Trao nhầm con: 3 bộ phim khiến triệu người rơi lệ

Cách giải quyết của những vụ trao nhầm con trong phim Việt và phim nước ngoài khiến người xem không kìm được nước mắt.

Hai đứa trẻ

Trao nhầm con: 3 bộ phim khiến triệu người rơi lệ - 1

Câu chuyện về hai đứa trẻ, bé Thìn và bé Yến được đưa vào bộ phim tài liệu khiến người xem không kìm được nước mắt

Bộ phim tài liệu Hai đứa trẻ của đạo diễn Tạ Quỳnh Tư khiến ai từng xem đều phải rơi nước mắt. Phim kể lại chuyện chưa biết từ vụ trao nhầm con ở Bình Phước chấn động dư luận tháng 7.2016.

Hai đứa trẻ sau khi chào đời tại Bệnh viện Đa khoa thị xã Bình Long (Bình Phước) vào năm 2012 đã bị trao nhầm cho hai người mẹ nằm chung phòng. Nuôi nấng bé Thìn là vợ chồng anh Khiên, chị Trang nhưng anh chị không ngờ rằng con mình lại là bé Ngọc Yến đang ở với vợ chồng anh Tuấn, chị Liên. Sự thật chỉ được xác định bằng ADN khi các con 3 tuổi.

Chuyện con ai về nhà nấy tưởng như đơn giản nhưng sang chấn tâm lý mới là điều đáng sợ nhất trong hành trình trở về nhà. Bộ phim tài liệu không có lời dẫn, chỉ là những hình ảnh và câu nói của những người liên quan nhưng từng câu cất lên đều như xé ruột gan.

Chị Liên, người mẹ dân tộc S'Tiêng ngay từ đầu đã phản đối kịch liệt việc có người đến nhận con mình. Chị khóc không ngừng, ngã sụp xuống khi trao nhận con. Cuộc đấu tranh tinh thần ấy chỉ những ai từng trải qua cảm giác nuôi một người con suốt 3 năm bỗng nhiên có ai đó đến đón đi mới thấm được. Hình ảnh những giọt nước mắt, tiếng thở dài, tiếng van nài “Mẹ ơi mẹ lấy con lại nuôi đi mẹ” và những lần gặp gỡ của hai bên gia đình trở nên ám ảnh vô cùng. Những cuộc phỏng vấn ngắn nhưng chân thực mang lại cái nhìn đau đáu về chuyện trao nhầm con nhưng bộ phim tài liệu không nói tới những điều trách móc, chỉ có tình cảm của con người, sự yêu thương mong cả hai bé được học hành.

Trái tim mùa thu

Trao nhầm con: 3 bộ phim khiến triệu người rơi lệ - 2

Ưn-sơ và Chun-sơ trong Trái tim mùa thu làm người xem rơi nước mắt trong từng tập phim

Tác phẩm truyền hình của Hàn Quốc xoay quanh câu chuyện cuộc đời của hai đứa trẻ bị trao nhầm trong bệnh viện. Cũng từ đây, cả hai được sống trong những hoàn cảnh khác biệt, một người ở nhà giàu có còn một người ở với người mẹ đơn thân nghèo khó suốt ngày uống rượu. Cho tới thời điểm cả hai đứa trẻ đi học, sự thật mới được vỡ lẽ.

Trong phim, biên kịch đưa ra hướng giải quyết cho hai đứa trẻ bị trao nhầm là trở về với sự thật. Số phận đưa chúng trở về với cha mẹ ruột của mình. Gia đình giàu có không nỡ xa lìa người con gái họ đã yêu thương hết mực từ lúc sinh ra. Trong khi đó, người mẹ khốn khó một mình nuôi con cũng không nỡ xa đứa con mà thường ngày bà chẳng mấy khi đoái hoài, bởi dẫu sao cũng là tình cảm mẹ con chục năm.

Nhưng cũng từ đó, bước ngoặt của cuộc đời đẩy cả hai vào những chông chênh của tình cảm.

Ưn-sơ (Moon Geun Young thủ vai lúc nhỏ) là một cô bé ngoan hiền, học giỏi và xinh xắn. Khi được sống trong gia đình giàu có, Ưn-sơ vẫn rất tự lập, được bố mẹ và anh trai yêu thương hết mực. Lúc trở về với mẹ nuôi nghèo khó, cô bé không hề phàn nàn mà chỉ tiếc nuối vì phải rời xa những người thương yêu nhất đã gắn bó từ lúc sơ sinh tới khi lớn. Ưn-sơ khi trưởng thành trở thành một thiếu nữ xinh đẹp, mang trong mình tình yêu thương và nhớ nhung tới người anh Chun-sơ lúc nhỏ. Gặp lại nhau sau bao năm xa cách, Ưn-sơ và Chun-sơ lúc này biết rằng họ không phải là anh em, tình yêu cứ thế lớn dần sau những rung cảm. Bất hạnh thay khi Ưn-sơ mắc căn bệnh máu trắng, phút cuối đời đã nhắm mắt bên vòng tay của Chun-sơ.

Trích đoạn xúc động trong phim "Trái tim mùa thu" khi hai gia đình phát hiện ra chuyện nhầm con

Bộ phim đọng lại trong trái tim của người xem niềm xúc động, thương cảm cho số phận của cô bé Ưn-sơ. Thành công của phim giúp dàn diễn viên Song Hye Kyo, Song Seung Heon, Won Bin trở thành những ngôi sao hạng A. Cho tới 18 năm sau, người ta vẫn nhắc về bộ phim với tên tuổi của các ngôi sao này.

Like father like son

Trao nhầm con: 3 bộ phim khiến triệu người rơi lệ - 3

Hai gia đình trong câu chuyện trao nhầm con ở Nhật

Điện ảnh Nhật mang lại nhiều cảm xúc, được xem là tuyệt tác về tình cảm gia đình khi khai thác chuyện Like father like son.

Bộ phim mở đầu với hình ảnh của một gia đình ba người kiểu mẫu. Người bố, Ryota Nonomiya, là một kiến trúc sư thành đạt còn mẹ, Midori là một bà nội trợ kiểu mẫu cùng cậu con trai 6 tuổi. Bất ngờ một cuộc điện thoại từ bệnh viện thông báo cậu bé Keita thực chất không phải là con ruột của hai người, rằng bé đã bị trao nhầm.

Ryusei mới là con ruột của Ryota và hiện được nuôi dưỡng trong một gia đình có hoàn cảnh khác biệt, khi bố là Saiki - chủ một cửa hàng nhỏ còn mẹ làm thêm ở tiệm cơm.

Sau khi nhận ra sự tráo đổi này, hai đứa trẻ được đưa về với bố mẹ ruột. Phía nhà Ryota luôn đặt vấn đề tinh thần của những đứa trẻ lên trên hết trong khi nhà Saiki luôn ra rả kêu đòi tiền bồi thường.

Ryusei tưởng như được sống trong một gia đình hoàn hảo nhưng cậu bé lại luôn thấy buồn bã, lạnh lẽo trong căn hộ sang trọng. Bởi người cha thành đạt không có thời gian chơi đùa cùng con, anh ta luôn áp đặt suy nghĩ và tỏ ra lạnh lùng với con.

Trong khi đó Keita sớm hòa nhập với gia đình bố mẹ ruột dù kinh tế nghèo hơn hẳn. Vẻ ngoài người cha Saiki là một người bần hàn thô tục nhưng gia đình ông lại luôn tràn ngập tiếng cười nói.

Sau tất cả, cha ruột của Ryusei đã nhận ra được sai lầm của mình, rằng cuộc sống chẳng thể hoàn hảo nếu thiếu đi sự quan tâm dành cho con cái. Chính người cha nghèo khó Saiki đã giúp người cha giàu có Ryota biết cách làm một người cha là như thế nào.

Bộ phim đem lại nhiều xúc động và những cảm xúc thiêng liêng về tình gia đình. Phim từng đoạt giải tại Cannes và hai diễn viên nhí đã mang lại một câu chuyện tuyệt vời, bên cạnh diễn xuất thành công của tài tử Masaharu Fukuyama.

Cuộc giải cứu kỳ diệu đội bóng nhí Thái Lan được đưa lên màn ảnh

Bộ phim về hành trình đầy nước mắt khi giải cứu đội bóng Thái Lan đang được lên kế hoạch đầu tư.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo An An (Tổng hợp) ([Tên nguồn])
Hậu trường những ngôi sao Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN