“Sum vầy đêm trăng" của người nghệ sĩ là được cùng nhau thăng hoa trên sân khấu
Với những con người thuộc về sân khấu, những vở diễn ngày Trung thu mang đến những xúc cảm đặc biệt. Ấy là khi họ chấp nhận hy sinh khoảnh khắc cận kề bên gia đình để dành trọn sự sum vầy cho khán giả. Và ấy là khi họ nhận ra, được đứng trên sân khấu này cùng những người làm nghề chân chính, được hiện diện và kết nối với những tâm hồn đồng điệu dưới kia, được đón nhận những tràng vỗ tay tán thưởng cũng chính là cảm giác đoàn viên đầy trân quý.
Bước lên sân khấu kịch, một lần nữa, người nghệ sĩ được sống lại tuổi thanh xuân
Mỹ Uyên tiếp xúc với sân khấu kịch từ những năm tháng theo học tại trường Sân khấu Điện ảnh, bắt đầu với những vai quần chúng nhỏ vừa để luyện tập, trải nghiệm, vừa để thể hiện mình. Cơ hội diễn chính đến nhiều hơn, nhưng cô vẫn mất 3 năm loay hoay, mất phương hướng - cho đến khi lựa chọn trở lại sân khấu 5B vào năm 1997 với vai diễn trong vở kịch kinh điển - Con cáo và chùm nho. “Suốt 26 năm qua, tôi đóng hơn 100 vai diễn trên sân khấu kịch. Nhiều khi, nếu có cơ hội tham gia dự án phim điện ảnh, dù chỉ được thoại một câu duy nhất tôi đã thấy hạnh phúc vô cùng.” Tất cả những hỷ-nộ-ái-ố của sân khấu kịch, Mỹ Uyên đúc kết lại trong lời tâm tình với học trò mình: “Khó khăn trăm bề cũng không bỏ nghề.”
Mỹ Uyên trân trọng mọi giây phút được sống với nghệ thuật (Ảnh: Facebook Mỹ Uyên)
Thời gian qua đi, những người nghệ sĩ năm nào không còn giữ được tuổi xuân trên gương mặt, nhưng sân khấu là nơi họ đem thanh xuân quay trở lại, để trái tim được rung động với cảm xúc và đam mê. Tình yêu nghề và tình yêu của người hâm mộ là thứ nuôi dưỡng ngọn lửa nghề của họ cháy mãi. Sân khấu ấy, đã lâu chưa được lấp đầy. Nhưng có hề chi, bởi nơi ấy vẫn tồn tại những tâm hồn nghệ sĩ còn nôn nóng chờ đến khoảnh khắc được bước ra từ sau cánh gà, hiện diện trước khán giả. Những tâm hồn thỏa mãn cháy với lửa nghề suốt 2 tiếng thăng hoa.
Với Mỹ Uyên, sân khấu sẽ không bao giờ mất đi. “Tôi vẫn lưu giữ ký ức về những đêm kịch mùa lễ hội như dịp Tết, có đông khán giả Việt Kiều về xem. Những ký ức sống động và đầy cảm xúc. Giờ mỗi tuần tôi nhận 2 suất diễn, cộng thêm 2 suất tại nhà hát kịch Thanh Thiếu Niên là 4 suất. Khi nhìn xuống hàng ghế khán giả, tôi nhận ra tình yêu với sân khấu, kịch nghệ không chỉ hiện diện ở những con người thế hệ cũ. Tôi bắt gặp những đôi mắt trẻ thơ háo hức ngước lên sân khấu. Những đôi mắt trở đi trở lại không gian này 6-7 lần, tới khi đã tự tin thu được toàn bộ màn diễn vào trí nhớ. Có cháu bé hồn nhiên chia sẻ với chúng tôi: Cô chú ơi, con đã vẽ tranh theo vở kịch này! Còn với các bố mẹ, từ nay trong danh sách hoạt động giải trí cuối tuần đã có thêm một gạch đầu dòng: Đưa các con đi xem vở kịch mà con thích.”
“Với nghệ sĩ chúng tôi, được gặp khán giả là một sự đoàn viên vô cùng trân quý…”
Trung thu là một dịp đặc biệt của nghệ sĩ: Trung thu rất gần với ngày Giỗ tổ nghề sân khấu, thường rơi vào ngày 10-12/8. Năm nào cũng vậy, sẽ luôn có một buổi diễn vào Tết Nghệ sĩ - họ hay gọi như thế - để lấy hên. Nghệ sĩ nghỉ ngơi 1-2 ngày, rồi tiếp tục hóa thân trên sân khấu đêm rằm Trung thu. “Trung thu nào rạp cũng sôi nổi hơn. Nhiều người không đi du lịch, không về quê, mà ráng làm xong xuôi mọi thứ vào ban ngày để tối đến thong thả đi xem kịch. Sân khấu sáng đèn, sáng cả tấm lòng người nghệ sĩ trên sân khấu”, Mỹ Uyên mỉm cười nhớ lại.
Mỹ Uyên đón Trung thu cùng các nghệ sĩ tại sân khấu kịch 5B (Ảnh: Facebook Mỹ Uyên)
Từ bao lâu nay, cùng nhau đi xem kịch tối Trung thu đã trở thành thói quen của nhiều gia đình tại Sài Gòn. Với họ, vở kịch đêm trăng rằm vừa là không gian để cả nhà sum họp đoàn tụ, vừa là một cách cầu sức khỏe, bình an, may mắn mà họ gìn giữ bao đời nay.
Đó là lý do vì sao đêm diễn Trung thu còn “đặc biệt” ở một điều nữa: Người người đi chơi, còn nghệ sĩ… đi làm. Ngang trái hơn ở chỗ, thường nghệ sĩ coi dịp Giỗ tổ nghề là thời gian nghỉ ngơi. Nhưng nhiều nghệ sĩ sẵn lòng dành thời gian chuẩn bị, tập luyện kỹ lưỡng để chuẩn bị cho một sân khấu Trung thu rực rỡ.
Được diễn kịch trong dịp Tết Trung thu, dù là kịch vui hay buồn thì với Mỹ Uyên vẫn là trải nghiệm rất đặc biệt (Ảnh: Facebook Mỹ Uyên)
“Bản thân tôi cũng muốn để dành trọn vẹn ngày 12/8 cho nghệ sĩ nghỉ ngơi, rồi đến ngày 15, tôi thuyết phục anh chị em đi diễn. Nếu có một điều ước, hẳn tôi sẽ ước Trung thu đừng rơi vào cuối tuần, để chúng tôi cũng được tận hưởng thời gian sum vầy bên gia đình mình.” Nghệ sĩ hy sinh những sum vầy riêng tư, cá nhân vì khoảnh khắc đoàn viên của khán giả; nhưng trong tim họ, có lẽ tất thảy những hy sinh và cống hiến ấy xứng đáng được gọi là niềm hạnh phúc.
Để mỗi đêm Trung thu, thời khắc những người nghệ sĩ cùng ăn ngủ, luyện tập, cùng đứng chung và tỏa sáng trên sân khấu chính cũng tạo nên một định nghĩa sum vầy thật đặc biệt. Khi màn diễn chạm đến cảm xúc của khán giả và hình thành nên một thứ kết nối vừa diệu kỳ vừa riêng tư, thì ắt hẳn những người con người đang cống hiến hết mình dưới ánh đèn sân khấu cũng cảm nhận thật trọn vẹn cái gọi là “đoàn viên đêm trăng rằm". Và mong sao mùa Trung thu này cho đến mãi về sau, hàng ghế khán giả rồi sẽ được lấp đầy bằng những gia đình hạnh phúc, để sân khấu mãi sáng đèn, còn sum vầy thì mãi ở trong tim.
Nguồn: [Link nguồn]