Sự thật về ngọc tỷ của Tần Thuỷ Hoàng "đáng giá 15 toà thành"
Đến thời điểm hiện tại, tung tích về ngọc tỷ truyền quốc có giá trị bằng 15 tòa thành của Tần Thủy Hoàng vẫn còn là điều bí ẩn.
Sau khi thống nhất 6 nước chư hầu, Tần Thủy Hoàng cho người làm ngọc tỷ truyền quốc. Báu vật của vua Tần vô cùng quý giá với nhiều điều bất ngờ.
Khối ngọc khiến Tần Thuỷ Hoàng có giá trị 15 tòa thành
Tần Thủy Hoàng có tên thật là Doanh Chính, là hoàng đế đầu tiên của đất nước Trung Hoa thống nhất. Ông nổi tiếng lịch sử là ông hoàng tiêu diệt 6 nước: Hán, Triệu, Nguỵ, Sở, Yên, Tề chỉ trong 10 năm. Để chứng tỏ quyền uy tối cao của mình, Tần Thuỷ Hoàng ra lệnh cho thợ ngọc nổi danh thiên hạ thời bấy giờ là Tôn Thọ làm ngọc tỷ truyền quốc.
Tần Thuỷ Hoàng là hoàng đế đầu tiên của đất nước Trung Hoa thống nhất.
Tương truyền, ngọc tỷ truyền quốc của Tần Thủy Hoàng được khắc từ miếng ngọc Hòa Thị Bích (ngọc bích họ Hòa). Thư tịch cổ của Trung Quốc đều viết rằng, Hòa Thị Bích là “tuyệt thế bảo ngọc” cổ kim hiếm thấy và là báu vật truyền từ thời Xuân Thu ở nước Sở. Vào năm 283 TCN, ngọc bích họ Hòa đột ngột xuất hiện và trở thành quốc bảo của nước Triệu dưới giai đoạn trị vì của Triệu Huệ Văn Vương. Câu chuyện ngọc quý đến tai Tần Chiêu Tương Vương (cụ nội của Tần Thủy Hoàng).
Tần Vương viết một phong thư cho Triệu Huệ Văn Vương, đòi dùng 15 tòa thành đổi lấy Hòa Thị Bích. Tình hình khi ấy Tần mạnh Triệu yếu, Triệu Vương lại luyến tiếc bảo ngọc cho nên không biết cách xử trí ra sao. Sau đó, nhờ hiền tài Lạn Tương Như ra mặt giúp sức, Triệu Vương mới giữ được ngọc quý, từ đó mới xuất hiện điển tích Lạn Tương Như “hoàn bích quy Triệu”. Đến khi vua Tần diệt nước Sở (223 TCN) thì nắm được ngọc họ Hòa.
Hình dạng được cho là Hòa Thị Bích (ngọc bích họ Hoà).
Theo lệnh của Tần Thuỷ Hoàng, Tôn Thọ tỉ mỉ hoàn thành ngọc tỷ có hình vuông, bốn cạnh có chiều dài 4 tấc. Mặt dưới của ngọc tỷ vô cùng tinh xảo khi được khắc hình rồng uốn lượn cùng dòng chữ: "Thụ mệnh vu thiên, ký thọ vĩnh xương" (tạm dịch: “Phụng mệnh trời ban, mãi mãi trường tồn”). Các nhà nghiên cứu cho biết 8 chữ trên là bút tích của thừa tướng Lý Tư. Ông là người học rộng tài cao, viết chữ đẹp nức tiếng thiên hạ dưới thời nhà Tần.
Kể từ đó, ngọc bích họ Hòa trở thành ngọc tỷ truyền quốc của nhà Tần, mang ý nghĩa tượng trưng cho vương triều chính thống, ngôi vị và quyền lực tối thượng của hoàng đế. Tuy nhiên, nhà Tần chỉ tồn tại ngắn ngủi đến thời Tần Nhị Thế thì sụp đổ.
Ngọc tỷ truyền quốc bị thất lạc
Hình ảnh ngọc tỷ truyền quốc trên màn ảnh.
Sự kiện Triệu Cao giết Tần Nhị Thế xảy ra gây biến động, y từng muốn cầm ngọc tỷ xưng vương nhưng không được lòng tin của quần thần nên phải lập Tử Anh làm Tần vương. Sau khi lên ngôi không lâu, Tử Anh giết được Triệu Cao nhưng không cứu được cơ nghiệp nhà Tần. Năm đó, Lưu Bang hạ thành Hàm Dương, Tử Anh đem theo ngọc tỷ giao cho Lưu Bang để đầu hàng, sau đó Lưu Bang dâng ngọc tỷ lại cho Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ.
Với thắng lợi trong chiến tranh Hán - Sở, ngọc tỷ lại trở về với Lưu Bang và trở thành ngọc tỷ truyền quốc của nhà Hán. Ngọc tỷ truyền quốc được nhà Hán coi là báu vật, giữ trong cung ở Trường An, tượng trưng hoàng quyền. Do vậy, nó cũng là nguyên nhân của những cuộc tranh giành quyền lực và gây họa cho những người sở hữu.
Lưu Bang từng có trong tay ngọc tỷ truyền quốc.
Cuối thời Đông Hán, xảy ra loạn "Thập thường thị" (hoạn quan) và Đổng Trác. Đổng Trác thao túng triều đình, làm nhiều điều ác, các chư hầu họp lại đánh. Năm 190, Đổng Trác bị quân các trấn đánh bại, bỏ kinh thành Lạc Dương, mang Hán Hiến đế sang Trường An. Trước khi đi, y đốt phá kinh thành cũ.
Tướng chư hầu là Tôn Kiên tiến vào Lạc Dương bắt được ngọc tỷ trong giếng Chân Cung. Tưởng rằng có thể nhờ ngọc tỷ mà làm nên nghiệp lớn ai ngờ lại bị vong mạng vì báu vật này.
Video: Cảnh Tôn Kiên tìm thấy Ngọc tỷ truyền quốc trong "Tam quốc diễn nghĩa 2010".
Trong phim "Tam quốc diễn nghĩa 2010", khi đóng quân ở Lạc Dương, Tôn Kiên (Phạm Vũ Lâm) tìm được ngọc tỷ truyền quốc của nhà Hán vốn thất lạc. Sau khi có ngọc tỷ, y giấu mang về căn cứ để lập nghiệp riêng. Việc đó bị Viên Thiệu (Hứa Văn Quảng) phát hiện, Thiệu đòi ngọc tỷ nhưng Tôn Kiên chối rằng mình không bắt được ngọc tỷ. Thiệu bèn viết thư cho Lưu Biểu xui chặn đường ông về Giang Đông bắt nộp ngọc tỷ, cuối cùng Tôn Kiên bị mắc mưu Lưu Biểu nên khi trên đường qua sông đã bị phục kích trúng tên mà chết.
Kể từ đó, không ai biết ngọc tỷ ấy ở đâu, nó đột nhiên biến mất một cách đầy bí ẩn khoảng giữa năm 907 - 960. Dù vậy, có không ít lời đồn và ghi chép về ngọc tỷ truyền quốc của Tần Thủy Hoàng xuất hiện trong các thư tịch. Cụ thể, vào thời nhà Minh, nhà Thanh, người ta cũng từng phát hiện ra ngọc bích họ Hòa nhưng đa số đều cho đó là đồ giả. Từ đó đến nay, tung tích của ngọc tỷ truyền quốc vẫn còn là bí ẩn chưa có lời giải.
Nguồn: [Link nguồn]
Tương truyền rằng, những người nhìn thấy mặt mộc của thái hậu Từ Hy đều không ai có kết cục tốt đẹp.