1/3 thí sinh bỏ xét tuyển đại học, chuyên gia dự đoán điểm chuẩn như thế nào?

Sự kiện: Giáo dục

Kỳ tuyển sinh đại học năm nay có hơn 300.000 thí sinh không đăng ký xét tuyển, trước những bất cập đó chuyên gia dự báo điểm chuẩn đại học có biến động.

Điểm chuẩn tuyển sinh năm 2022 có nhiều biến động?

Kỳ tuyển sinh đại học 2022, cả nước có hơn 616.000 thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển, còn 325.716 thí sinh không đăng ký xét tuyển đại học (chiếm 34,6% tổng thí sinh, giảm gần 180.000 so với năm 2021) - dù trước đó các thí sinh này đều có tài khoản trên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT. Việc 1/3 thí sinh bỏ đăng ký xét tuyển khiến nhiều chuyên gia băn khoăn và đặt câu hỏi về nguyên nhân các em từ bỏ xét tuyển.

Liên qua đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT khẳng định, thí sinh không đăng ký nguyện vọng xét tuyển năm nay nhiều hơn các năm trước là bình thường, không đáng quan ngại. Mọi năm, khi đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, thí sinh cùng lúc đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các trường đại học (sau đó có thể điều chỉnh thông tin đăng ký nguyện vọng xét tuyển trong thời gian quy định). Do đó, thí sinh có xu hướng và tâm lý đăng ký trước, đăng ký thật nhiều nguyện vọng, sau đó mới dần điều chỉnh. Tuy nhiên, năm nay, tới khi có điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh mới thực sự đăng ký nguyện vọng xét tuyển cụ thể và nộp lệ phí.

Dự đoán kỳ tuyển sinh đại học 2022, PGS.TS Nguyễn Xuân Thạch, Trưởng ban Quản lý đào tạo (Học viện Tài chính) chia sẻ: Năm nay, một số trường đại học dành khá nhiều chỉ tiêu xét tuyển bằng phương thức xét tuyển riêng. Vì thế điểm chuẩn theo phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT có thể tăng nhẹ.

Theo số liệu thống kê, năm 2020, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển trên Hệ thống là 642.270; năm 2021 là 794.739. Như vậy, số thí sinh đăng ký xét tuyển năm 2022 giảm so với năm 2021 khoảng 20% và giảm 3,4% so với năm 2020.

Dựa vào phổ điểm trên thực tế, các chuyên gia cho rằng, điểm chuẩn vào các trường đại học năm nay không có nhiều biến động so với năm 2021. Có chăng chỉ tăng, giảm ở một số ngành/trường và dao động ở mức 0,5 – 1,5 điểm.

“Với Học viện Tài chính, điểm chuẩn ở khối A00 có thể tương đương năm 2021. Khối A01, D01, D07 nhiều khả năng thấp hơn năm ngoái do phổ điểm môn Tiếng Anh thấp hơn. Dự đoán điểm chuẩn các ngành của Học viện Tài chính có thể giảm từ 0,5 - 1 điểm (tuỳ ngành)”, PGS.TS Nguyễn Xuân Thạch nhận định.

Năm nay, theo quy định, trước 17h ngày 17/9, các cơ sở đào tạo công bố kết quả trúng tuyển đợt 1. Các chuyên gia dự đoán điểm chuẩn năm nay không có nhiều biến động.

TS Nguyễn Thị Cúc Phương, Phó hiệu trưởng Đại học Hà Nội, nhận định điểm chuẩn vào một số ngành của trường có thể tăng một chút so với năm ngoái, dao động từ 0,5-1 điểm. Riêng những ngành có điểm trúng tuyển ở những năm đã rất cao, năm nay, điểm chuẩn sẽ khó có thể tăng hơn.

Dựa vào số liệu 3 năm trở lại đây, TS Nguyễn Thị Cúc Phương chia sẻ với Đại học Hà Nội, ngành có điểm chuẩn đầu vào cao là những ngành thị trường đang có nhu cầu, chẳng hạn Ngôn ngữ Hàn Quốc, Ngôn ngữ Nhật, Ngôn ngữ Trung Quốc, Ngôn ngữ Anh. 4 ngành này có điểm cao nhất.

Trong mùa tuyển sinh này, Đại Hà Nội chủ yếu xét tuyển theo khối D gồm tổ hợp các môn Toán, Văn, Ngoại ngữ. Nhà trường xét tuyển ở 26 ngành đào tạo với tổng 3.140 chỉ tiêu. Bên cạnh đó, trường còn có 240 chỉ tiêu của các chương trình liên kết quốc tế.

Đặc biệt, trường dành 5% trên tổng chỉ tiêu cho xét tuyển thẳng, 45% chỉ tiêu cho xét tuyển kết hợp theo quy định của trường, 50% còn lại cho thí sinh đăng ký xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật Tp.HCM, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển đại học năm nay giảm hơn so với những năm trước do hiện nay các trường đại học chuyển sang tự chủ, mức học phí được tính đúng, tính đủ so với chi phí đào tạo nên tăng khá cao. Tại nhiều khu vực nông thôn, đặc biệt là các tỉnh phía Nam, nhiều gia đình gặp khó khăn, không đủ tiền cho con ăn học tại thành phố.

“Ở các vùng nông thôn, nhiều khi cả nhà đi làm không đủ tiền nuôi một sinh viên đại học. Ngoài học phí cao, thì còn nhiều chi phí sinh hoạt, tiền thuê nhà, đi lại trên thành phố rất tốn kém. Do đó nhiều em đã lựa chọn học tại các trường trung cấp, cao đẳng gần nhà để tiết kiệm chi phí, sau này có điều kiện sẽ học cao hơn, một số lựa chọn vào làm thẳng tại các khu công nghiệp để sớm có thu nhập”, PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho biết.

Thầy Dũng cũng đưa ra một lý do khác, lượng thí sinh đăng ký xét tuyển giảm là quy chế của Bộ GD&ĐT yêu cầu thí sinh phải nhập tất cả các nguyện vọng, bao gồm cả các nguyện vọng trúng tuyển sớm lên hệ thống của Bộ, do đó nhiều thí sinh ở khu vực vùng sâu vùng xa còn lúng túng, thậm chí “không biết” đến quy định này.

Bên cạnh đó, do tình hình dịch bệnh trên thế giới được khống chế khá tốt, các trường đại học mở cửa trở lại cũng thu hút một lượng thí sinh khá lớn đi du học nước ngoài.

Tuy số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển giảm, song PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho rằng, điều này sẽ không tác động nhiều đến mức điểm trúng tuyển của các trường năm nay. Dự báo, điểm chuẩn các ngành có xét tuyển môn tiếng Anh có thể giảm nhẹ, các ngành còn lại về cơ bản giữ ổn định như năm trước. Điểm chuẩn các trường top trên có thể giảm từ 0,25 – 0,5 điểm, các trường top giữa dự báo mức điểm chuẩn không biến động so với năm 2021.

Mới đây, tại buổi Tư vấn tuyển sinh trực tuyến đại học chính quy năm 2022, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo, Đại Quốc gia Hà Nội, cho hay năm 2022, Đại học Quốc gia Hà Nội có tỷ lệ xét tuyển thẳng cao và tăng tỷ lệ xét tuyển bằng điểm thi Đánh giá năng lực (ĐGNL). Vì vậy, tỷ lệ xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ thấp hơn năm ngoái.

Để có thể dự đoán điểm chuẩn năm nay bằng phương thức xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức chia sẻ thí sinh có thể lấy điểm chuẩn của năm 2021 cộng thêm 0,5-1 điểm sẽ ra điểm ở ngưỡng an toàn để cân nhắc đăng ký xét tuyển. Điểm chuẩn của những ngành hot có thể tăng 1-2 điểm.

Ngoài ra, tùy theo ngành/chương trình đào tạo (trừ một số ngành khó tuyển), điểm trúng tuyển sẽ cao hơn điểm sàn 2-6 điểm, một số ngành “cực hot” như Công nghệ thông tin, Khoa học máy tính, Y dược, Hàn Quốc học… điểm chuẩn có thể cao hơn điểm sàn 7-8 điểm.

Năm 2022, Đại học Quốc gia Hà Nội tăng ngưỡng điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển lên 20 điểm. Năm ngoái, mức điểm này là 18 điểm. Như vậy, điểm sàn năm 2022 của ĐH Quốc gia Hà Nội tăng 2 điểm so với năm trước.

Dự đoán, điểm chuẩn khối khoa học sức khỏe sẽ không thay đổi nhiều so với năm 2021. TS Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Đại học Duy Tân, Đà Nẵng, phân tích số thí sinh đạt từ 24 điểm trở lên không nhiều như năm trước.

Ngoài ra, khối ngành Công nghệ thông tin, điểm chuẩn có thể cao hơn so với năm trước. Khối ngành này được các trường dành nhiều chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển sớm nên số thí sinh cạnh tranh theo phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT tăng lên, trong khi chỉ tiêu lại ít đi.

Mặt khác, điểm thi khối A không thay đổi so với 2021 nhưng số thí sinh điểm 20-25 của khối này lại chiếm số lượng lớn. Những lý do này có thể khiến điểm chuẩn thuộc khối ngành Công nghệ thông tin cao hơn so với năm ngoái.

Theo nhận định của các chuyên gia, việc hơn 300.000 thí sinh không đăng ký xét tuyển đại học xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Ảnh minh họa.

Theo nhận định của các chuyên gia, việc hơn 300.000 thí sinh không đăng ký xét tuyển đại học xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Ảnh minh họa.

Bộ GD&ĐT đưa ra 6 lưu ý về xét tuyển đại học 2022

Theo Bộ GD&ĐT, đến chiều ngày 28/8/2022, đã có hơn 2/3 thí sinh thanh toán lệ phí xét tuyển trực tuyến thành công. Hệ thống thanh toán hoạt động ổn định, công tác hỗ trợ được thực hiện kịp thời 24/7, không có tình trạng nghẽn hay quá tải.

Trước đó, vào ngày 25-26/8, tại Đà Nẵng, Bộ GĐ&ĐT tổ chức tập huấn nghiệp vụ xét tuyển, xử lý nguyện vọng xét tuyển trình độ đại học, cao đẳng.

Các nội dung tập huấn gồm: Cơ sở dữ liệu xét tuyển, quy trình xét tuyển, chức năng phần mềm, thực hành sử dụng phần mềm, theo dõi việc thí sinh nộp lệ phí tuyển sinh trên Hệ thống qua Cổng dịch vụ công quốc gia.

Kỳ tuyển sinh năm nay nhằm đảm bảo công tác xét tuyển được thực hiện đúng Quy chế, Bộ GD&ĐT tiếp tục lưu ý về công tác xét tuyển. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, hệ thống đã được nâng cấp để đáp ứng được các thay đổi của Quy chế, và các văn bản quy định về tuyển sinh, qua đó thuận tiện cho thí sinh đăng ký, kiểm tra, nộp lệ phí xét tuyển.

Thí sinh đăng ký nguyện vọng trực tuyến trên Hệ thống với tất cả các phương thức xét tuyển; đối với những thí sinh trúng tuyển có điều kiện có thể kiểm tra được thông tin đăng ký đã đúng với thông tin xét tuyển tại các cơ sở đào tạo. Đồng thời, bổ sung chức năng nộp lệ phí xét tuyển ngay trên giao diện, kết nối giữa các nền tảng thanh toán; có chức năng để thí sinh có thể tra cứu để biết kết quả trúng tuyển đồng thời có thể xác nhận nhập học ngay trên Hệ thống.

Hệ thống hỗ trợ việc theo dõi, kiểm tra được danh sách thí sinh trúng tuyển có điều kiện đã đăng ký xét tuyển trên Hệ thống để nhắc nhở thí sinh kịp thời đăng ký theo thời gian quy định; hỗ trợ các cơ sở đào tạo tải kết quả điểm học tập cấp THPT để làm căn cứ xét tuyển; hỗ trợ dữ liệu tuyển sinh để xét tuyển và xử lý nguyện vọng đăng ký xét tuyển với tất cả các phương thức xét tuyển trên Hệ thống; đồng thời cung cấp thông tin về thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học.

Thứ hai, các cơ sở đào tạo thực hiện đầy đủ các bước, quy trình của đợt tập huấn theo hướng dẫn của tài liệu và quy định của quy chế với sự hỗ trợ trực tiếp của các cán bộ của Nhóm xét tuyển, các cán bộ kỹ thuật đến từ đơn vị cung cấp phần mềm.

Thứ ba, theo quy chế, Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung tiến hành xử lý nguyện vọng xét tuyển, chỉ làm nhiệm vụ lọc bỏ những thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng cao hơn vào cơ sở đào tạo khác ra khỏi danh sách trúng tuyển dự kiến mà cơ sở đào tạo gửi lên Hệ thống.

Thứ tư, cơ sở đào tạo có nhiều phương thức xét tuyển, cần tiếp tục rà soát các nội dung: dữ liệu xét tuyển sớm, dữ liệu điểm học bạ điện tử của thí sinh, kết quả thi tốt nghiệp THPT kết hợp với các điều kiện khác, đối tượng xét tuyển theo đánh giá năng lực,…

Thứ năm, phải triệt để tuân thủ: Danh sách thí sinh trúng tuyển chính thức là danh sách thí sinh được Hệ thống xử lý nguyện vọng xét tuyển gửi lại cơ sở đào tạo lần cuối (trên cơ sở danh sách thí sinh dự kiến trúng tuyển do cơ sở đào tạo tải lên Hệ thống), không được điều chỉnh danh sách trúng tuyển chính thức này.

Thứ sáu, những thí sinh đã đáp ứng đủ điều kiện trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm, cơ sở đào tạo không được xét lại mà phải tải danh sách lên Hệ thống để xử lý nguyện vọng cùng với các đối tượng xét tuyển khác.

Lưu ý: Sau khi các cơ sở đào tạo đã công bố điểm chuẩn, đối với các thí sinh trúng tuyển, việc cần thực hiện trước tiên là truy cập vào trang thông tin điện tử của trường để tra cứu danh sách thí sinh trúng tuyển, nhằm bảo đảm chắc chắn có tên trong danh sách trúng tuyển.

Dự đoán điểm chuẩn 2022: Khối ngành Y dược giảm nhẹ, ngành hot khối kinh tế có thể tăng 1 điểm

Thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên môn Hóa ở Hà Nội cho rằng, năm nay, điểm chuẩn các trường khối ngành Y dược giảm nhẹ, ngành hot khối kinh tế có thể tăng 0,5- 1 điểm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trúc Chi ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN