Những chiêu trò thu hút triệu view của các kênh Youtube giang hồ
Dù không mang nhiều giá trị nội dung nhưng thể loại video này lại trở nên rất hấp dẫn trên mạng xã hội với những clip lên tới hàng triệu lượt người xem.
Kể từ khi giang hồ mạng Ngô Bá Khá (tức Khá Bảnh) bị bắt hay Dương Minh Tuyền bị xóa kênh Youtube, những thông tin về một bộ phận những thành phần thích thể hiện, ưa bạo lực phủ sóng trên hàng loạt trang báo lẫn mạng xã hội.
Những nhân vật này còn được gọi với cái tên "giang hồ 4.0" khi thay đổi địa bàn hoạt động đa dạng hơn từ ngoài đời thực cho đến việc đăng tải video, hình ảnh phô trương thanh thế trên mạng xã hội. Kéo theo đó, hàng loạt những kênh nội dung của dân giang hồ với chủ đề chính là những clip ăn nhậu bay lắc, nói tục chửi thề, dọa dẫm nhau trên mạng và thậm chí là cả những vlog theo chân đi đòi nợ hay thanh toán kẻ thù bằng bạo lực.
Dù không mang giá trị nội dung nhưng thể loại video này lại trở nên rất hấp dẫn trên mạng xã hội với những clip lên tới hàng triệu lượt người xem.
Có thể thấy, trong số những bình luận tán tụng trong các video đa phần thuộc về giới trẻ thuộc lứa tuổi học sinh vẫn chưa hình thành đầy đủ về mặt nhân cách nên rất dễ bị ảnh hưởng bởi những hình tượng giang hồ bất cần đời vì muốn chứng tỏ bản thân.
Thêm vào đó, những clip này cũng thường được đặt những cái tên gợi trí tò mò khiến ngay cả những người xem trưởng thành cũng muốn click vào để khám phá cuộc sống trong thế giới ngầm.
Thị uy, dọa dẫm nhau qua video
Một trong những dạng Video phổ biến nhất của các kênh có nội dung giang hồ là hăm dọa chém giết thanh toán lẫn nhau. Đa phần chủ đề này xuất phát từ những lời thách thức nhau trên Facebook hay bình luận Youtube nói kháy, thách đố nhau ra tay bằng những lời lẽ tục tĩu mạt sát đối phương. Những video dạng này thu hút không ít lượt xem qua những cái tên nhắc đến nhiều dân anh chị máu mặt.
Những clip dọa dẫm được đăng tải rất nhiều trên các kênh Youtube giang hồ.
Đáp lại những thách đố, các đại ca cũng không ngần ngại đăng tải clip gọi điện thoại trực tiếp hăm dọa hay tụ tập đông đảo đàn em xăm trổ đứng xung quanh như một cách để thị uy.
Chính sự quy tụ nhiều gương mặt cộm cán với đao kiếm thậm chí cả súng lại là hình ảnh kích thích người xem, đặc biệt là thanh thiếu niên ở độ tuổi mới lớn rất tò mò về giới giang hồ vốn được tô vẽ trên phim ảnh Hong Kong, Trung Quốc hay thậm chí cả phim truyền hình Việt Nam.
Một đặc điểm giúp những video kể trên được phát tán rộng rãi một phần là do sự hiếu kỳ của người xem và một phần do các nhân vật trong clip kêu gọi chia sẻ trên mạng xã hội để đối tượng cần dằn mặt sớm nhận được lời dọa dẫm.
Đòi nợ, dằn mặt bằng vũ lực
Bên cạnh thể loại hăm dọa, những clip đòi nợ, dằn mặt nhau bằng bạo lực cũng được các kênh Youtube giang hồ thường xuyên đăng tải.
Thông thường nội dung sẽ là những toán người xăm trổ, đầu trọc cầm đao kiếm hoặc vũ khí tự chế tới nhà đối tượng mắc nợ.
Những video này thu hút rất động lượng bình luận của người xem khi để lại những lời tung hô ngưỡng mộ khi các đại ca ra tay thể hiện sức mạnh cùng đàn em.
Clip Dương Minh Tuyền xử lý mâu thuẫn giúp đàn em.
Đây thực sự là một trong những dạng video nguy hiểm ảnh hưởng xấu tới giới trẻ khi góp phần cổ xúy cho lối sống bạo lực, coi thường luật pháp và sức khỏe tính mạng người khác.
Bay lắc, ăn chơi, khoe tiền bạc
Những nhóm giang hồ thường tụ tập đông ăn chơi, thác loạn cùng nhau.
Khi những clip kể trên dần không còn tạo được sức hút bởi sự bão hòa khi có quá nhiều đối tượng dọa dẫm nhau, các nhân vật giang hồ lại tiết tục nghĩ ra một chiêu thức mới là khoe tiền, khoe vàng hay tụ tập lại ăn chơi bay lắc, sử dụng chất kích thích.
Tìm kiếm trên Youtube có thể dễ dàng thấy những video tựa đề như "đại ca X cho đàn em Y vài chục triệu ăn chơi" rất phổ biến với số lượng view lên tới hàng trăm nghìn lượt xem.
