Thái giám đều là cao thủ võ lâm trên phim, ngoài đời thật thì sao?
Qua tiểu thuyết võ hiệp và tác phẩm điện ảnh, nhiều khán giả nhận định rằng thái giám thời xưa là các cao thủ võ lâm.
Không ít tiểu thuyết kiếm hiệp và phim truyền hình cổ trang Trung Quốc chọn hình ảnh một thái giám xấu xa, võ công cao cường làm nhân vật phản diện. Điều này khiến nhiều khán giả nhận định rằng thái giám thời xưa là các cao thủ võ lâm.
Hình tượng thái giám là cao thủ võ lâm trên phim
Trong các phim cổ trang Trung Quốc, thái giám là một trong những nhân vật ác độc, thâm hiểm và bị ghét nhiều nhất. Tuy nhiên, họ cũng chính là những cận vệ cao thủ võ lâm của các vị vua, ỷ thế cậy quyền điều khiển thiên hạ. Trên màn ảnh Hoa ngữ, có khá nhiều nhân vật thái giám để lại ấn tượng trong lòng người xem.
Ngày chưa có tên tuổi, Chân Tử Đan chấp nhận vào vai thái giám độc ác, giỏi võ công.
Nhắc đến cao thủ thái giám giỏi võ công không thể không nhắc đến Giả Kim Cúc do Lưu Tuân vào vai trong "Tiếu ngạo giang hồ" năm 1990. Nam diễn viên gạo cội với vai diễn hoạn quan nham hiểm, vô tình, dã tâm lớn cũng không ngờ lại gây được ấn tượng sâu sắc với khán giả. Nhờ vai diễn Giả Kim Cúc, Lưu Tuân giành tượng vàng Kim Tượng lần thứ 10.
Với ánh mắt gian xảo vốn có của mình, Chân Tử Đan được đạo diễn Lý Huệ Dân chọn vào vai thái giám Đông Hán Tào Thiếu Khanh trong phim "Tân Long Môn khách sạn" (hay Khách sạn rồng xanh) ra mắt năm 1993. Thời điểm đó, tên tuổi nam diễn viên sinh năm 1963 vẫn chưa được đánh giá cao, nhưng sau vai diễn này, anh đã tạo được hiệu ứng khá lớn khi vào vai một thái giám độc ác, võ nghệ cao cường.
Thái giám Vũ Hóa Điền do Trần Khôn thủ vai là nhân vật phản diện nổi tiếng trong bộ phim "Long môn phi giáp 2011" của đạo diễn Từ Khắc. Vai diễn này được đánh giá rất cao vì khả năng hóa thân xuất sắc của Trần Khôn. Ngoài ra, nam diễn viên đã lột tả phong thái, khí chất ung dung của một cao thủ thái giám không khác gì bậc vương tôn quý tộc.
Nếu bạn là fan của tiểu thuyết Kim Dung, không thể không ấn tượng với tay thái giám giỏi võ Hải Đại Phú trong "Lộc Đỉnh Ký". Dù không được nhắc đến nhiều trong phim, nhưng Hải Đại Phú lại được khán giả nhớ đến bởi có cá tính lươn lẹo, thủ đoạn, mưu mô.
Cao thủ thái giám trong lịch sử
Nhiều người tò mò đặt ra nghi vấn, liệu các thái giám thời phong kiến có thực sự là cao thủ võ thuật? Trước bí ẩn này, một số nhà nghiên cứu đã vào cuộc tìm hiểu. Theo các chuyên gia, hoạn quan ở Trung Quốc thời phong kiến gần như không có khả năng sở hữu võ nghệ siêu phàm như cao thủ võ lâm.
Các thái giám trong lịch sử không có nhiều cơ hội để học võ.
Nguyên do là bởi đa số thái giám xuất thân từ tầng lớp nghèo khó. Họ bị gia đình bán vào cung lấy một chút tiền để trang trải cuộc sống. Vì cuộc sống khó khăn nên gia đình không thể có tiền bạc để cho con bái sư luyện võ.
Ngoài ra, sau khi vào cung, thái giám là người hầu hạ hoàng đế và các phi tần. Hoạn quan luôn đi theo, chăm lo mọi nhu cầu của chủ nhân từ việc ăn mặc, nghỉ ngơi... Vì vậy, để chủ nhân cảm thấy thoải mái, thái giám tuyệt đối không thể có võ công. Việc học võ đối với thái giám là dư thừa bởi công việc chính của họ là hầu hạ, phục vụ chứ không phải bảo vệ an toàn trong cung. Họ cần học cách lấy lòng, nịnh bợ, mua vui và phục vụ tốt cho chủ nhân hơn là trau dồi võ nghệ, múa đao múa kiếm như các thị vệ.
Trịnh Hòa là thái giám võ công bậc nhất thời Minh.
Nếu để ý kĩ, các bộ phim cổ trang Trung Quốc với nhân vật phản diện là thái giám giỏi võ công thường lấy bối cảnh vào thời nhà Minh. Điều này không chỉ dựa vào trí tưởng tượng của biên kịch hay đạo diễn phim, mà còn có cơ sở lịch sử nhất định.
Thái giám nổi tiếng bậc nhất nhà Minh có thể kể đến Trịnh Hòa. Giữ chức đô đốc, ông đã 7 lần chỉ huy các hạm đội hải quân khổng lồ của nhà Minh thám hiểm những vùng biển xa xôi ở phía Tây. Vào thời điểm đông nhất, hạm đội thám hiểm do Trịnh Hòa chỉ huy lên tới 300 tàu thuyền. Theo Minh sử, Trịnh Hòa rất giỏi võ nghệ và có thân hình cao lớn, khỏe mạnh. Trịnh Hòa bị quân Minh bắt được sau trận chiến chiếm đóng Vân Nam và bị ép buộc trở thành thái giám dưới thời Vĩnh Lạc Đế.
Có thể thấy, dù khiếm khuyết về cơ thể, các thái giám thời xưa vẫn có thể cố gắng trở thành những người tài giỏi trên nhiều phương diện. Tuy nhiên, phần lớn những điều chúng ta thấy trên phim ảnh về võ công của thái giám chỉ là những chuyện thêu dệt.
Nguồn: [Link nguồn]
Nhiều người tò mò về cách xử lý các món ăn thừa trên bàn tiệc của vua trong khi thái giám hay cung nữ hầu hạ không dám...