đức mỗi ngày và tiến bộ nhanh chóng.

Nguồn: [Link nguồn]

Nhiều đại học ở New Zealand nới điều kiện xét nhập học, như cho du học sinh dùng điểm dự đoán IB, A-Level hoặc điểm học bạ lớp 12, thay vì đợi kết quả mới có thể nộp hồ sơ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phan Hằng (Theo Studyingingermany) ([Tên nguồn])
Du học Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN