Những "nàng thơ" trong đời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Khánh Ly, Hồng Nhung, Cẩm Vân là những “nàng thơ” giúp nhạc Trịnh lan tỏa và mãi mãi được yêu.
Khánh Ly
Khánh Ly và Trịnh Công Sơn thuở mới bén duyên trong âm nhạc.
Trong cuộc đời Trịnh Công Sơn, Khánh Ly là người đàn bà thật đặc biệt. Giữa lúc những nhạc phẩm của ông đã được những nữ danh ca đi trước như Thái Thanh, Lệ Thu,.. thể hiện khá thành công, Khánh Ly xuất hiện và tạo nên một làn gió đầy sức sống cho nhạc Trịnh trong thị trường âm nhạc miền Nam trước năm 1975.
Đến nay, có thể thấy Khánh Ly là người đàn bà duy nhất hát nhạc Trịnh như một vệt tác phẩm đủ đầy, tạo ra một hình hài hoàn thiện mang đủ tất cả những sắc thái tinh thần trong âm nhạc Trịnh Công Sơn.
Trước năm 1975, hình ảnh Khánh Ly với cây đàn guitar gỗ mộc mạc, đắm say, phiêu hết mình với nhạc Trịnh trong các chương trình dành cho sinh viên hay các phòng trà đã trở nên quen thuộc với hàng triệu khán giả.
10 năm hát nhạc Trịnh, với sự đam mê và ngọn lửa đầy nhiệt huyết, Khánh Ly cùng Trịnh ca đã trở thành một hiện tượng của cả nền âm nhạc miền Nam thời bấy giờ.
Gần 10 năm đi hát cùng nhau, Khánh Ly và Trịnh Công Sơn chưa từng màng đến tiền bạc.
Nhớ lại về quãng thời gian khổ cực đó, Khánh Ly chia sẻ: “Thực sự tôi rất mê hát. Không mê hát thì tôi không có đủ can đảm để đi hát với anh Sơn 10 năm mà không có đồng xu, cắc bạc nào. Thời ấy, tôi phải chịu đói, chịu khổ, chịu nghèo, không cần biết đến ngày mai, không cần biết đến ai mà vẫn thấy mình cực kỳ hạnh phúc khi được hát những tình khúc Trịnh Công Sơn”.
Giọng hát khàn đục đến lạ lùng của Khánh Ly khiến nhạc Trịnh trở nên trầm mặc, sâu lắng hơn, nhất là khi bà hát về thân phận con người đầy chìm nổi. Bên cạnh đó, Khánh Ly khi thể hiện những tác phẩm về chiến tranh cũng nhận đánh giá rất cao từ phía công chúng và chính cố nhạc sĩ họ Trịnh.
Nhận xét về Khánh Ly khi bà hát nhạc phản chiến, Trịnh Công Sơn bảo: “Khánh Ly hát cho một thời vừa lãng mạn vừa đau thương trong chiến tranh. Hay nhất”.
Sau năm 1975, vì những li biệt của thời cuộc, Khánh Ly và Trịnh Công Sơn phải cách biệt nửa vòng trái đất. Tuy nhiên khi đã sang xứ người, Khánh Ly vẫn tiếp tục cất cao tiếng hát về tình yêu, thân phận của Trịnh Công Sơn như một lời tri ân với người nhạc sĩ tài hoa đã giúp bà được biết đến rộng rãi.
Khánh Ly và Trịnh Công Sơn tái ngộ trong trời đầy tuyết trắng tại Canada năm 1992 - 17 năm sau khi hai người xa cách vì những ly biệt của thời cuộc.
Khi hay tin Trịnh Công Sơn mất, ở bên Mỹ, Khánh Ly bị sốc và phải đi cấp cứu. Sau này bà chia sẻ về khoảnh khắc đau thương đó: “Trịnh Công Sơn có thể có những giây phút không nhớ đến tôi, nhưng riêng tôi lúc nào cũng nhớ đến anh. Bởi như tôi đã nói, anh là một nửa đời sống của tôi.
Và ngay khi nói những lời này, thực sự tôi không biết mình còn hát nổi nữa hay không. Điều mà tôi mơ ước nhất bây giờ là có thể tan biến khỏi cuộc đời này, hoặc tôi sẽ không thức dậy nữa sau một giấc ngủ. Như thế có lẽ tốt cho tôi hơn”.
Khánh Ly còn bảo: “Dù đường đời vẫn đầy gian nan nhưng tôi không đơn lẻ vì đã có ông Trịnh Công Sơn luôn đồng hành với tôi. Và như thế là quá đủ. Tôi yên tâm mà đi nốt quãng đường còn lại này”.
Đầu tháng 4 sắp tới, để tưởng nhớ 15 ngày ra đi của Trịnh Công Sơn, Khánh Ly sẽ trở về nước để tham gia vào liveshow Đường xa vặn dặm.
Trải qua những giông bão và truân chuyên không ít trong đời môt người đàn bà, ở độ tuổi thất thập, Khánh Ly hi vọng sẽ cháy hết mình trong lần tưởng nhớ người nhạc sĩ tài hoa này, đồng thời tiếp thêm lửa cho nhạc Trịnh cháy và sống mãi.
Hồng Nhung
Nếu như Khánh Ly là người giúp nhạc Trịnh trở thành hiện tượng của tân nhạc Việt Nam, thì Hồng Nhung lại là người thành công trong việc làm mới nó.
Hồng Nhung gặp Trịnh Công Sơn vào năm cô 20 tuổi, và đó chính là dấu mốc tạo nên một mối nhân duyên âm nhạc vô cùng đẹp, cũng là bước ngoặt lớn làm thay đổi cuộc đời âm nhạc của Hồng Nhung, ảnh hưởng mạnh mẽ đến cá tính và con đường âm nhạc của nữ ca sĩ sinh năm 1970.
Trịnh Công Sơn là người có ảnh hưởng lớn đến con đường âm nhạc của Hồng Nhung.
Với cách thể hiện mới lạ, Hồng Nhung đã làm sống lại nhạc Trịnh trong giai đoạn đổi mới của đất nước. "Bông hồng nhỏ" cũng là người thể hiện những ca khúc của Trịnh Công Sơn nhiều nhất trong những năm 1990 - 2000.
Nói về sự làm mới của Hồng Nhung với âm nhạc của mình, Trịnh Công Sơn dành cho cô những đánh giá cao: “Hồng Nhung làm mới lại những ca khúc của tôi. Có người thích có người không thích. Tuy nhiên tôi thích vì đó là cách biểu hiện mới phù hợp với cái tiết tấu của thời hiện đại - một sự lãng mạn mới. Nó giúp mình có được chỗ ngồi trong hiện tại chứ không phải là kẻ nhắc tuồng từ quá khứ”.
Giữa Hồng Nhung và Trịnh Công Sơn, không chỉ có âm nhạc mà còn có cả một “cuộc tình” như lời Trịnh Công Sơn từng nói: "Hồng Nhung là một người quá gần gũi, không biết phải gọi là ai”.
Bản thân diva gốc Hà Nội cũng từng khẳng định mối nhân duyên giữa mình và vị nhạc sĩ tài hoa: “Anh nghĩ tôi và anh quá thân để không biết gọi là ai, còn tôi cũng nghĩ tôi và anh thân quá để không biết gọi thế nào cho đúng. Bạn thì anh thân hơn là bạn, thầy thì anh thân hơn là thầy. Và ở giữa hai chúng tôi chắc chắn là có một tình yêu, nhưng tình yêu đó như thế nào thì tôi giữ riêng cho mình".
Đây là một mối nhân duyên đẹp của âm nhạc Việt.
Đến thời điểm hiện tại, Hồng Nhung vẫn là nữ ca sĩ thế hệ sau thể hiện thành công nhất nhạc Trịnh dù với những biến đổi của showbiz, đã có nhiều lớp đàn em kế cận cô thử sức với âm nhạc của vị nhạc sĩ tài hoa.
Ở độ tuổi ngoài 40, Hồng Nhung hát Trịnh ca đằm và sâu lắng hơn, không còn nhiều sự phô trương quá nhiều kĩ thuật như thời trẻ. Cùng với Khánh Ly, Hồng Nhung cũng sẽ tham gia vào đêm nhạc Đường xa vặn dặm vào tháng 4 sắp tới và rất có thể, hai nữ danh ca sẽ có những màn song ca cùng nhau thật đặc biệt trên sân khấu.
Cẩm Vân
Sẽ thật thiếu sót nếu như không nhắc đến Cẩm Vân như một trong những người thể hiện nhạc Trịnh thành công nhất sau năm 1975 với Hồng Nhung. Giống như nàng "Bống", Cẩm Vân đã có sự đổi mới so với thế hệ trước 1975 khi thể hiện Trịnh ca.
Với chất giọng khỏe khoắn, trầm ấm, Cẩm Vân thổi vào Trịnh ca một luồng gió mới với cách thể hiện hiện đại, tươi mới và mang màu sắc trẻ trung, bớt sầu bi hơn hơn so với những bậc tiền bối trước đó.
Đến với nhạc Trịnh từ khi còn rất trẻ, Cẩm Vân từng chia sẻ lần đầu hát nhạc Trịnh lúc 11 tuổi, đi học đạp xe hát Nối vòng tay lớn. Lần đầu hát trên sân khấu cách đây hơn 30 năm với bài hát Diễm xưa – do chính nhạc sĩ hướng dẫn.
Trịnh Công Sơn và Cẩm Vân.
Không có nhiều duyên nợ với Trịnh Công Sơn như Hồng Nhung, nhưng Cẩm Vân cũng là ca sĩ dành cho người nhạc sĩ tài hoa này rất nhiều tình cảm.
Cẩm Vân là người đầu tiên thu âm ca khúc Sóng về đâu của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Cô kể lại, lần sinh nhật cuối cùng của Trịnh Công Sơn cách đây 14 năm, khi đó nhạc sỹ đã yếu, ông yêu cầu Cẩm Vân “hát lại cho anh nghe Sóng về đâu”.
“Lúc đó, tôi hát chay trong căn phòng nhỏ... Một tháng sau đó, anh qua đời”, nữ ca sĩ nghẹn ngào tưởng nhớ.