Thành Long dạy đệ tử cởi áo nghìn lần trên màn ảnh và ý nghĩa sâu xa
Bên cạnh võ thuật, Thành Long còn dạy học trò của mình về cách làm người.
"Cậu bé Karate" 2010 (The Karate kid) là phiên bản làm lại của bộ phim cùng tên rất nổi tiếng năm 1994 do đạo diễn Harald Zwart thực hiện. Bộ phim không chỉ thú vị về mặt nội dung, đẹp mắt ở những màn võ thuật mà còn chứa đầy ý nghĩa và cảm động về tình thầy trò.
Bộ phim "Cậu bé Karate" nói về tình thầy trò vô cùng cảm động.
Chuyện phim kể về cậu bé Dre Parker (Jaden Smith), 12 tuổi, theo mẹ di chuyển từ thành phố Detroit, Mỹ sang Bắc Kinh, Trung Quốc. Tại đây, vì ngỡ ngàng với cuộc sống mới, khác biệt về ngôn ngữ, Dre vô tình gây gỗ, đánh nhau với những học sinh Trung Quốc giỏi Kungfu cùng trường. Để lấy lại danh dự và cũng để chinh phục cô bạn gái Mỹ Anh xinh đẹp, Dre quyết tâm đi học võ. Và vị sư phụ dạy cậu bé chính là ông thợ điện bí ẩn sống cùng khu phố (Thành Long thủ vai).
Ngôi sao võ thuật Thành Long vốn được biết đến như một cái tên có khả năng gây cười trên màn ảnh rộng ở các bộ phim hành động hài hước. Tuy nhiên, vai diễn thầy Han - sư phụ dạy Kungfu của cậu nhóc Dre trong phim đã đem tới cho anh một hình ảnh mới sâu sắc và nội tâm hơn.
Video: Cảnh thầy Han (Thành Long) bắt học trò cởi áo - mặc áo - treo áo nhiều lần trong phim.
Một trong những phân đoạn ấn tượng nhất của bộ phim là khi võ sư Han chấp nhận dạy Kungfu cho cậu bé ngổ ngáo, yếu ớt nhưng có phần ngang tàng là Dre. Trong buổi học đầu tiên, khi Dre cứ mải miết nói về những ngón nghề và kỹ năng của mình thì thầy Han chỉ nhất mực im lặng.
Vị sư phụ này điềm tĩnh, nhẹ nhàng, quan sát và đánh giá mọi hành động của cậu học trò nhỏ mà không hề la mắng hay phán xét. Đến khi Dre đã ngưng nói, thầy Han mới thực sự xuất chiêu và dạy võ cho cậu bé bằng một phương pháp rất kỳ lạ.
Cách dạy đệ tử lạ lẫm của Thành Long trên màn ảnh.
Trước hết, sư phụ bắt Dre cởi áo khoác ra rồi treo lên cột. Cứ thế, ông yêu cầu học trò phải thực hiện một chuỗi động tác lặp đi lặp lại tưởng như vô nghĩa khiến cậu bé cảm thấy khó hiểu và có phần bực tức. Một trong những nguyên nhân chính khiến thầy Han bắt Dre thực hiện bài tập này là vì trước đó, vị võ sư đã từng chứng kiến hoc trò vô lễ với mẹ, không treo áo lên cột chỉn chu khi từ ngoài về nhà mà cứ thế quẳng áo ra đất.
Có thể nói, bài học vỡ lòng mà sư phụ dạy cho Dre không chỉ rèn luyện thể lực dẻo dai mà còn tập cho cậu một thói quen tốt cho bản thân. Thầy Han muốn dạy cậu về sự kiên nhẫn, thái độ tôn trọng với người lớn, nghiêm túc trong mọi việc dù là nhỏ nhất.
Bài học đầu tiên đã rèn luyện tính kiên trì và mang đến cho Dre một cánh tay chắc khỏe.
Khi về nhà sau buổi học đầu tiên, mẹ Dre hỏi cậu đã học được gì hôm nay, Dre đã nói rằng "không gì cả" nhưng sự vô thức đã dẫn cậu đến chỗ móc treo áo lên đó. Đó là hành động tưởng như bình thường nhưng đã khiến mẹ Dre vô cùng ngạc nhiên về sự thay đổi thái độ của con trai.
Không chỉ nghiêm khắc và tinh tế, nhân vật thầy Han của Thành Long cũng là một võ sư rất yêu thương và biết chia sẻ cùng học trò. Bằng chứng là ngay trong hôm sau, khán giả đã có thể thấy được hình ảnh sư phụ đứng che dù cho học trò thực hiện bài tập cởi áo - mặc áo - treo áo dưới mưa. Sự hy sinh ấy của người thầy khiến cho cậu học trò Dre nể phục và cố gắng hết mình.
Sư phụ không ngại mưa gió đứng che dù cho cậu học trò luyện võ.
Khi theo thầy học võ, Dre bắt gặp một người phụ nữ đang di chuyển theo con rắn. Thầy Han nói rằng cậu nhìn chưa đủ sâu vì con rắn thực ra đang cử động theo người phụ nữ. Ông miêu tả sinh động cho Dre bằng việc đòi hỏi cậu bé phải tự tập trung và tĩnh lặng. Khi cô gái tâm lặng như mặt hồ, con rắn không nhìn thấy ai ngoài chính nó. Nó di chuyển theo chiếc bóng qua đôi mắt cô gái. Nói cách khác, rắn đã bị thu phục. Ở đoạn cuối phim, Dre sử dụng chiêu thức "Rắn quyền" khi đấu cùng Cheng. Bởi đối thủ của cậu bé cũng không nhìn thấy ai ngoài chính bản thân mình nên đã thua cuộc.
Nguồn: [Link nguồn]
YouTuber Hàn Quốc gọi đây là vinh dự lớn khi được thi đấu với huyền thoại làng quyền Anh.