"Tấm Cám" và lùm xùm chuyện váy áo trong phim cổ trang Việt
Trailer "Tấm Cám:Chuyện chưa kể" lại làm dấy lên những tranh cãi xung quanh chuyện trang phục của những bộ phim cổ trang Việt.
Váy áo cho phim cổ trang Việt: Nhiều cái khó
Trong những bộ phim cổ trang Việt, vấn đề trang phục luôn khiến các nhà làm phim đau đầu. Nếu như ở Trung Quốc hay Hàn Quốc, vấn đề này có thể được dễ dàng giải quyết bởi những nhà sản xuất trang phục chuyên nghiệp cho phim cổ trang thì ở Việt Nam, đây vẫn là một vấn đề nan giải.
Trang phục trong "Lý Công Uẩn - Đường tới Thăng Long" được cho là quá giống phim Trung Quốc.
Phim cổ trang chưa bao giờ là một hướng đi thịnh hành ở Việt Nam bởi chi phí quá lớn và kĩ thuật hậu kì chưa tốt. Trong 5 năm trở lại đây, những bộ phim cổ trang chấp nhận được (được lên sóng và ra rạp) còn rất khiêm tốn so với những phim khai thác chủ đề hiện đại. Chính vì thế, khâu sản xuất trang phục cổ trang còn rất manh mún và thiếu chuyên nghiệp.
Để khắc phục tồn tại này, các nhà làm phim trong nước phải sang nước ngoài… thuê thợ may. Đơn cử như phim Lý Công Uẩn – Đường tới Thăng Long. Vốn là một bộ phim trọng điểm trong dịp kỉ niệm 1000 năm Thăng Long nên Lý Công Uẩn – Đường tới Thăng Long được đầu tư rất lớn với quy mô hàng nghìn diễn viên. Để áp ứng trang phục cho số lượng diễn viên này, nhà sản xuất phim phải sang Trung Quốc thuê thợ may.
Tuy nhiên, kết quả thu về là phần lớn trang phục đều được phía nhà sản xuất Trung Quốc thêm thắt những chi tiết không có trong kịch bản vào. Thêm nữa, các bộ áo giáp sử dụng trong phim, ê-kíp thực hiện phải thuê lại từ phía phim trường ở Trung Quốc để tiết kiệm chi phí. Đến khi bắt đầu công bố những hình ảnh hậu trường, người ta mới ngớ người ra bởi bối cảnh và những trang phục trong phim giống phim cổ trang Trung Quốc đến 90%, không thể tìm được nét thuần Việt nào. Những rắc rối về trang phục và nội dung đã khiến Lý Công Uẩn – Đường tới Thăng Long không thể lên sóng.
"Tây Sơn hào kiệt" bị đánh gia là có phần trang phục rất cẩu thả.
Không được “may mắn” đầu tư nhiều tiền của như Lí Công Uẩn – Đường tới Thăng Long, bộ phim Tây Sơn hào kiệt của đạo diễn Lý Hùng có số kinh phí khá hạn chế nên khâu trang phục chưa được chăm chút. Phần lớn khán giả và giới chuyên môn đều nhận định trang phục của diễn viên luộm thuộm, pha tạp nhiều nét từ những trang phục biểu diễn như cải lương, tuồng, chèo,.. Nhiều người cho rằng đây là hậu quả có việc sản xuất trang phục không tuân theo bất cứ một quy chuẩn nào và được cho là đã không nghiên cứu các tài liệu lịch sử trong việc thiết kế phục trang.
Hình ảnh Lion King trên áo của nhân vật Châu Thế Tâm.
Bộ phim Mỹ nhân ra rạp vào cuối năm 2015 cũng hứng chịu búa rìu dư luận bởi cách làm trang phục khá cẩu thả và thiếu nghiên cứu kĩ lưỡng. Ngay khi vừa công bố trailer, dân mạng đã soi ra chi tiết chú sư tử trên trang phục nhân vật Châu Thế Tâm có in hình Lion King của hãng hoạt hình nổi tiếng Walt Disney. Nhiều người cho rằng, đó là sự cẩu thả và thiếu tôn trọng đối với một bộ phim lấy bối cảnh lịch sử Việt Nam ở thế kỷ 17...
Chính đạo diễn Đinh Thái Thụy của Mỹ nhân cũng đã lên tiếng trần tình về sơ xuất này: “Do hoàn cảnh làm phim lịch sử ở VN hiện còn rất khó khăn, phải liệu cơm gắp mắm, nên những sai sót xảy ra. Là người chịu trách nhiệm chính của một bộ phim, xin nhận ở tôi sự cầu thị và cho tôi được xin lỗi khán giả, giới làm nghề. Về phục trang, chúng tôi sẽ kiểm điểm lại các bộ phận để khắc phục tốt nhất khi phim ra chiếu rạp”.
Tấm Cám và cơn bão tranh cãi mới
Thời gian qua, bộ phim Tấm Cám: Chuyện chưa kể của Ngô Thanh Vân gây chú ý trên mạng xã hội khi tung ra trailer đẹp và khá kịch tích. Chỉ trong vòng chưa thấy một tháng, trailer này đã cán mốc trên 1 triệu lượt xem, trở thành một trong những bộ phim điện ảnh Việt có trailer hot nhất trong lịch sử.
