Phim Việt đầu tư "khủng" nên toàn lỗ chục tỷ?
Từ thực trạng nhiều phim lỗ hàng chục tỷ đồng khi ra rạp, nhiều câu hỏi được đặt ra về lý do khiến điện ảnh Việt vẫn chưa có lợi nhuận "khủng".
"Điểm yếu của điện ảnh Việt là phát triển nóng, nên chi phí đang rất cao".
Đó là nhận định của bà Ngô Thị Bích Hạnh - đồng sáng lập, phó chủ tịch Công ty BHD - trong hội thảo Điện ảnh TP.HCM: Tầm nhìn và chiến lược phát triển diễn ra vào ngày 7/4 trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế TP.HCM (HIFF) 2024.
Bà Ngô Thị Bích Hạnh, phó chủ tịch BHD, có những chia sẻ thẳng thắn về thị trường điện ảnh Việt.
Những thống kê khiến nhiều khán giả bất ngờ từ phó chủ tịch BHD
"Điểm mạnh của công nghiệp điện ảnh Việt Nam là một trong những ngành công nghiệp điện ảnh phát triển nhanh nhất thế giới, tăng trưởng 21% hàng năm trong suốt nhiều năm gần đây. Dân số đông, kinh tế đang phát triển nên Việt Nam có tiềm năng trở thành top 10 nước có doanh thu phòng vé lớn nhất thế giới trong những năm sắp tới", bà Hạnh phân tích thêm.
Dù vậy, lợi nhuận của các rạp chiếu phim chưa cao vì chi phí vận hành cũng tăng lên nhiều sau dịch Covid-19. Chính điều này khiến việc ăn chia doanh thu của những bộ phim cũng không được ổn định.
Việc đầu tư "khủng" cũng không có nghĩa là phim sẽ đảm bảo thành công. Thống kê từ Box Office Vietnam - đơn vị quan sát phòng vé độc lập, phim Quý Cô Thừa Kế 2 đã rời rạp sau 20 ngày chiếu, thu về 6,4 tỷ đồng, lỗ hàng chục tỷ đồng. Trước đó, đơn vị sản xuất nói trong buổi họp báo ra mắt rằng cần 40 tỷ đồng mới hòa vốn.
Đạo diễn của Quý Cô Thừa Kế 2 khẳng định đã rút ra được nhiều bài học sau bộ phim này.
Đây cũng không phải lần đầu những phim có mức đầu tư "khủng" lỗ hàng chục tỷ đồng. Năm 2022, khán giả được thấy phim 578: Phát Đạn Của Kẻ Điên có mức đầu tư 60 tỷ đồng chỉ thu hơn 3,5 tỷ đồng tiền bán vé. Hay phim Kẻ Thứ Ba của nhà sản xuất Lý Nhã Kỳ tiêu tốn 33 tỷ, thu về chỉ hơn 1 tỷ đồng.
Một trong những lý do khiến phim Việt tốn kém là chưa có nhiều phim trường cố định, bối cảnh thường được dựng lên rồi phá bỏ sau khi quay xong.
Cái giá của những khoản đầu tư "khủng"
Thế nhưng, bên cạnh những bóng mây u uất về doanh thu, phần nào đó khán giả đã cảm nhận được sự phát triển mạnh mẽ của điện ảnh Việt về mặt bối cảnh. Phim Người Vợ Cuối Cùng của đạo diễn Victor Vũ lấy bối cảnh Bắc Bộ thế kỷ 19 và nhận về nhiều lời khen về mặt mỹ thuật.
Một ngôi làng mang phong cách Bắc Bộ được xây dựng lại hoàn toàn với hơn 80 ngày làm việc cùng 25 nhân viên của tổ thiết kế. Cùng với bối cảnh, phục trang của bộ phim cũng được may cầu kỳ, chỉn chu. Toàn bộ trang phục được may riêng cho từng diễn viên, và có những bộ có tới 3-4 lớp.
Riêng ba nhân vật vợ cả, vợ hai và vợ ba của quan huyện Đức Trọng là những bộ trang phục được may để thể hiện tính cách, địa vị xuất thân của từng người.
Trong hội thảo Điện ảnh TP.HCM: Tầm nhìn và chiến lược phát triển, bà Ngô Thị Bích Hạnh - đồng sáng lập, phó chủ tịch Công ty BHD - cũng bật mí phim Đất Rừng Phương Nam có kinh phí là 2,2 triệu USD (hơn 54,9 tỉ đồng). Rừng tràm Trà Sư được chọn là bối cảnh phục dựng khu chợ nổi miền Tây trong bộ phim này.
Khung cảnh chợ nổi được tái hiện với hàng chục ghe thuyền giao thương tấp nập, xung quanh là những hiệu buôn, tiệm ăn với biển hiệu vẽ tay hoài cổ. Đại cảnh quy tụ hơn 300 diễn viên quần chúng.
Điều đặc biệt là một số nhà lá, gian hàng, biển hiệu đạo cụ của bộ phim được giữ nguyên trạng để du khách tham quan, check-in. Một góc bối cảnh của phim với quầy bán thịt, hiệu buôn vải, tiệm vàng - cầm đồ của ông Ba Sang (NSƯT Trung Dân đóng) được giữ lại.
Việc những bối cảnh của phim được giữ lại để làm địa điểm tham quan là điều được nhiều khán giả đánh giá cao.
Để phục dựng làng chiếu Định Yên (Đồng Tháp) làm bối cảnh cho phim Lật Mặt 6: Tấm Vé Định Mệnh, đạo diễn Lý Hải đã phải đầu tư kinh phí hàng tỷ đồng. Ekip xây dựng nhiều lò nhuộm lát, bãi sân phơi chiếu, phục dựng khung cảnh phiên chợ ngày và đêm. Đoàn phim mua hàng nghìn chiếc chiếu xếp quanh làng để phục vụ mục đích ghi hình.
Sau khi quay xong, Lý Hải tặng lại địa phương hệ thống lò nhuộm. Anh hy vọng điều này phần nào giúp níu giữ nét tinh túy của làng chiếu truyền thống. Hành động này giúp đạo diễn sinh năm 1968 ghi dấu ấn trong lòng nhiều khán giả, phần nào giúp doanh thu phim vượt mốc 300 tỷ đồng.
Có thể thấy, việc đầu tư "khủng" là điều cần thiết để đảm bảo chất lượng ở mức "xem được" cho các bộ phim. Hầu hết các bộ phim kinh phí lớn cũng đã góp phần không nhỏ cho việc quảng bá văn hóa, cảnh sắc Việt Nam, phục dựng nhiều giá trị đang bị mai một. Kinh phí lớn hay nhỏ cũng chỉ đảm bảo được sự chỉn chu, và một sản phẩm thành công cần nhiều hơn chỉ một yếu tố.
Chuỗi Lật Mặt của Lý Hải qua các phần đều có mức tăng đáng kể cả về mức đầu tư lẫn doanh thu.
Trần Anh Hùng thắng giải Đạo diễn xuất sắc tại Liên hoan phim Cannes với tác phẩm "Muôn Vị Nhân Gian".
Nguồn: [Link nguồn]