Thấy gì từ cơn sốt chưa từng có ở showbiz Việt
Sự thành công ngoài sức tưởng tượng của hai show Anh trai vượt ngàn chông gai (ATVNCG) và Anh trai say hi (ATSH) tạo nên “cơn sốt” chưa từng có ở showbiz, kéo nhiều khán giả vốn là fan Kpop, Jbiz, Cbiz, US-Uk quay đầu “đu” thần tượng quốc nội. Cột mốc từ hai game show truyền hình hot nhất 2024 phần nào lấy lại thị phần cho ca sĩ nội địa trước Kpop.
Văn hóa fandom Kpop, Cbiz thay đổi cục diện “đu” thần tượng quốc nội
Văn hóa fandom nhờ đó dần phổ cập với những màn kêu gọi ủng hộ, tạo dự án quảng bá như chạy màn hình LED quảng bá, dựng photobooth, treo standee, banner, gửi xe tải đồ ăn (food truck) tới sự kiện ủng hộ thần tượng.
Trong các sự kiện âm nhạc, concert, các hoạt động trao đổi, tặng thẻ bo góc (card) hình thần tượng diễn ra. Quà lưu niệm từ món đồ ăn nhỏ hay phụ kiện có hình thần tượng cũng được người hâm mộ phân phát, sôi động không khác gì concert tầm cỡ của nhóm nhạc hàng đầu Kpop đến Việt Nam.
Hai concert ATVNCG và ATSH hôm 19/10 đã cho thấy lượng food truck lớn từ 63 nam nghệ sĩ bố trí tại địa điểm tổ chức concert. Điển hình như fan Soobin Hoàng Sơn chạy màn hình LED từ Bắc tới Nam và tận cả Times Square (New York, Mỹ) quảng bá cho concert. Dự án mascot hoàng tử, xe bus 2 tầng, booth check-in hình ảnh nghệ sĩ cũng được fan triển khai. Hàng trăm triệu cũng được fan nam ca sĩ đổ vào dự án thiện nguyện, bình chọn giải thưởng trong khuôn khổ chương trình ATVNCG.
Soobin check-in tại booth quáng cáo do fan thực hiện. Ảnh: 8228.
Nhiều fan chia sẻ họ có kinh nghiệm “đu” thần tượng ngoại quốc, quen với hoạt động ủng hộ nên không khó khăn trong việc đưa văn hóa này du nhập vào Việt Nam, từ đó thay đổi cục diện “đu” idol một cách bài bản, không kém cạnh Kpop, Cbiz.
Cơn sốt của khán giả có duy trì được lâu?
Trước đây không có nhiều concert âm nhạc nội địa đủ sức hút và sức hấp dẫn để cạnh tranh với Kpop, sự xuất hiện của hai show Anh trai đang dần lấy lại thị phần cho các ca sĩ nội trong bối cảnh Kpop vẫn có sức ảnh hưởng lớn.
“Đây không chỉ là một cuộc đua về lượng vé bán ra mà còn là cuộc chiến về giá trị văn hóa. Các nghệ sĩ Việt Nam cần phát triển nội dung sáng tạo, hấp dẫn và phản ánh được bản sắc văn hóa dân tộc, qua đó kết nối với khán giả.
Concert ATVNCG hút 20.000 khán giả tham dự.
Việc đầu tư vào các sản phẩm âm nhạc chất lượng cao, những buổi biểu diễn được dàn dựng công phu, sẽ giúp tạo ra một hệ sinh thái âm nhạc vững mạnh” - chuyên gia truyền thông Hồng Quang Minh nói với Tiền Phong .
Chuyên gia chỉ ra việc sử dụng các nền tảng kỹ thuật số để quảng bá và tương tác với khán giả sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn cho nghệ sĩ trong việc khẳng định vị thế của mình. Đây thực sự là tín hiệu tích cực cho ngành công nghiệp giải trí Việt Nam.
Sự bùng nổ của 2 show Anh trai đang tạo ra những chuyển biến vượt trội đối với âm nhạc, cộng đồng fan của nghệ sĩ nội địa.
“Mặc dù sự ủng hộ cho các concert quy mô lớn như hai show Anh trai có thể mang tính thời điểm, nếu biết khai thác tốt, nó có thể trở thành xu hướng. Sự kết nối giữa nghệ sĩ và khán giả, cũng như cảm xúc mà buổi biểu diễn mang lại, là những yếu tố then chốt.
Các chương trình cần tạo ra những trải nghiệm đáng nhớ, không chỉ về âm nhạc mà còn về cảm xúc và câu chuyện” - ông Hồng Quang Minh nêu.
ATSH thành công tổ chức 2 đêm nhạc ở TPHCM, tiến tới concert ở sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội).
Ngoài ra, việc xây dựng cộng đồng khán giả trung thành qua các hoạt động hậu concert cũng sẽ góp phần duy trì sự quan tâm của khán giả trong dài hạn. Điều này không chỉ dựa vào việc tổ chức concert mà còn phải chú trọng đến các hoạt động quảng bá và tương tác liên tục với khán giả qua các nền tảng truyền thông xã hội, dù trong lúc gameshow còn hay đã kết thúc.
Khó khăn lớn nhất khi tổ chức concert tầm cỡ ở Việt Nam
Hai đêm concert cùng ngày, cùng thành phố Thủ Đức, TPHCM của hai show Anh trai có thể đạt đến con số hơn 40.000 khán giả mua vé xem trực tiếp. Nhưng trước đó, việc tìm kiếm địa điểm phù hợp đủ sức chứa cho hàng chục nghìn người là bài toán đau đầu.
BTC hai bên đều lựa chọn khu đất trống để dựng sân khấu lớn. Đồng ý với điều này, chuyên gia cũng nhận định việc tìm kiếm không gian tổ chức là một trong những khó khăn lớn nhất trong việc phát triển du lịch âm nhạc ở Việt Nam.
Hai concert ATVNCG và ATSH tổ chức cùng ngày 19/10. Trong tháng 12, hai show tiếp tục đưa concert đến Hà Nội, dự kiến thu hút hàng chục nghìn khán giả.
2 đêm concert BornPink của BlackPink tại Hà Nội diễn ra ở sân vận động Mỹ Đình - nơi có sức chứa hơn 40.000 chỗ ngồi. Trừ phần sân khấu lắp đặt, nhóm nhạc này thành công tổ chức 2 đêm diễn, mỗi đêm hơn 30.000 khán giả tham dự. Nhiều fan cho rằng BlackPink không tổ chức concert ở TPHCM do không tìm được sân phù hợp với quy mô khán giả.
Nói thêm về các yếu tố cho concert quy mô lớn, chuyên gia truyền thông Hồng Quang Minh cho hay: “Các địa điểm cần đáp ứng yêu cầu về quy mô, âm thanh, ánh sáng, cũng như khả năng tiếp cận cho khán giả. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng giao thông và dịch vụ hỗ trợ xung quanh cũng cần được cải thiện.
Một yếu tố quan trọng khác là sự phối hợp giữa các bên liên quan: chính quyền, nhà đầu tư, nhà tổ chức sự kiện và nghệ sĩ. Nếu không có sự hợp tác chặt chẽ và hỗ trợ từ các bên, việc tổ chức những sự kiện lớn sẽ gặp rất nhiều cản trở”.
Để phát triển bền vững, cần phải có những chiến lược dài hạn, không chỉ tập trung vào các sự kiện lớn mà còn cần phát triển hoạt động âm nhạc quy mô nhỏ hơn để tạo dựng nền tảng khán giả vững chắc và văn hoá xem concert văn minh hơn”.
Hai đêm nhạc hoành tráng, thu hút hàng chục nghìn khán giả của hai show "Anh trai vượt ngàn chông gai" (ATVNCG) và "Anh trai say hi" (ATSH) tạo nên...
Nguồn: [Link nguồn]