Wowy: “Tôi từng chở nước thuê, bưng bún bò để kiếm sống”
R
apper Wowy (Nguyễn Ngọc Minh Huy, sinh năm 1988) là một trong những rapper tiên phong ở miền Nam, hoạt động trong nhóm SouthGanZ năm 2006. Từ năm 2010, Wowy hoạt động độc lập. Sở hữu nhiều bản rap đình đám, giải thưởng âm nhạc, phim ảnh danh giá nhưng phải đến khi ngồi ghế nóng chương trình “Rap Việt” năm 2020 và 2021 thì tên tuổi Wowy mới thực sự bùng nổ và được săn đón.
Wowy nhận lời tham gia “24h gặp gỡ” của chúng tôi. Tại đây, anh lần đầu trải lòng về quá khứ cơ cực khi sinh ra trong một gia đình nghèo ở quận 5, TP.HCM và cơ duyên đến với nhạc rap để đổi đời, truyền cảm hứng sống tích cực cho thế hệ trẻ.
“Jay-Z là hình tượng của tôi”
- Tuổi thơ của anh diễn ra như thế nào?
- Đó là quãng thời gian cơ cực, khá đậm nét. Nhờ vào cái hay của người Việt Nam là sự chịu đựng, trải qua một quãng thời gian dài bị đô hộ, chiến tranh liên miên, cho nên trong truyền thống của mỗi gia đình đó là cố gắng vượt qua khó khăn và mang tinh thần tích cực. Vì vậy tôi rất vui vì có thể phụ giúp ông bà bưng các hủ kẹo, mâm gạo hay là dọn hàng vì nhà bán tạp hoá. Buổi sáng dọn hàng ra, tối đến dọn hàng vào rồi canh hàng suốt.
Thật ra bà ngoại của tôi đã trải qua giai đoạn chiến tranh, nuôi khoảng 12 người con. Tất cả các con phải ra Chợ Lớn, TP.HCM đong gạo thuê để kiếm sống. Ví dụ như người ta buôn bán không có dụng cụ đo lường thì mình sẽ mang lon ra để đong cho họ, rồi lấy một khoảng chênh lệch nhỏ gọi là phí đong gạo. Về sau bà ngoại mới phát triển việc đó lên như nhập gạo và các món hàng khác về bán để nuôi gia đình, các con ăn học. Khi bà ngoại mất thì mẹ tôi cũng phải làm nhiều nghề cùng cô cậu trong nhà để đem lại nguồn thu nhập cho gia đình. Đến khi tôi lớn lên một xíu thì tôi cũng trải qua khoảng thời gian lao động chân tay.
Đối với tôi, nghệ thuật hay âm nhạc là một gì đó rất xa xỉ. Tôi cũng loay hoay một thời gian. Tôi gặp nhiều người thì họ cũng có suy nghĩ văn hoá nghệ thuật chỉ dành cho những người có tiền thôi. Tuy nhiên, bởi vì những khổ cực trước đó đã trải qua nên tôi có ý chí, muốn cải thiện cuộc sống của mình. Tôi tham gia, theo đuổi và cũng có một số cơ hội để thay đổi cuộc đời. Tôi muốn chia sẻ những kinh nghiệm đó với những bạn trẻ còn đang ở trong môi trường khổ cực như tôi trước đây.
Đến hiện tại, tôi vẫn nhận được rất nhiều email cầu cứu, hỏi về cách thay đổi cuộc sống. Tôi cũng xem xét những trường hợp cần thiết giúp đỡ thì tôi giúp.
- Vậy cơ hội nào giúp anh tiếp cận với âm nhạc?
- Ngoài bán tạp hóa, nhà tôi còn bán sinh tố. Sau đó tôi có chở nước thuê, bưng bún bò, loay hoay rất nhiều. Khi phát triển hơn thì tôi có phụ các đoàn phim. Đó cũng là một cơ duyên cho tôi ở phía sau camera học hỏi. Sau đó tôi học dựng phim, song song với đam mê làm nhạc.
Khi tham gia các chương trình, tôi rất thông cảm và đồng cảm với nhà sản xuất và các bạn ở sau camera như âm thanh, ánh sáng… Tôi hiểu được mong ước của mọi người, thứ nhất là làm sao để hoàn thành được công việc một cách tốt nhất trong khoảng thời gian ngắn nhất và đem lại lợi nhuận để trang trải tất cả mọi thứ trong cuộc sống. Tôi hiểu nhu cầu về kinh tế của mọi người là chuyện rất cần thiết. Tất nhiên công việc phải mang lại sự hiệu quả.
- Tại sao anh chọn nhạc rap để theo đuổi?
- Nhạc rap rất gần gũi. Đương nhiên không phải đùng một cái tôi nghe nhạc rap. Nhưng đó là loại hình nghệ thuật đến với tôi trước tiên, là cánh cửa mở ra cho tôi biết bản thân có thể tham gia và làm nghệ thuật. Các rapper nước ngoài có người thay đổi cuộc sống của họ như Jay-Z chẳng hạn. Jay-Z cũng có cuộc sống cơ cực từ nhỏ và tiếp cận với nhạc rap. Jay-Z hiện là một nghệ sĩ có khối tài sản kinh khủng. Đó cũng là một hình tượng cho tôi.
Gần đây nhất, tôi có gặp chủ tịch của một tập đoàn, anh ấy cũng yêu thích Jay-Z giống tôi. Qua trao đổi, chúng tôi có một điểm chung đó là sự mưu cầu hạnh phúc trong xã hội. Tôi muốn truyền tải và phát triển những điều này đến mọi người xung quanh. Vì khi cộng đồng phát triển thì mình cũng phát triển. Để đạt được điều đó thì tôi phải có ước mơ, hoài bão và dựa vào đó tôi có thể tiếp tục phát triển công việc mình đang làm.
- Thời điểm anh tiếp cận với nhạc rap là lúc thị trường trong nước chưa nở rộ thể loại nhạc này. Anh có gặp nhiều trở ngại?
- Tôi không xem đó là một bất lợi. Tôi là một trong những người tiên phong và phát triển nhạc rap ở Việt Nam. Bao giờ cũng vậy, trong bất kỳ lĩnh vực nào, khi mà ở đó chưa có đồng nghĩa với việc đó là một tiềm năng cho mình phát triển. Tôi nghĩ đối với những người làm kinh doanh họ cũng thấy đó là tiềm năng. Nếu như mọi người thấy ở Việt Nam có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào thì Việt Nam là một thị trường tiềm năng. Vậy nên đối với ai đang làm một dự án nào đó mà cảm thấy ở Việt Nam chưa có thì hãy xem đó là một tiềm năng. Cứ dựa trên phương châm như vậy, đáp ứng nhu cầu cho mọi người thì mình sẽ phát triển được ngành nghề đó.
“Tôi vui khi thí sinh của team Wowy được khán giả ủng hộ, bình chọn là Quán quân, Á quân”
- Anh nghĩ mình có đủ kinh nghiệm để ngồi ghế nóng chương trình “Rap Việt”?
- Tôi có quá trình cố gắng trong rất nhiều năm. Từ đó bản thân có kinh nghiệm và những thành tựu đạt được. Nếu như nhìn lại quãng thời gian khi chưa có internet thì nhạc rap của Wowy và Karik đã phổ biến rất rộng rãi. Tôi truyền tải một nội dung về tinh thần giúp mọi người phát triển. Sau đó tôi tham gia vào phim “Ròm”. Phim được viết kịch bản trong giai đoạn người viết nghe bài “Chạy” của tôi và phát triển thành phim. Đây là phim đầu tay của đạo diễn và để đạt được ước mơ thì bạn ấy cũng phải trải qua rất nhiều giai đoạn trong suốt mấy năm. Tất cả những cơ duyên đó tôi nghĩ đủ để cho tôi có thể ngồi tại vị trí huấn luyện viên “Rap Việt”. Kết quả thì như mọi người cũng thấy, thành viên của team Wowy mùa 1 và 2 đều có kết quả là Quán quân và Á quân.
- Suốt 2 mùa ngồi ghế nóng “Rap Việt”, phần trang phục, ngoại hình… của anh gây nhiều tranh cãi vì quá khác biệt. Thậm chí cách tranh giành thí sinh giữa anh với các huấn luyện viên khác cũng được khán giả nhận xét là không giống ai. Anh nghĩ sao về vấn đề này?
- Ở mùa 1 “Rap Việt”, tôi có ý tưởng là bảo vệ môi trường - một chủ đề vĩ mô. Ở mùa 2 tôi muốn truyền tải nội dung là yêu kẻ yếu. Tùy vào hiện trạng của xã hội, lúc đó chúng ta trải qua dịch bệnh, rất nhiều người gặp khó khăn. Thêm nữa là nghệ sĩ với không gian mạng. Đó đều là nguồn cảm hứng để tôi đưa ra thông điệp trên sóng truyền hình.
Tôi biết khi đưa ra một chủ đề thì phải có phương hướng cụ thể. Tôi nhận được chỉ trích hay động viên thì cũng là phương pháp để đối chiếu bằng chính vai trò của tôi. Tuy nhiên, tôi rất vui mừng khi thí sinh của team Wowy được khán giả ủng hộ, bình chọn là Quán quân, Á quân bằng những con số khá ấn tượng. Kết quả phản chiếu được mắt nhìn của fan hay antifan.
- Nhiều ý kiến cho rằng anh cố tình tạo ra sự khác biệt, chơi trội và nổi loạn của mình để gây chú ý. Anh nghĩ sao?
- Tôi không phải là một người gây chú ý để mọi người nhìn đến mà tôi muốn đưa ra những hình ảnh và trải nghiệm của người nghệ sĩ khi họ xuất hiện trước công chúng. Đó là minh chứng để cho thấy được rằng cách mình đối xử với nhau giữa người với người. Có một tác phẩm mà người nghệ sĩ chỉ ngồi im ở đó thôi, mọi người muốn làm gì cũng được thì người nghệ sĩ đó phải trải qua và chịu nhiều tác động vật lý đến với mình. Phương thức khi mà mình đưa ra một quyết định hoặc mình đưa ra một sản phẩm thì bao giờ nó cũng có trái chiều và đồng chiều. Nó là một bức tranh tổng thể mà người nghệ sĩ trải nghiệm.
Với một thông điệp được đưa ra tôi cũng thu nhận về những kết quả. Nó là một trải nghiệm hoàn toàn mới lạ. Khi tôi làm việc ở phía sau camera, tôi hiểu ở trên tivi chương trình có những hạn chế, thông điệp đưa ra cũng hạn chế bởi vì đó là truyền hình quốc gia. Với vai trò của người đằng trước camera, họ cũng có một hướng đi an toàn. Tuy nhiên, tôi đã trải qua quãng thời gian cực khổ như tôi đã chia sẻ trước đó, ở đằng sau camera và bây giờ tôi có cơ hội để xuất hiện ở phía trước camera thì tôi nắm được tâm lý của khán giả xem truyền hình, những điều mong muốn của người làm nội dung chương trình. Khi mình có khả năng nắm giữ những điều đó thì tôi đã sử dụng một chút ít gọi là hoạt động nhằm mục đích đưa ra điều mà mình muốn nói ở đằng sau.
Tôi nghĩ đây là thời đại 4.0 và thế kỷ 21, mọi thứ sẽ phát triển dựa trên tiền đề nếu được ủng hộ. Cái nào phát triển không được thì nó sẽ bị cắt bỏ. Người nghệ sĩ là như vậy, luôn trải nghiệm, sẽ có những thất bại, vấp ngã, thành công và dựa trên thành công đó nó sẽ trở thành bài học cho các thế hệ sau. Tôi đang thể hiện và trải nghiệm chuyện đó với tư cách là huấn luyện viên chương trình “Rap Việt”, xa hơn nữa là nghệ sĩ đương đại Wowy.
- Sau “Rap Việt”, sự nghiệp và cuộc sống của anh thay đổi ra sao?
- Trước “Rap Việt”, tôi đã thay đổi tư duy và suy nghĩ. Khi “Rap Việt” đến là một trong những đường hướng mà tôi đã trải nghiệm trước đó. Hiện tại tôi vẫn tiếp tục trải nghiệm.
Tuy nhiên, thời gian tôi dành cho gia đình, bạn bè và bản thân ít hơn. Càng ngày tôi càng yêu quý những giây phút hiếm hoi về tình cảm gia đình. Tôi mở hoàn toàn cuộc sống sống của mình với cộng đồng và công chúng. Tôi hiểu được giá trị phát triển của cộng đồng và sự ảnh hưởng mạnh mẽ giữa tôi và những người xung quanh.
Nhiều người biết đến tôi và yêu quý tôi nhiều hơn, lớn hay nhỏ cũng vậy. Những người không thích tôi cũng có. Đó là một thế giới muôn màu và tôi trở thành một đứa trẻ. Thế giới quan của tôi kỳ lạ hơn bao giờ hết. Tôi muốn nói lên nội tâm của mình hay không muốn thì tất cả đều được thể hiện ra bên ngoài. Tôi đang trải nghiệm thời kỳ gọi là biến đổi kỳ lạ mà một người nghệ sĩ phải đi trên một sợi dây thừng.
- Anh có phải tiết chế sự “ngông”, “quậy”… của mình để giữ hình ảnh sau nổi tiếng?
- Tôi nghĩ hình ảnh Wowy trên tivi và đời thường cũng như nhau mà thôi. Đôi khi sẽ rất cao hứng nhưng có lúc cũng rất cụt hứng.
Tôi hi vọng bản thân có thể làm được những sản phẩm thể hiện được rõ ràng cảm xúc của người nghệ sĩ. Ở quốc gia nào cũng vậy, luôn có một khuôn khổ và người nghệ sĩ sẽ ở trong khuôn khổ đó. Tôi cũng hy vọng trong 100 năm tồn tại, tôi có thể diễn tả được hết những gì bản thân muốn nói với tất cả mọi người.
“Tôi đang trải nghiệm một cuộc sống rất là kỳ lạ”
- Nếu không làm nghệ thuật thì so với một hình ảnh rất chỉn chu như bây giờ thì Wowy sẽ như thế nào?
- Đôi khi tôi cũng chỉ mặc mỗi chiếc quần xà lỏn, đeo găng tay đấm bốc và đấm vào bao cát. Tôi cũng tập thể dục như gập bụng, đổ mồ hôi như tất cả mọi người. Đôi khi tôi cũng lười biếng vào buổi sáng chỉ choàng mỗi áo tắm đi ra đường để lấy thư. Điều đó cũng rất là mới lạ với tôi. Lúc trước tôi sống trong hẻm thì điều đó không có xảy ra thường xuyên vì trong hẻm thì tôi sẽ mặc quần đùi đi lòng vòng. Vì vậy mới nói tôi đang trải nghiệm một cuộc sống rất là kỳ lạ.
- Hiện anh đã có nhà riêng chưa?
- Tôi không sống cùng bố mẹ nữa. Mọi người vẫn ở nhà của ông bà ngoại. Tôi đang sống ở chỗ khác và vẫn về thăm và đưa mọi người đi ăn. Tôi nghĩ điều cốt lõi ở đây là không gian sống của tôi thay đổi vì một lý do nào đó mà tôi cũng không biết. Tuy nhiên vì mưu cầu hạnh phúc mà tôi cũng muốn mọi người trải nghiệm không gian mới.
Hiện tôi sống ở căn hộ. Khi sống ở đây thì tôi nghĩ cũng sẽ như mọi người là muốn trải nghiệm cuộc sống dưới mặt đất. Có một thời điểm khi mà tôi lên nơi cao nhất của một tòa nhà, tôi không cảm thấy nơi đó thật sự mới lạ với mình nữa. Tôi mong muốn một cuộc sống gần mặt đất hơn bao giờ hết.
- Có thông tin Ưng Hoàng Phúc đã chi hơn 50.000 USD để mời anh hợp tác trong sản phẩm ra mắt vừa qua. Thực hư ra sao thưa anh?
- Tôi chưa được biết về thông tin này. Khi tôi đi ra ngoài, tôi chi tiền cho một món gì đó thì với một giá trị như thế nào để nhận được một chất lượng tương xứng. Tôi luôn làm việc hết mình với tất cả các dự án mà tôi nhận mà không tính thời gian bắt đầu hay kết thúc. Nó chỉ dựa trên tiêu chí là khi công việc đó được hoàn thành một cách tốt nhất có thể trong tất cả sự hỗ trợ của tôi. Khi bạn làm việc với Wowy tức là bạn làm việc trọn gói với Wowy. Tôi là người làm việc theo phương châm là tất cả mọi việc sẽ đi đến cuối cùng. Nếu mọi người có theo dõi quá trình làm việc của tôi hoặc mọi người có phỏng vấn hay làm việc với ê-kíp đã từng làm việc với tôi thì mọi người sẽ hiểu được tôi là một người làm việc như thế nào. Tôi không biết cát-xê của các nghệ sĩ khác ra sao nhưng với những gì mà tôi làm hoặc đề ra thì tôi sẽ hoàn tất nó một cách trọn vẹn nhất có thể.
- Vậy cát-xê của anh thay đổi ra sao sau nổi tiếng?
- Trước đó mọi người không bao giờ nói về cát-xê của tôi bởi vì công việc của tôi thường dựa trên tần suất công việc là làm nhiều hơn hay không thôi. Chẳng hạn như mọi người thường biết đến tôi chỉ có thể làm nhạc nhưng thật ra khi mọi người ghi hình tôi thì mọi người mới biết tôi còn có khả năng ghi hình. Sau khi ghi hình mới biết tôi có khả năng làm ra các tác phẩm nghệ thuật. Tôi cố gắng làm hết tất cả các công việc có thể làm. Tôi học được điều đó từ các anh chị đi trước. Tôi đã gặp rất nhiều người và thấy mọi người không nề hà với công việc họ làm và giá trị sau đó thì mình đừng nói về kinh tế mà là về khả năng làm việc của mọi người thật sự khủng khiếp.
- Anh có trải nghiệm gì khi hợp tác với Mỹ Tâm, Lệ Quyên, Đàm Vĩnh Hưng…?
- Chị Lệ Quyên là một trường hợp mà tôi hợp tác xong thì dịch bệnh tới nên không diễn được. Hy vọng là có thể quay trở lại vào cuối năm nay. Tôi cũng học được nhiều điều từ chị Mỹ Tâm, đó là sự chỉn chu. Anh Đàm Vĩnh Hưng hay anh Vũ Hà cũng vậy. Một người nghệ sĩ cố gắng làm hết, trải nghiệm hết tất cả mọi thứ, không ngừng biến đổi, không ngừng hoạt động. Điều đó làm cho tôi thấy thế giới này hoạt động liên tục và tôi cảm hấy rất hứng khởi để học tập, làm theo.
- Trong MV mới nhất của Đông Nhi, khán giả chê bai khá nhiều vì cho cho rằng phần rap của anh bị lạc quẻ. Anh nghĩ sao?
- Đề tài của Đông Nhi là về người xưa, tôi có sử dụng hai lớp vocal tựa như hai linh hồn từ hai thế giới kết hợp với nhau. Tôi sử dụng lời thơ trong tác phẩm “Tận cùng giấc mơ cùng tận” tại triển lãm của tôi cho bài nhạc của Đông Nhi. Nó vừa là sự kết nối của tôi và Đông Nhi ở ngoài đời thật, vừa thể hiện một thế giới khi mà không còn tình yêu nữa thì nó sẽ dã man như thế nào. Tôi rất lấy làm vui khi có được sự kết nối với Đông Nhi như vậy. Phương hướng làm việc của tôi là bao giờ cũng sẽ có sự tương phản, đấu tranh bên trong. Tất cả các bài nhạc tôi viết ra đều có ẩn ý về sự cân bằng, tương phản.