Những bộ phim làm lại bị "chê tơi tả" ở Hollywood
Remake (làm lại) phim là một nét văn hóa, nhưng remake không tới thì phim sẽ thành "thảm họa".
Năm 2016, khán giả của dòng phim Hollywood đã được chiêu đã một bữa tiệc bao gồm khá nhiều thể loại, trong đó phải kể đến các phim phiên bản remake từ những phim từng nổi đình nổi đám, như Ghostbusters, Independence day hay gần đây nhất là màn tái hiện bộ phim sử thi hoành tráng Ben-Hur.
Nếu như Ghostbusters nhận được phản hồi khá tốt thì Independence day hay Ben-Hur lại không được may mắn như thế. Tuy nhiên, trước đó trong lịch sử phim ảnh cũng có không ít những bộ phim remake cũng được liệt vào hàng “thảm họa”.
Psycho (1998) – Gus Van Sant
Chỉ một năm sau khi được đề cử tới 9 giải Oscar cho bộ phim Good will hunting, Gus Van Sant đã ẵm luôn 2 giải Mâm Xôi Vàng cho bộ phim Psycho, được làm lại từ tác phẩm kinh điển cùng tên của huyền thoại Alfred Hitchcock.
Người ta nhắc tới Psycho bản remake cũng nhiều không kém gì bản gốc, tuy nhiên nếu bản gốc được tung hô và ca ngợi thì bản remake lại chỉ khiến nhiều người đặt câu hỏi: “Sao Gus lại dám làm lại một bộ phim đình đám như vậy?”.
Chưa dừng ở đó, Gus Van Sant còn chọn cách remake “shot by shot”, tức là bê nguyên si những gì Hitchcock đã làm vào phiên bản mới, có chẳng ông chỉ thay đổi diễn viên.
Đỉnh điểm của câu chuyện này là cảnh quay kinh điển khi Marion bị giết và nằm trên sàn nhà tắm, với đôi mắt vẫn mở. Gus đã rập khuôn y nguyên cách quay xoáy vào miệng lỗ thoát nước và chuyển cảnh sang đồng tử của Marion.
Cảnh quay đó đã từng là đề tài bàn tán xôn xao sau khi bộ phim của Hitchcock được ra mắt, nhưng với Gus, điều đọng lại chỉ là một phiên bản copy rất đỗi mờ nhạt, chưa kể đến diễn xuất quá cứng và không hợp vai của Anne Heche trong vai Marion Crane đặc biệt là Vince Vaughn trong vai đinh Norman Bates.
Là một đạo diễn tài năng không ai có thể phủ nhận nhưng quả thực Psycho đã là một nước cờ thiếu sáng suốt của Gus Van Sant khi ông quyết định remake mà không nhào nặn theo phong cách của mình, bởi remake hoàn toàn có thể trở thành một con dao hai lưỡi.
Điều đáng nói ở đây là cùng remake Psycho, nhưng series Bates Motel với những phát triển về câu chuyện, về các tuyến nhân vật lại được đón nhận rất nồng nhiệt, còn tác phẩm của Gus Van Sant thì không. Hẳn Gus cũng sẽ không bao giờ muốn nhắc tới về phiên bản này đâu nhỉ?
Mean girls 2 (2011) – Melanie Mayron
Điển hình cho sự thất bại trong nhào nặn tác phẩm cũ chính là đây. Năm 2004, Mean girls làm mưa làm gió bất chấp việc vào thời điểm đó, nhà nhà làm phim teen. Mean girls cũng chính là cú bật cuối cùng đưa tên tuổi của Lindsay Lohan lên hàng “nữ hoàng phim teen”, và phải khẳng định, đó là một bộ phim chất lượng.
Câu chuyện tốt, phản ánh đúng thực trạng của giới trẻ ở Mỹ và quy tụ dàn diễn viên trẻ đẹp bậc nhất thời bấy giờ là Lindsay Lohan, Rachel McAdams và Amanda Seyfried, Mean girls đã và luôn luôn là tượng đài cho dòng phim teen.
Ấy thế mà vào năm 2011, nữ đạo diễn phim truyền hình Melanie Mayron đã can đảm thử sức mình khi gợi lại câu chuyện của Mean girls bằng một cái tên đầy khiêu khích: Mean girls 2.
Sẽ chẳng có vấn đề gì nếu như nữ đạo diễn đã không cố tình lấy tên phim cũng như một số chi tiết trong phiên bản gốc để câu khách, bởi câu chuyện trong phần 2 chỉ là một sự nhào nặn vụng về dựa trên nền câu chuyện cũ.
Là một sản phẩm của truyền hình, tất nhiên Mean girls 2 không thể có được dàn sao lung linh. Dẫu vậy, đây vẫn là nhược điểm lớn nhất khiến các fan của phiên bản gốc phải khó chịu, bởi chắc chắn là nhan sắc của cô nàng Meaghan Martin thủ vai chính trong phiên bản này sẽ không thể so sánh với Lindsay Lohan được.
Tuy vậy, khi phát sóng trên kênh truyền hình ABC, Mean girls 2 vẫn có được lượng người xem khá ổn, phần lớn là khán giả nữ. Mặt khác, giới chuyên môn, đặc biệt là các tạp chí điện ảnh lại phê bình phim khá gay gắt, thậm chí gọi đây là một bản remake vụng về và rẻ tiền của phiên bản Mean girls gốc.
