Phim có Trấn Thành, Hoài Linh vẫn thất bại
Các danh hài cũng không thể cứu được những phim có nội dung hài nhảm.
Hầu hết các nhà làm phim điện ảnh hiện nay đều mời những diễn viên hài như một cách đảm bảo doanh thu phòng vé hiệu quả nhất. Tuy nhiên, các danh hài cũng không thể cứu được những phim có nội dung nhảm nhí, hài nhảm.
Sức hút của Trấn Thành không thể cứu vãn kịch bản lỏng lẻo của “Bệnh viện ma”
Chi khủng để “sở hữu” tên tuổi danh hài trong phim
Lướt qua doanh thu công khai của những phim: Tèo Em (90 tỉ đồng), Em là bà nội của anh (102 tỉ đồng), Để mai tính 2 (101 tỉ đồng), Quả tim máu (80 tỉ đồng)… thấy có điểm chung là có sự xuất hiện diễn viên hài nổi tiếng.
Từ đầu năm 2016, rất nhiều bộ phim có sự tham gia của các nghệ sĩ hài nổi tiếng như: Việt Hương trong Gái già lắm chiêu, Trấn Thành trong Bệnh viện ma, Trường Giang trong Taxi, em tên gì?. Thời gian tới, hàng loạt phim sắp ra mắt cũng có sự góp mặt của các nghệ sĩ hài tên tuổi như: Mặt nạ máu (diễn viên Hoài Linh), Bảo mẫu siêu quậy (diễn viên Hoài Linh), Fan cuồng (diễn viên Thái Hòa)… Như vậy để thấy, đạo diễn hay nhà đầu tư, nhà sản xuất (NSX) đều quan tâm đến diễn viên hài trong phim của mình.
Theo NSX - diễn viên Mai Thu Huyền, khán giả của phim chiếu rạp hiện nay chủ yếu là giới trẻ. Đối tượng này đa số thích những bộ phim thể loại hài, hành động hoặc kinh dị. Đặc biệt, những bộ phim có tính hài hước, thoải mái thường được ưa chuộng hơn cả. Do đó, yếu tố hài rất được các nhà làm phim chú trọng.
Chính vì vậy, nhiều nhà sản xuất còn chấp nhận bỏ ra khoản tiền khủng để có thể “sở hữu” tên tuổi của một nghệ sĩ hài trong phim của mình. Đạo diễn Bảo Nhân cho hay, với những nghệ sĩ nổi tiếng, ngoài việc kịch bản hay, NSX còn phải trả thù lao xứng đáng với tên tuổi họ mới chấp nhận tham gia phim. “Ngoài việc trả tiền thuê họ đóng phim, NSX còn phải trả gấp đôi, vì mình còn mua tên của họ nữa nên cát-xê của những tên tuổi này đều gấp đôi các diễn viên bình thường”, đạo diễn Bảo Nhân nói.
Diễn viên Hoài Linh trong phim Mặt nạ máu
Cũng theo đạo diễn Bảo Nhân, nhiều nhà sản xuất và đạo diễn luôn luôn đặt kỳ vọng và tin tưởng vào danh tiếng của các diễn viên hài, tin tưởng họ sẽ là “thỏi nam châm” hút người xem tới rạp. Do đó, cát-xê của diễn viên hài trong cuộc đua giữa các nhà làm phim ngày lại càng lên cao. Những thông tin đồn thổi xung quanh việc cát-xê lên tới hàng tỷ đồng của các diễn viên hài không phải là không có.
Đồng ý kiến, đạo diễn - NSX Nam Cito cho biết thêm: “Hiện nay, mức cát-xê của các danh hài luôn cao hơn cát-xê của các diễn viên bình thường. Vì họ biết đây là thời của họ, thời khán giả kéo nhau ra rạp chỉ để cười. Dĩ nhiên, có cung có cầu, mình phải theo thị trường thôi”.
