NSƯT Quang “Tèo”: Đừng gọi tôi là “ông hoàng phim hài Tết”

Tôi cũng không biết còn ai đóng nhiều phim hài Tết hơn mình không. Tuy nhiên, đừng gọi tôi là “ông hoàng phim hài Tết”.

NSƯT Quang Tèo là gương mặt quen thuộc của phim hài Tết

NSƯT Quang Tèo là gương mặt quen thuộc của phim hài Tết

Quang Tèo là một trong những nghệ sĩ quen thuộc với làng phim hài Tết, trong hàng loạt series hài Tết đình đám như: “Đại gia chân đất”, “Làng ế vợ”… Nam diễn viên có những trải lòng với Báo Giao thông về thực trạng phim hài Tết hiện nay.

Cát-sê tiền tỷ đâu ra, đồn luyên thuyên

Nhìn lại năm 2020 với những tác động của dịch bệnh, công việc của anh bị ảnh hưởng như thế nào?

Đúng là năm vừa qua, dịch bệnh đã làm ảnh hưởng khá nhiều tới công việc của tôi, hạn chế nhiều dự án. May mắn tôi vẫn có được dấu ấn riêng trong diễn xuất khi trở lại làm phim truyền hình. 20 năm qua, tôi chỉ làm hài và năm 2020 mới đóng phim truyền hình “Cô gái nhà người ta”.

Ngoài lý do kịch bản rất hay, tôi cũng muốn thay đổi chất diễn của mình để khán giả thấy ngoài diễn hài, tôi còn có thể diễn những vai chính kịch, giằng xé tâm lý. Sau bộ phim này, tôi cũng đóng luôn “Những ngày không quên” để tuyên truyền chống dịch Covid-19.

Tôi thích đóng phim truyền hình nhưng nói thật, làm truyền hình rất vất vả vì bị bó thời gian. Thời gian quay kéo dài, cát-sê được trả cũng không cao. Do đó, tôi ít tham gia các dự án.

Còn tình hình phim hài Tết của anh năm nay ra sao?

Hiện tại, tôi bắt đầu vào guồng đóng phim hài Tết nhưng năm nay đã bớt đi nhiều.

Bạn biết đấy, phim hài Tết hiện nay chủ yếu do các hãng phim tư nhân làm. Họ phải trông vào các doanh nghiệp vì bây giờ không làm đĩa để bán nữa. Phim hài làm ra, phát miễn phí trên YouTube, điều này gây thiệt thòi cho các hãng phim và anh em nghệ sĩ. Nhưng năm qua, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch bệnh nên việc xin tài trợ cuối năm cũng gặp khó.

Dự án mà tôi mong chờ nhất năm nay vẫn là “Đại gia chân đất”. Phim đã thành thương hiệu và đi được chặng đường 10 năm. Vừa rồi, chúng tôi đã định dừng lại nhưng cuối cùng, vẫn động viên nhau là tiếp tục theo đuổi vì đây là phim được người dân và kiều bào ở nước ngoài chờ đón. Đi tới đâu, người ta cũng hỏi năm nay có làm “Đại gia chân đất” nữa không.

Làm ít phim hơn nhưng chắc anh vẫn đảm bảo danh xưng “Ông hoàng phim hài Tết” đó chứ?

Tôi cũng không biết còn ai đóng nhiều phim hài Tết hơn mình không (cười). Tuy nhiên, đừng gọi tôi với danh xưng như thế. Tôi là nghệ sĩ sống dân dã. Tôi hiểu cho tình hình của các hãng phim bây giờ nên không bao giờ đòi hỏi cát-sê cao. Có lẽ vì thế, họ mời tôi đóng nhiều.

Trong khi đó, mình làm nghệ sĩ, phải đem nhiều niềm vui tới cho mọi người chứ không phải đóng nhiều để nhằm mục đích nào đó. Tôi tiền thân là sĩ quan của Nhà hát Kịch nói Quân đội nên sống xa scandal, nhân cách cũng được rèn luyện, lập trường, tư tưởng đều vững chắc. Danh xưng “Ông hoàng” cảm giác rất to tát và có thể điều đó sẽ phản tác dụng, làm ảnh hưởng tới hình ảnh của mình.

Anh không quan trọng cát-sê cao, nhưng nghe nói anh kiếm tiền tỷ nhờ đóng hài Tết?

Lấy đâu ra? Tin đồn luyên thuyên quá! Chỉ có ca sĩ mới có cát-sê cao chứ diễn viên làm gì có. Người ta cứ đồn thổi lung tung, có 1 nói 10. Tôi đóng phim truyền hình, quay gần 4 tháng rất vất vả nhưng cát-sê không đến mức tiền tỷ như nhiều người nghĩ đâu. Tôi đi quay chương trình “Nhà nông vui vẻ”, lương chỉ được 1 triệu đồng/tập, mà tôi làm 450 tập suốt mấy năm nay.

Tôi chỉ chăm chỉ đi làm để có tiền nuôi sống gia đình. Quan trọng là mình chịu khó và yêu nghề. Tôi luôn dạy học sinh là làm gì cũng phải yêu nghề, trăn trở với nó và tập trung thì sẽ có kết quả.

Phim nhảm khiến tôi buồn và giận

NSƯT Quang Tèo tiền thân là sĩ quan của Nhà hát Kịch nói Quân đội

NSƯT Quang Tèo tiền thân là sĩ quan của Nhà hát Kịch nói Quân đội

Anh thấy chất lượng hài Tết hiện nay như thế nào?

Chất lượng là điều khó nói, vì phải tùy vào diễn xuất, kịch bản, quay phim... Tôi thấy càng về sau này, cách quay phim, máy quay… đều được đầu tư hiện đại và mang tới những khung hình đẹp. Diễn xuất của mình cũng ngày càng nét hơn. Bây giờ xem lại những phim ngày xưa, tôi vẫn thấy còn nhiều vụng về trong lối diễn và kịch bản.

Nhưng mấy năm qua, nhiều phim hài Tết vẫn bị chỉ trích nhảm, dung tục để “câu view”, trong đó có cả những phim anh tham gia?

Quan niệm của tôi là những mặt trái cũng cần đưa lên để làm bài học cho mọi người. Khi muốn khắc họa tính cách những nhân vật xấu trong xã hội, những thành phần tồi tệ, trụy lạc… thì phải có những cảnh diễn để ra được điều đó. Mọi người phải xem tổng thể cả bộ phim để đánh giá chứ đừng chỉ soi những cảnh đó rồi nghĩ bậy, quy chụp.

Tôi thấy các cuộc thi hoa hậu, họ mặc bikini, đứng trên sân khấu cả tiếng thì không sao, nhưng lên phim có vài giây có cảnh hở một chút lại bị phê phán là bậy.

Là nghệ sĩ nổi tiếng, cảm giác của anh thế nào khi nhận những lời chỉ trích đó?

Tôi buồn và giận. Thực ra đôi khi, lỗi cũng có phần từ người làm phim. Trước khi đóng bộ phim nào, tôi đều xem kỹ kịch bản. Có những cảnh quay ở hiện trường, ví như cảnh một nhân vật nào đó sống trụy lạc, chúng tôi chỉ quay cảnh ông ta đẩy nhân vật nữ xuống là đạo diễn cắt ngay. Hiện trường làm phim còn rất nhiều người, không thể bậy bạ được.

Thế nhưng, khi về dựng, đạo diễn lại cố tình cắt những phân cảnh đó để đưa vào trailer nhằm câu khách. Các cảnh quay nếu xem tổng thể sẽ không thấy có vấn đề gì, nhưng khi tách bạch ra lại là chuyện khác.

Tôi không đồng ý với điều đó và gọi ngay cho đạo diễn, yêu cầu không làm như thế vì có nhiều khán giả không xem cả bối cảnh, chỉ nhìn vào đó rồi đánh giá sẽ không đúng. Điều đó làm ảnh hưởng rất lớn tới tên tuổi và hình ảnh của chúng tôi. Tôi cũng rút kinh nghiệm là từ đấy về sau, không làm việc với nhà làm phim đó nữa.

Anh có nghĩ, vì những điều đó nên khán giả bây giờ đã “quay lưng” với phim hài Tết?

Tôi không thấy như vậy. Hài vẫn là món ăn tinh thần không thể thiếu, đặc biệt vào những ngày Tết. Người ta còn nhiều mối bận tâm khác nên sự quan tâm bị phân tán, nhưng họ vẫn cần niềm vui để cân bằng.

Tôi gặp rất nhiều doanh nhân giàu có, họ vẫn thích ngồi nói chuyện với tôi. Họ nói làm kinh tế vất vả, nên mong các nghệ sĩ có thêm nhiều sản phẩm giải trí để họ có thời gian thư giãn.

Theo tôi, mỗi thời điểm, người ta có những thay đổi trong cách thưởng thức món ăn tinh thần. Ví như tập 1 của “Đại gia chân đất” được làm rất đơn giản, không tốn kém nhưng lượt xem và tương tác lại nhiều nhất so với các tập khác. Có những tập làm tốn kém gấp 3, 4 lần nhưng lượt xem lại không cao bằng. Điều đó cho thấy, quan trọng là nhận thức của người xem.

Ngoài ra, khán giả ngày nay cũng có nhiều thứ để giải trí. Trên mạng xã hội, các kênh giải trí rất nhiều, từ âm nhạc, phim ảnh, Vlog… nên người ta bị phân tâm. Gu thưởng thức của nhiều người ngày nay cũng lạ lắm.

Nhiều video vớ vẩn cũng rất nhiều lượt xem, còn những thứ được đầu tư, tốn công sức lại không được đón nhận nhiều. Điều đó khiến nghệ sĩ khá vất vả. Bản thân tôi là nghệ sĩ được đào tạo, qua nhà hát chuyên nghiệp nên không thể làm những thứ vớ vẩn để câu khách vì nó không phù hợp với mình.

Cảm ơn anh!

Nguồn: [Link nguồn]

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Anh ([Tên nguồn])
Mở cửa thấy Tết Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN