Thời sự 19H bàn chuyện hoa hậu: “Trách các em 1 thì phải lên án ban tổ chức, ban giám khảo 10”
"Sự gia tăng các cuộc thi hoa hậu đang tỷ lệ nghịch với chất lượng", chương trình Thời sự 19H nhận định về thực tế hiện nay.
Trong chương trình Thời sự 19H ngày 5/8 đã đưa ra vấn đề "Sự nổi tiếng và hệ lụy" xung quanh chuyện hoa hậu.
Chương trình đưa ra nhận xét: "Hoa hậu chỉ đơn thuần là người đẹp nhất được chọn trong một cuộc thi sắc đẹp, hay còn phải có thêm những tiêu chí khác?
Mỗi năm ở nước ta có hàng chục đến hàng trăm cuộc thi liên quan đến sắc đẹp. Để nói là nhiều hay ít rất khó. Một người đẹp được chọn ra từ các cuộc thi đương nhiên sẽ là người nổi tiếng. Và cũng đương nhiên đi kèm với sự nổi tiếng là việc phải đối mặt với sự quan tâm của xã hội.
Chúng ta không phủ nhận những nỗ lực của các thí sinh tham dự cuộc thi nhưng liệu những nỗ lực đó đã đủ trang bị cho họ về tâm lý, về kiến thức để đảm nhận danh vị được trao hay chưa?
Danh thì thường hay gắn liền với giá. Và 1 câu hỏi cho mỗi chúng ta là có nên đặt sự quan tâm quá mức hay quá kỳ vọng vào một hoa hậu hay không? Vì một người đẹp xuất phát từ những cuộc thi mang tính chất giải trí là chính".
Sự nổi tiếng và hệ lụy
Thời sự 19H đưa ra vấn đề "Sự nổi tiếng và hệ lụy" xung quanh những cuộc thi hoa hậu
Tiếp đó chương trình đưa ra một số phát ngôn của hoa hậu, Á hậu đang vấp phải những tranh cãi như một cô hoa hậu từng phát biểu: “Trong khi bạn bè đồng trang lứa với em chỉ dành thời gian để ngủ, để chơi, để uống trà sữa thì em đã tham dự cuộc thi hoa hậu…” hay như việc một Á hậu kể tên 5 người nổi tiếng quê Nghệ An nhưng đưa cả tên bản thân và chị gái ruột lên trước cả Bác Hồ và nhà cách mạng Phan Bội Châu.
"Hãy khoan bàn về nhan sắc, với những phát ngôn này, tên của các cô gái này “gây bão” mạng xã hội, bị lên án, chửi bới, đòi tước vương miện", chương trình nhấn mạnh.
Một khán giả nữ chia sẻ quan điểm: “Đáng thương là trong độ tuổi 18, 20 thôi, chín chắn phát biểu ra những câu chọn lọc thì sẽ chưa tuyệt đối được. Có cái đáng trách mình là hoa hậu nhưng mình lại không hiểu biết".
“Trách các em 1 thì phải lên án ban tổ chức, ban giám khảo 10”
Nhà báo Hà Tùng Long quan điểm: “Lỗi nặng nề nhất thuộc về ban giám khảo trước tiên. Thứ hai, lỗi cũng rất nặng thuộc về đơn vị quản lý, đơn vị tổ chức. Họ là những người đã có một quá trình theo dõi, quan sát, tìm hiểu và thử thách các người đẹp này trong một cuộc thi để chấm chọn họ và trao vương miện cho họ”.
Biên tập viên của chương trình khẳng định: "Trách các em 1 thì phải lên án ban tổ chức, ban giám khảo 10”.
Chương trình tiếp tục với những minh chứng: "Nghị định 144 xóa bỏ cơ chế xin cho. Bất kì đơn vị, doanh nghiệp nào muốn tổ chức cuộc thi hoa hậu chỉ cần qua Sở Văn hóa địa phương mà theo quan điểm của không ít địa phương, thi hoa hậu góp phần kích cầu du lịch. Sự gia tăng các cuộc thi hoa hậu đang tỷ lệ nghịch với chất lượng".
Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức
Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức – Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, xã hội của Quốc hội – phát biểu: “Y phục chưa xứng với kỳ đức. Sắc đẹp là trời phú. Mỗi người được trời phú thì phải rèn luyện làm sao để mình có tri thức, tâm hồn, mình có nhân cách phù hợp với sắc đẹp ấy”.
Cách đây nhiều thập kỷ, một năm chỉ có 2-3 cuộc thi hoa hậu nên khi ấy, cả xã hội kỳ vọng, gắn vào chiếc vương miện đủ thứ. Đã đến lúc thay đổi quan điểm và tiêu chí về hoa hậu.
Nhà báo Vũ Quỳnh Hương chia sẻ: “Nếu như đặt cuộc thi hoa hậu lên thành một quy chuẩn của xã hội về mặt nhan sắc và trí lực thì rõ ràng đó là một tiêu chuẩn quá lớn. Chúng ta cần có sự chặt chẽ hơn, những quy chuẩn định lượng hơn trong các bộ tiêu chí cũng như cách mà chúng ta có thể huấn luyện những thí sinh khi bước vào một cuộc thi để có thể mang đến cho công chúng một cái nhìn đúng đắn, cái nhìn đẹp đẽ về phụ nữ của chúng ta”.
Kết thúc bản tin về vấn đề các cuộc thi sắc đẹp, chương trình khép lại với nhận xét: "Thi hoa hậu hay người đẹp suy cho cùng chỉ là những cuộc thi nhan sắc đơn thuần với tiêu chuẩn về gương mặt và số đo ba vòng. Đừng tuyệt vọng, tô vẽ hay tôn vinh chiếc vương miện. Báo chí cũng không cần tốn giấy mực. Nếu không sẽ còn nhiều cô gái thành nạn nhân của chính chiếc vương miện".
“Cái kết ở đây là mình chọn buông tay khi yêu thương vẫn còn", Cổ Ngân nói.
Nguồn: [Link nguồn]