Dạy đạo lý, cách sống giang hồ
Hình ảnh tỏng một clip Huấn Hoa Hồng dạy dỗ đàn em.
Ngoài những cuộc chơi, các đại ca cũng rất biết cách làm hình ảnh khi thường xuyên đăng tải những video dạy đàn em cách làm người, sống trượng nghĩa theo kiểu giang hồ. Đây là một trong những nội dung thu hút không kém các video đánh dấm dọa nạt bởi người xem nhỏ tuổi thường rất thích học theo những câu nói giang hồ để thể hiện cái tôi của mình.
Đa phần những câu nói này thường mang đậm sự trải đời hay đề cao nghĩa khí có thể dễ dàng tìm thấy trong bất cứ bộ phim xã hội đen Hong Kong, Trung Quốc nào.
Tiêu biểu có thể kể đến câu nói của Khá Bảnh được lan truyền trên mạng xã hội suốt thời gian qua: "Xã hội này không có đúng sai, chỉ có kẻ yếu và kẻ mạnh, thế thôi!"
Làm MV, wed-drama về cuộc sống giang hồ
Đây có lẽ là một trong những thể loại hiếm hoi trước đây nhưng ngày càng trở nên phổ biến ở nhưng kênh Youtube có nội dung về giang hồ.
Thay vì những clip ngắn dọa dẫm, đánh nhau tay chân, giờ đây những nhân vật giang hồ đã biết cách lên kịch bản, quy tụ lại cùng nhau để sản xuất những sản phẩm dài hơi có nội dung về thế giới ngầm dưới dạng web-drama.
Tất nhiên, những video này chưa thể so sánh được với những ê-kíp chuyên nghiệp nhưng đã có sự đầu tư về lời thoại, nội dung. Đặc biệt những ngôn từ chợ búa, văng tục cùng những màn bạo lực đánh đấm với số lượng đông đảo là hai yếu tố không thể thiếu trong những sản phẩm này.
Chạm mặt giang hồ.
Điều khiến khán giả thích thú với dạng web-drama này chính là ngôn từ sát với thực tế, không cần sự trải chuốt kiểm duyệt như phim truyền hình và những màn đấm đá kịch tính không kém phần những bộ phim Hong Kong, Trung Quốc đã làm thỏa mãn sự tò mò của họ về thế giới ngầm.
Nếu như trước đây muốn xem về xã hội đen chỉ có thể thấy ở phim nước ngoài thì giờ đây chỉ cần lướt Youtube khán giả đã có thể tìm thấy rất nhiều sản phẩm về cuộc sống giang hồ ở Việt Nam.
Một trong những sản phẩm thu hút được nhiều lượt xem nhất hiện nay phải kể đến Chạm mặt giang hồ trên kênh Youtube của Phú Lê ra mắt vào tháng 1 năm nay đã nhanh chóng chạm mốc 23 triệu lượt xe, chưa kể MV ca nhạc Đời là thế thôi ăn theo wed-drama này đã chạm ngưỡng 63 triệu lượt xem.
Đi làm từ thiện giúp đỡ người nghèo
Một thể loại video mới xuất hiện thời gian gần đây trên các kênh Youtube giang hồ là làm từ thiện, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của người xem. Có thể kể đến những nhân vật như Dũng Trọc, Dương Minh Tuyền là 2 cái tên có nhiều video về nội dung này.
Dũng Trọc đi làm từ thiện.
Những hoàn cảnh được giúp đỡ trong clip dạng này thông thường do chính người xem gọi ý khi đưa tên và địa chỉ người cần giúp đỡ lên bình luận trên Youtube hay Facebook sau đó các đại ca sẽ đến tận nơi thăm hỏi trao quà và không quên ghi lại hình ảnh của mình.
Thay lời kết
Những kênh Youtube theo phong cách giang hồ này, dù thu hút lượt xem lớn nhưng nội dung không có gì ngoài những cảnh quay phản cảm, đề cao tính bạo lực, ngôn từ thì dung tục. Chính vì vậy, nhà cung cấp dịch vụ Youtube cần phải quản lý chặt để có biện pháp xử lý nếu chủ nhân của kênh vi phạm chuẩn mực đạo đức cộng đồng.
Thêm vào đó, cần phải có sự công bằng trong vấn đề quản lý thuế thu nhập cá nhân, khi chủ nhân các kênh Youtube triệu view này nhận được tiền ăn chia quảng cáo từ nhà cung cấp dịch vụ, họ đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân hay chưa?
Trường hợp 2 kênh của Khá "bảnh" và Dương Minh Tuyền bị xóa vừa rồi đã nhận được sự ủng hộ, đồng tình lớn của dư luận. Bởi nếu cứ để lan tràn trên môi trường mạng những kênh Youtube độc hại như vậy, sẽ ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách của cả một lớp trẻ.
Chỉ cần gõ trên thanh tìm kiếm của Youtube cụm từ “giang hồ“ sẽ cho ra hàng loạt clip với đủ thể loại từ web drama cho...