Vì sao phim cổ trang Việt dễ bị "dèm pha", ghẻ lạnh?

Hình thức và nội dung còn nhiều sai sót khiến khán giả Việt dễ quay lưng với phim cổ trang trong nước.

Thiếu và yếu về hình thức, nội dung

Không phải ngẫu nhiên mà trong nhiều năm trở lại đây, dù nền điện ảnh, truyền hình Việt đã có sự phát triển nhanh chóng nhưng những bộ phim có đề tài dã sử, cổ trang trong nước vẫn còn rất ít và rất khó có thể đáp ứng được nhu cầu và nhận về sự hài lòng từ khán giả.

Vì sao phim cổ trang Việt dễ bị "dèm pha", ghẻ lạnh? - 1

Diễn viên Dustin Nguyễn trong phim cổ trang giả tưởng "Lửa phật".

Có nhiều lí do để giải thích cho sự manh mún này. Như nhiều chuyên gia, nhà phê bình điện ảnh đã nhận định trình độ làm phim cổ trang trong nước còn rất yếu kém. Điều đầu tiên cần có để cho ra đời một bộ phim dã sử, cổ trang chính là ekip sản xuất. Ở Việt Nam, số lượng những nhà sản xuất có kinh nghiệm trong lĩnh vực phim cổ trang còn khá ít ỏi.

Trong nhiều năm trở lại đây, ekip sản xuất của những phim cổ trang chấp nhận được chủ yếu là những người nước ngoài, gốc Việt, Việt kiều hoặc những người đi học tập từ nước ngoài trở về. Đơn cử cho trường hợp này là Thiên mệnh anh hùng của Victor Vũ, Lửa phật của Dustin Nguyễn,… Đây là những bộ phim cổ trang ít nhiều gây được sự chú ý bởi cách làm phim nghiêm túc, có đầu tư và nhận về những đánh giá cao từ phía chuyên môn và người hâm mộ.

Ngược lại, những bộ phim cổ trang có ekip sản xuất thuần Việt gần như đều có những nội dung rất kém cỏi, cẩu thả về cả nội dung lẫn hình thức. Những đại diện tiêu biểu cho những sản phẩm có chất lượng yếu kém này có thể “chỉ mặt đặt tên” như Anh chàng vượt thời gian, Cuộc chiến với chằn tinh, ...

Lý Thái Tổ - Đường tới Thăng Long là một ví dụ điển hình cho thực tế thiếu ekip sản xuất phim cổ trang chuyên nghiệp của làng điện ảnh Việt. Là một bom tấn dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long nhưng trong tổng số 3 đạo diễn của phim này thì có tới 2 người đến từ Trung Quốc.

Vì sao phim cổ trang Việt dễ bị "dèm pha", ghẻ lạnh? - 2

Cảnh trong phim "Đinh Tiên Hoàng đế".

Ekip sản xuất chưa có nhiều kinh nghiệm đã là "thiệt thòi", sự manh mún trong những khâu trang phục, bối cảnh và hậu kì còn làm cho phim cổ trang Việt trở nên thảm họa hơn.

Vấn đề đầu tiên khiến phim cổ trang Việt hay nhận cái nhìn thiếu thiện cảm đó là trang phục. Phần lớn những bộ phim cổ trang Việt đều không được nghiên cứu, đầu tư kĩ lưỡng về mặt trang phục, khiến người xem có cảm giác rất giả tạo và luộm thuộm, điển hình như Tây Sơn hào kiệt, Mỹ nhân, Lục Vân Tiên,… Bộ phim nào được đầu tư nhiều tiền của thì lại có trang phục quá giống phim cổ trang Trung Quốc, người xem mỏi mắt chẳng thể tìm nổi nét thuần Việt nào mà chỉ thấy hao hao thời… Tam Quốc.

Đạo diễn Đinh Thái Thụy của phim Mỹ nhân chia sẻ: "Mỹ nhân nói về thời kỳ cách chúng ta vài trăm năm, thời kỳ Trịnh - Nguyễn. Tất cả bối cảnh, đạo cụ, trang phục trong phim hầu như phải tái dựng. Sử liệu và những tài liệu chi tiết về thời kỳ này không còn nhiều nên thực sự gây khó cho chúng tôi trong quá trình thu thập".

Bối cảnh cũng là một yếu tố khiến phim cổ trang Việt lép vế hơn so với phim ngoại. Nếu như ở Trung Quốc hay Hàn Quốc, có quá nhiều phim trường đạt chuẩn cho phim cổ trang thì ngược lại, ở Việt Nam con số này còn rất hiếm hoi. Để quay được những cảnh “hao hao” thời trung cổ, các đoàn làm phim thường lựa chọn những khu di tích, danh lam thắng cảnh ngoài Bắc như Tràng An - Ninh Bình để làm bối cảnh phim.

Vì sao phim cổ trang Việt dễ bị "dèm pha", ghẻ lạnh? - 3

Cả ekip của Ngô Thanh Vân phải từ TP.HCM ra Ninh Bình để quay phim "Tấm Cám".

Chi phí đi lại ăn ở cho diễn viên, đoàn làm phim cũng như trả cho các khu di tích thường phát sinh và đội lên rất nhiều. Chưa kể, bối cảnh tự nhiên không phải trường quay chuyên nghiệp còn mang đến khá nhiều sự bất tiện trong khâu dàn dựng những cảnh quay. Đây cũng là một trong những nguyên khiến các nhà sản xuất rất ngại  làm phim cổ trang bởi phải đi tìm bối cảnh rất vất vả, chi phí đội lên thêm nhiều phần mà chưa chắc gỡ gạc lại được bao nhiêu.

