Những nghệ sĩ tuyên bố "cự tuyệt" tượng vàng Oscar
Chỉ có 7 trường hợp hiếm hoi từ chối giải Oscar kể từ lần đầu tổ chức năm 1928
Bất kỳ ai hoạt động trong ngành công nghiệp phim đều ước mơ có một lần được chạm tay vào tượng vàng Oscar. Trên thực tế, họ luôn phải nỗ lực hết mình thậm chí có người phấn đấu trong suốt nghiệp diễn mấy chục năm mới có được vinh dự này.
Nhưng một vài người nổi tiếng lại đi ngược lại xu thế này khi từ chối giải thưởng điện ảnh danh giá nhất, thậm chí vắng mặt trong lễ trao giải. Vậy lý do là gì? Mời độc giả cùng tìm hiểu xem tại sao 7 ngôi sao Hollywood dưới đây lại từ chối vinh dự này.
Dudley Nichols
Dudley Nichols (1895 - 1960) là người đầu tiên trong lịch sử điện ảnh từ chối nhận giải Oscar ở hạng mục Kịch bản hay nhất cho bộ phim The Informer (1935). Đây là bộ phim được chuyển thể từ cuốn sách kể về cuộc chiến tranh dành độc lập ở Ailen.
Tuy nhiên vì tranh chấp giữa Viện Hàn lâm và Hiệp hội các nhà biên kịch Mỹ, Dudley Nichols đã tẩy chay giải Oscar và không tham dự lễ trao giải. Ông gửi trả lại tượng vàng kèm bức thư ghi rõ: "Tôi sẽ không quay lưng lại với gần một nghìn thành viên - những người đã mạo hiểm tất cả trong cuộc chiến kéo dài vì một Hiệp hội biên kịch chân chính."
Katharine Hepburn
Katharine Hepburn (1907 - 2003) từng nhận được 12 giải đề cử Oscar và 4 giải Oscar trong suốt sự nghiệp diễn xuất của mình. Năm 1999, nữ diễn viên được Viện điện ảnh Mỹ vinh danh Nữ diễn viên vĩ đại nhất mọi thời đại
Bốn lần Viện hàn lâm trao tặng giải Oscar, bà đều vắng mặt. Đó là 4 bộ phim giúp Hepburn thắng hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất: Morning Glory (1933), Guess Who's Coming to Dinner (1967), The Lion in Winter (1968) và On Golden Pond (1981).
George C. Scott
Vụ khước từ đình đám nhất trong lịch sử Oscar có lẽ thuộc về nam diễn viên kiêm đạo diễn George C. Scott (1927 - 1999). Năm 1970, Scott không những từ chối giải nam chính xuất sắc nhất cho vai diễn Tướng George Patton trong Patton (một bộ phim về thế chiến thứ II) mà còn nhạo báng Oscar là một giải thưởng “man rợ” và buổi lễ trao giải không khác gì "buổi diễu hành thịt người".
Bất chấp những lời lăng mạ trắng trợn của Scott, Viện hàn lâm vẫn trao cho ông giải đề cử một lần nữa vào năm sau với vai diễn trong The Hospital.
Peter O’Toole
Peter O 'Toole (1932 - 2013) từng nói mình luôn chỉ là một phù dâu chưa từng được mặc áo cô dâu. Bởi trong nghiệp diễn ông vẫn chưa đủ may mắn được chạm tay vào tượng vàng Oscar.
Nam diễn viên từng được 8 lần đề cử giải Oscar hạng mục nam chính xuất sắc nhất nhưng chưa lần nào thật sự được vinh danh. Năm 2003, Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh quyết định trao giải Oscar danh dự cho O'Toole vì những đóng góp to lớn của ông cho nền điện ảnh thế giới. Tuy nhiên, O'Toole đã trân trọng từ chối giải thưởng này và xin hoãn vinh dự cho đến khi 80 tuổi.
Marlon Brando
Nam diễn viên kiêm đạo diễn phim Marlon Brando (1924 -2004) từ chối giải Oscar hạng mục nam chính xuất sắc nhất năm 1973 cho vai diễn Vito Corleone trong bộ phim kinh điển The Godfather (Bố già).
Theo Business Insider, Brando tin rằng người Mỹ bản địa đã hoàn toàn thiếu tôn trọng ngành công nghiệp điện ảnh. Nam diễn viên đã không đến buổi lễ trao giải mà nhờ một người khác mang tới phong thư nói từ chối vinh dự to lớn này.
Woody Allen
Nam diễn viên kiêm nhà làm phim Mỹ, Woody Allen chưa từng xuất hiện trong lễ trao giải đề cử Oscar nào có tên ông. Với Allen, giải thưởng Oscar là vô nghĩa: "Tôi không quan tâm tới những buổi lễ như thế này".
Jean-Luc Godard
Đạo diễn kiêm biên kịch phim Jean-Luc Godard năm nay đã 85 tuổi nhưng vẫn dồn hết tâm sức của mình vào sự nghiệp điện ảnh để tạo ra những tác phẩm để đời.
Cuối năm 2010, Viện hàn lâm trao giải thưởng Oscar danh dự cho ông nhưng dù Viện có liên lạc bằng phương thức nào Godard cũng không đáp hồi lại. Godard cảm thấy tức giận vì cách làm lạ lùng của Viện hàn lâm, ông nói: "Giải thưởng này thực chất là giải thưởng của Thống đốc. Nếu Viện hàn lâm thích làm điều đó thì hãy để họ làm. Tôi tự hỏi họ đã từng nhìn thấy những bộ phim của tôi chưa? Họ có thực sự biết những bộ phim của tôi?".