Việt Nam đa sắc: Sân khấu Lệ Ngọc đưa kịch nói đến gần hơn với khán giả
Thông qua cách lựa chọn kịch bản dân gian gần gũi, dàn dựng công phu, sân khấu Lệ Ngọc đã kéo công chúng đến gần hơn với bộ môn nghệ thuật kịch nói, vốn từ lâu đã bị đánh mất nhiều khán giả.
Kịch nói – nghệ thuật truyền thống tái hiện lịch sử dân tộc Việt
“Việt Nam đa sắc” là chương trình truyền hình tôn vinh những nét đẹp văn hóa của đất nước Việt Nam. Chương trình lựa chọn đề tài nhiều lĩnh vực khác nhau như âm nhạc, điện ảnh, sân khấu, truyền hình, hội họa, thời trang… Trong đó, những nội dung về các bộ môn nghệ thuật văn hóa truyền thống luôn thu hút sự đón xem của đông đảo khán giả.
Trong tập phát sóng tối 29/11, chương trình đã giới thiệu đến khán giả bộ môn kịch nói. Kịch nói vốn không hề xa lạ với người Việt, nhưng trải qua thời gian, nghệ thuật này đang dần bị mai một trước các loại hình văn hóa mới.
Tuy nhiên, nhận thức được trách nhiệm và sứ mệnh của mình đó là truyền bá lịch sử, văn hóa dân gian đến với đông đảo đại chúng, trong đó có những tầng lớp trẻ, nhiều nghệ sĩ luôn đau đáu phục dựng lại nghệ thuật sân khấu kịch nói và kéo gần hơn tới khán giả, trong đó có NSND Lệ Ngọc.
Từ đó, sân khấu Lệ Ngọc ra đời. NSND Lệ Ngọc cho hay, thời gian đầu thành lập sân khấu Lệ Ngọc tràn đầy khó khăn, bởi vì môn nghệ thuật kịch nói từ lâu đã bị đánh mất khán giả nhiều quá. Cuối cùng, nữ nghệ sĩ lựa chọn hướng đi đó là chọn các kịch bản truyền thống, gần gũi để phục dựng, giúp khán giả dễ dàng đón nhận.
Lựa chọn kịch bản dân gian nhưng vẫn “thổi hồn” nét đương đại
Ra mắt năm 2019, “Chí Phèo và Thị Nở” là vở diễn đầu tiên của sân khấu Lệ Ngọc. Vở diễn này nhanh chóng nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả với hơn 100 đêm diễn kín vé.
Tiếp nối thành công đó, liên tục các kịch bản thuần Việt được sân khấu Lệ Ngọc dàn dựng và biểu diễn. Từ “Tấm Cám” đến “Làm vua”, “Huyền thoại gò Rồng ấp”, “Cây tre thần” hay “Huyền tích chùa Một Cột, với những cốt truyện sâu sắc và độc đáo, đan xen cả những yếu tố vừa quen vừa lạ. Rất hay, ý nghĩa, đầy cảm xúc tự hào… là những lời khen ngợi của khán giả sau khi được thưởng thức những vở kịch trên của sân khấu Lệ Ngọc.
“Tất cả các tác phẩm tôi chọn đều dân gian, thuần Việt nhưng nếu giữ nguyên bản gốc mà khô cứng thì chúng tôi thay đổi một số chi tiết mang màu sắc thời đại. Ví dụ như trong “Tấm Cám”, chúng tôi bỏ hẳn ông Bụt. Thay vào đó, chúng tôi xây dựng hình tượng người mẹ luôn luôn thương con, yêu con chứ không cần phải thần thánh hóa nhân vật này”, NSND Lệ Ngọc chia sẻ.
Sau những vở diễn, nhận được những lời đánh giá tích cực, thấy rất nhiều khán giả đến mua vé, trong đó có cả những người trẻ, NSND Lệ Ngọc thấy rằng người ta vẫn còn yêu nghệ thuật kịch vô cùng.
“Khi tôi sang mô hình sân khấu xã hội hóa, tôi đưa ra khuyến mại toàn bộ cho sinh viên và các học sinh. Đó là tư tưởng chủ đạo của tôi, đó là làm thế nào chuyển tải đến các em nhỏ, thiếu nhi, thanh niên, tầng lớp tri thức trẻ để người ta hiểu được rằng không bao giờ người Việt quên được lịch sử Việt”, nữ nghệ sĩ nhấn mạnh.
Mang đến những tác phẩm đậm chất Việt, đan xen rất nhiều yếu tố lịch sử, văn hóa vào trong từng vở diễn, đó chính là trách nhiệm và sứ mệnh mà NSND Lệ Ngọc cũng như toàn bộ sân khấu Lệ Ngọc đặt lên đôi vai của mình. Với niềm đam mê cháy bỏng và sự tâm huyết đối với bộ môn kịch nói, chắc chắn rằng, sân khấu Lệ Ngọc sẽ ngày càng phát huy vai trò truyền bá nghệ thuật văn hóa của mình, khiến khán giả Việt ngày càng thêm yêu mến và gắn bó với kịch nói.
Đón xem các nội dung hấp dẫn khác của chương trình “Việt Nam đa sắc”, phát sóng từ thứ Hai - thứ Sáu hàng tuần lúc 21h35 trên kênh VTV3.
Mọi thông tin chi tiết tham khảo tại:
Website: https://tvad.com.vn/thong-tin-phim
Fanpage: https://www.facebook.com/TVAd01
Youtube: https://www.youtube.com/@TVAdTV
Câu chuyện về nghị lực của vận động viên điền kinh Trần Văn Đảng được chia sẻ trong tập phát sóng của chương trình “Vượt ngưỡng” khiến người xem không khỏi khâm...
Nguồn: [Link nguồn]