Nhạc sĩ "hit nhạc phim" Xuân Phương nói một câu thấm thía về ồn ào giới nghệ sĩ
Tác giả ca khúc “Mong ước kỷ niệm xưa” chia sẻ về những bài nhạc của mình và những chuyện ồn ào giữa “khán giả” và “nghệ sĩ”.
Nhạc sĩ Xuân Phương từng rất thành công với nhiều ca khúc nhạc phim như Lời ru cho con, Mong ước kỷ niệm xưa, Lời chưa nói, Anh... Sắp tới đây, MV ca khúc Nếu một ngày do ca sĩ Ngọc Anh trình bày trong phim “Hãy nói lời yêu” sẽ ra mắt. Chúng tôi đã có cơ hội ngồi lại với nhạc sĩ Xuân Phương để tâm sự nhiều điều.
Nhạc sĩ Xuân Phương được mệnh danh là “nhạc sĩ của những bài hát trong phim”
- Anh nghĩ gì về danh xưng “Nhạc sĩ của những bài hát trong phim”?
Tôi thấy vui khi được mọi người gọi là “nhạc sĩ của những bài hát trong phim”. Đó là sự công nhận, là thành quả mà tôi đã đạt được qua bao nhiêu năm, là cảm giác vinh dự, tự hào và một chút áp lực... Tôi bắt đầu viết nhạc phim từ năm 1997 cho bộ phim “Xin hãy tin em” của đạo diễn Đỗ Thanh Hải. Từ đó đến nay, tôi viết được khoảng 60 - 70 bộ phim truyền hình. Danh xưng “nhạc sĩ của những bài hát trong phim” còn là sự yêu mến dành tặng cho tôi của những khán giả thường xuyên theo dõi phim truyền hình VTV.
- Khi đưa bất kỳ bài hát nào vào phim, anh có dự đoán gì về tương lai của nó?
Khi đưa bất cứ một bài hát nào vào trong phim, tôi đều hy vọng và mong muốn ca khúc đó sẽ có một đời sống riêng, được khán giả yêu thích. Tuy nhiên có ca khúc có thể dự đoán trước được tương lai của nó, nhưng cũng có ca khúc không thể biết trước được vì nếu bỏ qua yếu tố về chất lượng ca khúc và ca sĩ thì còn phụ thuộc vào nhiều điều, trong đó yếu tố may mắn và thời điểm ra ca khúc rất quan trọng.
- Ca sĩ Ngọc Anh cho biết anh dành rất nhiều tâm huyết cho “Nếu một ngày”. Anh nhận xét thế nào về bài hát này của mình?
Tôi hoàn toàn đồng ý với ca sĩ Ngọc Anh, vì bản đầu tiên của ca khúc "Nếu một ngày" sẽ rất khác với bản hoàn chỉnh sau cùng mà các bạn đang nghe. Thậm chí toàn bộ đoạn đầu tôi đã phải gạch đi và viết lại mới hoàn toàn. Tôi rất hài lòng với ca khúc này, và tôi nghĩ bất cứ nhạc sĩ nào khi sáng tác ca khúc cũng đều dành tâm huyết cho đứa con tinh thần của mình.
- Lý do anh chọn Ngọc Anh thể hiện ca khúc này của mình?
Lý do đầu tiên tôi chọn ca sĩ Ngọc Anh để thể hiện ca khúc này đó là vì Ngọc Anh có một chất giọng rất tình cảm, nồng nàn và da diết, hợp với tính chất bài hát. Hơn nữa, Ngọc Anh là một ca sĩ xử lý bài rất chuyên nghiệp và đầy sáng tạo. Trước đó, tôi và Ngọc Anh cũng đã cộng tác một vài ca khúc như “Người đàn bà thứ hai”, “Sẽ mãi yêu anh”, và cô ấy cũng đã thể hiện rất thành công.
Ca sĩ Ngọc Anh là giọng ca được nhạc sĩ Xuân Phương đánh giá cao
- Những bài hát của anh thường kén ca sĩ. Tại sao vậy? Là anh kén hay nhạc anh kén?
Nhiều người cũng hay nói những bài hát của tôi kén ca sĩ, vì đơn giản bài hát của tôi thường có âm vực rộng. Khi sáng tác ca khúc có âm vực rộng thì người viết nhạc sẽ được phát huy tốt nhất với những sáng tạo của mình không bị giới hạn nhiều về âm vực của giọng hát, và như vậy ca khúc cũng sẽ có những đoạn trầm, bổng, lặng lẽ, hay những đoạn cao trào vút lên tạo cảm xúc hơn. Đó hoàn toàn là do “gu”, style viết bài của tôi như vậy chứ không phải do tôi kén ca sĩ... Chỉ cần ca sĩ nào hát được bài của tôi hay là OK.
- Anh tự chọn ca sĩ hay đoàn phim chọn, rồi anh dựa vào chất giọng của người ca sĩ đó để viết nên bài hát?
Chính xác như vậy, mỗi lần viết ca khúc trong phim tôi thường tự chọn lấy ca sĩ. Mỗi ca sĩ có chất giọng, sở trường và thể loại riêng nên tôi sẽ dựa vào những yếu tố như vậy để sáng tác bài hát. Như thế, tôi sẽ khai thác được tối đa sở trường của ca sĩ đó và chắc chắn bài hát sẽ đạt được hiệu quả cao nhất.
- Là một nhạc sĩ có thương hiệu với những bài nhạc phim nổi tiếng, chắc hẳn cát-xê của anh cũng được xếp vào loại khủng? Anh có thể tiết lộ mức cát-xê trung bình cho 1 tập phim của mình không?
Vấn đề cát-xê viết cho nhạc phim theo tôi nhớ không nhầm thì 10 năm nay chưa thay đổi gì cả. Cụ thể, viết nhạc cho phim gồm 2 phần: phần nhạc nền và ca khúc chủ đề. Có thể nói, thù lao viết nhạc cho phim chưa được đầu tư đúng mực, khá là thấp. Điều đó có thể dẫn đến việc các nhạc sĩ khó có thể bỏ công sức để tập trung làm hết mình, các nhạc sĩ cũng sẽ không đầu tư nhiều, không đặt tâm huyết cho phần âm nhạc của mỗi bộ phim... Tôi cũng không biết rõ thù lao viết cho nhạc phim là của đài truyền hình hay ở đâu quy định. Các bạn thử tưởng tượng thù lao cho ca khúc là 10 triệu (chưa thuế) gồm cả sáng tác, ca sĩ, phối khí và thu thanh. Với giá như trên, chắc chắn phải bỏ tiền túi ra trả cho ca sĩ, phối khí và phòng thu... Tuy nhiên, dù thế nào, tôi vẫn làm vì đó là niềm đam mê của tôi.
- Anh có dư dả khi sống bằng nghề viết nhạc phim không? Nhất là trong khi dịch Covid-19 đang diễn biến khó lường như hiện nay?
Thù lao của viết nhạc phim thì như tôi đã nói ở trên, khá là thấp. Không thể nói dư dả... Nhưng có thể hiểu nó như là một túi lương khô của mình, luôn luôn có... Khi những công việc khác đang bị đình trệ bởi Covid-19 và nhiều người khác ngồi nhà không thể đi làm thì tôi vẫn đều đều viết nhạc phim mỗi ngày. Đó cũng là một sự may mắn đối với tôi.
Nhạc sĩ Xuân Phương xem việc sáng tác nhạc là niềm đam mê
- Anh nhận xét thế nào về quan điểm “khán giả nuôi nghệ sĩ”?
Theo quan điểm của tôi, riêng cụm từ “khán giả nuôi nghệ sĩ”, tôi không cho là chính xác. Bởi vì hai thực thể khán giả và nghệ sĩ luôn gắn liền với nhau, nếu người làm nghệ thuật không có khán giả mến mộ đưa tặng danh xưng “nghệ sĩ” cho họ thì họ không còn là nghệ sĩ nữa. Ngược lại, nếu không có những người nghệ sĩ chân chính đem những sản phẩm văn hóa đến cho mọi người thưởng thức thì như vậy cũng không có khán giả nữa. Cả hai phải đều có sự tác động tương hỗ, hỗ trợ lẫn nhau trong xã hội. Khán giả là người luôn đồng hành, dõi theo từng bước người Nghệ sĩ mình yêu thích, nói cách khác họ là người tiêu thụ, truyền bá sản phẩm văn hóa mà người nghệ sĩ đem đến. Người nghệ sĩ chỉ cần hết mình lao động sáng tạo đem những sản phẩm văn hóa mang tính nghệ thuật, giải trí hay nhất đến với công chúng sẽ được khán giả đón nhận và luôn luôn yêu mến.
- Ngoài viết nhạc phim, anh có nhận viết khi ca sĩ đặt hàng?
Viết nhạc phim dù cũng vất vả và mất thời gian nhưng đó là công việc tôi yêu thích và đam mê. Ngoài ra, tôi vẫn nhận viết đặt hàng của các ca sĩ, của các công ty hay các tập đoàn. Đối với các ca sĩ đặt hàng thì thường tôi sẽ viết theo giọng hát, khả năng cũng như sở trường của ca sĩ đó để khi đưa ca sĩ bài hát, họ phải cảm thấy hài lòng, yêu thích và ca khúc đó phải có đời sống trong xã hội.
- Anh nghĩ thế nào về việc bán lại bài hát gắn với tên tuổi ca sĩ này cho một ca sĩ khác khi hết hạn bản quyền?
Về việc khi ca khúc hết hạn bản quyền với một ca sĩ này và lại bán cho một ca sĩ khác, tôi nghĩ cũng có thể hiểu được. Điều đó tùy thuộc vào việc không vi phạm pháp luật và không cảm thấy áy náy lương tâm thì có thể làm. Và ca sĩ thứ hai đó phải được sự tin tưởng hoàn toàn của nhạc sĩ khi đồng ý trao tác phẩm của mình cho họ thể hiện. Đứng trên góc độ là người nhạc sĩ, chúng tôi luôn muốn đứa con tinh thần của mình sẽ được nhiều người chăm sóc, việc đó có thể dẫn đến sự cạnh tranh hay so sánh lành mạnh và đưa ca khúc đến công chúng bằng cách trình bày khác hơn, đa dạng hơn... vì ca khúc cũng là một món ăn tinh thần, qua mỗi bản phối, giọng hát của một ca sĩ khác nhau, sẽ tạo sự phong phú, đa dạng và sự thích thú cho khán giả.
- Thời gian qua, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung từng bị dư luận chỉ trích là “tham tiền, quên nghĩa” khi bán bài hát của mình cho một ca sĩ thừa nhận chưa bao giờ nghe qua ca khúc nhưng thấy hứng thú nên mua. Nếu anh là Nguyễn Văn Chung, anh có bán bản quyền không? Vì sao?
Về việc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung thì tôi cũng chưa rõ ràng sự việc, có lẽ người trong cuộc trực tiếp sẽ hiểu rõ vấn đề và lý do hơn. Nhưng nếu tôi ở trong trường hợp như vậy thì tôi sẽ không bán bài hát đó, vì đơn giản tôi phải cảm thấy người mua có sự tôn trọng hay yêu thích với ca khúc của mình, tôi mới bán... Một sản phẩm văn hóa có giá trị không phải chỉ dùng tiền là mua được.
- Những ca khúc của anh là phục vụ cho phim, nhưng nó lại biết đến nhiều hơn khi được ca sĩ trình diễn trên sân khấu âm nhạc. Ví dụ như “Anh” do Hồ Quỳnh Hương hát. Anh nhận xét thế nào về hiện tượng này?
Về việc có những ca khúc là viết cho phim nhưng sau đó lại biết đến nhiều hơn khi được ca sĩ trình diễn ở trên sân khấu âm nhạc, hiện tượng này không phải chỉ ở riêng nước mình mà cả ở nước ngoài, nơi có những nền âm nhạc phát triển rất mạnh như Mỹ hay Hàn Quốc. Việc này có thể giải thích, thứ nhất là bản thân ca khúc đó là một ca khúc rất hay, cộng với việc ca sĩ trình bày bài hát cũng là ca sĩ được khán giả rất yêu mến, vì vậy nó đã vượt ra khỏi bộ phim và có một đời sống riêng trong xã hội.
Nhạc sĩ Xuân Phương trăn trở về nền âm nhạc hiện nay
- Có bài hát nào của anh bị khán giả “chê” là xuống phong độ không?
Đã có những bài hát khi khán giả chưa chê, tự tôi đã cảm thấy không hài lòng vì bài hát đó chưa đạt đủ các yếu tố và yêu cầu của mình đề ra. Mỗi một người nhạc sĩ dù tài giỏi đến mấy không thể nào viết 10 bài mà hay cả được, chỉ cần một, hai bài trong đó được khán giả nằm lòng yêu mến công nhận, có một đời sống lâu dài trong sân khấu âm nhạc là đủ để vinh dự và tự hào rồi.
- Anh tìm cảm hứng cho các bài hát bằng cách xem hết bộ phim đó hay lấy cảm hứng từ đời sống thật?
Cả hai. Khi viết một ca khúc trong phim thì cả yếu tố bám theo nội dung của bộ phim và cảm hứng từ cuộc sống thực tế sẽ phải dung hòa với nhau. Điều đó không dễ dàng, cần phải làm thế nào khi bài hát vẫn gắn liền với nội dung của bộ phim mà vẫn có mang những trải nghiệm, những sự hiểu biết của bản thân trong đời sống thật của mình ở trong đó... Nếu những yếu tố trên đạt được thì có thể xem đó là một bài hát thành công cho phim. Hơn nữa, nếu nhiều khán giả cảm thấy có sự đồng cảm trong đó và được yêu thích thì nó sẽ bước ra khỏi bộ phim và trở thành một bài hát độc lập.
- Anh cảm thấy thế nào về việc khán giả nhận xét nhạc Việt ngày càng xuống dốc, rẻ tiền? Anh nghĩ nguyên nhân xuất phát từ đâu?
Nếu nhận xét rằng nhạc Việt ngày càng xuống dốc, rẻ tiền thì không khỏi quá bi quan và có cái nhìn hơi cảm tính. Nhưng sự thật là đâu đó trên mạng xã hội, các phương tiện truyền thông, thậm chí trên cả sóng truyền hình còn những ca khúc viết lời nhảm nhí vô nghĩa, giai điệu ngây ngô thô thiển... Nguyên nhân ở đây là một số bộ phận “nhạc sĩ” không được đào tạo cơ bản học hành đến nơi đến chốn, nhận thức yếu kém... hay nguy hiểm hơn đó chính là “gu” thẩm mỹ âm nhạc của họ. Việc tiếp nhận văn hóa không chọn lọc từ nước ngoài cũng là một nguyên nhân, trong số hàng trăm cái du nhập vào Việt Nam, họ lại tiếp cận và thích thú theo đuổi cái tệ nhất. Một nguyên nhân nữa không thể không nói đến, đó chính là do một bộ phận không ít khán giả đã cổ súy cho những sản phẩm như vậy, họ không hẳn đã yêu thích nó mà chỉ thấy vui hài khi nghe hoặc xem các MV đó. Việc đó vô tình dẫn đến người nhạc sĩ ngộ nhận về cái hay cái đẹp và do đó sản phẩm của họ cũng lệch lạc.
- Anh mất bao lâu để hoàn thành một tác phẩm nhạc bình thường cũng như nhạc phim?
Thời gian hoàn thành một tác phẩm khó có thể nói trước, nhưng thường thời gian thai nghén ra ý tưởng là lâu nhất. Khi đã có ý tưởng thì đặt bút viết thường trong một buổi hoặc tối đa 1-2 ngày là hoàn thành.
- Đến bây giờ, “Mong ước kỷ niệm xưa” vẫn được bình chọn là một trong những ca khúc nhạc phim hay nhất. Anh nhận xét thế nào về sức sống bền bỉ vượt thời gian của ca khúc này?
Việc ca khúc “Mong ước kỷ niệm xưa” vẫn được bình chọn là một trong những ca khúc nhạc phim hay nhất làm tôi khá là bất ngờ, vì khi sáng tác ca khúc đó vào năm 1997 thì đơn giản lúc đó tôi chỉ mong ca khúc được đặt vào trong phim và góp một phần hỗ trợ làm sao cho nội dung bộ phim được tốt hơn, được mọi người nhớ đến hơn. Có thể lý giải việc sức sống bền bỉ vượt qua thời gian của ca khúc, đó là nó mang tính đại chúng rất cao, từ giai điệu và ca từ đều dễ thuộc dễ hát dễ nhớ, hơn nữa ca khúc viết về tuổi học trò và gắn liền với bộ phim đình đám về cuộc sống sinh viên “Xin hãy tin em”. Đã 25 năm trôi qua, năm nào cũng diễn ra các sự kiện chia tay cuối cấp, liên hoan lớp cũ, kỷ niệm trường... Do đó, ca khúc thường xuyên được dùng trong các dịp như vậy cũng chứng tỏ sức sống mãnh liệt theo thời gian của nó.
- Trái ngược với những ca khúc nổi đình đám của mình, anh là người khá lặng lẽ trên truyền thông. Anh có thấy mình “tụt hậu” so với giới showbiz nhộn nhịp ngày nay không?
