Sốc với người đàn bà bị cưỡng bức bình tĩnh nhất màn ảnh
"Elle" vừa là tiếng nói của nữ quyền, nhưng cũng vừa phô bày sự thật về dục vọng, bạo lực bên trong xã hội thượng lưu Pháp.
Ngay khi ra mắt, Elle đã khiến khán giả sững sờ vì những vấn đề mà nó truyền tải. Một bộ phim mà có đủ các chi tiết gây sốc cho người xem nhưng vẫn giành được rất nhiều giải thưởng quý giá.
Đạo diễn Hitchcock cho rằng ba yếu tố quyết định một bộ phim hay đó là: Kịch Bản, Kịch Bản và Kịch Bản. Điều đó chưa bao giờ sai, nhưng đôi khi không đủ.
Với những bộ phim mà kịch bản có cấu trúc đơn giản, câu chuyện được kể mang nhiều cá tính không chỉ của đạo diễn, mà còn ở nhân vật thì diễn viên đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Nữ diễn viên Isabelle Huppert là linh hồn của bộ phim
Bộ phim Elle của đạo diễn Paul Verhoeven sẽ không thể thành công và được đánh giá cao nếu không có sự tham gia diễn xuất của nữ diễn viên Pháp Isabelle Huppert.
Câu chuyện trong phim giống như một cơn lốc xoáy mà tâm điểm là người phụ nữ trung niên Michèle Leblanc (do Isabelle Huppert thủ vai).
Bộ phim bắt đầu bằng thủ pháp dựng phim mà Robert Bresson đã từng nói: “Khi một âm thanh có thể thay thế một hình ảnh thì hãy cắt hình ảnh và cô lập nó. Đôi tai sẽ giúp ta đi sâu vào bên trong, còn đôi mắt chỉ hướng chúng ta thấy bề ngoài”,
Tiếng thở dốc của một người phụ nữ, tiếng giằng co, tiếng gãy đổ trên màn hình đen. Ngay sau đó camera chiếu thẳng vào khuôn mặt một con mèo Pháp, tiếp đến là hình ảnh một người phụ nữ nằm trên sàn nhà, váy áo xộc xệch bên cạnh những mảnh vỡ thuỷ tinh.
Cảnh nữ chính bị hãm hiếp gây sốc bởi cách thể hiện
Michele bị cưỡng hiếp. Paul Verhoeven đưa khán giả vào thế bị động, không có sự chuẩn bị trước, buộc người xem phải chứng kiến một cách gián tiếp cảnh làm nhục nặng nề và gây bối rối.
Nhưng Michele không hốt hoảng, không sợ hãi. Dù máu chảy trên đùi, bà bình tĩnh quét dọn mảnh vỡ và đi tắm. Khi máu trôi nổi trên bọt xà phòng trong bồn tắm, bà lấy tay tán nó đi. Như thể không có gì xảy ra, Michele tiếp tục cuộc sống của mình, ngày hôm sau là một ngày khác.
Lạnh lùng, thô bạo, và trần trụi, Paul Verhoeven dẫn dụ người xem vào thế giới của người phụ nữ trung niên Pháp với những mối quan hệ mờ ám, với những vòng xoáy của tội lỗi, dục vọng và lừa dối.
Một thế giới nằm bên dưới khuôn mặt sắc sảo của một người thành đạt. Michele không báo cảnh sát. Và ngay bữa ăn tối sau đó vài ngày với bạn bè, bà chỉ thông báo ngắn gọn, bà bị cưỡng bức - như thể chuyện bà vừa là nạn nhân, nhưng cũng vừa là đồng phạm.
Hành động đó, vừa tội lỗi lại vừa mang lại khoái cảm. Sự trần trụi đó mang đến cho không khí phim một nét u ám của những ẩn ức bị chôn giấu, của những gì đen tối không bao giờ dám lộ diện ra ngoài.
