Ca sỹ Đoan Trường (tên thật Đoàn Phước Trường) ngoài sự nghiệp ca hát còn được biết đến là ngôi sao có khả năng giao tiếp bằng 5 ngoại ngữ gồm tiếng Nga, Pháp, Anh, Hoa, Hàn ngay từ trẻ. Nhờ biết cách học đúng phương pháp, thực hành nhiều và thường xuyên ôn luyện nên dù bao năm tháng trôi qua, anh vẫn sử dụng thành thạo các ngôn ngữ này. Điều đó đã hỗ trợ anh rất nhiều trong công việc tại các công ty Anh, Pháp, Mỹ, Đức và công việc người dẫn chương trình song ngữ, cũng như giúp anh thêm tự tin khi đi du lịch khắp nơi trên thế giới.
Nam ca sỹ cho biết: “Văn bằng cũng chỉ chứng minh cho sự nỗ lực học tập của bản thân và để hồ sơ xin việc được đầy đủ hơn theo các tiêu chuẩn cơ bản. Đa số các công ty nước ngoài phỏng vấn ứng viên bằng tiếng Anh là chủ yếu, và thêm một ngoại ngữ phụ là điểm cộng nên việc giao tiếp quan trọng hơn là xét đến kết quả điểm số”. Anh cho công bố nhiều bảng điểm, chứng chỉ, văn bằng gây ngạc nhiên và thích thú khi kết quả thi cử lại không đạt điểm cao như kỳ vọng.
Đoan Trường chia sẻ thêm, anh không bao giờ học nhiều ngoại ngữ cùng lúc mà chia ra theo từng giai đoạn trong cuộc đời tùy vào yêu cầu công việc và thời cuộc. Khi còn là học sinh mẫu giáo và cấp 1, anh đã được học tiếng Pháp trong trường do các giáo viên người Pháp sang giảng dạy.
Ở cấp phổ thông cơ sở và trung học, anh chọn tiếng Anh nhưng kết quả tốt nghiệp chỉ đạt loại khá vì điểm số môn văn vừa đủ 5. Anh cho biết mình đã quá chủ quan vì ưu tiên dồn sức cho các môn thi khối A. Sau này, anh chăm chỉ đọc thêm nhiều sách báo, ưu tiên chọn làm luận văn thay vì làm đồ án dù mất nhiều thời gian hơn, nhưng bù lại anh đọc được khá nhiều tài liệu, các tác phẩm văn học, luôn ghi chú lại các đoạn văn hay ý đẹp. Điều này cũng giúp ích cho anh rất nhều khi sau này anh làm thêm công việc người dẫn chương trình.
Bố của ca sĩ Đoan Trường vốn là giáo viên nên muốn anh nối nghiệp thi vào trường ĐH Sư phạm. Mẹ anh là kỹ sư hóa thực phẩm nên kiên quyết ép anh thi vào khoa hóa trường ĐH Bách khoa TP. HCM. Cũng vì điều này mà bố và mẹ anh giận nhau suốt mấy tuần. Cuối cùng, anh "theo" mẹ vì biết mình giỏi các môn khối A hơn. Anh thi đậu và nằm trong top 10 thí sinh có điểm cao nhất 27/30. (Lý 9, Hóa 10 và Toán 8). Vì kết quả này anh được nhà nước trao học bổng toàn phần sang Nga du học hệ đại học chính quy.
Từ đây, anh lại được làm quen với tiếng Nga là ngoại ngữ rất thông dụng thời gian đó. Nhưng trước tiên, anh phải trải qua thêm một năm học tiếng Nga do các giáo viên người Nga sang giảng dạy tại trường Dự bị Đại học.
Sau 5 năm du học tại Matxcơva từ năm 1987 đến năm 1992, Đoan Trường tốt nghiệp loại ưu. Ngay sau đó, trường ĐH Công nghệ hóa tinh vi Lômônôxốp nơi anh học đã gửi công văn báo kết quả cho Đại sứ quán Việt Nam tại Nga với nội dung như sau:
“Sinh viên năm thứ 5 niên khóa 1991/1992, Đoàn Phước Trường đã hoàn thành đầy đủ 9 học kỳ với điểm trung bình toàn phần là 5 (thang điểm cao nhất trong hệ thống giáo dục tại Nga). Kết quả thực tập cũng đạt loại xuất sắc”.
Sau đó, Đoan Trường tiếp tục học thêm 2 năm thực tập và nghiên cứu chuyên sâu để lấy bằng Thạc sỹ Công nghệ khoa học vào năm 1993.
Đoan Trường “khoe” thêm một bằng khen quý giá nhất khi anh đoạt giải 1 trong hội nghị khoa học kỹ thuật lần thứ 42 do trường tổ chức. Với thành tích vượt trội này, anh là sinh viên nước ngoài duy nhất được đặc cách miễn thi và nhận điểm 5 là điểm số cao nhất cho bộ môn Chính trị và Kinh tế học.
Vốn giỏi tiếng Nga nên anh luôn tham gia viết nhiều bài luận và thuyết trình trước toàn khoa. Đây là điều mà ngay cả các sinh viên Nga cũng e ngại vì đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc, vốn từ chuyên ngành, khả năng diễn đạt và trả lời chất vấn của hội đồng chuyên môn. Thay vì lên giảng đường như các sinh viên khác, anh xung phong làm các bài luận và thuyết trình theo từng chủ đề mà giáo viên gợi ý. Nhiều bài luận của anh cũng được in trên báo nhà trường. Do vậy, anh được các giảng viên, trưởng khoa đánh giá cao và được hưởng đặc cách miễn thi các môn xã hội cơ bản như lịch sử, triết học, văn học, chính trị và kinh tế. Đôi khi các môn học trên còn chưa kết thúc thì anh đã được nhận điểm 5 và nghỉ hè…sớm! Tiếng Nga vẫn là ngoại ngữ anh giỏi nhất và nhớ lâu nhất cho đến bây giờ dù là 1 trong 3 ngoại ngữ khó nhất trên thế giới. Ngay từ năm thứ 2 sinh viên, anh đã xung phong ở chung phòng trong ký túc xá với các bạn Nga nên anh vẫn không quên cho đến tận hôm nay.
Sau khi về lại Việt Nam, anh làm việc cho các tập đoàn đa quốc gia trong lãnh vực dệt may da giày. Nhờ có thời gian làm việc tại các nhà máy Đài Loan nên anh tranh thủ buổi tối đi học thêm lớp tiếng Hoa rồi ban ngày có dịp thực hành đàm thoại với các đồng nghiệp Trung Quốc nên tiến bộ rất nhanh. Chỉ mất 3 tháng, anh đã giao tiếp thành thạo mà không cần người phiên dịch và lấy chứng chỉ tiếng Hoa loại khá.
"Bằng cấp" mà anh yêu quý nhất chính là Giấy phép hành nghề biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp mà anh đã phải trải qua kỳ thi chuyên môn (hát và ký xướng âm) trước hội đồng giám khảo, được Sở Văn hóa và Thông tin TP. HCM cấp năm 2000.
Nếu nhìn vào bảng “thành tích” con đường học vấn, Đoan Trường luôn cho rằng học lực anh chỉ đạt loại trung bình khá. Văn bằng chứng chỉ cũng chỉ là trên lý thuyết nên anh luôn chú tâm vào phần thực hành nhiều hơn. “Tôi vốn sinh ra và trưởng thành trong một gia đình nghèo khó nên chỉ có học vấn và tri thức mới là động lực làm thay đổi cuộc đời mình. Không phải lúc nào tôi cũng đều thi đậu tất cả các cuộc thi. Tôi đã từng thi rớt 3 lần cuộc thi Tiếng hát truyền hình TP. HCM, thi bằng lái xe ô tô cũng rớt 3 lần nên tôi phải tìm cách đi theo hướng khác như đã từng thành công khi lựa chọn dòng nhạc thị trường theo thị hiếu khán giả thời gian đó. Tóm lại, bằng cấp không phải là quan trọng nhất mà sự phấn đấu, vươn lên và nghị lực bản thân mới tạo nên sự thành công trong cuộc đời này" - anh kết luận.
Nguồn: [Link nguồn]
X | ||||||
CN | T2 | T3 | T4 | T5 | T6 | T7 |