Với vị trí là một nhạc sĩ, tôi thực sự khá kín tiếng, lặng lẽ trên các phương tiện truyền thông. Tôi chỉ chú ý để tâm và cố gắng làm tốt phần việc của mình, đó là những tác phẩm âm nhạc, đó là những ca khúc mà mình nhận viết một cách hay nhất, tốt nhất. Còn những việc xảy ra trong giới showbiz hay đời sống riêng tư của các nghệ sĩ, tôi thường không quan tâm nhưng cũng biết chuyện các nghệ sĩ dính dáng vài các chuyện thị phi không đáng có.
Với tư cách là một phần của giới nghệ sĩ, tôi không muốn những anh em nghệ sĩ đồng nghiệp bị vướng vào các scandal như vậy.
Trong khi với cương vị là một giáo viên, tôi lại có thái độ tích cực hơn, vì có nhiều việc, nhiều vấn đề phải trao đổi với học viên, sinh viên hơn. Lúc đó, tôi thoải mái bộc lộ những gì mình biết để truyền đạt lại cho các em.
Nhạc sĩ Xuân Phương hiện đang công tác tại Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội
- Anh nhận xét thế nào về ồn ào từ thiện thời gian qua? Khi nhiều người nhận xét, đánh đồng giới văn nghệ sĩ showbiz là “đám mua vui”?
Tôi cũng đã nghe nhiều chuyện lùm xùm quanh việc các nghệ sĩ đi làm từ thiện, thật sự tôi không có ý kiến gì trong việc này bởi bản thân tôi cũng bán tín bán nghi, không xác định được sự thật như thế nào, và bản thân tôi không hiểu rõ nguyên nhân như người trong cuộc. Mục đích làm từ thiện của họ có thể đúng, nhưng phương pháp và quá trình triển khai không kịp thời cũng như không thật sự như mong đợi của công chúng nên đã bị nhiều người kêu gọi tẩy chay... Tuy nhiên, tôi nghĩ nếu còn có thể khắc phục, sửa chữa thì hãy cho họ có cơ hội để thực hiện.
Tôi cảm thấy buồn, và khá bất ngờ khi nhiều người nhận xét chung giới văn nghệ sĩ chỉ là đám mua vui. Đã đành, trong nghệ sĩ cũng có những người làm những việc không tốt hoặc mang danh nghệ sĩ để đi làm việc xấu làm mất lòng tin của những khán giả mến mộ họ, nhưng còn rất nhiều những nghệ sĩ chân chính khác, ngày đêm vẫn sáng tạo không mệt mỏi để mong đem đến những sản phẩm văn hóa đích thực, mang tính nghệ thuật cao đến với công chúng. Tôi mong khán giả nhìn nhận vấn đề này nghiêm túc hơn, nên đánh giá nhiều mặt chứ không phải chỉ nghe không rõ ràng một câu chuyện đã nói hùa theo như dậu đổ bìm leo vậy.
- Sẽ là một Xuân Phương như thế nào khi trở về gia đình?
Ngoài việc sáng tác và giảng dạy ở trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, tôi cũng là một người chồng, người cha hay vui đùa với con cái như những gia đình khác. Cuộc sống trong mùa dịch này, toàn xã hội đang căng mình để chống đỡ, tôi may mắn vẫn có công việc yêu thích làm ở nhà vừa tránh dịch vừa có thu nhập như là viết nhạc phim, viết ca khúc. Trong tương lai, nếu dịch bệnh ổn định, tôi cũng mong muốn có thể có một đêm nhạc của riêng mình hoặc ra một album những ca khúc của mình. Dù tôi đi đâu làm gì, cũng luôn nhớ về gia đình và mong muốn tổ ấm của mình luôn hạnh phúc.
- Cảm ơn nhạc sĩ Xuân Phương đã chia sẻ và chúc anh nhiều sức khỏe!
Mời độc giả cùng nghe lại những giai điệu chứa chan kỷ niệm "Mong ước kỷ niệm xưa"
Teaser nhạc phim "Hãy nói lời yêu" mới sáng tác của nhạc sĩ Xuân Phương cho ca sĩ Nguyễn Ngọc Anh
Nguồn: [Link nguồn]
Nữ ca sĩ cho rằng, Việt Nam nên học nước ngoài, đầu tư nhiều hơn cho ca khúc nhạc phim truyền hình.