Elle khi đó, từ một bộ phim có vẻ giống như là về trả thù, lại trở thành một bộ phim Hài Đen (black comedy) với sự tinh tế để phô bày ra thứ hiện thực vô nghĩa của cuộc sống khi con người không thể kiếm chế được dục vọng của mình.
Bộ phim khiến khán giả bối rối vì những chi tiết quá trần trụi
Nhân vật trung tâm trong nhiều tác phẩm của Paul luôn là nữ. Họ mạnh mẽ nhưng dễ vỡ. Họ cuốn xung quanh họ những người đàn ông như những sinh vật không thể kiềm chế dục vọng trước họ.
Michele có một cuộc sống thành công về mặt sự nghiệp nhưng không thành công ở đời sống cá nhân. C ngủ với chồng bạn thân nhất, cô bị anh chàng điển trai hàng xóm quyến rũ, cô xung khắc với mẹ mình vì nhất định không đến gặp người cha đang ở tù vì tội giết người, và đặc biệt cô có một cậu con trai không nghe lời mình.
Michele phải giải quyết hết những điều đó, sau khi tâm lý cô bị đảo lộn vì kẻ hiếp dâm mang mặt nạ. Máy quay camera đi theo Michele, tiết lộ từng nhân vật, tiết lộ phẩm chất của mỗi nhân vật, tiết lộ những bằng chứng giúp Michele tìm ra kẻ thủ ác.
Vòng xoáy của bạo lực, dục vọng quẩn quanh Michele, nhưng gã đàn ông dùng đực tính của mình để thống trị phụ nữ. Nhưng dưới mọi hình thức, phụ nữ luôn mạnh mẽ hơn, kiên định hơn để biến đàn ông trở thành những đứa trẻ to xác tìm kiếm khuôn ngực phụ nữ để được chở che.
"Elle" là bộ phim về nữ quyền và cả những dục vọng bên trong
Sự chính xác trong diễn xuất của Isabelle Huppert giúp nhân vật Michele được xây dựng với cá tính chắc chắn, của một người phụ nữ ở tầng lớp cao trong xã hội không có được một cuộc sống thoả mãn khi mọi thứ xung quanh cô đổ sập xuống như những quân domino. Nhưng điều đó không khiến Michele gục gã.
Có những cảnh phim, khán giả cảm thấy sắp mất Michele đến nơi vì hành động cực hạn của cô. Nhưng không, Isabelle biết điều mình đang làm, biết điều gì đang xảy ra xung quanh và kiểm soát nó ở mức tối đa có thể để giữ lại sự cân bằng cho cuộc sống vốn đầy bi kịch của mình.
Elle của Paul Verhoeven đặt ra câu hỏi về ẩn ức bạo lực có luôn mang lại khoái cảm cho con người để nó không bộc phát ra ngoài xã hội? Liệu những video game mà công ty của Michele đang phát triển với rất nhiều hình ảnh bạo lực và tình dục có giúp cho người chơi kìm hãm được hung tính của mình?
Hành động cưỡng bức của kẻ đeo mặt nạ đối với Michele là để thoả mãn thú tính, hay để dung hoà tâm lý của chính kẻ đó hòng giúp hắn trưng diện ra một bộ mặt lịch lãm trước xã hội?
Bộ phim mang đến một cảm giác tù túng và bức bối.
Những câu hỏi quẩn quanh Michele, khi cô đứng ở trung tâm của một vòng xoáy bi kịch khiến cho bộ phim mang đến một cảm giác tù túng và bức bối.
Nhưng cũng vì thế, đạo diễn người Hà Lan Paul Verhoeven lôi lên trên bề mặt những ẩn ức sâu sắc của một xã hội đang bão hoà với những cá nhân sống quá nhàm chán và giả tạo.
Elle vừa là tiếng nói của nữ quyền, nhưng cũng vừa phô bày sự thật về dục vọng, bạo lực bên trong những bức tường của xã hội thượng lưu Pháp.
Trailer của bộ phim