"Nữ phi công đẹp nhất Việt Nam" rời bỏ showbiz, chi 6 tỷ để học bay

"Nghĩ lại tôi cảm thấy những vất vả và số tiền 9 năm bản thân lao động, tiết kiệm cật lực là hoàn toàn xứng đáng", Diệu Thúy chia sẻ.

Chi phí học phi công khoảng 6 tỷ

- Chào Diệu Thúy, đã 10 năm bỏ showbiz để theo đuổi công việc làm phi công, cuộc sống của chị thay đổi như thế nào?

Năm 2022 vừa qua có thể nói là một năm khởi sắc của tôi. Đến năm 2023, tôi và gia đình tìm thêm được cho mình nhiều niềm vui trong sự nghiệp và cuộc sống cá nhân. Hiện tại, cuộc sống của tôi rất hạnh phúc, đủ đầy và bình yên.

"Nữ phi công đẹp nhất Việt Nam" rời bỏ showbiz, chi 6 tỷ để học bay - 1

- Chị có thể chia sẻ cụ thể với người hâm mộ về hành trình để trở thành một phi công của mình?

Có được ngày hôm nay, tôi phải trải qua 9 năm lao động cật lực. Thời sinh viên tôi phải làm thêm 3-4 công việc một lúc. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi làm kỹ sư an toàn tại một tập đoàn sản xuất đồ nội thất, nhận trách nhiệm đảm bảo an toàn cho hệ thống sản xuất 11 nghìn nhân viên, tôi hầu như không có thời gian nghỉ ngơi. Chính vì thế tôi nghĩ đến một công việc vừa làm vừa được đi du lịch và mạnh dạn thi tuyển, trở thành tiếp viên hàng không của một hãng hàng không 5 sao ở Abu Dhabi (UAE). 

Tôi ấp ủ ước mơ trở thành phi công sau ngay lần đầu tiên nhìn thấy buồng lái. Từ đó tôi tích lũy tài chính, làm việc cật lực, cố gắng nâng cao trình độ tiếng Anh, tự mình ôn luyện Toán Lý.

Số tiền học phí là gần 6 tỷ đồng, trong đó có gần 3 tỷ huấn luyện cơ bản và gần 3 tỷ huấn luyện chuyển loại đường dài máy bay Airbus.

Trước khi qua Mỹ học, tôi đã hoàn thành khóa Anh văn chuyên ngành trước hạn nên được giảm 20% học phí. Sau khi hoàn thành tất cả các bằng, tôi vẫn thiếu nhiều giờ bay tối thiểu để nộp vào các hãng hàng không. Nhà trường đánh giá cao thái độ học tập và kết quả của tôi nên giảm thêm 30% phí thuê máy bay để tôi có thể bay bù đạt được số giờ tối thiểu cần có. 

Lúc đi học phi công ở Mỹ, tôi đã sống trong phòng trọ rẻ tiền, ăn cơm đạm bạc, tiết kiệm từng đồng và thời gian dồn hết đèn sách. Trong khi bạn bè đi ăn nhà hàng, chạy siêu xe thì tôi vẫn hạnh phúc đạp xe đi học 20km cả đi và về mỗi ngày, mua rau rẻ tại chợ nông sản, ăn cá bạn bè câu được ở sông. 

Nghĩ lại tôi cảm thấy những vất vả và số tiền 9 năm bản thân lao động, tiết kiệm cật lực là hoàn toàn xứng đáng.

- Trong 10 năm qua, chuyến bay nào mang đến cho chị nhiều kỷ niệm nhất?

Mỗi chuyến bay đều là một kỷ niệm đáng nhớ, không có chuyến nào giống nhau nhưng đáng để nhắc lại nhất vẫn là chuyến bay ngày Tết năm dịch bệnh Covid, cả bầu trời im ắng chỉ có duy nhất chuyến bay của mình trong thời gian đó, mùa Tết vốn là mùa cao điểm nay ảm đạm buồn hiu.

"Nữ phi công đẹp nhất Việt Nam" rời bỏ showbiz, chi 6 tỷ để học bay - 2

- Lúc ở trên bầu trời, chị nghĩ gì? Và lúc đáp máy bay thì sao?

Luôn hạnh phúc, đáp an toàn lại hạnh phúc hơn (cười).

- Phi công là một nghề khá đặc thù, có yêu cầu cụ thể nào cho công việc này không?

Phi công cần một tinh thần thép, sự tập trung cao độ, sự bình tĩnh, điềm đạm nhưng nhanh nhạy quyết đoán.

Phi công cần tốt về kiến thức chuyên môn, vững tay lái và phản xạ chính xác.

Ngoại ngữ giỏi, sức khỏe dồi dào, đặc biệt phải có trách nhiệm cao với chính mình và hàng trăm tính mạng hành khách, đồng nghiệp ngồi sau.

- Điều khó khăn nhất chị gặp phải khi theo đuổi công việc phi công là gì? Việc mình là nữ giới, phái yếu có khó khăn gì chăng?

Lúc đang huấn luyện, tôi áp lực về tài chính vì rất tốn kém, làm lụng 10 năm nhưng tiêu 1 năm là hết. Càng học lâu ở nước ngoài càng tốn nhiều nên tôi phải nỗ lực gấp 10 để hoàn thành sớm khoá huấn luyện.

Ngoài ra cần luyện tập để đảm bảo yêu cầu sức khỏe, cân nặng trong tiêu chuẩn không được quá cao, quá thấp. Mỗi tháng đến chu kỳ, đi bay bụng không dễ chịu chút nào vì môi trường áp suất thay đổi liên tục.

Tôi nghĩ khó khăn nhất là lúc đi xin việc (cười), nộp cả trăm hồ sơ nhưng chưa đến 10 hãng hàng không trả lời, với một phi công chưa có kinh nghiệm, xin gia nhập hãng hàng không thực sự khó như hái sao trên trời. Có những lúc rất muốn từ bỏ nhưng phải xốc lại tinh thần và cố gắng tiếp tục. Những khó khăn đó giúp tôi trở nên mạnh mẽ, điềm tĩnh và luôn biết ơn những gì bản thân đang có. 

Khi ngồi vào buồng lái chẳng phân biệt nam nữ vì ai cũng phải rèn luyện thể chất khỏe mạnh, đáp ứng tất cả các yêu cầu bay. Đặc biệt trong buồng lái không có chỗ cho sự uỷ mị và yếu đuối (cười).

Tuy nhiên là nữ giới thì phải cố gắng nhiều hơn vì công việc này bào mòn sức khỏe rất lớn. Phụ nữ có thiên chức làm mẹ, thời gian mang thai không được đi bay. Sau khi sinh sẽ phải huấn luyện lại một phần.

"Nữ phi công đẹp nhất Việt Nam" rời bỏ showbiz, chi 6 tỷ để học bay - 3

Ý chí vững thì không có cám dỗ

- Chị có thể chia sẻ cụ thể để mọi người hiểu hơn về công việc này?

Thời gian làm việc của một phi công diễn ra khá đặc biệt. Cho dù bay ca vào sáng sớm 2-3h hay đêm khuya 10-11h tôi vẫn luôn ngủ ít nhất 6 tiếng/ngày, tự chuẩn bị bữa ăn nhẹ, xem qua tài liệu, kế hoạch bay trước khi đi ngủ.

Trước giờ cất cánh 3 tiếng, tôi phải chuẩn bị đồng phục sạch đẹp, ăn nhẹ, kiểm tra đầy đủ thiết bị và tài liệu cần có khi làm việc. Sau đó có mặt tại văn phòng trước giờ cất cánh 2 tiếng để thảo luận về nhiệm vụ cùng đồng nghiệp và có mặt tại tàu bay ít nhất là 1 tiếng trước giờ cất cánh.

Phi công và đồng nghiệp phải luôn giám sát sát sao các vấn đề về an toàn bay, vận hành, thời tiết,… nên vô cùng áp lực. Nhưng tất cả ban ngành đều luôn nỗ lực đưa - đón hành khách đúng giờ, đáp ứng các chuyến bay an toàn và dịch vụ tốt nhất có thể.

- Ngành nghề nào cũng có những áp lực, "mặt tối", với nghề phi công thì sao? Thời gian qua có khá nhiều ồn ào về phi công và những cám dỗ, chị nói gì về điều này?

Bất cứ môi trường làm việc nào cũng có cám dỗ không riêng nhân viên hàng không. Tôi đã từng là diễn viên, tiếp viên hàng không và nay là một phi công nhưng chưa từng phải đối diện với bất cứ cám dỗ nào. 

Nếu chúng ta chuyên tâm làm tốt nhiệm vụ của bản thân, sống có trách nhiệm với chính mình, gia đình, xã hội, cám dỗ sẽ không đến. 

"Nữ phi công đẹp nhất Việt Nam" rời bỏ showbiz, chi 6 tỷ để học bay - 4

- Việc bay liên tục, thời gian làm việc dài... như thế, chị sắp xếp ra sao để cân bằng công việc và đời sống cá nhân?

Tôi không có cuối tuần và ngày lễ, chỉ có ngày bay và ngày không bay. Ngày không bay tôi dành thời gian cho gia đình, rèn luyện sức khỏe bản thân và trau dồi thêm kiến thức.

Hiện tại chồng tôi vẫn đang sắp xếp lịch làm việc của anh ấy phù hợp với lịch bay của vợ nên gia đình vẫn được ở bên nhau gần như trọn vẹn thời gian rảnh.

Ngày làm việc của tôi có thể là nửa ngày cũng có thể là ngày dài, có thể là vài ngày. Những ngày làm việc xa, cảm giác nhớ nhà, muốn ăn cơm tối cùng gia đình thực sự rất lớn.

Sẽ có ngày rất căng thẳng cũng có cả ngày rất vui nhưng ngày nào đi làm cũng hạnh phúc và biết ơn, vui nhất là sau khi xong nhiệm vụ bước ra ga thấy mọi người ôm người thân vui mừng rạng rỡ.

- Sau những biến cố về tình cảm, chị rút ra kinh nghiệm gì cho chính mình?

Năm 2020 và 2021 là 2 năm khó khăn với tôi, ảnh hưởng của dịch bệnh khiến nhân viên hàng không như tôi rơi vào cảnh “thất nghiệp hoặc như thất nghiệp”.

Thời điểm ấy, tôi phải đối mặt và vượt qua nỗi đau tan vỡ hôn nhân, sự nghiệp trì trệ, tài chính khó khăn. Thế nhưng nhìn lại tôi lại thấy biết ơn vì bản thân vẫn khỏe mạnh, gia đình vẫn ở bên nhau qua bao biến cố. Suy nghĩ tích cực tạo nên hạnh phúc và tôi thực sự biết ơn cuộc đời này.

- Cảm ơn những chia sẻ của chị!

Nguồn: [Link nguồn]

Sao nhí chuyển hướng làm phi công, có cơ duyên với HLV Park và ĐT Việt Nam

Cuộc sống của sao nhí một thời nhận được nhiều quan tâm của dư luận.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lam Giang ([Tên nguồn])
Hậu trường những ngôi sao Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN