Nhạc Việt đâu thể chỉ ăn nhờ vào ca sĩ

Sự kiện: Sao Việt

Dẫu vẫn còn khá sớm để có một sự thay đổi thật sự theo kiểu lật ngược thế cờ nhưng việc nhiều chương trình âm nhạc lại mở ra, không phải tìm kiếm tài năng để chạy sô mà tìm thêm tài năng ở lĩnh vực sản xuất, tìm kiếm ca khúc… thì đâu đó vẫn có thể tin rằng đó là một cách để thị trường ca nhạc được trở lại chuyên nghiệp hơn.

Ba năm qua, số lượng chương trình tìm kiếm tài năng ca hát ngày càng tăng và ngược lại, số lượng những sản phẩm âm nhạc hay ngày càng giảm. Nay những nhà sản xuất lâu năm như Huy Tuấn, Đức Trí… đã “chịu” ngồi vào những chương trình nhằm lật lại thế cờ của thị trường nhạc nhẹ.

Nhạc Việt đâu thể chỉ ăn nhờ vào ca sĩ - 1

Thí sinh Phạm Anh Duy (giữa) thuộc đội nhà sản xuất Khắc Hưng và Trung Quân biểu diễn trong chương trình Khởi đầu ước mơ. Ảnh: BTC cung cấp

Lỗ hổng sau khi rời truyền hình

Nhìn rộng có thể thấy một thời gian dài thị trường ca nhạc bị “bào mòn” bởi quá nhiều chương trình tìm kiếm tài năng ca hát. Các giọng ca từ các chương trình The Voice, Vietnam Idol, The X-Factor, The Winner is… từ trẻ em đến người lớn ngoài một vài tên tuổi chạy sô rạc người, còn lại thì mất hút khỏi thị trường.

Nhiều nhạc sĩ từng ý kiến nên chăng dừng lại những chương trình tìm kiếm tài năng ca hát, những sân chơi bước ra để làm ca sĩ; để thay vì lao vào ngay thị trường để kiếm tiền, thí sinh sau các sân chơi này có những phút tạm dừng để tái tạo bản thân cũng như định hình đường đi cho chính mình.

“Thị trường ca nhạc Việt lâu nay và tình hình truyền hình thực tế đã cho thấy một lỗ hổng lớn nhất là đầu ra cho thí sinh sau cuộc thi. Dường như các thí sinh sau khi rời khỏi các cuộc thi tìm kiếm tài năng sẽ rơi vào khủng hoảng bởi suốt thời gian thi họ được nuông chiều từ những êkíp sản xuất chương trình hùng mạnh, bước ra hiển nhiên họ sẽ hụt chân” - nhạc sĩ Huy Tuấn, người từng ngồi giám khảo nhiều chương trình tìm kiếm tài năng ca hát, chia sẻ.

Cũng từ chính khi nhìn ra lỗ hổng này, nhạc sĩ Huy Tuấn đã bắt tay viết một format (định dạng) chương trình thuần Việt với tên gọi Khởi đầu ước mơ (Dream High). Với mục tiêu là sân chơi làm bệ đỡ cho thí sinh bước ra thị trường; chương trình là sự cạnh tranh giữa ba đội chơi gồm ba nhà sản xuất âm nhạc: Đỗ Hiếu, Khắc Hưng và Hoàng Touliver cầm trịch.Ba nhà sản xuất sẽ chọn lựa thí sinh phù hợp để cùng hợp tác ra mắt sản phẩm và cạnh tranh nhau.

“Chưa có một chương trình nào đưa những nhà sản xuất âm nhạc ra ánh sáng, mà thực tế họ là những người làm nên thị trường âm nhạc bằng ca khúc, bằng việc chọn lựa giọng ca. Và việc kết hợp của nhà sản xuất với thí sinh không dừng lại trong khuôn khổ cuộc thi mà đây là cách chương trình trang bị cho thí sinh một đội ngũ định hướng con đường âm nhạc của mình từ trong cuộc thi đến khi rời cuộc thi” - nhạc sĩ Huy Tuấn chia sẻ.

