Lưu bài Bỏ lưu bài
Chia sẻ

The Pot-au-feu (tên tiếng Việt: Muôn vị nhân gian) đã vinh danh Trần Anh Hùng với giải thưởng "Đạo diễn xuất sắc" ở Liên hoan phim Cannes 2023. Hiện tại, phim đang được chiếu tại Việt Nam.

 

- Cảm nhận đầu tiên của đạo diễn Trần Anh Hùng khi về Việt Nam?

Cái câu này nói sao ta (cười). Khó quá! Tôi nghĩ đó là “mùi”. Ngay từ lúc bước xuống máy bay, tôi đã rất hoài niệm với “mùi” đó. Vừa như mùi xăng dầu của máy bay vừa là mùi của đất trời. Tuy rằng qua thời gian, mùi này đã bớt đi bởi nhiều công trình xây dựng mọc lên nhưng nó vẫn rất đậm chất Việt Nam.

- Sau thời gian công chiếu, anh thấy khán giả đón nhận dự án này ra sao?

Khán giả có thể thích hoặc không. Người thích sẽ nói với tôi. Những người không thích, họ sẽ không nói gì cả. Thành ra những ngày qua, tôi chỉ nhận được nhiều lời khen phim.

- Trong các cảnh làm bếp, có cảm giác như camera nhảy múa theo từng động tác nấu ăn. Anh có gặp khó trong việc đồng bộ chuyển động của máy quay theo nhịp điệu nấu nướng đó?

Nó không phải là cản trở hay khó khăn mà là tôi đi tìm điều đó. Tôi muốn tạo ra một vũ điệu ballet trong nhà bếp. Tôi muốn đề cao chất hoàn hảo khi hai nhân vật chính làm việc trong bếp với nhau. Họ phải vừa di chuyển thoải mái, nhịp nhàng, vừa làm công việc rất phức tạp và nguy hiểm với lửa, dao và nước sôi. Tôi muốn để khán giả chứng kiến chính xác những biểu cảm hiện lên trên gương mặt các nhân vật cũng như bàn tay, cách thức họ làm việc. Đó là một điều phức tạp mà đoàn phim phải thực hiện và đã thực hiện được.

Bình thường, tôi không bao giờ chuẩn bị gì cả. Tôi luôn đến trường quay và sau đó xác định xem mình muốn quay từng cảnh như thế nào. Ngẫu hứng như thế nên các cảnh mang lại cảm giác tươi mới, thú vị. Nó giúp tôi luôn phấn khởi trong công việc.

Với tôi, mỗi dự án đều mang tính thử thách. “Muôn vị nhân gian” là một phim về tình yêu và ẩm thực. Tôi phải làm sao tạo được sự cân bằng được hai chủ đề này. Các cảnh làm bếp không được nhàm chán mà phải mang tính tả thực và thể hiện được tình yêu.

Tôi không bao giờ có sơ đồ phác thảo trước cho tác phẩm của mình. Cách làm việc của tôi chính là trong giai đoạn viết kịch bản, mình đã tưởng tượng ra câu chuyện sẽ diễn ra thế nào. Tôi dựa vào linh cảm để làm phim. Khi đã dựng hoàn tất, tôi mới biết rõ phim có màu sắc gì. Tất nhiên là quá trình đó cũng phải có một sự tính toán cao độ trong đó để làm ra một tác phẩm tốt gửi đến khán giả.

- Tên phim Pot Au Feu đọc khá giống phở, nhưng thực chất lại là món hầm tổng hợp nhiều loại thịt. Có phải anh đặt tên phim để gợi nhớ phở Việt?

Đúng là tôi có nghĩ đến. Có nhiều người nói món phở của mình xuất phát từ Pot Au Feu của Pháp. Tôi không biết rõ. Có lẽ là sự tình cờ. Phim tôi chuyển thể từ sách. Trong nguyên tác đó, ý hay nhất đó là nhân vật Dodin có suy nghĩ biến tấu một món ăn đơn giản, bình thường trong ẩm thực Pháp thành một món đặc biệt để mời một người quan trọng.

