TikToker làm clip dọa ép ăn khiến trẻ em khóc thét gây tranh cãi dữ dội
“Phản cảm quá, trẻ con cần được yêu thương”, nhiều khán giả lên tiếng.
TikToker L.C nổi tiếng trên mạng xã hội với những clip vui nhộn gây cười. Thời gian gần đây, anh kết hợp cùng một người bạn làm series giả gái. Tuy nhiên, bên cạnh đó, clip TikTok cô Trinh dọa trẻ em ăn, ép ăn đang gây nhiều tranh cãi trong cộng đồng mạng.
Clip TikToker làm cô Trinh dọa trẻ em ăn được chia sẻ và xem nhiều trên mạng xã hội gây nên những tranh cãi
Trong tạo hình giả gái, TikToker L.C hóa thân thành cô Trinh, ánh mắt lườm nguýt đầy nguy hiểm, giọng dọa nạt: “Há mồm ra ăn hết bát cơm này cho cô Trinh nào, ngoan cô Trinh thương cô Trinh yêu, hư cô Trinh nuốt chửng nhá. Ăn đi. Nuốt hết bát cơm đi. Đừng để cô Trinh cáu”. Cùng với đó là phần âm thanh rùng rợn, những tiếng hù dọa khiến L.C được gọi là “ba bị”, “ông thìn” thời đại mới.
Trên một diễn đàn, bên cạnh một số cư dân mạng bênh vực cho rằng clip chỉ mang tính giải trí, hài hước thì nhiều ý kiến phản đối clip dọa trẻ em. “Phản cảm quá, trẻ con cần được yêu thương”, nick Hà Thái viết. Một bạn khác lên tiếng: “Hãy tôn trọng các con”. Bạn Thư Lê cho rằng: “Làm vậy bé sẽ thấy việc ăn cơm thật đáng sợ chẳng gì vui hay hấp dẫn khi phải ăn cơm”. Nhiều bạn nhận thấy đến bản thân còn sợ, huống chi là các em nhỏ. “Con tôi nó coi xong tự lấy điều khiển tắt luôn”, “Tôi xem xong còn muốn sang chấn tâm lý, huống chi mấy đứa nhỏ”, “Hôm qua mở cho con xem mà nó khóc luôn”, “Chỉ 1 lần duy nhất mở cho con, không bao giờ mở lần 2”… là những ý kiến không đồng tình với clip dọa nạt để ép ăn. Khán giả Phương Lê viết: “Bản thân mình còn bị ám ảnh chứ đừng nói con nít. Bạn L.C làm video hài giải trí cũng vui nhưng cái series này thật sự làm mình sợ lướt TikTok nhìn thấy, buộc phải unfollow (không theo dõi) và lập tức lướt lẹ khi ai đó duet hay repost (chia sẻ lại). Trẻ con còn nhỏ, không nên đưa những hình ảnh gây sợ hãi, chưa kể là gây hoang mang, gây khó hiểu cho các bé”.
Trên TikTok, một loạt những cụm từ tìm kiếm như “Cô Trinh dọa trẻ em", "Cô Trinh dọa ăn”, “Cô Trinh dọa trẻ con ngủ”… xuất hiện ngập tràn. Cùng với đó là những clip quay cảnh trẻ em khóc thét, sợ hãi khi xem clip bị dọa. Nước mắt ngắn nước mắt dài nhưng vẫn bị ép ăn và bị quay clip để đưa lên mạng xã hội. Đáng nói, những clip này lại có lượt xem cao, từ nửa triệu view đến cả 5, 6 triệu view/clip.
Trong chương trình "Góc nhìn văn hóa" của VTV1 phát sóng gần đây đề cập vấn đề "Bảo vệ trẻ em trên mạng xã hội"
Nhiều clip với nội dung tương tự về việc dọa trẻ em cũng xuất hiện trên nền tảng TikTok Việt. Mạng ảo nhưng tiềm ẩn những mối nguy cơ gây hại là có thật. Việc quản lý nội dung trên các nền tảng mạng xã hội, nhất là vấn đề liên quan tới trẻ em, càng cần được quan tâm tại nhiều quốc gia trên thế giới. Những hàng rào được thiết lập để bảo vệ trẻ em, thanh thiếu niên được nhiều nước đặt ra để áp dụng trên mạng xã hội như tại Pháp hay một số nước Châu Âu khác, trẻ dưới 13 tuổi không được sử dụng mạng xã hội. Quốc hội Singapore đã thông qua Đạo luật Tăng cường an toàn trực tuyến. Tại Việt Nam, trước tình trạng loạn nội dung phản cảm, nhảm nhí, độc hại trên các nền tảng mạng xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông mới đây cho biết sẽ có cuộc thanh tra toàn diện mạng xã hội TikTok và xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm.
Trong chương trình "Góc nhìn văn hóa" của VTV1 phát sóng gần đây nhấn mạnh: "Hàng rào chắn đầu tiên vẫn cần được xây dựng từ phía mỗi gia đình. Dù chúng ta chọn cách kiểm soát con trên Internet như thế nào, cách tốt nhất vẫn là hướng dẫn cho con các kỹ năng an toàn trên mạng, đồng thời xây dựng một mối quan hệ bền vững, thân thiết với chính con cái mình. Nhờ đó, các bậc cha mẹ có thể gần gũi, cởi mở với những vấn đề trong đời sống thực, và cả đời sống online của con cái mình. Có biết, có hiểu, mới có cách bảo vệ đúng đắn".
Một câu nói chửi thề trên sóng trực tiếp khiến MC nổi tiếng nhận án phạt nặng.
Nguồn: [Link nguồn]