Nữ võ sư Thái cực quyền khiến Chân Tử Đan nổi tiếng lừng lẫy màn bạc là ai?
Nhờ quá trình khổ luyện và sự dạy dỗ nghiêm khắc của người phụ nữ này, Chân Tử Đan đã trở thành ngôi sao võ thuật hàng đầu châu Á.
Chân Tử Đan được biết đến là một ngôi sao nổi tiếng trên toàn thế giới trong vai trò diễn viên, đạo diễn, nhà chỉ đạo võ thuật và nhà sản xuất điện ảnh. Năng lực của Chân Tử Đan đã được khẳng định qua nhiều năm diễn xuất. Dù vậy, có một người phụ nữ đứng sau thành công sự nghiệp của nam diễn viên, giúp anh phát triển năng khiếu và có danh tiếng lẫy lừng như ngày hôm nay. Đó chính là nữ võ sư Mạch Bảo Thiền - mẹ ruột của Chân Tử Đan.
Nữ võ sư Thái cực quyền nổi tiếng trong giới võ thuật Trung Quốc
Chân Tử Đan là con của ông Chân Vân Long và bà Mạch Bảo Thiền. Cha Chân Tử Đan chỉ là một nhà biên tập báo nhưng mẹ anh lại là một võ sư nổi tiếng thế giới. Mạch Bảo Thiền sinh ra ở Quảng Châu và bắt đầu luyện tập võ thuật thực thụ trong những năm tháng trung học. Bà theo đuổi Thái cực quyền và môn phái Nam Thiếu Lâm. Ở thời của bà Mạch, việc một cô gái theo học võ thuật là điều hiếm thấy. Dù vậy, tài năng của bà đã ngay lập tức thu hút sự chú ý của nhiều người.
Mẹ của Chân Tử Đan là nữ võ sư Thái cực quyền nổi tiếng ở Trung Quốc.
Sau khi đã có nhiều năm dạy võ thuật ở Trung Quốc, bà Mạch chuyển tới sống ở Boston, bang Massachusetts, Mỹ hồi năm 1975. Tại đây, bà trở thành một trong những người đầu tiên giới thiệu võ thuật phương Đông.
Năm 1984, Mạch Bảo Thiền giành huy chương vàng tại giải đấu Thái Cực Quyền cấp quốc tế đầu tiên được tổ chức ở thành phố Vũ Hán. 11 năm sau đó, bà trở thành võ sư của năm do tạp chí võ thuật Black Belt (Mỹ) bình chọn. Ngoài ra, bà đã đánh thắng rất nhiều nam võ sư từng tỷ thí với mình.
Bà Mạch dạy con trai và con gái theo cách dạy các học trò của bà.
Mối quan hệ của bà Mạch với con cái giống như giữa sư phụ và đồ đệ. Nữ võ sư từng chia sẻ: "Các con của tôi được dạy bảo theo cách mà tôi dạy các học trò của mình, có phần còn nghiêm khắc hơn. Không có gì đến dễ dàng cả. Phải luyện tập vất vả mới có thể thành tài. Tôi không giỏi trong việc làm mẹ. Nhưng Tử Đan và Tử Tinh đã được dạy bảo để trở thành con người mạnh mẽ và có trái tim nhân hậu. Tôi luôn biết rằng các con tôi rồi sẽ ổn cả”.
Trong các khí cụ luyện võ, bà Mạch lựa chọn kiếm, bà luyện đánh kiếm theo môn phái Vũ Đương (hay còn gọi là Võ Đang). Phong cách đánh kiếm này đã từng được khắc họa trong bộ phim “Ngọa hổ tàng long” (2000). Những cảnh đánh kiếm trong phim đã được lấy cảm hứng từ chính hình ảnh mạnh mẽ của bà Mạch thời trẻ.
Phong cách đánh kiếm của Mạch Bảo Thiền được khắc hoạ trong bộ phim "Ngoạ hổ tàng long"
Chân Tử Đan chịu nhiều trận đòn từ mẹ trước khi thành ngôi sao võ thuật
Chân Tử Đan bắt đầu học võ từ mẹ khi còn nhỏ tuổi. Do kỳ vọng quá nhiều vào cậu con trai nên bà Mạch thường đánh, quật Chân Tử Đan mỗi khi anh mắc lỗi. Hàng ngày, anh phải dậy từ 5h sáng tập võ trước khi tới trường. Cho đến tận bây giờ, tài tử họ Chân không thể quên những trận đòn roi của mẹ. Trong cuốn tự truyện "Vấn đan tâm" (All about Donnie), Chân Tử Đan kể: “Dù chỉ mắc lỗi nhỏ, mẹ sẽ lấy kiếm gỗ và đánh tôi”.
Chân Tử Đan từ nhỏ đã chịu sự dạy dỗ nghiêm khắc của mẹ.
Khi lên 11 tuổi, gia đình anh chuyển tới Boston (Mỹ). Chân Tử Đan theo học võ tại trường luyện võ của mẹ cùng các học trò khác. Do bà Mạch có lịch trình công việc quá nhiều nên không có thời gian cho con. Giai đoạn này, Chân Tử Đan bắt đầu hâm mộ Lý Tiểu Long và học theo phong cách của thần tượng. Anh yêu thích đến mức bắt chước ngôi sao võ thuật cột một dải lụa ở ống chân để giắt cây côn nhị khúc. Tuy nhiên, sự say mê quá đà này khiến Chân Tử Đan lơ là việc học. Cùng với tính cách ngang tàng, nổi loạn, anh bỏ học và thường xuyên tham gia những cuộc gây gổ, đánh nhau nơi đường phố.
Lo sợ cậu con trai sẽ hư hỏng, cha mẹ Chân Tử Đan đưa con về quê hương. Năm 1978, bà Mạch quyết định gửi anh vào trường thể dục, thể thao Thập Sát Hải, Bắc Kinh (Trung Quốc) để tài tử được đào tạo bài bản và đưa vào khuôn phép. Khi ấy, Chân Tử Đan trở thành học viên ngoài đại lục Trung Quốc đầu tiên của trường.
Chân Tử Đan và nữ võ sư thái cực quyền Mạch Bảo Thiền khi về già.
Nhờ trải nghiệm ở Bắc Kinh, khả năng võ thuật của Chân Tử Đan đã đạt được tầm cao hơn. Mặt khác, nhờ sự nuôi dạy khắt khe của bà Mạch, Chân Tử Đan còn áp dụng cả những luân thường đạo lý trong sự nghiệp điện ảnh của mình. Sau hai năm học tập, năm 1980, Chân Tử Đan đến Hong Kong thử vận may, hi vọng sẽ đạt thành công như thần tượng Lý Tiểu Long. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan, suốt hai năm sống tại đây, Chân Tử Đan vẫn là một cái tên vô danh.
Bộ phim "Tiểu Thái cực" đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời Chân Tử Đan. Trước khi trở về Mỹ, anh đã ghé qua Hong Kong. Đúng lúc này, đạo diễn Viên Hòa Bình đang ráo riết tìm một diễn viên phù hợp cho vai chính trong tác phẩm này. Chân Tử Đan được chị gái của đạo diễn họ Viên (vốn là học trò của Mạch Bảo Thiền) “tiến cử” với tư cách là “con trai của Mạch sư phụ”. Gặp được Chân Tử Đan, đạo diễn họ Viên biết đây là người mình đang tìm kiếm. Sự nghiệp diễn xuất của ngôi sao võ thuật nổi tiếng Trung Quốc Chân Tử Đan cũng bắt đầu từ đó.
Video: Cảnh Chân Tử Đan vận dụng những chiêu thức võ thuật của mẹ ruột dạy trong bộ phim "Anh hùng".
Chân Tử Đan vẫn biết mẹ rèn giũa anh nghiêm khắc đến vậy chỉ vì muốn anh thể hiện được hết tiềm năng của mình. Những động tác võ thuật mà Chân Tử Đan thể hiện trong phim "Anh hùng" năm 2002 đều được tiếp thu từ Mạch Bảo Thiền. Nam diễn viên từng chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn: "Các học trò của mẹ tôi ở khắp nơi trên thế giới. Tôi coi mẹ là thần tượng và cũng là niềm tự hào của mình".
Nguồn: [Link nguồn]
Khác xa với nhiều lời đồn đại, mật thất bí ẩn của Võ Tắc Thiên lại cất giấu những thứ mà ít ai ngờ tới.