Ngô Thanh Vân - đạo diễn Tấm Cám: Chuyện chưa kể chia sẻ về những nan giải khi "lao" vào con đường làm phim cổ trang nhiều chông gai: "Khó khăn ở thể loại phim này là rất cần phim trường, bối cảnh phù hợp, rộng và được thiết kế đầy đủ tiêu chuẩn phim trường. Đầu tư cho phim cổ trang cũng tốn nhiều chi phí về trang phục, đạo cụ, từ đó làm kinh phí cho phim bị đẩy lên rất cao. Tôi đã mất nhiều năm để đầu tư cho những dự án cổ trang khiến nhiều bạn bè thắc mắc về việc tự làm khó mình".

Một trong những yếu tố đặc sắc của phim cổ trang là những cảnh hành động, võ thuật đấm đá đẹp mắt. Đây lại là điều mà khả năng hậu kì tại Việt chưa thể đáp ứng được. Ngoại trừ những bộ phim võ thuật do những đạo diễn gốc Việt, Việt kiều thực hiện như Thiên mệnh anh hùng, Lửa phật,.. phần lớn những sản phẩm được chỉ đạo võ thuật và làm phần hậu kì trong nước như Lục Vân Tiên, Tây Sơn hào kiệt, Đinh Tiên Hoàng đế,.. đều có phần võ thuật, kĩ xảo rất yếu kém và không hấp dẫn.

Với những khán giả đã quen với những cảnh hành động đã mắt trong những bom tấn của Kim Dung hay các phim cổ trang đình đám Hàn Quốc, thật khó để họ chấp nhận những điều này.

Dustin Nguyễn cũng từng nhận nhiều chỉ trích khi thực hiện bộ phim Lửa phật từng gây sốt một thời gian dài. Bộ phim tuy nói về cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước chống giặc ngoại xâm nhưng lại không có hề có một cảnh "binh đao khói lửa" nào nên hồn.

Lí giải về điều này Dustin Nguyễn thẳng thắn: "Kinh phí của phim không đủ để thực hiện những cảnh vĩ đại của chiến binh chống giặc ngoại xâm. Với kinh phí nhỏ nhoi này, tôi phải tìm cách khác đơn giản hơn. Điện ảnh Việt Nam còn quá nhỏ, kinh phí làm phim rất là eo hẹp, thù lao không xứng đáng với thời gian và công sức".

Sự canh tranh khốc liệt

Trong dòng phim cổ trang, Trung Quốc từ lâu đã là một “cây đa cây đề”. Những bộ phim cổ trang của họ thành công không chỉ bởi có cốt truyện hay mà còn có sự hội tụ của nhiều yếu tố thuận lợi như trang phục, bối, cảnh, kĩ xảo,…

Nhiều năm gần đây, Hàn Quốc bắt đầu nổi lên như một “đại gia” mới trong dòng phim cổ trang vốn bị Trung Quốc thống trị từ lâu. Những sản phẩm đến từ đất nước kim chi tạo ra làn gió mới trong dòng phim cổ trang bởi dàn diễn viên đẹp, cốt truyện mới lạ, hấp dẫn,…

Vì sao phim cổ trang Việt dễ bị "dèm pha", ghẻ lạnh? - 4

Diễn viên Kim Soo Huyn trong phim "Mặt trăng ôm mặt trời".

Với sự ảnh hưởng của những bộ phim đến từ hai nền điện ảnh đó, khán giả Việt đã quá quen với những “siêu phẩm” phim cổ trang đình đám có cốt truyện hay, cảnh quay đẹp và võ thuật, kĩ xảo đẹp mắt.

Chính vì thế, mỗi khi một phim cổ trang Việt chuẩn bị lên sóng hay ra rạp, khán giả trong nước lại tò mò và có những so sánh mang tính tất yếu với những sản phẩm ngoại quốc họ từng thưởng thức. Trong điều kiện sản xuất trong nước với những yếu kém đã nêu, ai cũng thừa hiểu khi đặt lên bàn cân so sánh, phần thua ắt hẳn thuộc về phim cổ trang Việt.

Vì sao phim cổ trang Việt dễ bị "dèm pha", ghẻ lạnh? - 5

Huỳnh Đông và Midu trong "Thiên mệnh anh hùng".

Có những bộ phim chưa rạp, chưa lên sóng đã bị khán giả la ó, phản đối gay gắt khiến chúng vĩnh viễn không thể được công khai. Sản phẩm nào “cố đấm ăn xôi” cũng không tạo được hiệu ứng đáng kể. Đơn cử như bộ phim Mỹ nhân, nhận nhiều chỉ trích và phản đối trước khi được giới thiệu nên sau khi ra rạp, bộ phim của đạo diễn Đinh Thái Thụy không thể trụ lại tại các phòng vé quá một tuần.

Hiệu ứng tiêu cực này của nhiều phim càng khiến nhiều nhà sản xuất e dè hơn trong việc làm phim cổ trang. Người làm thì lo bị phản đối, lo bị lỗ còn khán giả Việt thì vẫn luôn đói phim cổ trang. Dustin Nguyễn đặt ra câu hỏi khiến nhiều người suy nghĩ: "Chẳng lẽ mình cứ tiếp tục quanh quẩn làm mãi một thể loai phim hài thôi sao? Chúng ta phải làm nhiều loại phim mới nữa để đa dạng hóa nền điện ảnh của mình chứ. Tôi tin mình không phải là người duy nhất nghĩ như vậy". 

Chia sẻ của Dustin Nguyễn một thực tế khá đau lòng cho nền điện ảnh Việt ở thời điểm này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Kiều Thuận ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN