Tây Du Ký: Sự thật ít biết về ngọn núi giam giữ Tôn Ngộ Không suốt 500 năm
Trong phim, Tôn Ngộ Không vì đại náo thiên cung mà bị Phật Tổ Như Lai nhốt 500 năm dưới chân núi Ngũ Hành Sơn. Tuy nhiên, trên thực tế, tại Trung Quốc không có ngọn núi nào có tên như vậy.
Tây Du Ký là một trong những tác phẩm kinh điển của văn học Trung Quốc, được xuất bản với tác giả giấu tên trong những năm 1590. Nhiều học giả sau này cho rằng, tác phẩm do Ngô Thừa Ân (sinh năm 1500, chưa rõ năm mất) - một nhà văn, nhà thơ thời Minh sáng tác.
Tây Du Ký bắt nguồn từ một câu chuyện có thật: Nhà sư trẻ đời Đường Thái Tông tên là Trần Huyền Trang, năm 21 tuổi đã một mình sang Ấn Độ tìm thầy học đạo. Ông ra đi từ năm 629 đến năm 645 mới về Trung Quốc, tổng cộng là 17 năm; trong đó, có 6 năm tu học ở chùa Na Lan Đà - một trung tâm Phật giáo hồi bấy giờ. Khi về nước, ông phải dùng tới 24 ngựa tải 657 bộ kinh Phật.
Câu chuyện có thật đó vốn đã mang màu sắc huyền thoại, được truyền tụng rộng rãi trong dân gian và được thần thoại hóa. Ngô Thừa Ân tuy là người tập hợp và "gia công" cuối cùng, nhưng với ngòi bút sáng tạo, tác phẩm của ông không những có dung lượng đồ sộ, mà tư tưởng gửi gắm được nâng cao, hình tượng nhân vật sống động, văn phong uyển chuyển, nhất quán.
Trong tiểu thuyết Tây Du Ký, nhà sư Huyền Trang (Đường Tam Tạng hay Đường Tăng) được Quan Âm Bồ Tát bảo đến Tây Trúc (Ấn Độ) thỉnh kinh Phật giáo mang về Trung Quốc. Ông đã giải thoát Tôn Ngộ Không khỏi núi Ngũ Hành, rồi lần lượt thu nạp các đệ tử Trư Bát giới, Sa Tăng và Bạch Long Mã (trong hình thể con ngựa).
Nhiều học giả cho rằng hình ảnh kết hợp giữa thầy trò Tam Tạng ẩn giấu một khái niệm về tâm. Mỗi nhân vật từ thầy trò Đường Tăng cho đến con ngựa đều biểu trưng cho một đặc tính thường thấy của nhân tâm.
Chuyển thể từ tiểu thuyết này, phim Tây Du Ký 1986 do Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), Cục Đường sắt Trung Quốc phối hợp sản xuất được xem là một bộ phim truyền hình kinh điển của châu Á. Bộ phim cũng đã lập kỷ lục phim truyền hình được phát lại nhiều lần nhất.
Lá bùa "trấn yểm" Tôn Ngộ Không dưới chân núi Ngũ Hành Sơn.
Trong phim, Tôn Ngộ Không vì đại náo thiên cung mà bị Phật Tổ Như Lai nhốt 500 năm dưới chân núi Ngũ Hành Sơn. Tuy nhiên, trên thực tế, tại Trung Quốc không có ngọn núi nào mang tên núi Ngũ Hành, Ngũ Hành Sơn vốn chỉ là địa danh xuất hiện từ tiểu thuyết.
Sự thật, cảnh quay Tôn Ngộ Không bị Phật Tổ giam dưới chân núi đã được thực hiện tại Thạch Lâm - một khu rừng đá tại Vân Nam, Trung Quốc.
Thạch Lâm nằm cách Côn Minh 78 km, thuộc huyện tự trị dân tộc Di Thạch Lâm, tỉnh Vân Nam. Tạo hóa đã ưu ái cho Thạch Lâm một phong cảnh thần tiên của đá và nước.
Được biết, từ 270 triệu năm trước, khu vực Thạch Lâm là một vùng biển nông nhưng sự biến động của vỏ trái đất khiến mực nước biển giảm, những tảng đá vôi khổng lồ nổi lên, trải qua sự bào mòn, lắng đọng của gió và nước mà đã hình thành nên những rặng núi đá vôi có hình dạng độc đáo và tuyệt đẹp.
Khu rừng đá Thạch Lâm
Thạch Lâm gồm hàng vạn trụ đá màu xám đa kích cỡ với nhiều hình dạng khác nhau, cột đá thấp nhất khoảng 10 m cao nhất gần 200 m so với mặt đất. Vào thời nhà Minh, khu rừng đá Thạch Lâm trải dài trên diện tích khoảng 400 km2 được mệnh danh là kỳ quan đầu tiên của thế giới.
Rừng đá Thạch Lâm đã được UNESCO công nhận là Vườn Địa chất thế giới vào năm 2004.
Qua phim Tây Du Ký, hình ảnh rừng đá Thạch Lâm được đông đảo khán giả trên thế giới biết đến và cũng thu hút lượng lớn khách du lịch.
Hiện nay tại Thạch Lâm có rất nhiều tượng, hình mô tả cảnh 4 thầy trò Đường Tăng đi lấy kinh.
Hốc đá tự nhiên vừa đủ 1 người chui vào nơi Tôn Ngộ Không bị Phật Tổ nhốt 500 năm cũng trở thành điểm check-in độc đáo giúp rừng đá Thạch Lâm thu hút khách hàng triệu lượt du khách mỗi năm.
Nguồn: [Link nguồn]
Trong ba diễn viên từng đóng Đường Tăng bản "Tây Du Ký" 1986, Từ Thiếu Hoa được khán giả gọi là "Đường Tăng đẹp nhất màn ảnh". Hiện ông ít đóng phim, chỉ hát đám cưới, dự sự kiện khai trương ở các tỉnh thành.