Trong khi đó, đạo diễn Đỗ Thành An lại cho rằng, không phải danh hài nào cũng được trả cát-xê tiền tỷ. “Chỉ có vài nghệ sĩ và diễn viên được nhận thù lao tiền tỷ thôi, nếu tên tuổi họ bảo chứng cho vấn đề doanh thu phòng vé”, anh cho biết.
Có cứu được phim dở khi ra rạp?
Sự “xâm lấn” của các nghệ sĩ hài trong phim chiếu rạp được cho là tất yếu, kéo theo những hệ lụy phim có kịch bản dở, dựng cẩu thả, diễn viên hài không cứu cánh nổi bộ phim mình tham gia. Chẳng hạn như sự xuất hiện của Hoài Linh không cứu được bộ phim Già gân, mỹ nhân và găng tơ đã bị truyền thông chê thiếu mạch lạc, nhảm nhí. Trong khi đó, sức hút của Trấn Thành cũng không đủ tạo thành “cơn sốt” cho Bệnh viện ma.
Thành công của một bộ phim phải dựa trên hai khía cạnh: Nội dung và doanh thu. Một bộ phim có doanh thu “khủng” chưa chắc đã là phim thành công. Có nhiều phim thuộc dạng ăn may như thời điểm ra rạp phù hợp, không đụng độ bom tấn. Do đó, yếu tố may mắn khá quan trọng, chứ không hẳn chỉ dựa vào những tên tuổi nổi tiếng là có thể bán được vé” - Nhà sản xuất, diễn viên Mai Thu Huyền.
Nhà sản xuất, diễn viên Mai Thu Huyền
Nghệ sĩ Chánh Tín thẳng thắn chia sẻ: “PR nhiều, khán giả đến xem, người ta bị lừa hoài, rồi một, hai năm sau người ta sẽ không xem nữa. Như vậy, điện ảnh sẽ trở thành một thứ… “mì ăn liền” giống hai chục năm trước, quảng cáo rầm rộ và dựa vào tên tuổi 1, 2 người để bán vé”.
Phân tích sự tréo ngoe của diễn viên hài không cứu vãn được cả bộ phim nếu như kịch bản dở, đạo diễn non tay, đầu tư sản xuất không kỹ càng, đạo diễn Đỗ Thành An cho hay, có hai thành phần là nhà làm phim và nhà làm điện ảnh chuyên nghiệp. Nhà làm phim có xu hướng thích là làm, quan tâm nhiều đến doanh thu và “ngôi sao” bán vé, còn chất lượng phim cũng có quan tâm nhưng rất chủ quan và cá nhân. Nhà làm điện ảnh chuyên nghiệp quan tâm đến cả hai, doanh thu và chất lượng. Họ có công cụ hỗ trợ là quy trình làm phim theo công nghiệp điện ảnh của những nước phát triển.
Đạo diễn Đỗ Thành An khẳng định: Phim nào được đầu tư theo quy trình công nghiệp điện ảnh thì chất lượng và doanh thu đều đạt hiệu quả khá cao, tỉ lệ lỗ vốn rất thấp.
Nói về điều này, NSX Mai Thu Huyền nhìn nhận, hiện nay nhiều phim có những chi tiết hài quá lố, gây phản cảm nên làm ảnh hưởng tới nội dung, dù tổng thể phim khá tốt. Ngược lại, có nhiều phim có chi tiết hài duyên dáng khiến phim hấp dẫn hơn. Bởi vậy, quan trọng là cách xử lý các chi tiết hài trong phim chứ không phải do tên tuổi của một diễn viên hài nổi tiếng nào đó.
“Việc các phim dùng diễn viên hài như một cách đảm bảo doanh thu phòng vé có thể có, bởi diễn viên hài có lợi thế là nhiều khán giả. Nhưng khán giả hiện nay rất thông minh, có con mắt thẩm mỹ, đánh giá tốt nên các phim nhảm nhí dần bị loại. Một bộ phim quan trọng không chỉ là nghệ sĩ hài tên tuổi để PR, mà còn phải có nội dung tốt, nếu không vẫn có thể thất bại như thường”, Mai Thu Huyền chia sẻ.