10 dấu hiệu giúp con nhận diện những kẻ bắt cóc trẻ em
Để con có thể tự bảo vệ bản thân mình, cha mẹ hãy dạy con cách nhận diện và tránh xa người lạ đáng ngờ vì đó có thể là những kẻ bắt cóc trẻ em.
1. Nhờ sự trợ giúp từ trẻ
Một trong những thủ thuật phổ biến nhất mà những kẻ bắt cóc sử dụng là yêu cầu sự giúp đỡ từ trẻ. Bạn nên cảnh báo con biết trước về tình huống này vì những người trưởng thành xa lạ sẽ không yêu cầu sự giúp đỡ từ những đứa trẻ còn quá bé. Nếu người lớn gặp rắc rối như mất chó, mèo, không lấy được vật gì đó… thì họ sẽ nhờ tới sự trợ giúp từ những người lớn khác chứ không phải từ một đứa trẻ.
2. Trẻ khóc và gào thét
Nếu một đứa trẻ đang khóc, và giãy dụa, cố gắng thoát khỏi việc bị lôi đi thì xảy ra 2 trường hợp: đứa trẻ đó đang ăn vạ cha mẹ hoặc chúng đang bị người lạ dẫn đi. Khi trẻ la hét to hơn mức bình thường thì người lớn hoặc các bạn nhỏ có thể cùng tụ tập lại và đến hỏi xem mọi chuyện có ổn không. Nếu gặp kẻ bắt cóc thì việc này sẽ khiến chúng biến sắc và có thể chạy trốn vì không muốn bị bắt quả tang.
3. Bắt gặp kẻ lạ theo dõi
Những kẻ thường lén theo dõi các bé ở sân chơi rất đáng ngờ. Nếu ai chứng kiến cảnh này, hãy giả vờ hành động như đang chụp ảnh chúng và những kẻ bắt cóc sẽ sợ hãi mà bỏ đi.
4. Người lạ dụ trẻ bằng đồ ăn
Trẻ em rất ngây thơ và tin người. Nếu con trẻ được cho đồ chơi, bánh kẹo và hứa dẫn đến những nơi chơi rất vui thì đây có thể cũng là dấu hiệu nhận biết kẻ bắt cóc. Vì những người lớn bình thường sẽ không tặng quà cho trẻ lạ và không mời chúng vào xe riêng hoặc hứa dẫn đi chơi.
5. Kẻ bắt cóc giả mạo bạn bè cha mẹ
Những kẻ bắt cóc nhiều khi nắm rất nhiều thông tin về gia đình đứa trẻ. Ngay cả người lớn có thể cũng bị lừa vì chúng biết tường tận về các thành viên trong gia đình hay ngày tháng năm sinh của các bé. Với những thông tin này, chúng có thể tự tin giả mạo là bạn bè của cha mẹ và khiến trẻ tin rằng bố mẹ nhờ bạn bè đến đón mình. Trong trường hợp này, hãy dạy trẻ từ chối và nhờ tới sự trợ giúp của người lớn như thầy cô ở lớp hoặc bạn bè xung quanh và nhất định không được đi cùng người lạ.
6. Dùng đứa trẻ khác để tiếp cận mục tiêu
Nhiều khi, những kẻ bắt cóc lại sử dụng chính các em bé để tiếp cận với mục tiêu. Có thể chúng sẽ cử người của mình là một đứa trẻ đến để dụ mục tiêu đến một nơi thú vị như sân vườn hoặc nơi vắng vẻ để dễ bề hành động. Hãy dặn dò con không nên đi theo người lạ dù đó là trẻ em hay người lớn vì chúng có thể đều là những kẻ bắt cóc.
7. Người lạ mời bé lên xe
Nếu một chiếc xe có dấu hiệu đi từ từ phía sau đứa trẻ thì chứng tỏ chúng có ý đồ đen tối. Người lớn nhìn thấy hiện tượng này nên cảnh báo với đứa trẻ ngay lập tức. Đối với các con, cha mẹ nên dặn dò con tuyệt đối không lên xe ô tô của người lạ ở dọc đường hoặc thấy xe đi từ từ phía sau mình quá lâu thì nên gọi sự trợ giúp.
8. Đánh vào tính tò mò và hiếu thắng của trẻ
Đã có nhiều trường hợp trẻ bị bắt cóc bằng xe máy. Cách thức của bọn bắt cóc là ăn mặc nhìn thật cá tính và đi xe máy rất ngầu rồi đánh vào sự hiếu thắng của trẻ với câu nói đại loại như: “Chàng trai dũng cảm nào dám lên chiếc xe này với chú?”. Những người lớn bình thường sẽ chẳng bao giờ đề nghị trẻ làm những việc như thế.
9. Đóng giả nhiếp ảnh gia, nhà sản xuất phim
Nhiều kẻ bắt cóc dùng mánh lới đóng giả các nhà sản xuất phim hoặc nhiếp ảnh gia và đánh vào tâm lý thích danh tiếng của những bé từ 10 tuổi trở lên. Khi chiếm được lòng tin của trẻ, chúng sẽ đề nghị trẻ ngay lập tức đi cùng để chụp ảnh hoặc test khả năng diễn xuất. Thường thì các nhà sản xuất không hề tìm kiếm gương mặt tài năng theo cách tiếp cận đột xuất trên đường phố và cha mẹ nên cảnh báo cho con về tình trạng này.
10. Đóng giả cảnh sát
Nếu như kẻ bắt cóc đóng giả cảnh sát và đề nghị giúp đỡ bé khi gặp khó khăn thì có lẽ đến người lớn cũng bị lừa. Trong trường hợp này, hãy dạy con cung cấp thông tin về cha mẹ cho viên sĩ quan đó để gia đình tới đón chứ không nên đi cùng. Nếu kẻ đó nhất định không gọi cho cha mẹ đứa bé mà chỉ muốn dẫn bé đi thì chứng tỏ chúng có ý đồ mờ ám.
Những đứa trẻ người Do Thái thường đặc biệt thông minh và thành thạo những kỹ năng sống quan trọng. 10 nguyên tắc dưới...