Những cảnh phim Việt gây tranh cãi: Màn "gọi bưởi" thành chủ đề nóng
Gây xôn xao cộng đồng mạng là những "hạt sạn" trong phim điện ảnh Việt.
Mặc dù chưa ra rạp nhưng bộ phim Trạng Tí đã trở thành chủ đề nóng trên mạng xã hội. Mới đây vào ngày 28/1, một trích đoạn được chia sẻ xoay quanh cảnh Trạng Tí dùng nước ruộng đổ đầy giếng để lấy quả bóng bằng bưởi bị rơi gây nên tranh cãi với người xem. Trong nguyên tác, quả bưởi bị rơi xuống hố sâu. Khi lên phim, thay vì hố, đoàn phim chuyển thành giếng nước. Trạng Tí huy động bạn bè múc nước ở ruộng để đổ đầy giếng nhằm lấy được quả bưởi.
Chi tiết này bị đánh giá không hợp lý, thiếu logic khoa học vì khó có thể đổ đầy nước vào giếng ngầm, bởi mạch nước ngầm tuân theo nguyên tắc bình thông nhau. Nhiều khán giả chỉ ra điểm bất hợp lý ở cảnh quay "gọi bưởi" này. Phía Studio68 đã quyết định gỡ đoạn video này khỏi trang fanpage của hãng. Tuy nhiên, bộ phim vẫn tiếp tục trở thành đề tài nóng của cộng đồng mạng.
Dự án phim điện ảnh Kiều khi mới tung ra teaser cũng gây nên tranh cãi. Nhà sản xuất phim cho biết để thực hiện được tác phẩm này, họ đã huy động hơn 100 con người, hơn 60 ngày quay với bối cảnh trải dài 5 tỉnh thành tại Cao Bằng, Phú Thọ, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế để “họa” nên tác phẩm Kiều trên màn ảnh rộng... Tuy nhiên khán giả vẫn "nhặt sạn" ở một số chi tiết. Đó là việc sử dụng chữ Quốc ngữ trong khung cảnh đầu tiên của teaser với tấm biển đề dòng chữ "Lạc Uyển Lâu". Việc dùng chữ quốc ngữ bị nhận xét không phù hợp với thời gian và bối cảnh của bộ phim, mà đáng lý ra phải dùng chữ Nôm.
Ngoài ra, hình ảnh Thúy Kiều ngồi gảy đàn trong teaser cũng bị đánh giá "màu mè", "không phù hợp". Bên cạnh đó cũng có những ý kiến bênh vực tác phẩm. Không ít người cho rằng đây là tác phẩm dựa theo Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, không phải làm lại giống 100% nguyên tác nên việc thay đổi một số chi tiết cho phù hợp với số đông khán giả là điều dễ hiểu.
Bộ phim điện ảnh Cậu Vàng mới phát hành gần đây cũng gây nên nhiều tranh cãi về việc chọn lựa chú chó trong phim. Ngoài ra, hình ảnh lão Hạc cùng con trai bắt cá, chú chó Vàng tung tăng, chạy nhảy thể hiện sự thanh bình yên ả không toát lên được nỗi vất vả, khổ sở được khắc họa trong nguyên tác.
Thêm vào đó, nhân vật mợ Ba trong phim Cậu Vàng nói giọng Nam trong khi Bá Kiến và hai người vợ đều là người miền Bắc. Khán giả đặt ra thắc mắc cơ duyên nào Bá Kiến lại có thể gặp được mợ Ba khi kẻ Bắc người Nam. Điều này không được lý giải trong phim, chỉ biết mợ Ba xuất thân từ vùng Nam Bộ, do nhà nghèo nên chấp nhận về làm vợ lẽ của Bá Kiến.
Trong phim Mỹ nhân kế ra rạp nhiều năm trước cũng bị khán giả "nhặt sạn" nhiều lỗ hổng thuộc về bối cảnh và trang phục. Trong hình ảnh Kiều Thị khoe dáng ở Đường Sơn quán, phía xa có thể nhận ra khu resort sang trọng.
Hay như hình ảnh tàu thuyền hiện đại phía xa trong khung cảnh hai kiều nữ cổ trang nhìn ra xa. Điều này không phù hợp với bối cảnh hoang sơ của Đường Sơn quán trong phim.
Hình ảnh rồng trên áo của chúa Nguyễn Phúc Lan cũng bị đánh giá là chi tiết gây cười vì được vẽ theo phong cách hoạt họa, không mang tính uy nghiêm.
Người khen kẻ chê về phong cách thời trang của người đẹp Việt trên sóng truyền hình, nhất là chương trình trực tiếp.
Nguồn: [Link nguồn]