Tuy nhận nhiều lời khen ngợi nhưng vẫn có người cho rằng trang phục trong Tấm Cám khá giống với nước ngoài, không phù hợp với phim cổ trang Việt. Cũng có ý kiến cho rằng, đôi chỗ trong Tấm Cám có trang phục rườm rà, tiểu tiết không cần thiết. Bộ giáp của “thái tử” Isaac cũng bị chê là nhìn hơi giả và có phần giống với những phim cổ trang Hàn trước đây như Truyền thuyết Ju-mông hay Nữ hoàng Seon Deok,…
Trang phục trong Tấm Cám: Chuyện chưa kể được đầu tư kĩ lưỡng nhưng vẫn vấp phải tranh cãi.
Trước những phản hồi này từ phía cư dân mạng, phía Ngô Thanh Vân đã lên tiếng để khẳng định Tấm Cám là một trong những bộ phim được đầu tư chỉn chu về mặt trang phục, chứa đựng nhiều tâm huyết và công sức từ phía nhà làm phim.
Phía sản xuất cho biết, trang phục của Tấm Cám: Chuyện chưa kể được thiết kết sao cho phù hợp với tiêu chí bám theo trang phục của người Việt xưa và nay, nhưng vẫn mang màu sắc điện ảnh giả tưởng, tiết chế tối đa các tiểu tiết không phù hợp, không rườm rà và lòe loẹt. Chất liệu phải sang trọng và tạo cảm giác thoải mái cho diễn viên suốt nhiều tháng đóng cùng phục trang đó.
Để tránh những chi tiết “hao hao” với phim cổ Trang nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, ekip của Tấm Cám: Chuyện chưa kể, ekip mất 4 tháng nghiên cứu trang phục xưa và vẽ hơn cả ngàn phác thảo để cố gắng tối đa tôn trọng tất cả chi tiết có thể.
Ngô Thanh Vân chia sẻ: "Khi bắt tay vào làm Tấm Cám: Chuyện chưa kể, tôi đã đặt ra tiêu chí cho ekip là phải làm một bộ phim thuần Việt.Vì thế chúng tôi đã mời những hoạ sĩ thiết kế giỏi nhất cùng cộng tác. Và trong những người cùng ekip xây dựng nên những ý tưởng đầu tiên là hoạ sĩ Phan Vũ Linh. Anh nguyên là giảng viên ĐH Mỹ Thuật TPHCM, từng tu nghiệp tại Đại học Academy of Art (San Francisco, Mỹ), họa sĩ Phan Vũ Linh có nền tảng kiến thức vững chắc về lĩnh vực thiết kế game và đồ họa".
Isaac và Hạ Vi trong một cảnh quay.
Trong 20 tỷ kinh phí làm phim, số tiền dành cho phục trang và đạo cụ chiếm phần khá lớn. Đa số được thiết kế và may mới theo ý tưởng phim và kích cỡ của diễn viên.
Ngô Thanh Vân cho biết, trong ý tưởng về trang phục, có thể thấy tiết hoa xen được làm nổi bật rất rõ. Đây là chi tiết mà "đả nữ" cho là rất thuần Việt và mang đậm dấu ấn dân tộc: "Sau khi phác thảo và tìm kiếm trong kho tàng Việt Nam, chúng tôi vẫn quyết định làm mới lại một biểu tượng rất quen thuộc là hoa sen. Chúng tôi đã xem xét rất kỹ tất cả các vật liệu,hình vẽ từ nhiều thời về hoa sen để đưa ra bản thiết kế cuối cùng. Biểu tượng hoa sen này cực kỳ quan trọng trong mọi thiết kế của phim, bao gồm cả đạo cụ triều đình và cả hoa văn trên áo".
Trong bộ áo gầm áo màu vàng của Tấm (Hạ Vi) trên poster, thực chất nữ diễn viên phải mặc 6 lớp áo, được dệt từ lụa mềm mịn tạo sự bay bổng nhẹ nhàng. Các chi tiết hình phượng, hoa sen đều được được thêu tay tỉ mỉ thể hiện nét đẹp dịu dàng, thanh cao.
Trong khi đó, Thái tử xuất thân gia đình hoàng tộc nên được mặc trang phục đặc trưng khá nặng, dày, nhiều lớp từ mũ đến giày. Ông Bụt (NSƯT Thành Lộc) được may riêng bộ áo trắng tinh nhiều lớp cùng bộ tóc chòm râu trắng xóa.
Bộ giáp của Isaac bị chê là nhìn hơi "giả" và giống cổ trang Hàn.
Nếu như trang phục cho nữ rất tốn kém về mặt thiết kế, thực hiện thì trang phục cho nam tốn về số lượng.
Chỉ tính tiêng quần áo quân lính, đoàn phim may mới toàn bộ, giày dép cũng được thiết kế riêng theo cỡ chân mỡi diễn viên. Đạo cụ cũng làm bằng tay, mài và điêu khắc tỉ mỉ và công phu.
Như vậy, khán giả có thể hoàn toàn hi vọng vào một bộ phim được đầu tư công phu về mặt trang phục, hình ảnh. Dù còn một số điểm chưa thể vừa mắt tất cả mọi người nhưng có lẽ Tấm Cám: Chuyện chưa kể sẽ không đi vào lối mòn tiêu cực như Tây Sơn hào kiệt hay Mỹ nhân.