Sự thật công nghệ kỹ xảo phim Hàn: Tự hào dấu ấn người Việt
Cùng nghe các chuyên gia phân tích về thực tế làm kỹ xảo hình ảnh trong phim Việt và phim Hàn.
Dấu ấn người Việt trong đồ họa hình ảnh phim Hàn
Các VFX Artist (chuyên gia kỹ xảo chuyên nghiệp) người Việt có tên trong phần credit (danh sách những người đóng góp cho bộ phim – PV) không còn là chuyện hiếm ở những bộ phim nước ngoài hiện nay, nhất là phim Hàn.
Nếu để ý, khán giả sẽ nhận thấy phần credit của Queen of tears (tựa Việt: Nữ hoàng nước mắt) vừa “gây sốt” khắp châu Á trong thời gian qua, có sự xuất hiện của hàng loạt tên tuổi người Việt. Họ góp mặt trong khâu làm kỹ xảo hình ảnh phim. Đây là những VFX Artist đến từ Skyfall VFX Studio, một studio Việt Nam từng tham gia rất nhiều dự án của Hàn Quốc. Một số dự án gần đây họ góp công sức về VFX có thể kể tới như: Parasyte: The Grey (Ký sinh thú: Vùng xám), Wedding Impossible (Hôn lễ bất khả thi), Gyeongseong (Sinh vật Gyeongseong)...
Đồ họa hình ảnh trong phim "Nữ hoàng nước mắt" do nhiều người Việt đảm nhận
Trước đây nhiều lần người Việt góp mặt trong công việc làm kỹ xảo, đồ họa về hình ảnh trong các dự án phim nổi tiếng của Hàn Quốc. Có thể kể đến việc VFX Artist người Việt xuất hiện trong credit của các dự án phim nổi tiếng toàn cầu như Sweet Home (Thế giới ma quái), Squid Game (Trò chơi con mực), Moving (Đội thiếu niên siêu đẳng), Penthouse (Cuộc chiến thượng lưu), Huyền thoại biển xanh, Parasite (Ký sinh trùng)…
Phần credit của "Parasyte: The Grey (Ký sinh thú: Vùng xám)"
Credit của phim "My name"
"Sweet Home" được góp sức bởi rất nhiều VFX Artist người Việt
"The Glory" (Vinh quang trong thù hận) - bộ phim nổi tiếng của Song Hye Kyo cũng có mặt VFX Artist người Việt
Công nghệ kỹ xảo hình ảnh trong phim Hàn
Không thể phủ nhận công nghệ kỹ xảo trong phim Hàn ngày một nâng cấp, tân tiến, tạo nên hiệu ứng thị giác sống động.
Tuấn Hồ (phải) cùng Doãn Quốc Đam (trái) trên phim trường bộ phim "Đào, phở và piano"
Đạo diễn kỹ xảo điện ảnh Tuấn Hồ chia sẻ những đánh giá về công nghệ VFX trong phim Hàn. Anh nhận định: “VFX trong phim Hàn Quốc đã trải qua một sự phát triển đáng kể và đã đóng góp vào sự thành công của nhiều bộ phim. Các nhà làm phim Hàn Quốc thường đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ và các hiệu ứng VFX được thực hiện một cách chuyên nghiệp, ấn tượng.
Họ thường có những ý tưởng sáng tạo độc đáo khi sử dụng công nghệ VFX. Từ các cảnh hành động hoành tráng đến các cảnh phim kỳ ảo, nhằm tạo ra những trải nghiệm thú vị và độc đáo cho khán giả.
Mặc dù sử dụng VFX, nhưng phim Hàn Quốc thường giữ vững việc kể chuyện và phát triển nhân vật. Công nghệ VFX thường được tích hợp một cách hợp lý và tương thích với nội dung của phim, giúp tăng cường câu chuyện mà không làm mất đi tính nhân văn sâu sắc của bộ phim.
Có thể kể một số phim bom tấn Hàn Quốc gần đây áp dụng VFX và nhận được sự đánh giá tích cực từ khán giả như:
"Along with the Gods - Thử thách Thần Chết” : Bộ phim này sử dụng VFX để tái hiện các cảnh quay hành động và thần thoại với chất lượng hình ảnh sống động và ấn tượng. Khán giả đánh giá cao cách thể hiện của bộ phim và công nghệ VFX đã tạo ra một thế giới hư cấu độc đáo và hấp dẫn.
"Train to Busan – Chuyến tàu sinh tử": Với việc sử dụng VFX để tạo ra các cảnh quay zombie và hành động đầy kịch tính, bộ phim đã thu hút được sự chú ý của khán giả toàn cầu. Công nghệ VFX đã tạo ra những hình ảnh ấn tượng và mạnh mẽ trong bối cảnh kinh hoàng của một đại dịch zombie.
Hay "The Host - Quái vật sông Hàn”: Được biết đến với hiệu ứng hình ảnh và kỹ xảo VFX xuất sắc, bộ phim này đã thu hút được sự khen ngợi của cả khán giả và giới phê bình. Các cảnh quay về quái vật và hành động đều được tái hiện một cách sinh động và ấn tượng.
Các bộ phim này không chỉ được đánh giá cao về chất lượng kỹ xảo VFX mà còn về nội dung và diễn xuất, tạo nên những trải nghiệm điện ảnh đặc sắc và đáng nhớ cho người xem”.