Nối dài sân khấu cho nghệ sĩ độc lập

Dẫu đây vẫn còn là một format khá xa lạ với công chúng nhưng sau hai tập phát sóng vừa qua (vào 21 giờ tối thứ Năm hằng tuần trên kênh HTV7) chương trình đang tạo sự chú ý khá lớn của cộng đồng những người sản xuất âm nhạc.

Nếu Khởi đầu ước mơ mong muốn đóng góp cho thị trường tìm kiếm, kết hợp những nhà sản xuất âm nhạc với những giọng ca cho một hành trình rõ ràng của người ca sĩ thì Sing My Song (Bài hát hay nhất) hiện là sân chơi tìm ra những tài năng là ca sĩ - nhạc sĩ, để những nhạc sĩ vừa sáng tác vừa có cơ hội được đứng trên sân khấu trình bày ca khúc của chính mình.

Chương trình này tối 20-11 mới lên sóng tập đầu tiên ở khung giờ 21 giờ trên kênh VTV3, thế nhưng sự xuất hiện của các nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc như Đức Trí, Lê Minh Sơn, Nguyễn Hải Phong và Giáng Son cũng làm khán giả chờ đợi sự góp phần đổi thay cho thị trường.

Thực tế lâu nay, không ít những tên tuổi ca sĩ, nhạc sĩ Việt thành công như Lê Cát Trọng Lý, Tiên Tiên, Vũ Cát Tường… nhưng ngoài Bài hát Việt, Bài hát tôi yêu, Bài hát yêu thích… thì hầu như không có sân chơi cho các nghệ sĩ như vậy. Bởi những ca khúc được vinh danh tại Bài hát Việt, Bài hát tôi yêu hay Bài hát yêu thích dường như vẫn nương nhờ giọng ca của ca sĩ chứ ít khi chính nhạc sĩ được hát lên cảm xúc của mình.

Sự thành công của họ dường như vẫn ở con đường độc lập, xa ánh đèn sân khấu. Vì thế, với Sing My Song, việc hy vọng tìm kiếm và phát triển được một vài gương mặt nghệ sĩ đa tài là một điều có thể tin tưởng.

Ngay với nhạc sĩ Đức Trí, một gương mặt vốn xin chối từ các chương trình tìm kiếm tài năng ca hát những năm qua, cũng chấp nhận trở lại bởi anh cho rằng: “Tôi nhận lời tham gia chương trình truyền hình Sing My Song vì tôi thấy được giá trị của chương trình cũng như tôi biết mình cần phải làm gì cho dàn thí sinh. Là một nhà sản xuất âm nhạc, tôi rất muốn giúp các bạn phải biết mình viết gì, hát gì sao cho thật sự đúng và phù hợp với thị trường âm nhạc Việt Nam. Hơn thế nữa, chương trình còn có một điều hay là thí sinh phải tự thể hiện ca khúc do mình sáng tác, thử thách đó được tôi gọi là khắc nghiệt. Điều đó hứa hẹn một tương lai khá sáng cho nhạc Việt. Chúng ta sẽ thấy được những gương mặt mới, tài năng cả trong chuyên môn, giải trí”.

Tìm những bản cover đặc sắc

Trong thời gian tới, thị trường nhạc Việt tiếp tục chứng kiến sự ra đời của sân chơi âm nhạc Phiên bản hoàn hảo (Cover Star). Chương trình vừa khép lại vòng tuyển sinh ở Đà Nẵng và Hà Nội để chuẩn bị cho vòng tuyển sinh tại Trường Điện ảnh quốc tế Sài Gòn (TP.HCM) vào ngày 28 và 29-11. Đây được xem là sân chơi đầu tiên trên thế giới về cover.

Ngoài ca khúc, ca sĩ, nhà sản xuất… thì việc thu âm mới một ca khúc cũ, hát lại một ca khúc cũ (cover) ở nhiều phiên bản khác nhau cũng là điều giúp thị trường âm nhạc phát triển. Trên thế giới lẫn Việt Nam từng có nhiều ca khúc mà bản cover lại hay hơn bản gốc và càng nhiều bản cover càng chứng minh bài hát đó là bản hit của thị trường. Vì thế rất nhiều giải thưởng âm nhạc từng trao cho các bản cover hay nhất.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh Trang ([Tên nguồn])
Sao Việt Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN