NSƯT Đức Hải: 'Cát-sê dưới 2.000 USD tôi không diễn'
"Đó là lối đi của tôi, lựa chọn là chuyện của khách hàng, thực tế tôi vẫn có rất nhiều lời mời", Đức Hải nói.
NSƯT Đức Hải được biết đến là một diễn viên hài mang lại tiếng cười cho khán giả với lối diễn xuất hài hước, dí dỏm. Tuy nhiên trong vài năm trở lại đây, anh khá im tiếng khi phải tập trung lo cho gia đình và các công việc làm thêm bên ngoài.
Cuối năm 2015, anh tái xuất khi làm giám khảo chương trình Cười xuyên Việt và Tết Vạn Lộc - chương trình hài do diễn viên hài Công Vượng thực hiện. Nhân dịp gặp gỡ với NSƯT tại Hà Nội, chúng tôi có cuộc trò chuyện với danh hài về công việc, cuộc sống trong những năm qua, đặc biệt là thu nhập, cát-sê của anh khi đã im tiếng khá lâu.
NSƯT Đức Hải.
Cát-sê dưới 2000 USD không diễn
- Trong nhiều năm qua, Đức Hải khá trầm lắng và ít xuất hiện trên truyền hình, anh đã đi đâu vậy?
Kể từ năm 2000, tôi vào TP.HCM để dạy học trong trường Sân khấu điện ảnh TP.HCM. Ngoài công việc trên truyền hình, tôi giảng dạy và diễn kịch tại sân khấu kịch Hồng Vân. Tôi vẫn cố gắng xuất hiện trong các chương trình của VTV hoặc các đối tác của đài, bên cạnh đó, tôi cũng làm giám khảo hoặc diễn xuất trong các chương trình truyền hình thực tế như Cười xuyên Việt, Đố ai dám hát,…
Nhìn chung tôi vẫn tham gia đều các chương trình truyền nhưng tần xuất không được như trước nữa, vì khoảng cách địa lý từ TPHCM ra ngoài Hà Nội rất xa, mỗi lần đi lại đều mất thời gian và tiền bạc.
- Ngoài công việc diễn xuất và giảng dạy, anh còn làm thêm những công việc gì bên ngoài?
Tôi và mọi người cũng chỉ có 24 tiếng trong một ngày. Tôi đặt chuyện gia đình lên hàng đầu để chăm sóc 4 đứa con. Ngoài ra, tôi vẫn tham gia nghệ thuật và làm thêm bên ngoài để có thêm thu nhập.
Đây là năm thứ 8 tôi làm phó tổng giám đốc của của một tập đoàn truyền thông có kênh truyền hình về sức khỏe. Mỗi ngày tôi phải nhận bài vở rồi duyệt, chịu trách nhiệm cho các chương trình phát sóng. Tôi cũng làm giám đốc cho một mạng xã hội chuyên về video vừa được thành lập. Mạng xã hội này còn lạ lẫm với nhiều người chứ tôi thì không còn xa lạ gì nên cũng khá thuận lợi, nhưng mất rất nhiều thời gian.
- Trong năm 2015, anh thấy trong công việc của mình có điều gì đáng ghi nhận?
Điều thực sự làm tôi cảm thấy hài lòng là chương trình Cười xuyên Việt khi tôi làm giám khảo. Trong năm qua, chương trình có rating rất lớn và cũng là sân chơi cho các thí sinh nhỏ tuổi.
Tôi rất nghiêm túc với công việc này, ví dụ như khi có đề tài về văn học, tôi phải biết trước là các em sẽ động đến tác phẩm nào, tôi phải đọc, ghi chép nghiêm túc về tác giả, thậm chí là sinh năm nào, mất năm nào, rổi chủ đề chính mà tác phẩm đó đề cập là gì.
- Cát-sê của anh khi đi diễn hài trong thời điểm hiện tại như thế nào, nhất là khi anh đã có quãng thời gian khá trầm lắng?
Vấn đề này tôi xin trả lời thắng thắn là vẫn rất cao. Show nào mời tôi mà cát-sê dưới 2000 đô, chưa kể thuế là tôi không làm. Nếu tôi làm 2,3 show một tháng với mức cát-sê đó thì cuộc sống của tôi ổn định, nhưng nếu cát-sê thấp hơn, một tháng tôi phải chạy mấy chục show, liên tục 30 ngày thì đó là tôi đang bào mòn cơ thể, không có thời gian dành cho cho gia đình.
Đó là lối đi của tôi, nhưng lựa chọn như thế nào là chuyện của khách hàng, thực tế tôi vẫn có rất nhiều lời mời biểu diễn.
Cũng có những chương trình tôi không lấy cat-sê, tùy tâm vào nhà sản xuất và tôi sẽ đóng góp vào thành công của chương trình.
- Sau nhiều năm im ắng, anh tự thấy vị trí của mình trong làng hài như thế nào?
Thời gian không dừng lại, quy luật là “thầy già con hát trẻ”. Ở làng hài, Hiệp Gà, Xuân Bắc, Vân Dung đều là học trò của tôi. Trong Nam cũng vậy, đương nhiên họ phải trưởng thành và giành được những vị trí xứng đáng với nỗ lực của họ. Cái đó mình phải hiểu và chúc mừng họ. Đấy là quy luật của cuộc sống. Sự thay đổi đó, nếu như không thuận lợi như mình mong muốn thì cũng phải chấp nhận.
Dù im ắng nhiều năm nhưng Đức Hải cho biết cát-sê của anh ở thời điểm hiện tại vẫn rất cao.
- Đây đang là thời kì nở rộ của những show truyền hình hài, chất lượng có mà “thảm họa” cũng có, anh đánh giá như thế nào về xu hướng này?
Điều này xuất phát từ nhiều lí do. Tôi thử bàn về thực trạng sân khấu ở TP.HCM đã nhé. Cách đây khoảng 2 năm, có khoảng 40 tụ điểm để cho các nghệ sĩ “tung tẩy” mà diễn. Thời điểm đó, việc diễn rất ẩu vì phải làm nhanh còn mang đi diễn.
Khán giả miền Nam nhìn chung tương đối dễ tính, nhưng đến bây giờ điểm ra cũng chỉ còn 3 sân khấu chính là Trống Đồng, 126 và một phòng trà. Ngoài ra chỉ còn lác đác một vài tụ điểm ở ngoại thành, vì thế nghệ sĩ bây giờ không có đất diễn.
Chính vì vậy, bây giờ muốn thành công và được đón nhận thì các nghệ sĩ phải làm thận trọng hơn thì mới được bầu show, nhà sản xuất mời diễn. Vì bây giờ có quá nhiều nhóm hài và mời nhóm nào cũng là một câu hỏi đau đầu. Đây là quan điểm của tôi thôi, còn thực tế các nghệ sĩ có làm được như vậy không thì tôi cũng không theo dõi sát lắm.
- Dưới thời nở rộ của các chương trình hài, người ta hay nhắc đến nghệ sĩ với từ “danh hài”, là một đàn anh đi trước, anh thấy sao?
Các từ danh hài, ngôi sao, ông hoàng,.. là do khán giả dựng lên, hoặc là do các nhà báo ưu ái dành tặng cho nghệ sĩ cho dễ nhớ, dễ gọi. Đấy không phải là danh hiệu nhà nước như Nghệ sĩ ưu tú, Nghệ sĩ nhân dân,… Chuyện danh hiệu, tôi nghĩ đến một lúc nào đó khán giả sẽ nhận ra.
- Vào TP.HCM đã lâu, anh thấy diễn hài trong Nam và ngoài Bắc khác như thế nào?
Diễn hài ở Nam và Bắc có những điều giống và khác nhau. Giống là đều phải rất bận rộn, áp lực, còn khác là ở TP.HCM, các nghệ sĩ ở những nhà hát khác nhau, khi diễn các chương trình lớn thì tập trung nhau lại và bắt đầu tập từ 1h đêm, đến sáng thì chia tay nhau. Điều này diễn ra thường xuyên, người nhà không nói nhưng người ngoài có khi không hiểu lại nghĩ làm việc gì mờ ám.
Người ta bảo nghệ sĩ bọn tôi sống kiếp cầm tình con vạc. Họ đi ngủ thì mình đi làm, mình đi làm khi họ đã yên giấc. Kiếp cầm ca là như vậy, Bắc Nam tập tành cũng đều thế.
Con hay hờn dỗi vì bố không quan tâm
- Bận rộn với nhiều công việc như vậy, thời gian đâu để anh chăm sóc gia đình?
Công việc gia đình muốn thuận lợi thì trước người trong nhà phải hiểu, tôi đi đâu, tôi làm gì. Những người lớn trong gia đình tôi đều hiểu, cơm nước tôi không phải động đến, việc nhà không phải làm, chính vì thế thời gian còn lại tôi đều dành cho con. Còn con có hiểu không thì đó lại là chuyện khác.
Trong 4 đứa con thì đứa lớn là hiểu và thông cảm cho công việc của bố, còn 3 đứa sinh ba còn lại thì chưa hiểu. Chúng vẫn trách bố sao không dành thời gian chơi với con, không quan tâm đến con, đi sớm về khuya, hờn dỗi nhiều và tội nghiệp lắm. Tôi cũng hi vọng là 1,2 năm nữa các cháu sẽ hiểu ra cho công việc của bố.
- 3 cháu sinh ba nhà anh đã lớn như thế nào rồi?
Các cháu hiện nay bước sang tuổi 11, học lớp 5, các cháu học rất giỏi. Việc học của các cháu là do các cháu tự ý thức, mình không quá nghiêm khắc.
- Cảm ơn anh cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!