The Voice từ chối Bolero: Có phải là sự “kì thị”?
Giọng hát Việt đang gây tranh cãi khi quyết định từ chối các giọng ca hát Bolero.
Tuyên bố từ chối các giọng ca bolero, chương trình Giọng hát Việt năm nay đang bị dư luận “phản pháo” khi cho rằng quyết định này thể hiện sự phân biệt đối xử về thể loại âm nhạc.
Trong khi trên thực tế, nhạc Bolero vẫn là nhu cầu của một bộ phận lớn công chúng. Vậy giới chuyên môn và chính những ca sĩ hát dòng nhạc này cảm nhận thế nào?
Sân khấu Giọng hát Việt 2017 thiếu vắng các giọng ca Bolero. Ảnh: TL
Cuộc chơi sòng phẳng?
PV Báo Gia đình & Xã hội đem câu chuyện này trao đổi với các nhà nghiên cứu, ca sĩ hát dòng nhạc Bolero và nhận được nhiều quan điểm thú vị.
TS - nhạc sĩ Phạm Việt Long chia sẻ : “Thú thực, tôi thấy hơi lạ vì có sự phân biệt như trên. Tuy rất tôn trọng Ban Tổ chức cuộc thi và không có ý định can dự vào việc ban hành quy chế, tiêu chí của họ, tôi vẫn thấy đáng tiếc. Tôi thấy nên để cho mọi người đều có cơ hội như nhau. Khi tham gia cuộc chơi, nếu ai giỏi thì người ấy thắng, bất kể là họ theo phong cách nào, thể loại âm nhạc nào. Không nên mặc định rằng có loại thí sinh nào đó không xứng đáng tham dự cuộc thi tài!”.
TS Phạm Việt Long dẫn chứng, theo Từ điển Bách khoa mở, Bolero Việt Nam (tiếng Tây Ban Nha: Bolero) là một điệu nhạc của Mỹ Latinh du nhập vào miền Nam Việt Nam từ thập niên 1950, được phổ biến cho đến nay.
Điệu Bolero không chỉ sử dụng trong các ca khúc “nhạc vàng” mà lác đác trong các nhạc phẩm khác của tân và “nhạc vàng” theo nghĩa phổ thông không chỉ theo điệu Bolero (còn có điệu Rhumba, Slow, Habanera...). Hầu hết các bài hát điệu Bolero ở Việt Nam đều có đặc tính chung là đậm chất dân ca, giai điệu đều đều, chậm, lời ca vần và dễ thuộc, chủ đề đơn giản, ít có tính hình tượng và triết lý.
Theo nhạc sĩ Phạm Việt Long, Bolero chưa bao giờ là một “dòng nhạc” mà chỉ là một điệu nhạc biến thể. Trên thế giới, có những ca khúc theo điệu Bolero ảnh hưởng khá rộng, mạnh tới đời sống âm nhạc như ca khúc “Đôi bờ” (Nga), hoặc “Besame mucho” (Mexico), do đó không nên thành kiến với điệu nhạc này.
“Từ góc độ văn hóa ứng xử, không nên có thái độ kỳ thị với loại nhạc nào đó. Nhân đây, tôi nói thêm một điều trăn trở, là loại nhạc “đỏ” - cách mạng - vốn đã có tác động vô cùng tích cực trong đời sống thời kháng chiến và những năm xây dựng đất nước gần đây, thì hầu như vắng bóng trên sân khấu “Giọng hát Việt”. Tại sao nhỉ?”, nhạc sĩ Phạm Việt Long bày tỏ băn khoăn.
Giám đốc âm nhạc The Voice - Hồ Hoài Anh gây tranh cãi khi tuyên bố không nhận các giọng ca hát Bolero.
Trước câu hỏi có chạnh lòng khi một cuộc thi quyết “nói không” với dòng nhạc Bolero, ca sĩ Hồ Quang Tám - một giọng ca “chung thủy” với nhạc này chia sẻ: “Tôi nghĩ đó không phải là đối xử mà dòng nhạc phải được đặt đúng sân chơi. Hát được Bolero, ghi dấu ấn tên tuổi với dòng nhạc này đồng nghĩa với chuyện đẳng cấp mới có được.
Thí sinh muốn thi hát Bolero đã có chương trình “Thần tượng Bolero” rồi. Sân chơi âm nhạc của Giọng hát Việt hướng cho dòng nhạc nhẹ nhiều hơn. Do vậy, Ban Tổ chức Giọng hát Việt không chọn thí sinh hát Bolero cũng có cái lý riêng. Nếu không phải Bolero mà là dòng nhạc khác, đừng tìm nghệ sĩ ngoài 70 tuổi lên sân khấu vẫn lung linh, thu hút hàng ngàn khán giả. Tóm lại, Bolero vẫn là đẳng cấp”.
Thí sinh hát Bolero có nhiều “yếu điểm”?
Trao đổi với chúng tôi về chủ đề Giọng hát Việt từ chối thí sinh hát nhạc Bolero, nhà nghiên cứu âm nhạc - nghệ sĩ Nguyễn Quang Long nhận định: “Tôi không coi việc sân chơi này không đón chào thí sinh hát Bolero là điều lạ. Mỗi chương trình đều có những quy định và chính những quy định tạo ra cái riêng cho nó.
Thậm chí, việc giới hạn có thể sẽ không làm hài lòng một lượng không nhỏ khán giả nhưng lại hữu ích cho chính bản thân chương trình. Chẳng hạn, nó giúp Giọng hát Việt có điểm riêng so với nhiều gameshow truyền hình khác.
Thử hình dung, nếu cứ để các thí sinh thoải mái thể hiện chỉ mỗi dòng nhạc sở trường thì Giọng hát Việt cũng sẽ na ná như nhiều cuộc thi khác. Kể cả những cuộc thi vốn không chỉ dành cho riêng âm nhạc, như “Tìm kiếm tài năng Việt Nam” hay “Nhân tố bí ẩn”… Bởi lẽ, dù có thể đó là một cuộc thi tổng hợp nhưng chủ yếu các thí sinh tham gia trong lĩnh vực ca hát. Điều này không có gì lạ đối với một đất nước yêu ca hát”.
"Mỗi chương trình đều có những quy định và chính những quy định tạo ra cái riêng cho nó".
Nghệ sĩ Nguyễn Quang Long phân tích thêm, Giọng hát Việt là sân chơi cho những giọng hát đa màu sắc, mang xu hướng thời đại, trong khi các giọng ca Bolero thường chỉ có thể hát tốt dòng nhạc này và bản thân dòng nhạc này chỉ thiên về tính trữ tình buồn chứ không đa dạng về màu sắc âm nhạc.
Giả sử, cứ cho là cuộc thi nhận thí sinh hát Bolero thì việc họ vượt qua các vòng, nhất là những vòng trong như “đối đầu”, liveshow luôn cần cái mới và trưng trổ khả năng là điều rất khó.
“Huấn luyện viên cũng có thể là một trong những yếu tố có tác động tới việc không có chỗ cho Bolero nhưng nó không phải lý do chính bởi họ hoàn toàn có thể mời ê-kíp có nghề tham gia hỗ trợ. Nói như vậy không có nghĩa phủ nhận Bolero. Các giọng ca sở trường Bolero hoàn toàn có thể tham gia rất nhiều cuộc thi dành riêng cho dòng nhạc hoặc cuộc thi tổng hợp. Vì vậy, đây chỉ có thể coi là sự khu biệt có chủ đích tạo nét khác biệt so với các sân chơi khác cho Giọng hát Việt mùa này mà thôi”, nghệ sĩ Nguyễn Quang Long nói.
Đề cập đến vị trí của dòng nhạc Bolero trong các gameshow truyền hình, ca sĩ Hồ Quang Tám thừa nhận, bản thân anh ít quan tâm tới các sân chơi này, vì giờ “loạn quá”.
Anh dẫn chứng thêm: “Ngày xưa, bậc tiền bối ít hoặc không thi thố, chỉ phát hành đĩa than vẫn trở nên nổi tiếng nhờ vào chất giọng lạ, không ai trùng ai và hát bằng năng lực của chính mình. Ngày nay, nhiều nghệ sĩ trẻ hay “dựa bóng” người khác để làm nghề. Một cuộc thi cũng rất cần thiết để chọn ra nhân tố âm nhạc mới. Tuy nhiên 80% các bạn trẻ hiện tại đang dựa bóng của các bậc tiền bối đi trước.
Ví dụ, họ hát chỉ để được khen là giống ai đó hoặc theo đúng nhạc beat của nghệ sĩ mình bắt chước thì mới hát được, còn lệch chút là chào thua. Sự “à uôm” hiện nay của các gameshow âm nhạc, sự đan chéo nhau ở các cuộc chơi đã làm cho thí sinh không còn ấn tượng mạnh với công chúng và trở nên lu mờ ngay khi đoạt giải”.
Theo nhạc sĩ Phạm Việt Long : “Tôi nghĩ rằng, mỗi ca sĩ tự biết mình phù hợp với dòng nhạc nào, với phong cách, kỹ thuật hát như thế nào. Khi đã chuyên về loại nhạc nào đó, họ sẽ tìm tòi, sáng tạo để thành công nhất trên loại nhạc đó. Riêng tôi quan sát, ngay cả những thí sinh trong mấy chương trình Giọng hát Việt thì cũng chưa thể hiện rõ tính sáng tạo theo hướng tạo ra những giá trị thẩm mỹ làm rung động lòng người. Trong khi đó, có những ca sĩ hát Bolero, tuy không có sự sáng tạo theo lối phá cách, gây ồn ào, mà lại có khả năng truyền cảm, gây xúc động cho nhiều người”. |