Những điều khiến khán giả "lo" cho phim 40 tỷ “Đất rừng phương Nam”

Bản điện ảnh cần phải vượt “cái bóng” quá lớn của bản truyền hình cách đây 25 năm để kéo khán giả đến rạp.

Đất rừng phương Nam dự kiến ra mắt khán giả vào ngày 20/10. Tác phẩm do Nguyễn Quang Dũng đạo diễn, được chuyển thể từ phim truyền hình Đất phương Nam phát sóng năm 1997.

Trao đổi với chúng tôi, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng tiết lộ kinh phí phim đến thời điểm hiện tại là hơn 40 tỷ đồng. Nam đạo diễn nói phim muốn thu hồi vốn thì doanh thu phim ít nhất phải là 130 tỷ đồng.

Trailer "Đất rừng phương Nam".

Trên các hội nhóm về phim ảnh, Đất rừng phương Nam đang là chủ đề được bàn tán rôm rả. Đa phần các khán giả đều bày tỏ sự lo lắng vì “cái bóng” quá lớn của tiểu thuyết và bản truyền hình rất khó để bản điện ảnh vượt qua.

Khi Đất rừng phương Nam công bố trailer cũng gây ra nhiều tranh cãi về bối cảnh, trang phục… Theo đó, tạo hình nhân vật trong phim được nhiều khán giả đánh giá là không giống người Nam bộ xưa, hay nhân vật chính của phim mặc áo vá được nhận xét là “phi thực tế”.

Cách đây 25 năm, Đất phương Nam là bộ phim trở thành tuổi thơ của nhiều thế hệ khán giả. Mọi người đã quá quen thuộc với hình ảnh của những diễn viên cũ như Hùng Thuận (bé An), Phùng Ngọc (thằng cò), Mạc Can (bác Ba Phi), Lê Quang (Võ Tòng)…

Đến bản điện ảnh, khi ê-kíp công bố Trấn Thành sẽ đảm nhận vai bác Ba Phi. Võ Tòng sẽ được Mai Tài Phến thể hiện. Một lần nữa, khán giả lại bày tỏ sự lo lắng. Không ít người nhận định, ngoại hình Trấn Thành không có nét chân chất, mộc mạc của người nông dân. Hơn thế, nam MC quá trẻ, khó khắc họa nhân vật. Trong khi đó, Mai Tài Phến có vẻ ngoài trắng trẻo, quá lãng tử, trong khi tạo hình Võ Tòng là nguời đàn ông vạm vỡ, có vẻ ngoài rắn rỏi.

Tạo hình bác Ba Phi của Trấn Thành được hé lộ trong trailer phim.

Tạo hình bác Ba Phi của Trấn Thành được hé lộ trong trailer phim.

Trong buổi công bố dự án tại TP.HCM hôm 20/09, MC Trấn Thành cho biết, ban đầu anh khá đắn đo khi được giao vai bác Ba Phi vì đây là vai diễn kinh điển, trở thành hình tượng của nhiều thế hệ khán giả. Song nam nghệ sĩ muốn vượt qua thử thách, cố gắng tạo nên một bác Ba Phi khác biệt, có màu sắc riêng.

“Tôi thích thử thách bản thân, làm những việc mà mình cảm thấy phải cố gắng vượt qua, điều đó kích thích sự sáng tạo của tôi rất nhiều. Bác Ba Phi tôi thể hiện không chỉ ra kể chuyện cười mà có cả diễn xuất, phiên bản hoàn toàn mới. Tôi nghĩ khán giả sẽ không so sánh nhiều, bởi hình tượng bác Ba Phi trong bản truyền hình và điện ảnh là hoàn toàn khác nhau, nội dung và bối cảnh cũng khác biệt”, Trấn Thành chia sẻ.

Mai Tài Phến nói, anh không hiểu vì sao đạo diễn mời vào vai Võ Tòng dù trước đó mình rất thích Võ Tòng trong bản phim truyền hình năm 1997. Mặc dù vậy, khi thể hiện trên phim, Mai Tài Phến nỗ lực mang đến cho khán giả một vai diễn tốt nhất có thể. "Tôi không áp lực. Bởi vì khán giả chưa thấy Phến khoác lên vai Võ Tòng. Mọi người chỉ thấy hình ảnh thư sinh ngày xưa của tôi. Điều khán giả chưa biết thì tôi cũng không thể trách được. Đến khi xem phim thì mọi người sẽ biết", anh bộc bạch.

Trong trailer của phim, tạo hình của Võ Tòng cũng được hé lộ. Không còn là chàng thư sinh, khán giả khó mà nhận ra Mai Tài Phến với bộ dạng xù xì gai góc, mái tóc dài và những pha chiến đấu cùng lính Tây. Theo ê-kíp tiết lộ, Mai Tài Phến phải hoá trang 3 tiếng mỗi ngày để vào vai Võ Tòng.

Mai Tài Phến hoá trang 3 tiếng mỗi ngày để vào vai Võ Tòng.

Mai Tài Phến hoá trang 3 tiếng mỗi ngày để vào vai Võ Tòng.

Ngoài vấn đề diễn xuất, việc Trấn Thành xuất hiện trong Đất rừng phương Nam cũng gây nhiều tranh cãi bởi anh từng vướng nhiều ồn ào, scadal trong quá khứ như “hay nói đạo lý”; “đòi bao rạp khi xem phim”…

“Có Trần Thành là không muốn xem, đây là ý kiến cá nhân”; “Phim hay cỡ nào mà có Trấn Thành là tôi chẳng muốn ra rạp…”… các ý kiến của khán giả.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho hay, anh chọn Trấn Thành vì sự hoạt ngôn, khả năng biến hoá linh hoạt. “Nếu không phải Trấn Thành thì tôi cũng không còn sự lựa chọn nào khác. Nếu mọi người đọc tiểu thuyết thì có thể thấy một bác Ba Phi khác so với bản truyền hình. Chẳng qua bản truyền hình quá thành công nên mọi người bị mặc định. Tôi mong mọi người không so sánh Trấn Thành với chú Mạc Can”, anh nói.

Cũng theo đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, khi làm phim, ê-kíp có cả đội ngũ đi tìm tư liệu. “Nhiều phim kể về miền Tây rất là nghèo nhưng tôi muốn cho mọi người biết miền tây cũng có thời rất phồn vinh, khu chợ có đời sống như vậy. Tôi có triết lý khi làm, cũng có thể tài năng của tôi chưa tới để mọi người hiểu. Phim giống như sản phẩm, khách hàng càng khó tính thì mình phải càng cố gắng. Phim này chiếu ra, mọi người thấy cái này cái kia chưa phù hợp thì tôi đem về hậu kỳ sửa tiếp, tôi đã làm hết khả năng của mình”, anh thẳng thắn.

Với sự đầu tư chỉn chu từ ê-kíp, khán giả hi vọng rằng “Đất rừng phương Nam” sẽ truyền tải được những giá trị bản sắc dân tộc, vẻ đẹp của đất nước, có màu sắc mới mẻ so với bản truyền hình.

“Tôi mong rằng bộ phim điện ảnh “Đất rừng phương Nam” thực sự ổn, để chúng ta có được thêm một tác phẩm lịch sử để nuôi dưỡng tình yêu văn học Việt Nam, ủng hộ nền điện ảnh nước nhà và thêm hiểu biết về lịch sử dân tộc. Chứ xem mãi mấy cái mô típ đạo lý, thảm họa mãi cũng ngán ngẩm lắm rồi”, một khán giả chia sẻ.

Nghệ sĩ Mạc Can nhắn nhủ gì sau khi xem trailer “Đất rừng phương Nam”?

Những nghệ sĩ từng góp phần tạo nên thành công bản truyền hình 25 năm trước đã có những chia sẻ thú vị khi xem trailer bản điện ảnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phan Trai ([Tên nguồn])
Đất rừng phương Nam Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN