Trần Anh Hùng: LHP Cannes nên tiếc vì bỏ lỡ phim tôi
Bị LHP Cannes "lãng quên" sau nhiều năm được vinh danh, Trần Anh Hùng cho biết, anh không tiếc cho đứa con tinh thần của mình mà tiếc cho các LHP vì đã bỏ lỡ tác phẩm quan trọng mà không hay biết.
Phải mất 6 năm sau Rừng Na Uy, Trần Anh Hùng mới cho ra mắt bộ phim tiếp theo mang tên Vĩnh cửu (tên tiếng Anh là Eternite) – tác phẩm được anh lấy cảm hứng chuyển thể từ bộ tiểu thuyết Nét duyên goá phụ của nữ tác giả Alice Ferney.
Chia sẻ với chúng tôi, Trần Anh Hùng nói rằng chính quyển sách này đã gợi lên cho anh một thứ ngôn ngữ điện ảnh đặc biệt chưa từng có trước đây. Đạo diễn người Việt bắt tay viết kịch bản từ năm 2011 – tức chỉ 1 năm sau Rừng Na Uy nhưng phải mất đến 2 năm sau, bộ phim mới được khởi quay vì phải tìm kiếm nhà tài trợ.
Vợ chồng Trần Anh Hùng, Trần Nữ Yên Khê trong ngày về nước quảng bá phim Vĩnh cửu.
Bỏ phim của tôi là một mất mát lớn của Cannes"
Trước khi có danh sách những bộ phim được trình chiếu tại LHP Cannes, nhiều báo chí quốc tế đã dành lời khen ngợi và đặt kỳ vọng vào tác phẩm mới của Trần Anh Hùng. Bởi trước đây, các bộ phim của anh từng gặt hái nhiều giải thưởng và Trần Anh Hùng đã trở thành cái tên quen thuộc tại những sự kiện điện ảnh danh giá nhất thế giới.
Việc Vĩnh cửu bị loại khỏi Top 20 bộ phim tranh cử Cành cọ vàng 2016 khiến không ít người tiếc nuối. Khi được hỏi về điều này, Trần Anh Hùng cho biết, anh không buồn, cũng chẳng tiếc vì đứa con tinh thần của mình bị hắt hủi.
Vợ chồng nam đạo diễn chia sẻ: “Chúng tôi không tiếc cho Vĩnh cửu, mà chỉ tiếc cho chính LHP Cannes và những người làm chương trình này vì đã để hụt mất một bộ phim quan trọng.
Tôi buồn cho nền điện ảnh thế giới, lẽ ra với tư cách là những nhà giám tuyển, họ nên khuyến khích những tác phẩm sáng tạo, những người dám làm những điều mới mẻ, đột phá.
Nhưng lần này họ quá an toàn, chỉ lựa chọn những tác phẩm theo mô tuýp cũ mà không nhận ra những cái mới mà chúng tôi muốn truyền tải trong Vĩnh cửu.”
Trần Anh Hùng tiếc cho LHP Cannes vì đã bỏ lỡ một bộ phim quan trọng như Vĩnh cửu.
Vị đạo diễn từng giành giải Sư tử vàng cho hay, chỉ xét riêng về mặt ngôn ngữ điện ảnh, anh chưa thấy bộ phim nào trong thời gian này có những bước đột phá, mới lạ rõ rệt như Vĩnh cửu. Lần đầu tiên khán giả xem phim không dựa vào câu chuyện cụ thể, mà chỉ có thời gian trôi qua, từ đó, họ cũng nhìn thấy được chính cuộc đời mình trên màn ảnh.
Dù lỡ hẹn với Cannes, nhưng với Trần Anh Hùng, đây được xem là bước tiến mới, và cũng là bước đột phá quan trọng của anh sau nhiều năm theo đuổi nghệ thuật.
“Tôi tin khi Vĩnh cửu được ra mắt, bộ phim sẽ chạm đến cảm xúc người xem và được đông đảo khán giả đón nhận, thay vì trông đợi vào những người lựa chọn tác phẩm tại các LHP quốc tế”, Trần Nữ Yên Khê – bà xã Trần Anh Hùng nhận xét.
Bị ngôi sao Pháp phản ứng vì cách làm phim “không giống ai”
Trong Vĩnh cửu, các diễn viên có rất ít lời thoại. Xuyên suốt 110 phút trên màn ảnh, phần lớn thời gian khán giả chỉ được nghe những lời dẫn chuyện bằng tiếng Pháp của Yên Khê, và được xem dàn diễn viên lặp đi lặp lại những công việc, hành động hàng ngày.
Trần Anh Hùng đã bỏ qua toàn bộ cốt truyện, các nhân vật cứ xuất hiện theo từng phân đoạn ngắn mà chẳng có nội dung hay nảy sinh những mâu thuẫn, tâm lý nhân vật, thay vào đó, người xem chỉ cảm nhận được thời gian trôi qua không ngừng trên màn ảnh.
Trần Anh Hùng kể lại, một tuần trước khi phim bấm máy, anh vẫn chưa biết sẽ làm gì với Vĩnh cửu. Kể cả khi đã bắt tay thực hiện, ngoại trừ kịch bản chung, các diễn viên đến trường quay mà chẳng biết họ sẽ quay tiếp cảnh nào, bởi nhân vật không có lời thoại và tính cách cụ thể.
Bản thân đạo diễn cũng làm phim một cách bản năng. Anh chỉ cho các diễn viên biết họ sẽ làm gì dựa vào những bối cảnh được dựng tại trường quay.
Nữ ngôi sao người Pháp - Berenice Bejo (bên phải) phản ứng với cách làm việc lạ lùng của Trần Anh Hùng.
Cách làm phim lạ lùng của Trần Anh Hùng đã khiến dàn diễn viên chính gặp nhiều khó khăn trong lúc thực hiện. Thậm chí, nữ minh tinh Berenice Bejo đã có lần tức giận với đạo diễn và thốt lên rằng: “Tôi không muốn làm một con rối vô hồn để anh tuỳ ý điều khiển”.
Trần Anh Hùng biết rõ những diễn viên này đã làm việc rất nghiêm túc và suy nghĩ rất nhiều cho nhân vật của mình. Sau khi được giải thích cặn kẽ mọi khúc mắc, nữ diễn viên Pháp đã dần nắm được hướng làm phim của Trần Anh Hùng để tiếp tục hoàn thành tốt vai diễn.
Tuy có mức đầu tư lên đến 14 triệu USD, nhưng khi được hỏi về những kỳ vọng về doanh thu khi Vĩnh cửu được chiếu tại Việt Nam, vợ chồng Trần Anh Hùng lại tỏ ra khiêm tốn.
“Khi được công chiếu tại Pháp, đã có rất nhiều khán giả xem Vĩnh cửu và khóc, nhưng ở Việt Nam, chúng tôi không rõ thị hiếu của người xem tại đây.
Ngôn ngữ điện ảnh trong phim Vĩnh cửu rất mới và chưa từng có ở những phim khác, chúng tôi chỉ mong càng nhiều khán giả đến rạp càng tốt chứ không đặt nặng vấn đề thành tích doanh thu.
Hy vọng họ sẽ cảm nhận được phim và thấy xúc động khi xem Vĩnh cửu”, bà xã Trần Anh Hùng tâm sự.
Vĩnh cửu là bộ phim kể về câu chuyện của Valentine vừa tròn đôi mươi, kết hôn với Jules ở cuối thế kỷ 19. Và cuối phim là hình ảnh của 100 năm sau, cô cháu gái của bà đến từ Paris bách bộ trên một cây cầu và kết thúc cuộc dạo chơi của mình bằng đám cưới với một chàng trai mà cô phải lòng. Sự đan xen giữa hai thế kỷ đó là những biến động về tình yêu đôi lứa, tình cảm vợ chồng, tình mẫu tử,... của 3 người phụ nữ thời chiến. Giải thích về tựa đề phim, Trần Anh Hùng cho biết, sự vĩnh cửu ở đây là việc đàn ông đàn bà gặp nhau, họ yêu nhau, va chạm và có những đứa con. Rồi sau đó, những đứa con này lại sinh ra những đứa cháu, mọi việc cứ thế tiếp diễn theo thời gian. |