Tôi thấy sự liên quan giữa hai tên gọi với nhau và chọn đó làm tựa đề phim.

- Cảnh quay nào khiến anh xúc động nhất?

Đó là cảnh trước khi Dodin phát hiện Eugénie đã qua đời. Cả hai ngồi ăn chung món ốp lết. Đột nhiên Eugénie kể một câu chuyện. Tôi nghĩ người xem sẽ cảm thấy hơi khó hiểu vì nó không đơn thuần chỉ là một câu chuyện. Lúc đó, ngay cả Dodin cũng không biết cô muốn đưa mình đến đâu.

Với tôi, đó là một phân cảnh rất hay. Eugénie là một người phụ nữ rất mạnh mẽ. Dù Dodin đã cầu hôn mấy lần nhưng cô luôn từ chối. Vì cô ấy không muốn chỉ là một người vợ mà còn muốn giữ cho mình một nghề nghiệp, một quyền độc lập. Dù rằng cô ấy rất yêu anh ấy.

Trần Anh Hùng: Tôi muốn kiêu ngạo nói rằng mình chưa từng có tác phẩm không hay - 3
Video: Đạo diễn Trần Anh Hùng chia sẻ câu chuyện bà xã anh - Yên Khê - phải nhập viện cấp cứu vì áp lực làm phim.

 

- Các khung hình trong phim anh đều rất đẹp. Đẹp có phải là “gạch đầu dòng” đầu tiên anh phải thực hiện đối với mỗi tác phẩm của mình?

Không. Đẹp chỉ là tiêu chí bên lề. Với tôi, phim phải có ý nghĩa và tạo ra cảm xúc. Đây cũng là quan điểm chung của tôi và Yên Khê. Nếu sự diễn tả của mình đúng với cảm xúc của cảnh đó thì kết quả sẽ đẹp. Tôi muốn khán giả mang theo cảm nhận về cái đẹp ấy khi rời khỏi rạp, đi về nhà.

Theo thời gian, chủ đề hay câu chuyện của một bộ phim có thể sẽ trở thành một cái gì đó bình thường thôi. Nhưng “đẹp” vẫn trường tồn qua năm tháng, tạo cho khán giả một sự hứng thú đặc biệt. Chúng tôi quan tâm về điều đó.

- Anh hoàn thành “Muôn vị nhân gian” trong thời gian bao lâu?

Chúng tôi chỉ có 32 ngày để ghi hình. Trước đó là khoảng 25 ngày cho công tác chuẩn bị. Điều này thực sự là thách thức, kể cả khi làm phim về thời nay. Đằng này, tôi thực hiện một cuốn phim về thế kỷ 19, phải đảm bảo đúng mọi thứ từ bối cảnh đến phục trang. Đó là một câu chuyện rất phức tạp!

- Điều này gây khó khăn cho anh ra sao?

Tôi luôn xem tất cả những chuyện mình gặp là cơ hội, thách thức để mình làm ra một điều gì đó. Tôi giữ vững tinh thần đó cho mỗi bộ phim của mình, tất nhiên là cũng chỉ ở mức độ nào đó thôi.

Nhưng Yên Khê lại bị áp lực rất nặng. Trong quá trình làm phim, cô ấy phải đi cấp cứu 2 lần, lần thứ 2 khá nghiêm trọng. Đáng lẽ cô ấy phải nghỉ 10 ngày nhưng không, cô ấy bảo bác sĩ phải làm sao để cô ấy trở lại làm việc vào ngày hôm sau.

Đó là một khó khăn với chúng tôi vì ngân sách không đủ. Trong tương lai, nếu gặp trường hợp tương tự, tôi sẽ từ chối, không làm phim đó.

- Trần Anh Hùng thích người ta giới thiệu về mình là đạo diễn người Pháp gốc Việt, người Pháp hay người Việt Nam?

Hai từ “đạo diễn” thôi. Quốc tịch không quan trọng. Vì có thể xem điện ảnh như một quốc gia, có ngôn ngữ riêng. Tôi nói chuyện bằng ngôn ngữ đó, không phải Việt Nam hay Pháp. Nhưng tất nhiên trong đó, chất Việt Nam vẫn dồi dào.

Tôi nghĩ, làm phim cũng như làm nghệ thuật, phải dựa vào kiến thức. Nhưng quan trọng hơn là “sự nhạy cảm”. Mà với tôi, chất “nhạy cảm” đó rất Việt Nam, cả trong màu sắc điện ảnh lẫn cách xử lý câu chuyện, mối quan hệ giữa các nhân vật.

Trần Anh Hùng: Tôi muốn kiêu ngạo nói rằng mình chưa từng có tác phẩm không hay - 6
Video: Đạo diễn Trần Anh Hùng tự tin về việc chưa từng thất bại trong điện ảnh.

 

- Đạo diễn Trần Anh Hùng được giới truyền thông nhận xét là làm phim nào cũng hay, từ “Mùi đu đủ xanh” cho tới “Muôn vị nhân gian”. Vậy có bao giờ anh gặp thất bại trong điện ảnh chưa?

Tôi chưa gặp trường hợp như vậy. Tôi muốn kiêu ngạo một chút là mỗi khi quay xong một cuốn phim, dù rằng chưa bắt tay làm hậu kỳ, tôi vẫn biết là nó tốt, không hỏng. Đó là cái vốn của tôi. Từ đó, tôi tiếp tục tìm tòi, tiếp tục khai thác để làm sao biến nó thành tác phẩm còn tốt hơn. Tức là, tôi đã nhìn thấy cái hay của nó rồi, tôi cần phải làm cho nó hay hơn nữa.

5 năm làm một cuốn phim, sức sáng tạo của tôi vẫn dồi dào làm. Tôi chưa nghĩ đến việc mình sẽ bị “mắc cạn”.

Nhưng khi thời gian trôi qua, mình lớn tuổi và sức khỏe giảm sút thì có thể đó. Ví dụ bây giờ bảo tôi làm một bộ phim chiến tranh 100% quay trong rừng, tôi chắc sẽ không làm được vì sức khỏe.

- Trong phim, Dodin được mệnh danh là “Napoleon của giới ẩm thực” khi thiết lập quy tắc cho các bữa ăn, thực đơn. Vậy ngoài đời đạo diễn Trần Anh Hùng có sắp xếp mọi thứ và kỷ luật như vậy không?

Không đâu, tôi lười lắm, chỉ đến những phút cuối cùng tôi mới làm việc thôi. Rời khỏi máy quay, tôi không muốn suy nghĩ hay tập luyện gì cả. Tôi ngắm tranh, nghe nhạc, xem phim. Có thể nói thời gian tôi dành cho điện ảnh rất ít (cười).

- Anh có thường nấu ăn không?

Tôi không biết nấu ăn. Ở nhà tôi, đầu bếp giỏi là Yên Khê. Sau khi xong phim, tôi cũng tò mò và bắt tay nấu một món ăn. Tôi thực hiện 3 lần. Lần đầu tiên rất thành công, lần thứ 2 không được tốt lắm và lần thứ ba thì hỏng hoàn toàn. Bởi vì tôi muốn sáng tạo, thay đổi công thức này nọ thành ra bị hỏng. Tôi rút ra bài học rằng phải nắm giữ tính chính xác trong việc nấu nướng.

Tôi cũng có một người bạn nấu ăn rất ngon. Người đó nói với tôi để nói rằng mình biết làm một món ăn nào đó, ít nhất mình phải làm 8 lần. Tính ra, tôi còn tới 5 lần nữa (cười).

- Yên Khê làm chỉ đạo mỹ thuật, cố vấn trong hầu hết các bộ phim của anh. Anh tin tưởng tuyệt đối vào Yên Khê có phải vì chị ấy là vợ của mình?

Yên Khê có một mắt nhìn mỹ thuật rất tốt. Cô ấy có thể nhanh chóng phát hiện ra điều nào được, điều nào không được và xử lý ngay lập tức. Cô ấy giúp tôi rất nhiều trong công việc làm phim. Bây giờ, tôi tự hào nói với các bạn rằng, tất cả cái đẹp khán giả nhìn thấy trên màn ảnh đều là công của Yên Khê.

- Có phải vì cùng làm nghệ thuật nên tình yêu của anh chị bền vững?

Tôi nghĩ hai người có thể sống với nhau lâu dài thì phải biết nhường nhịn nhau. Nếu không, sẽ rất khó hòa hợp. Vì Yên Khê là một người rất cá tính. Cô ấy thường nói với tôi: “Em không phải là người khó tính, mà là kỹ tính”.

Yên Khê hỗ trợ tôi làm phim, còn khi Yên Khê vẽ tranh, làm tượng thì tôi chính là trợ lý cho cô ấy, đi mua khung gỗ hay họa phẩm khi cô ấy cần. Khi Yên Khê làm bẩn nhà cửa, tôi sẽ là người lau chùi, dọn dẹp, kiểu như vậy. Chúng tôi hỗ trợ, nâng đỡ nhau trong nghệ thuật.

- Sau 4 bộ phim ra mắt ở Việt Nam, anh có dự định làm một phim nói hoàn toàn bằng tiếng Việt?

Tôi đang làm việc với tác giả Nguyễn Khắc Ngân Vi để viết một kịch bản về số phận những người phụ nữ Việt Nam. Đặc biệt, tất cả đều là phụ nữ, không có đàn ông xuất hiện trong phim. Đàn ông chỉ được nêu lên trong các câu chuyện của phụ nữ.

Ngoài ra, tôi cũng đang phát triển cùng lúc một dự án về Đức Phật. Còn việc ra mắt tác phẩm nào trước thì tôi không quyết định được, tôi sẽ tuân theo tự nhiên. Đây cũng là lần đầu tiên tôi thực hiện 2 dự án cùng lúc.

Trần Anh Hùng: Tôi muốn kiêu ngạo nói rằng mình chưa từng có tác phẩm không hay - 9
Video: Đạo diễn Trần Anh Hùng nói về điện ảnh Việt Nam.

 

- Là một đạo diễn tài năng từng đạt nhiều giải thưởng lớn. Anh nhận xét thế nào về nền điện ảnh Việt Nam hiện nay?

Tôi ít xem phim Việt. Bộ phim gần nhất tôi xem là “Bên trong vỏ kén vàng” của Phạm Thiên Ân. Đó là một tác phẩm rất hay.

Tôi thấy ở Việt Nam bây giờ có nhiều đạo diễn trẻ có tài, thậm chí có vài nhân vật xuất hiện ở những liên hoan phim quốc tế. Bên cạnh đó, vẫn có những bạn trẻ chưa có cơ hội xuất hiện, còn đứng trong bóng tối làm việc.

Để làm được một bộ phim nghệ thuật ở Việt Nam là một chuyện vô cùng khó khăn, đòi hỏi ở người đó sự dũng cảm mà tôi tự thấy mình chưa có. Tôi rất phục các bạn trẻ ấy. Ngoài ra, tôi cũng tiếc vì hiện chưa có chính sách phù hợp để đưa điện ảnh Việt Nam phát triển. Chúng ta cũng có nền văn hóa đặc sắc như các nước bạn, đó là cái vốn để chúng ta dựa vào, sáng tạo. Vì thế tôi mong đợi sẽ có chính sách tốt hơn giúp đỡ những nghệ sĩ nước mình.

- Hiện tại cũng có nhiều đạo diễn sở hữu doanh thu trăm tỷ, thậm chí Trấn Thành còn đạt cột mốc nghìn tỷ?

Tôi nghĩ đây là điều quá tốt. Ở nước nào cũng vậy, mình cần có những bộ phim ăn khách. Tôi mừng khi Việt Nam cũng sở hữu thành tựu như vậy. Thành công của Trấn Thành là một điều tuyệt vời khủng khiếp, rất đáng quý. Đây chính là những bộ phim tạo nên màu sắc cho nền điện ảnh Việt Nam.

Có những nhà sản xuất theo đuổi thể loại mà họ chắc chắn sẽ thắng và giàu lên với nó. Nhưng bên cạnh đó, tôi mong họ sẽ đầu tư một phần nào đó vào những phim nghệ thuật để cân bằng lại.

- Theo anh, con số doanh thu có là thước đo cho sự thành công của một bộ phim?

Không, đây là câu chuyện mình theo đuổi cái gì. Tôi làm phim từ rất sớm, tôi nhìn thấy những điểm đặc sắc, riêng biệt của điện ảnh. Tôi khai thác vật liệu đó, tìm hiểu nó cho tới khi tôi chết.

Trong các workshop của tôi tại Việt Nam, tôi luôn nhắc nhở các bạn trẻ rằng, doanh thu là một yếu tố trong nghệ thuật. Các bạn phải lựa chọn quan tâm hay không quan tâm nó. Nhưng cũng có những bộ phim mang tính thương mại nhưng vẫn có chất liệu điện ảnh cao, ví dụ như các tác phẩm của Steven Spielberg.

- Sự cân nhắc đó có bao giờ làm anh trăn trở?

Không đâu, khả năng của tôi chỉ đến đó thôi. Bây giờ mà muốn làm bộ phim ăn khách rất nhiều cũng không được, vì tôi cũng không biết làm như thế nào.

Tôi muốn gửi lời đến thế hệ đi sau, các bạn cần cố gắng làm một bộ phim tốt nhất có thể. Nhưng trong đó phải chứa đầy chất điện ảnh và thể hiện khả năng của mình. Còn phim có ăn khách hay không, được giải thưởng hay không, không phải là chuyện của mình.

Theo quan điểm cá nhân của tôi, những giải thưởng không có giá trị nhất định. Nó chỉ là quyết định của một nhóm người gọi là ban giám khảo. Họ nhìn thấy bộ phim của mình cần có giải thưởng, thế là họ trao. Đây chỉ là sự may mắn thôi.

Mình phải hiểu có những bộ phim đoạt giải Oscar hay Cành Cọ Vàng chưa chắc đã là tác phẩm hay, có bộ còn cực kỳ dở. Vì thế, với tôi, giải thưởng không quan trọng, không có giá trị khẳng định khả năng của mình.

Nhưng cái đó sẽ giúp mình có thể làm bộ phim tiếp theo dễ hơn và nhanh hơn, với một ngân sách cao hơn.

- Anh có thần tượng hay quý mến ai trong nghề?

Thần tượng thì không, tất cả đều là bạn bè với nhau. Những người mà tôi hay gọi là “đi ăn trộm của nhau”. Trong nghề, chúng tôi có cùng tần số, cách suy nghĩ tương đồng, tìm tòi theo đuổi chủ đề cũng tương đồng nên cũng hay học hỏi nhau, “ăn trộm” điều này điều kia của người khác vào câu chuyện của mình (cười).

- Anh thấy điện ảnh Việt cần khắc phục điều gì?

Tôi không có cái nhìn đủ rộng để nhận xét điều này. Tôi chỉ theo dõi từng bộ phim một, để thấy được sự tiến bộ của các nhà làm phim.

Trần Anh Hùng: Tôi muốn kiêu ngạo nói rằng mình chưa từng có tác phẩm không hay - 12

Host: Như Ngọc

Thực hiện: Thúy Vi

Thứ Sáu, ngày 29/03/2024 16:30 PM (GMT+7)
Theo Vi Đinh ([Tên nguồn])
Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN