Việt Nam đa sắc: Chiêm ngưỡng nét độc đáo tại bảo tàng Gốm cổ sông Hương
Trong tập phát sóng số 483, chương trình Việt Nam đa sắc đưa khán giả đến gần hơn với dòng sông Hương xứ Huế mộng mơ. Đặc biệt, mọi người còn được chiêm ngưỡng bộ sưu tập gốm cổ tại bảo tàng Gốm sông Hương vô cùng độc đáo.
Ra mắt vào tháng 6/2022, sau gần 2 năm cùng hơn 480 số phát sóng, Việt Nam đa sắc đã trở thành điểm hẹn quen thuộc với khán giả kênh VTV3.
Ê - kíp sản xuất chương trình luôn bám sát dòng chảy có tính thời sự, với nhiều mảng đề tài của lĩnh vực văn hóa khác nhau như: câu chuyện về các nghệ nhân và sự phát triển nghề truyền thống, những người bảo tồn, phát huy, lan tỏa những giá trị nghệ thuật dân tộc, văn học, nhiếp ảnh, hội họa, kiến trúc, điện ảnh, truyền hình, thời trang...
Với đề tài đa dạng, tỉ mỉ và trau chuốt trong cách thể hiện, chương trình Việt Nam đa sắc góp phần tôn vinh sự đa dạng và nét đẹp văn hóa của đất nước, tạo một điểm nhấn trong các chương trình phát sóng trên kênh VTV3, Đài THVN.
Lên sóng trong chương trình “Việt Nam đa sắc” tập 483 là GS.TS Thái Kim Lan – Người sáng lập bảo tàng Gốm sông Hương.
Chia sẻ với chương trình, GS.TS Thái Kim Lan cho biết: Những sản phẩm gốm trong bảo tàng này hầu hết được vớt từ sông Hương lên. Niềm đam mê sưu tập gốm cổ của bà có từ gần 40 năm trước, trong một lần bà cùng anh trai về nước đi dạo trên đường Trần Hưng Đạo (TP.Huế), bà nhìn thấy nhiều người xếp bán những cái bình bằng gốm trên vỉa hè. Hỏi ra mới biết tất cả được vớt lên từ lòng sông Hương, nơi gắn liền từ khi thơ ấu đến lúc trưởng thành của hai anh em.
“Khi nhìn thấy gốm, chúng tôi đã nhận ra rằng gốm chính là một biểu tượng tiêu biểu của nền văn minh Á Đông, của thành phố Huế. Chính vì điều này chúng tôi đã lập tức thành lập bảo tàng gốm, hay còn gọi là tạo ra một cái hạ tầng cơ sở nghiên cứu về lịch sử văn hóa của người Huế nói riêng và người VIệt Nam nói chung.” – bà Lan bộc bạch.
Trong bộ sưu tập về gốm ở bảo tàng gốm sông Hương, bình vôi là hiện vật có thể nói là nhiều nhất mà mọi người tìm được với nhiều điều thú vị. Bởi vào thời kì cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, cái tục ăn trầu, nhuộm răng từ trước đó đã ăn sâu vào trong sinh hoạt đời sống của người dân Việt Nam, và họ lấy bình vôi để đựng trầu cau... Bộ sưu tập đặc biệt này làm cho thế giới có thể nhìn được văn minh xa xưa của mảnh đất Huế cũng như Việt Nam.
Đứng trước cả bộ sưu tập đồ sộ của gia đình, công việc đầu tiên của bà Lan là phải đánh giá và phân loại. Dù không thuộc lĩnh vực chuyên môn nhưng bà đã tìm đến Đại học Huế và được các giáo sự triệu tập sinh viên để có thể giúp bà trong một khoảng thời gian ngắn đánh giá và phân loại hiện vật.
Đến nay, bộ sưu tập gốm cổ sông Hương lên đến 7000 sản phẩm, nhưng trong không gian bảo tàng gốm này mới chỉ trưng bày tầm 1/3 của bộ sưu tập.
Có lẽ vì những nỗi niềm sâu nặng với Huế yêu thương nên bảo tàng Gốm sông Hương giờ đây không chỉ đơn thuần là một bảo tàng mà còn là điểm hẹn văn hóa để chủ nhân của nó làm nơi đón tiếp, chia sẻ những câu chuyện, ý tưởng thú vị về văn hóa truyền thống với những người bạn yêu Huế đến từ khắp nơi.
Ngoài ra, bảo tàng Gốm còn là một hạ tầng lịch sử văn hóa, hạ tầng này giúp cho giới trẻ hiểu thêm về dòng lịch sử của thành phố mình đang sống. Với du khách nước ngoài, để họ thấy được chúng ta có “của báu” ở trong nhà của người Việt Nam. Qua đó, người trẻ sẽ có được niềm tự hào về bản sắc văn hóa của mình. Di sản luôn luôn là một năng lượng được trích trữ chưa khám phá, mỗi người tới đây sẽ khám phá ra được năng lượng sáng tạo đó.
Hãy cùng theo dõi các tập tiếp theo của Chương trình “Việt Nam đa sắc” trên kênh VTV3 để biết thêm nhiều sắc màu văn hóa đa dạng, để ngày càng thêm yêu đất nước và con người Việt Nam!
Mọi thông tin chi tiết tham khảo tại:
Website: https://tvad.com.vn/thong-tin-phim
Fanpage: https://www.facebook.com/TVAd01
Youtube: https://www.youtube.com/@TVAdTV
Nguồn: [Link nguồn]
Trong tập phát sóng tối 23/5, chương trình “Việt Nam vui khỏe” đã mang đến cho khán giả những thông tin về tác động của việc sử dụng các thiết bị làm mát từ đó đưa ra các cách bảo vệ, giữ an toàn sức khỏe cho mọi người trong điều kiện nắng nóng.