"Đại hải chiến Noryang – Biển chết" là bộ phim nổi tiếng của Hàn Quốc, gây ấn tượng mạnh mẽ về hình ảnh
Trong khi đó, nhà sản xuất điều hành VFX Executive Producer Kuna Park của StoneV VFX Studio cho biết: “Đạo diễn Kim Han Min – đạo diễn của phim ‘Đại hải chiến Noryang – Biển chết’ đã thành lập Bigstone Studio Production – nơi lập kế hoạch và phát triển nội dung cùng với StoneV VFX Studio – nơi thể hiện nội dung đó bằng thẩm mĩ hình ảnh mang tính chất nghệ thuật.
Noryang là bộ phim bom tấn với khoảng 2000 shot CG (cảnh có dùng công nghệ đồ họa - PV). Để có thể tiến hành ngần ấy khối lượng shot, chúng tôi đã huy động một tập thể khoảng 20 đơn vị VFX trong và ngoài nước, với sự tham gia của khoảng 800 VFX Artist.
Hầu hết các cảnh hải chiến mang tính lịch sử kéo dài 100 phút xuyên suốt bộ phim đều được quay tại phim trường. Áp dụng kỹ thuật VFX như FX Simulation dành cho việc tạo ra vùng biển rộng lớn, thiết kế 3D layout khớp với những cảnh chiến đấu, tạo animation thuyền con rùa choáng ngợp v.v… Trong đó việc tạo ra VFX vùng biển đòi hỏi rất nhiều công sức và cần sự tập trung nhiều nhất để thể hiện sự ảnh hưởng của nước lên chuyển động của thuyền, mật độ nước …
Thể loại phim cổ trang vẫn còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Tôi cũng được biết ở Việt Nam cũng có rất nhiều những vị anh hùng không kém Lee Sun Shin. Tôi luôn muốn làm kỹ xảo VFX dựa trên câu chuyện của các vị anh hùng Việt Nam”.
Phông nền xanh được dùng trong các cảnh quay của "Đại hải chiến Noryang – Biển chết", sau đó bộ phận kỹ xảo hình ảnh sẽ xử lý để tạo hình ảnh mãn nhãn trên phim
Những bất cập ở VFX tại Việt Nam
Họa sĩ Vũ Viết Hưng phụ trách thiết kế bối cảnh trong nhiều bộ phim Việt Nam đưa ra nhận xét khi được hỏi về những bất cập: “Thực tế cho thấy kỹ xảo điện ảnh Việt Nam hiện nay đang dò dẫm tìm tòi và bị phụ thuộc vào kinh phí cũng như quy mô của phim. Giá thành vận hành một studio VFX không hề thấp. Chúng ta có sẵn nguồn nhân lực có chất lượng cao về kỹ xảo điện ảnh, đã gia công cho nhiều siêu phẩm Hollywood và Hàn Quốc. Nhưng khán giả vẫn chưa thấy nhiều tác phẩm điện ảnh trong nước được áp dụng kĩ xảo. Nếu có thì chất lượng cũng không cao, Các nhà sản xuất cũng không mạnh dạn đầu tư vào kỹ xảo nhiều. Suy cho cùng đầu tư vào kỹ xảo là một canh bạc đầy rủi ro. Kinh phí làm VFX tại Việt Nam là rất lớn, nằm ngoài tầm với của các nhà sản xuất trong nước. Với những phim bom tấn của Hollywood lên tới hàng trăm triệu đô còn Việt Nam thì kinh phí chỉ khoảng 1 đến 2 triệu USD”.
Khi hỏi chuyên gia Kuna Park về những khó khăn, thử thách trong việc hoàn thiện những kỹ xảo bối cảnh hoành tráng trong phim Hàn, bà cho biết: “Tất cả các VFX studio đều như nhau đặt mục đích chính của công việc là tạo ra thước phim chân thật nhất. Chúng tôi tìm kiếm rất nhiều tài liệu tham khảo để tạo ra khung cảnh và diễn hoạt mà đạo diễn mong muốn, đề ra các phương án hình ảnh rồi tiến hành thực hiện. Trên thực tế, chi phí sản xuất có hạn kéo theo sự hạn chế về thời gian sản xuất. Việc tạo ra sản phẩm chất lượng cao với lịch trình eo hẹp là điều rất khó. Tuy nhiên mặt khác, chúng tôi cũng phát triển hơn, tích lũy thêm nhiều kỹ năng và phát huy những tài năng tốt thông qua quá trình này”.
Đặt lên bàn cân so sánh VFX phim Việt và phim Hàn, họa sĩ Vũ Viết Hưng đánh giá: “Các chuyên gia trong cảnh hậu kỳ VFX của phim Hàn Quốc đang được nhận sự quan tâm lớn của các nhà sản xuất phim trên toàn cầu. Họ sử dụng thuần thục và đầy sáng tạo các hiệu ứng kỹ xảo, đã góp phần to lớn giúp các tác phẩm bom tấn của Hàn Quốc vươn tới tầm thế giới, cuốn hút khán giả. Họ đã xâm nhập vào thị trường nước ngoài, đồng thời họ đã thu hút nhân sự và nguồn lực trên nhiều nước, trong đó có Việt Nam”.
Đạo diễn kỹ xảo điện ảnh Tuấn Hồ khẳng định tài năng của VFX Artist Việt Nam không thua kém bất kỳ quốc gia nào.
Nguồn: [Link nguồn]