Phạm Thoại được VTV “gọi tên”: Dàn dựng hay lừa dối?
Nam TikToker mang chuyện cưới xin để câu tương tác và bị khán giả phản ứng dữ dội.
Mới đây, bản tin Góc nhìn văn hóa trên VTV1 gây chú ý khi thẳng thắn đặt ra vấn đề xoay quanh tình trạng dàn dựng, dựng chuyện để câu kéo người xem của một số nhà sáng tạo nội dung.
Phóng sự có tiêu đề: "Dàn dựng hay lừa dối?".
Theo đó, phóng sự mở đầu với lời dẫn: "Một người sáng tạo nội dung với gần 5 triệu người theo dõi vào cuối tháng 3 đã đột nhiên thông báo cưới vợ. Một ngày sau đó, hình ảnh đám cưới xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội. Nhiều người đã bình luận chúc mừng. Tới sáng 1/4, người này đăng clip đám cưới, kèm dòng trạng thái 'Đám cưới bội thu cá, xin lỗi cả nhà nhiều ạ'. Dù vậy, nhiều người dùng đã tỏ rõ sự thất vọng, thậm chí phản ứng tiêu cực".
Hình ảnh đám cưới gây xôn xao mạng xã hội của một TikToker nổi tiếng.
Tiếp đến là trường hợp của một TikToker tiết lộ "bị đuổi khỏi quán phở" vì ngồi xe lăn. Tuy nhiên những video trích xuất từ camera cho thấy vụ việc diễn ra không đúng như lời chủ tài khoản này kể. Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã trực tiếp liên hệ nhiều lần, phối hợp với công an địa phương gửi giấy mời nhưng TikToker này vẫn từ chối, trốn tránh tiếp nhận thông tin và không đến làm việc với Sở.
BTV Minh Trang nhận định: "Mặc dù việc tạo nội dung dàn dựng có thể mang lại hiệu quả ngắn hạn trong thu hút sự chú ý và sự tương tác. Nhưng nó cũng mang theo nhiều rủi ro và thách thức. Một trong những rủi ro là sự mất đi niềm tin tưởng của khán giả khi họ nhận ra nội dung được tạo ra chỉ để câu kéo lượt xem, lượt thích thay vì mang lại những giá trị thực sự. Điều này có thể gây mất lòng tin và từ chối từ phía cộng đồng mạng, dẫn đến những tranh cãi, mâu thuẫn và cả tổn thương".
Bản tin cho rằng các nhà sáng tạo nội dung không thể "vượt qua giới hạn", phản bội niềm tin của người dùng mạng.
Bản tin cũng phỏng vấn một số bạn trẻ về "đám cưới giả" của TikToker 5 triệu người theo dõi. Bạn Thiên Phúc cho hay: "Mọi người rất phản cảm, nhất là khi bạn ấy đính chính đó là nội dung dàn dựng nữa. Cảm thấy bạn ấy quá lố lăng". Bạn Khánh Linh bày tỏ: "Những chiêu trò câu like các thứ này nọ tràn lan trên mạng hàng ngày. Nhưng tôi cảm thấy việc này rất nghiêm trọng, lấy một đám cưới hệ trọng của đời người ra chỉ để câu view".
Dù lúc đầu làm mờ hình ảnh nhưng ở đoạn sau phóng sự, tên Phạm Thoại xuất hiện trong bản tin.
Chuyên gia truyền thông Phùng Thái Học nhận xét: "Những dạng nội dung dàn dựng đó gây ra sự phẫn nộ trong dư luận vì khiến người ta tưởng nhầm đó là thật. Những nội dung đó có một ranh giới rất mỏng manh về chủ đích của người thực hiện. Ví dụ như chúng ta xem một vở kịch, diễn viên thể hiện rất cảm xúc nhưng khán giả đã được thông báo trước đó đây chỉ là diễn. Nhưng với các drama hiện nay trên mạng xã hội, có nhiều cái mang tính chất đánh lừa người xem, làm tổn thương niềm tin của khán giả".
Nhìn nhận công bằng, nếu những nội dung dàn dựng mang lại lợi ích cho khán giả thì sẽ được đông đảo chấp nhận. Song nếu chỉ chạy theo mục đích câu kéo người xem, đưa khán giả thành trò đùa hết lần này đến lần khác, thì đó là điều cần nên phê phán. Các nhà sáng tạo nội dung cần nhận thức được tầm ảnh hưởng của mình đối với cộng đồng mạng, phải tuân thủ những nguyên tắc đạo đức và trách nhiệm khi tạo ra nội dung.
Nguồn: [Link nguồn]
Doanh thu Phạm Thoại công bố trong phiên livestream gần đây khiến nhiều khán giả hoài nghi.