Trọng Tấn, Lương Nguyệt Anh "nể" cách truyền cảm hứng của Ruby Nguyen
Tối 2/7, tại Nhà Hát Lớn Hà Nội, nhà giáo dục, nữ diễn giả truyền cảm hứng, chuyên gia khai vấn Ruby Nguyen đã tổ chức đêm nhạc ra mắt cuốn sách đầu tay “Sống như bông pháo hoa”.
Đúng như Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng– đơn vị xuất bản sách nhận xét, đây là một sự kiện rất hiếm thấy bởi ít khi có một buổi ra mắt sách diễn ra tại không gian trang trọng của Nhà Hát Lớn, lại được thể hiện dưới hình thức đan xen giữa kể chuyện và âm nhạc, trọn vẹn và đẹp đẽ như bông pháo hoa bừng sáng rực rỡ giữa bầu trời.
Tại đêm nhạc, Ruby Nguyen tái hiện lại một phần không gian và nội dung cuốn sách cũng như những thông điệp mà cuốn sách hướng tới cho độc giả với sự hỗ trợ của MC Lê Anh cùng phần biểu diễn của Trọng Tấn, Lương Nguyệt Anh, Minh Đức.
Điều thú vị là bản thân Ruby Nguyen cũng chính là một nghệ sĩ, khi duyên dáng, uyên bác trong vai trò người kể chuyện, khi ngọt ngào khoe chất giọng nhẹ nhàng bay bổng ở phần song ca song ngữ cùng Lương Nguyệt Anh, khi vững vàng trong vai trò người lãnh đạo, định hướng chương trình.
Xuất hiện quyến rũ, đoan trang trong những bộ áo dài cầu kỳ, mái tóc dài tha thướt vấn nhẹ mang phong thái thanh lịch, sang trọng của thiếu nữ Hà Nội xưa, ngồi bên bàn trà, giữa những bông sen thơm ngát, Ruby Nguyen thậm chí khiến nhiều người trong khán phòng trầm trồ vì liên tưởng đến những mỹ nhân Hà thành xưa. Nhưng trên hết, sự thu hút của Ruby Nguyen đến từ một trí tuệ mẫn tiệp và một trái tim ấm áp. Điều đó làm nên sự kết nối đồng điệu, tuyệt vời giữa nội dung chủ đạo của mỗi chương sách “Sống như bông pháo hoa” và các tác phẩm âm nhạc được trình diễn.
15 năm sống và học tập tại Anh, hành trình trở về của tác giả chính là trở về với quê hương, với chính mình, với những gì thiêng liêng nhất. Sao Mai Lương Nguyệt Anh cất tiếng hát “Quê Hương” thay Ruby Nguyen nói lên tâm sự sâu thẳm trong cô.
Ngay từ lời mở đầu tác phẩm, Ruby nói tới cây thông. Cô viết: “Thông là loài cây đặc biệt, chúng có thể mọc cao tới vài chục mét chỉ với một thân khẳng khiu… Gió bão không dễ gì quật ngã được những cây thông tưởng như mảnh khảnh. Thông là một loại cây không đứng một mình, chúng mọc thành từng rừng, từng cụm…. Chính vì chúng đứng cùng nhau nên chúng che chắn gió bão cho nhau”.
Khi nhìn rừng thông, nữ diễn giả xinh đẹp ấy nghĩ tới con người. Nó thôi thúc cô viết sách cho những ai đang cô đơn và loay hoay trên đại dương cuộc đời, để cuộc đời bớt đi những cây thông đơn độc. Tư tưởng này gần như trùng khớp với ý nghĩa của ca khúc “Một đời người một rừng cây” của nhạc sĩ Trần Long Ẩn.
Khi Trọng Tấn thể hiện ca khúc tủ khoe chất giọng tenor cùng kỹ thuật điêu luyện cũng là lúc khán giả trong thính phòng có thể phiêu du, đắm chìm trong triết lý rất đời này.
Câu hỏi nhân sinh: Ta đang đi đâu và về đâu trong cuộc đời này lại rất gần với những gì Trịnh Công Sơn đã đặt ra trong “Một cõi đi về”.
Trọng Tấn tâm sự, khi nghĩ về những chuyến đi, người ta thường sẽ nghĩ đến những chuyến đi vật lý: đi làm rồi về nhà, đi lập nghiệp hoặc đi xa như Ruby rồi trở về tổ quốc. Thật ý nghĩa và đáng khâm phục khi những người trẻ tuổi như Ruby, đứng trên đỉnh đồi nhìn xuống, đặt câu hỏi: Chúng ta đang đi đâu trong cuộc đời này?
Ruby bộc bạch: “Tôi có hàng trăm chuyến đi. Trong hành trình ấy có bao giờ chúng ta tự hỏi: bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi, đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”. Cuối cùng Ruby nhận thấy: Chuyến đi không thể để lỡ là chuyến đi trở về. Sự trở về với Ruby như một trách nhiệm, như lời hứa với cuộc đời, một chí nguyện. "Hà Nội ngày trở về" với giọng hát nam tính, cao đẹp của Minh Đức đã nói thay nỗi lòng của cô gái trẻ.
Hành trình trở về những ngày đầu với biết bao xáo trộn, khi những ồm ào lắng xuống ở trong khoảng trống mơ hồ. Trên con đường rêu Đà Lạt, cô học cách tin ở những bước chân của chính mình, học cách đón nhận những khoảng trắng, chính khi ấy lòng can đảm và sự sáng tạo trở nên mạnh nhất, hiểu được: ta chẳng thể nào dừng những cơn bão ngoài kia, chỉ có thể dừng cơn bão trong lòng. Đó là khi lòng ta bình yên thênh thang. “Bình yên” của Quốc Bảo cũng tương đồng với những gì Ruby đã ngộ ra ở thời điểm đó.
Hành trình trở về là hành trình về với những yêu thương chân thật nhất. Tình yêu của vũ trụ bao chứa tất cả vượt qua thời gian không gian, mộc mạc và bất diệt, đôi khi chỉ dịu dàng như giọt nắng đùa nhẹ trên áo. "Điều giản dị" ấy được Lương Nguyệt Anh thể hiện qua giọng ca điêu luyện, đầy cảm xúc.
Dù còn rất trẻ nhưng Ruby đã đem đến câu trả lời xác tín cho những câu hỏi nhân sinh trăn trở của đời người, về những cống hiến, bao dung và tình yêu. Cô bảo: “Thay vì sở hữu hãy hiện hữu. Thông qua tình yêu không điều kiện và sở hữu, con người mới chạm đến sự an yên đích thực. Mọi thứ rồi cũng qua, chỉ tình thương ở lại. “Chỉ tình thương ở lại” với sự thể hiện của Minh Đức hay “Để gió cuốn đi” với sự thể hiện của Trọng Tấn chính là những lời ca gieo vào lòng người tư tưởng đầy nhân văn ấy.
Khi MC Lê Anh hỏi nghĩ gì về “Cho và Nhận”, Ruby đáp: phải là Nhận và Cho bởi cô quan niệm sống là đồng nghĩa với việc được nhận vô điều kiện, từ hơi thở, thân xác, tâm trí, vậy tại sao không cho đi? Nhân sinh hữu hạn nên hãy sống hết mình. Hãy sống sao cho không uổng một lần đến đi. “Sống như bông pháo hoa” có nghĩa khi làm gì cũng dốc trọn trái tim vào thứ mình làm, sống hết mình, rực rỡ.
Điều này không chỉ là tên sách còn là một triết lý sống, một con đường sống, tạo phép màu cho bản thân và thế giới để sống một cuộc đời xuất chúng. Đó phải chăng chính là những điều chứa đựng trong “Khát vọng”. Khi hai giọng ca xuất sắc Lương Nguyệt Anh và Trọng Tấn cùng hoà trong “Khát Vọng”, cả khán phòng ngập trong tiếng hoan hô và những tràng vỗ tay của khán giả. Lẫn trong đó là những tiếng hô “bravo” của T.S Nguyễn Mạnh Hùng từ hàng ghế gần sân khấu.
Điều đặc biệt là tất cả ca khúc trong chương trình đều được hát mộc với guitar. Ba giọng hát thực lực kết hợp cùng tiếng đàn tuyệt vời của nghệ sĩ Minh Hải vẫn đủ sang trọng nhưng không cầu kỳ, hướng khán giả chú tâm hoàn toàn vào ca từ, từ đó nghiền ngẫm tinh thần bài hát và quay lại, tìm thấy sự tương đồng phát triển ở cuốn sách “Sống như bông pháo hoa”.
Ở đêm trình diễn này, âm nhạc không phải để giải trí, mà là một nửa xương sống của chương trình, phù hợp trọn vẹn với tinh thần cuốn sách. Điều đó cho thấy các suy nghĩ, đúc kết của Ruby Nguyen không đơn độc, lạc lõng mà có sự tương đồng với tư tưởng của các nhạc sĩ tiền bối như Trịnh Công Sơn, Phú Quang, Trần Long Ẩn, Phạm Minh Tuấn, Quốc Bảo… - những người đã trải qua nhiều dâu bể hay cả những nhạc sĩ trẻ có nhiều trăn trở nhân sinh như Hồ Tiến Đạt.
Đêm nhạc với sự tham gia của đông đảo khách mời là các học giả, người thân, bạn bè, nghệ sĩ và những độc giả, những học sinh - những người đã bước qua được khó khăn của đời mình, tìm được giá trị của bản thân và vươn lên nhờ sự khai vấn của Ruby Nguyen trong suốt những năm qua. Họ đến từ nhiều nơi trên đất nước, thậm chí cũng đã đáp những chuyến bay dài từ Mỹ, Úc, Pháp, Singapore… để về dự chương trình.
19h chương trình mới bắt đầu nhưng từ 17h, khán giả đã xếp hàng trước cửa Nhà hát lớn để chờ đợi tham dự đêm nhạc.
Nguồn: [Link nguồn]
Qua clip đã làm lộ không gian vô cùng thơ mộng của gia đình Trọng Tấn. Nơi bé Nấm con gái anh đặt cây đàn nằm ngay bên hồ cá Koi rất rộng.