"Tân Lộc đỉnh ký" là thảm họa của năm 2020, phim Kim Dung thực sự đã hết thời?
Trái với sự kỳ vọng của khán giả, Tân Lộc đỉnh ký ghi tên vào danh sách thảm họa của điện ảnh Trung Quốc.
Mới đây, tờ Sina đưa ra danh sách những bộ phim truyền hình được xếp vào hàng thảm họa của năm 2020. Bộ phim gây thất vọng nhất chính là Tân Lộc đỉnh ký được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của cố nhà văn Kim Dung. Đây cũng là tác phẩm truyền hình duy nhất được gán mác "phim Kim Dung" được chiếu đài trong năm 2020.
"Tân Lộc đỉnh ký" khiến danh tiếng phim Kim Dung bị ảnh hưởng.
Tân Lộc đỉnh ký do Trương Nhất Sơn và Đường Nghệ Hân đóng chính được phát sóng trên đài CCTV 8 vào giữa tháng 11.2020. Bên cạnh đó, phim cũng đồng thời được chiếu trên iQiyi và Youku. Trước đó, Lộc đỉnh ký đã có vô số bản truyền hình và điện ảnh được chiếu ở Hong Kong và Đại lục. Chính vì thế, ngay từ khi phim mới bấm máy đã nhận được sự kỳ vọng của khán giả. Đáng tiếc, Tân Lộc đỉnh ký 2020 vừa lên sóng đã bị khán giả chê bai và chỉ trích từ diễn xuất đến việc dàn dựng cốt truyện, kịch bản phim rời rạc.
Trên Douban, phim chỉ còn 3,1 điểm tính tới thời điểm hiện tại (30.1.2021). Theo tờ Quang Minh nhật báo (Gmw), nhiều khán giả cho rằng, thất bại của Tân Lộc đỉnh ký là do nam chính Trương Nhất Sơn - người đảm nhận vai Vi Tiểu Bảo. Đáp lại những bình luận chê bai của cư dân mạng thời điểm phim đang chiếu, phòng làm việc của Trương Nhất đã phản hồi trên Weibo: "Vi Tiểu Bảo đang từng bước trưởng thành hơn, cảm ơn các bạn đã góp ý".
Trương Nhất Sơn bị chỉ trích vì diễn xuất cường điệu, khoa trương.
Về vấn đề này, Quang Minh nhật báo đã đăng tải ý kiến của Phó Giáo sư Trương Lâm Minh. Ông là một học giả chuyên nghiệp về điện ảnh, hiện đang là Giám đốc Khoa Điện ảnh và Truyền hình của Trường Nghệ thuật và Truyền thông thuộc cơ sở Châu Hải, Đại học Sư phạm Bắc Kinh. Trương Lâm Minh cho rằng, Tân Lộc đỉnh ký không được đánh giá cao, nhưng lỗi không thuộc về Trương Nhất Sơn.
Diễn viên thực lực nhưng hiệu quả không như mong đợi
Lộc đỉnh ký là một trong những tác phẩm của cố nhà văn Kim Dung được độc giả vô cùng yêu thích. Tác phẩm đã được chuyển thể thành nhiều phiên bản điện ảnh và truyền hình, trong đó có nhiều bộ phim kinh điển đem lại danh tiếng cho diễn viên.
Vai Vi Tiểu Bảo của Trần Tiểu Xuân là phiên bản thành công và xuất sắc nhất.
Đơn cử như Lộc đỉnh ký phiên bản 1998 do TVB sản xuất với sự tham gia của Trần Tiểu Xuân và Mã Tuấn Vĩ được 8,8 điểm Douban. Vai Vi Tiểu Bảo do "trai xấu" Trương Nhất Sơn đóng được cho là Vi Tiểu Bảo thành công nhất. Thậm chí, tài tử Hong Kong còn được khen là "Vi Tiểu Bảo bước ra từ tiểu thuyết".
Trương Nhất Sơn là người đảm nhận vai Vi Tiểu Bảo trong phiên bản mới nhất. "Trai xấu" sinh năm 1992 xuất thân là diễn viên nhí và được xếp vào hàng sao thực lực của Trung Quốc. Anh từng gây được ấn tượng với nhiều bộ ảnh như Nhà có trai có gái, Dư tội, Gió xuân mười dặm chẳng bằng em,... Trương Nhất Sơn được khán giả lẫn giới truyền thông công nhận về khả năng diễn xuất của mình dù ngoại hình không thuộc hàng đẹp trai thư sinh như nhiều nghệ sĩ nam khác.
Tài tử 9X từng được kỳ vọng sẽ làm nên chuyện với "Lộc đỉnh ký" .
Trước khi Tân Lộc đỉnh ký lên sóng, Trương Nhất Sơn được cho là có ngoại hình phù hợp với vai Vi Tiểu Bảo. Đó là chưa kể diễn xuất của anh cũng khiến nhiều người cảm thấy "yên tâm" khi diễn một nặng ký. Thậm chí, không ít người còn dự đoán rằng: Với kỹ năng diễn xuất tốt, cộng với kịch bản hay, đây chắc chắn sẽ là một bộ phim thành công.
Tuy nhiên, trái với kỳ vọng của khán giả, diễn xuất của Trương Nhất Sơn trong những tập đầu tiên đã bị cư dân mạng chế giễu và chỉ trích. Không những thế, có người còn chê bai cho rằng lối diễn cường điệu của nam diễn viên 9X trông giả tạo và biến Vi Tiểu Bảo thành một người giống như "khỉ". Điều này khiến nhiều người yêu mến Trương Nhất Sơn và giới truyền thông thắc mắc, vì sao một bộ phim có diễn viên thực lực tham gia, diễn xuất được công nhận lại không đạt được thành công như mong đợi.
Biểu cảm của Trương Nhất Sơn bị cư dân mạng chê bai giống như... khỉ.
Theo Gmw, một số nhà phê bình phim cho rằng, Vi Tiểu Bảo là một người có xuất thân hèn kém, có ưu và nhược điểm như bao người bình thường khác. Đây không phải dạng vai "anh hùng" theo ý nghĩa truyền thống như các tiểu thuyết khác của Kim Dung nhưng cũng hoàn toàn không phải một gã hề lưu manh, chuyên giở mánh khóe.
Vi Tiểu Bảo là kẻ tham tài, tham quyền dùng ba tấc lưỡi để đạt được mục tiêu nhưng hắn cũng là kẻ lập nhiều công lao cho vua Khang Hy. Việc thể hiện một Vi Tiểu Bảo thành công như tiểu thuyết bước ra là một thử thách khó với nhiều diễn viên.
Đáng tiếc, Trương Nhất Sơn chỉ thể hiện được sự khôn ranh của Vi Tiểu Bảo ở lời thoại và hành động. Lối diễn cường điệu của nam diễn viên sinh năm 1992 gây khó chịu cho người xem. Đây chính là lý do khiến một diễn viên thực lực như Trương Nhất Sơn bị chế giễu vì vai diễn thất bại.
Thất bại của "Lộc đỉnh ký" khiến danh tiếng Trương Nhất Sơn bị ảnh hưởng.
Vì có nhiều tác phẩm kinh điển trước đó, khi nhận lời đóng Lộc đỉnh ký, Trương Nhất Sơn có chút dè dặt. Giữa tâm bão bị chê bai, nam diễn viên 28 tuổi thẳng thắn đối mặt với vấn đề này trong một buổi phỏng vấn. Anh cho biết: "Xin đừng coi tôi là một diễn viên thực lực vì đôi khi tôi diễn không tốt".
Tài tử họ Trương cũng cho rằng, phiên bản mới của Lộc đỉnh ký có phong cách hài hước, chính vì thế anh cũng điều chỉnh diễn xuất của mình sao cho phù hợp với mạch phim.
Tăng giảm sự hài hước, tính cách nhân vật chưa hợp lý, ảnh hưởng đến cốt truyện
Theo Gmw, càng về sau mạch phim, diễn xuất của Trương Nhất Sơn đã tiến bộ hơn. Biểu cảm và hành động của anh đều tốt hơn các tập trước, không còn phô trương và giả tạo như lúc dầu. Tuy nhiên, điều này không làm thay đổi đánh giá chung của khán giả về phiên bản mới của Lộc đỉnh ký với số điểm cực thấp trên Douban.
Khang Hy, một nhân vật quan trọng không kém trong Lộc đỉnh ký được miêu tả trong phiên bản mới như một ông vua "nhát gan và ngốc nghếch", không thể hiện được sự sắc sảo và có tầm nhìn của một vị vua tài giỏi.
Vai Khang Hy của Trương Thiên Dương không gây được ấn tượng.
Tuy nhiên, Trương Thiên Dương - người đảm nhận vai Khang Hy sở hữu vẻ ngoài thư sinh, hiền lành, thiếu đi khí chất quyết liệt, mạnh mẽ của một nhà vua chân chất. Cư dân mạng còn đặt cho nam diễn viên biệt danh là Khang Ky "ngay thẳng và lương thiện nhất trong lịch sử".
Một nhân vật quan trọng không kém xuất hiện trong nguyên tác là Mao Thập Bát - kẻ có biệt danh Giang Dương đại đạo lại bị thay đổi hình tượng trong Tân Lộc đỉnh ký. Trong nguyên tác và một số phiên bản trước, Mao Thập Bát là một kẻ giang hồ đang bị truy nã gây rối ở Lệ Xuân viện, sau đó được Vi Tiểu Bảo cứu mạng. Vì nói khoác có thể đánh thắng Ngao Bái, Mao Thập Bát đành dắt theo Vi Tiểu Bảo tới Bắc Kinh. Sau khi vào Tử Cấm Thành, Vi Tiểu Bảo hại Hải công công mù mắt rồi giết chết tên tiểu thái giám hầu cận Tiểu Quế tử của lão, sau đó giả làm Tiểu Quế tử và quen biết với vua Khang Hy.
Trong các phiên bản trước, Mao Thập Bát thể hiện sự tức giận và khiển trách Vi Tiểu Bảo vì hành vi quăng vôi bột làm mù mắt kẻ thù trong cuộc chiến. Điều này không chỉ tạo dựng nên hình tượng hiệp nghĩa trong lòng Vi Tiểu Bảo mà còn giúp hắn tăng thêm khao khát trở thành một hảo hán giang hồ đích thực. Tuy nhiên, trong Tân Lộc đỉnh ký 2020, nhân vật Mao Thập Bát lại trở thành một kẻ tầm thường trong mắt Vi Tiểu Bảo.
Vai Kiến Ninh công chúa được đảm bảo thời lượng lên hình trong khi 6 bà vợ khác bị cắt xén vì tình tiết đa thê.
Tờ Quang Minh nhật báo cho rằng, việc gia giảm vai trò của một số nhân vật trong phim sẽ dẫn đến việc tăng vai trò quan trọng của các nhân vật khác. Đơn cử rõ ràng nhất là công chúa Kiến Ninh trong phim do Đường Nghệ Hân đảm nhận. Kiến Ninh là một trong bảy cô vợ của Vi Tiểu Bảo, đây cũng là nhân vật nữ duy nhất được bảo toàn gần như trọn vẹn thời lượng lên hình. Các nhân vật khác đều bị cắt xén một cách đáng kể khiến mạch phim rời rạc.
Được biết, Tân Lộc đỉnh ký bị cắt bỏ 15 tập phim vì tình tiết đa thê. Đây là lý do nhân vật Kiến Ninh công chúa được lên hình nhiều nhất và được đôn lên làm nữ chính. Tình tiết này bị khán giả chỉ trích phá vỡ nguyên tác tiểu thuyết của Kim Dung.
Phim chuyển thể từ tiểu thuyết của Kim Dung thực sự đã hết thời?
Trong những năm gần đây, các bộ phim truyền hình chuyển thể từ tiểu thuyết của cố nhà văn Kim Dung không được khán giả đánh giá cao. Ví dụ như Tân Tiếu ngạo giang hồ 2018 do Đinh Quán Sâm đóng chính hay Tân Ỷ Thiên Đồ Long ký 2019 của Tăng Thuấn Hy đều bị chê bai thậm tệ.
Hay Tân Thiên Long bát bộ của Dương Hựu Ninh được khởi quay từ năm 2019 song tới nay vẫn chưa được phát sóng, Ỷ Thiên Đồ Long ký 2020 bản điện ảnh do Lâm Phong đóng chính gây vô số tranh cãi.
Cố nhà văn Kim Dung.
Nhiều người thắc mắc, liệu có phải các tác phẩm phim ảnh chuyển thể từ tiểu thuyết Kim Dung đã hết thời.
Trả lời vấn đề này, Phó giáo sư Trương Lâm Minh - Giám đốc Khoa Điện ảnh và Truyền hình của Trường Nghệ thuật và Truyền thông thuộc cơ sở Châu Hải, Đại học Sư phạm Bắc Kinh khẳng định, độc giả và người hâm mộ của cố nhà văn vẫn còn rất đông đảo. Việc một số tác phẩm điện ảnh và truyền hình thất bại không có nghĩa là tiểu thuyết của Kim Dung đã mất giá trị thị trường.
"Trong phiên bản mới của Anh hùng xạ điêu năm 2017 do Dương Húc Văn và Lý Nhất Đồng đóng chính, các diễn viên chính hầu hết là người mới, nhưng phản hồi của khán giả rất tốt. Tôi cũng đã xem qua. Có thể nói đây là một phiên bản bám sát nguyên tác nhất từ trước tới nay. Các diễn viên trẻ đều nhập vai và kịch bản dàn dựng rất tốt", ông Trương Lâm Minh cho biết.
Ông Trương cho rằng, việc "Tân Lộc đỉnh ký" thất bại không có nghĩa là phim Kim Dung đã hết thời.
Ông Trương cũng cho rằng, mặc dù đánh giá của khán giả về Tân Lộc đỉnh ký không được như kỳ vọng, nhưng bản thân bộ phim vẫn có sự thảo luận cao. Thậm chí còn đạt được hiệu ứng "ngoài lề" vì những lời chê bai, điều này cho thấy rất nhiều người chú ý đến phim chuyển thể từ tiểu thuyết Kim Dung.
"Tôi thấy rất nhiều phương tiện truyền thông bình luận về bộ phim, các cuộc thảo luận giữa giáo viên và học sinh sinh viên xung quanh bộ phim cũng rất nóng. Điều này cho thấy các tác phẩm điện ảnh và truyền hình chuyển thể từ tiểu thuyết của Kim Dung vẫn nhận được sự chú ý của khán giả truyền hình", ông Trương Lâm Minh chia sẻ thêm.
Theo ông Trương, do sự phát triển của thời đại và sự tiến bộ trong nhận thức thẩm mỹ của khán giả, phim truyền hình chuyển thể có thể tiếp thu văn hóa hiện đại để thể hiện. Trương Lâm Minh tin rằng, dù khán giả được phân tầng theo độ tuổi nhưng tình yêu dành cho các tác phẩm xuất sắc đều là như nhau. "Một số diễn viên đóng phim của Kim Dung thành công mà chúng tôi biết đã có một lượng fan cố định, vì vậy những diễn viên này cũng sẽ mang lại theo dõi cho tác phẩm", ông Trương cho biết.
"Tân Lộc đỉnh ký" vẫn có tính thời sự, được nhiều người thảo luận dù bị chê bai.
Ông Trương Lâm Minh cũng khẳng định thêm, tiểu thuyết của cố nhà văn Kim Dung là được chuyển thể thành các tác phẩm điện ảnh và truyền hình sẽ không bao giờ hết thời hay mất thị trường khán giả.
"Tuy nhiên, nhiều nhà làm phim cần phải cẩn thận trong khâu sản xuất, đổi mới mạch phim hay cấu trúc nhân vật là vấn đề quan trọng nhất. Tuy nhiên, dù chuyển thể thế nào, mỗi nhà làm phim phải nắm được cốt lõi của kịch bản, cách trình bày nội dung, nhân vật, phải có cảm xúc thật, để khán giả có cảm giác nhân vật không bị làm mới thay thế bằng một nhân vật khác hoàn toàn nguyên tác", Trương Lâm Minh khẳng định.
Nguồn: [Link nguồn]
Sau 18 năm, bộ phim võ hiệp nổi đình đám này vẫn chưa có phiên bản thứ hai.