Phim Kim Dung: Rơi xuống vực, Trương Vô Kỵ gặp may, người này lại chết thê thảm!
Tình tiết vô lý thường xuất hiện trong phim cổ trang trang Trung Quốc, Kim Dung cũng không ngoại lệ.
Trong phim cổ trang Trung Quốc, tình tiết các thiếu hiệp giang hồ bị rơi xuống vực nhưng không chết xuất hiện với tần suất dày đặc. Điều đáng chú ý là cứ nhân vật chính bị ám hại rơi xuống vực hay tự tử bằng cách nhảy vực đều không bao giờ chết. Trái lại, họ còn gặp được cao thủ võ lâm hay học được bí kíp võ thuật mà cả giang hồ đều truy tìm. Ngược lại, nếu là nhân vật phụ, họ sẽ ngã chết ngay tức khắc.
Giống như các bộ phim cổ trang quen thuộc khác, phim kiếm hiệp của hai cố nhà văn Kim Dung và Cổ Long cũng xuất hiện những tình tiết này. Đặc biệt, trong tiểu thuyết của Kim Dung, từ nhân vật chính đến phụ, cố nhà văn đều xây dựng tình tiết bị ám hại ngã xuống vực hoặc tự sát bằng cách nhảy xuống vách núi. Chỉ có chăng khác biệt là nhân vật chính dù nhảy từ vực cao cũng không chết và tiếp tục những cuộc phiêu lưu trong giang hồ, tăng thêm sự hấp dẫn với người xem. Ngược lại, các nhân vật phụ đều sẽ nhận cái kết thê thảm.
Mới đây, tờ Toutiao đã thống kê những nhân vật có phân cảnh bị rơi xuống vực trong phim Kim Dung từ chính tới phụ.
Trương Vô Kỵ - Chu Trường Linh
Trong Ỷ Thiên Đồ Long ký, Trương Vô Kỵ là nhân vật chính từ một thiếu hiệp giang hồ trở thành giáo chủ Minh giáo, có võ công cái thế, được suy tôn làm Minh chủ võ lâm. Tuy nhiên, để có thành quả này, con trai của Trương Thúy Sơn phải trải qua nhiều biến cố trong đời. Trương Vô Kỵ vốn tính hiền lành, lại sống nhiều năm ở hoang đảo nên dễ tin người.
Chính vì thế, anh chàng bị cha con Chu Trường Linh lừa gạt. Họ Chu lợi dụng điểm yếu của Vô Kỵ để dụ anh nói ra tung tích của Tạ Tốn. May mắn, Vô Kỵ phát hiện ra âm mưu này và bỏ trốn. Không may, cả hai sẩy chân rơi xuống một vực núi.
Ở lưng chừng vực, nhờ vướng cành cây, Trương Vô Kỵ rơi vào một gành đá, rồi khám phá một hang đá lớn. Trong động này, Vô Kỵ nhờ cứu một con khỉ mà tìm ra Cửu Dương Chân Kinh ẩn giấu trong bụng khỉ. Nhờ tu luyện Cửu dương thần công trong hang đá, nội công Trương Vô Kỵ rất thâm hậu, tự đẩy được hàn độc ra ngoài.
Trong động, Vô Kỵ vẫn kiếm được đồ ăn, nước uống. Thậm chí, anh cũng nuôi sống Chu Trường Linh đang ở ngoài hang. Sau khi thoát ra ngoài hang, Trương Vô Kỵ tiếp tục bị Chu Trường Linh bẫy sẩy chân rơi xuống núi thêm một lần nữa.
Tuy nhiên, nam chính may mắn rơi vào một bãi cỏ khô phủ đầy tuyết nên thoát chết. Còn Chu Trường Linh lại chết dưới vực sâu.
Chu Trường Linh chỉ là một vai phụ nhỏ trong Ỷ Thiên Đồ Long ký. Ít ai biết, tổ tiên của Chu Trường Linh là Chu Tử Liễu - đồ đệ của Nhất Đăng đại sư. Chu Tử Liễu là một nhân vật trong tiểu thuyết Anh hùng xạ điêu và Thần điêu đại hiệp.
Chu Tử Liễu vốn là tể tướng của nước Đại Lý, được miêu tả là người trí dũng song toàn. Tuy nhiên, hậu duệ của ông - Chu Trường Linh trong Ỷ Thiên Đồ Long ký lại là kẻ gian ác, vì hại người nhưng cuối cùng lại thành hại mình, bỏ mạng dưới vực sâu.
Đoàn Dự
Đoàn Dự là vương tử nước Đại Lý, một các nhân vật chính Thiên Long bát bộ. Trên đường đến Vạn Kiếp Cốc, Đoàn Dự lạc vào vùng cấm địa của phái Vô Lượng Kiếm, rơi xuống vực thẳm nhưng may mắn bám được một cành cây mà sống sót.
Sau đó, Đoàn Dự men theo hang động của Vô Lượng Sơn nhìn thấy một tượng ngọc tuyệt mỹ, tuyệt sắc giai nhân, lớn bằng người thật. Ngay lập tức, Đoàn Dự đem lòng si mê, ngưỡng mộ vẻ đẹp của bức tượng này và gọi bức tượng là "thần tiên tỷ tỷ".
Sau đó, Đoàn Dự phát hiện ra bí kíp Lăng Ba Vi Bộ và Bắc Minh Thần Công dấu trong gối lạy. Sau nhiều ngày luyện tập Đoàn Dự đã có thể dùng được hai môn võ công này dù chưa đến mức thành thạo.
Công Tôn Chỉ - Cừu Thiên Xích
Công Tôn Chỉ và Cừu Thiên Xích là cặp vợ chồng có tâm địa hẹp hòi, độc ác trong tiểu thuyết Thần điêu đại hiệp. Cừu Thiên Xích là em gái của Cừu Thiên Nhận - nhân vật xuất hiện trong tác phẩm Anh hùng xạ điêu và Thần điêu đại hiệp.
Ở Anh hùng xạ điêu, Cừu Thiên Nhận là Bang chủ Thiết Chưởng Bang, biệt hiệu Thiết Chưởng Thủy Thượng Phiêu, nổi tiếng với tuyệt chiêu "Thiết Chưởng Thần Công" và công phu "Thủy Thượng Phiêu". Ở Thần điêu đại hiệp, ông đã là Từ Ân Đại Sư, đi theo Nhất Đăng Đại Sư chu du, trên đường gặp được Dương Quá và Tiểu Long Nữ.
Vì bất hòa với anh, Cừu Thiên Xích phiêu bạt giang hồ và quen biết Công Tôn Chỉ - chủ cốc của Tuyệt Tình Cốc. Vốn giỏi võ công, Cừu Thiên Xích chỉ dẫn cho Công Tôn Chỉ những khiếm khuyết trong võ thuật của hắn. Sau khi kết hôn, Công Tôn Chỉ luôn ở thế sợ vợ.
Trong thời gian mang thai, Cừu Thiên Xích tính khí nóng nảy hay mắng nhiếc chồng khiến Công Tôn Chỉ ngoại tình với a hoàn Nhu Nhi. Biết chồng có tình nhân, Cừu Thiên Xích gián tiếp ép người tình của mình là Nhu Nhi phải chết, nên Công Tôn Chỉ đã lừa cắt đứt gân tay, gân chân của bà và đẩy xuống vực sâu.
Cừu Thiên Xích tuy tay chân bị phế, nhưng nội công vẫn còn nguyên. Trong hốc đá 14 năm luyện tập công phu phun hạt táo. Sau này chính bà đã dùng tuyệt kĩ này bắn mù mắt Công Tôn Chỉ sau khi phế công phu, bế huyệt của hắn. Sau cùng hai vợ chồng Cừu Thiên Xích đều phải nhận cái kết bi kịch.
A Tử
A Tử không phải nhân vật phụ trong Thiên Long bát bộ song để có cái kết phù hợp nhất với tính cách nhân vật, Kim Dung để nàng ôm xác Tiêu Phong nhảy xuống vực sâu tự vẫn sau khi tự móc mắt trả lại cho Du Thản Chi. Cái chết của A Tử khiến nhiều người đau lòng và ám ảnh vì suy cho cùng cô là nhân vật đáng thương.
Ngoài ra, còn một nhân vật phụ nhảy xuống vực tự vẫn nhưng không chết trong tiểu thuyết Kim Dung là Tiêu Viễn Sơn - bố ruột của Tiêu Phong.
Nguồn: [Link nguồn]
Ít ai biết rằng Dương Quá còn có tên tự là Cải Chi do Quách Tĩnh đặt.