Gambit (2012) – Michael Hoffman
Anh em nhà Coel nổi tiếng với những kịch bản “dành cho Oscar” như True grit, No country for old men, thế nhưng khi nhận lời chắp bút cho bản remake của bộ phim hài The Gambit, nhiều người đã ví von là “hình như tài năng của họ đang... đi nghỉ mát”.
Nếu như Gambit phiên bản 1966 được đánh giá rất cao về sự duyên dáng, hóm hỉnh thì phiên bản remake lại bị chê thậm tệ. Nhiều nhà phê bình đánh giá rằng “ngay cả diễn xuất của Colin Firth, một ngôi sao hàng đầu cũng không thể cứu được bộ phim”.
Kịch bản nhạt nhòa, không gây cười nổi là những gì người xem nói về Gambit 2012. Kết quả là vừa bị chê tơi bời, bộ phim vừa gặt hái doanh thu “không thể chán hơn”. Và chắc hẳn Colin Firth cũng như cô nàng Cameron Diaz đều sẽ chẳng vui vẻ gì khi nhắc tới một bộ phim họ đã tham gia nhưng lại bị cả giới phê bình lẫn khán giả khước từ.
Clash of the Titans (2010) – Louis Letterier
Làm lại từ bộ phim cùng tên năm 1981 vốn được Viện Phim Mỹ đưa vào danh sách những phim thần thoại xuất sắc nhất,nhưng Clash of the Titans phiên bản mới lại bị chê thảm hại cùng với mức doanh thu quá nghèo nàn so với một phim “bom tấn”.
Các nhà phê bình chẳng ngại ngần tặng cho bộ phim những cụm từ như “sự rập khuôn tệ hại bằng 3D” hay “kĩ thuật đến thế cũng không thể che được sự dở của kịch bản”.
Những tưởng bê nguyên câu chuyện cũ vào một quy trình làm phim hiện đại, cùng kỹ thuật tối tân sẽ khiến bộ phim được chắp cánh hơn, nhưng chắc đạo diễn đã không ngờ tới việc bộ phim của mình sẽ có chất lượng tệ đến thế.
Câu chuyện rất thông minh và hấp dẫn của phiên bản cũ đã biến mất, để lại là các nhân vật nhạt nhòa, không có ấn tượng gì với khán giả. Chưa kể đến là đạo diễn gần như đã chỉ để ý đến những cảnh chiến đấu mãn nhãn bằng kỹ xảo 3D, ngoài ra những điều khác thì ông mặc kệ.
Vô hình chung, ông cho khán giả một cái cớ quá xác đáng để nói rằng “thành tựu tốt nhất của bộ phim đấy là vừa hỗn độn lại vừa buồn tẻ một cách kì lạ”.
Ben-Hur (2016) – Timor Bekmambetov
Có vẻ như càng ngày, các đạo diễn càng tăng độ “liều mạng” khi họ liên tiếp cố gắng tái hiện những tác phẩm đã được xếp vào hàng kinh điển. Đạo diễn người Nga của bộ phim Abraham Lincoln: Vampire hunter đã chứng tỏ điều này khi thực hiện ý tưởng remake bộ phim từng được đề cử 12 giải Oscar: Ben-Hur.
Việc làm phim sử thi đối với Hollywood không có gì là lạ, tuy nhiên với một câu chuyện đã quá quen thuộc như Ben-Hur thì remake quả là một sự lựa chọn quá mạo hiểm. Vấn đề của những bộ phim remake có thể thấy rõ là các đạo diễn bây giờ đang quá lạm dụng kỹ thuật, trong khi dù kỹ thuật của những năm cũ không cao, nhưng khán giả đã quen với điều đó và quan trọng nhất với họ vẫn là nội dung câu chuyện.
Ben-Hur phiên bản mới đã được kỳ vọng là sẽ làm nên thành công và trở thành phim bom tấn. Nhưng cuối cùng bộ phim lại kết thúc với doanh thu thấp và lỗ nặng nề, thậm chí được coi là một trong những quả bom “xịt” nhất mọi thời đại.
Phiên bản mới không hề có một ngôi sao nào trong dàn diễn viên, ngoài nam diễn viên gạo cội Morgan Freeman. Nam diễn viên Jack Huston không phải một cái tên có thể thu hút khán giả, và một mình cái tên Morgan Freeman thì cũng không thể cáng đáng nổi cả bộ phim như thế, chưa kể đến việc là ông đã quá tuổi để thu hút được khán giả trẻ.
Trong thời gian sắp tới, khán giả sẽ lại kỳ vọng vào một số dự án remake, có thể kể ra đây là dự án “chuyển giới” cho câu chuyện Brokeback Mountain hay dự án tái hiện câu chuyện kinh dị kinh điển The Exorcist. Tuy nhiên, remake không chỉ là rập khuôn và copy-paste, vậy nên mong rằng các nhà làm phim sẽ mang đến cho khán giả được những phiên bản làm lại thật hay và vượt xa cả phiên bản gốc.