Từ chối "Tấm Cám": Tổn thương sẽ giúp phim Việt trưởng thành
Việc bộ phim Tấm Cám: Chuyện chưa kể của NSX kiêm đạo diễn Ngô Thanh Vân không được chiếu tại các cụm rạp của CGV đang trở thành tâm điểm trong lĩnh vực giải trí những ngày này, khi mà ngày công chiếu bộ phim đã cận kề.
Cảnh trong phim Tấm Cám.
Dù đã có thông tin chính thức nhưng những người quan tâm vẫn đang kỳ vọng 30 chưa phải là tết, và mọi quyết định vẫn có thể thay đổi vào phút chót, để đường đến với khán giả của Tấm Cám: Chuyện chưa kể, trở nên thoáng rộng hơn.
Đặt trường hợp xấu nhất kết quả cuối cùng không đổi, thì bộ phim của Ngô Thanh Vân sẽ vắng mặt tại khoảng 40% số rạp chiếu trên cả nước. Khi đó, người dân tại một số tỉnh thành vùng xa sẽ khó mà coi được chuyện cổ tích chưa kể của Việt Nam ra sao. Phản ứng trước thông tin này, đặc biệt là sau khi Ngô Thanh Vân bật khóc khi chia sẻ tại buổi họp báo, nhiều người tỏ ra thương phim Việt bị chèn ép ngay trên sân nhà, nhiều người tức giận đòi tẩy chay CGV...
Tuy nhiên, cần bình tĩnh hơn trong cách nhìn nhận sự việc, nhằm tránh cho mình khỏi một thái độ tiêu cực.
Tấm Cám: Chuyện chưa kể là bộ phim được đánh giá cao bởi giới chuyên môn và truyền thông
Trước hết phải thấy việc đưa Tấm Cám ra rạp là một thương vụ làm ăn, mà các bên cần đạt được một thỏa thuận trước khi đặt bút ký hợp đồng. Ở đây, hai phía đã không thống nhất được về tỉ lệ ăn chia nên hợp đồng không được ký kết. Đó cũng là lẽ thường tình. Và khi một thương vụ không thành thì dĩ nhiên cả hai bên đều có những tổn thất nhất định.
CGV sở hữu đến 40% số rạp chiếu hiện có trên cả nước, nên khi không ký được hợp đồng phát hành với CGV thì đây là một thiệt thòi đáng kể cho nhà sản xuất. Họ sẽ phải tính đến bài toán làm sao thu hút được người xem đến các rạp còn lại tăng gấp đôi để bù vào khoảng bị thiếu hụt này. Bài toán xem ra không dễ có lời giải.
Nhưng nói như vậy không có nghĩa là chỉ có nhà sản xuất chịu thiệt. CGV cũng tổn thất đáng kể. Tấm Cám: Chuyện chưa kể là bộ phim được đánh giá cao bởi giới chuyên môn và truyền thông, kể cả về chất lượng phim cho đến chiến lược quảng bá. Câu chuyện Tấm Cám vốn đã quá quen thuộc đối với bất cứ người Việt Nam nào, nên sẽ thích hợp cho mọi đối tượng khán giả, lại thêm yếu tố “chuyện chưa kể” vốn dĩ rất gây tò mò.
Bên cạnh đó là dàn diễn viên được yêu thích, có nhiều fan hâm mộ nên dễ dàng kéo đông đảo fan đến rạp ủng hộ. Và như vậy là tiềm năng khách của bộ phim này rất lớn. Số khách đó thay vì đến CGV, rạp chiếu phổ biến nhất hiện nay, họ sẽ tìm đến các rạp chiếu khác, khiến CGV bị thất thu.
Chỉ khi chứng tỏ cho đối phương thấy thực lực của mình, không cần phụ thuộc vào họ thì vị thế của phim Việt mới có thể được thay đổi.
Trong cuộc giằng co này, mỗi bên đều có lý của mình, và chưa chắc bên nào đã chịu thiệt hơn bên nào. Khi thương trường là chiến trường thì tình cảm khó lòng xen vào được. Cần ý thức điều này để tránh quan điểm phải “nhẹ tay” với phim Việt.
Và khi đã chấp nhận một cuộc chơi sòng phẳng thì cũng cần đối mặt với thực tế. Do đó, trách móc, giận dữ không phải là một thái độ tích cực, nếu không muốn nói là có phần trẻ con. Bài toán khó đã được đặt ra. Thay vì trách móc, đổ lỗi cho nhau thì tốt hơn là đi tìm lời giải càng sớm càng tốt. Với lợi thế một phim tốt, đã được sự ủng hộ của dư luận sau những tổn thương về mặt phát hành, thì Tấm Cám: Chuyện chưa kể có thể sẽ thừa thắng xông lên, thậm chí tạo nên một phong trào ủng hộ phim Việt mạnh mẽ chưa từng có.
Chỉ khi chứng tỏ cho đối phương thấy thực lực của mình, không cần phụ thuộc vào họ thì vị thế của phim Việt mới có thể được thay đổi. Điều này cần nỗ lực, không phải chỉ qua một bộ phim, một nhà sản xuất mà là cả một quá trình lâu dài nâng tầm chất lượng phim Việt cũng như năng lực quảng bá. Đến lúc đó, chính các hãng phát hành sẽ phải tìm đến và NSX mới là người áp đặt luật chơi.