Nhạc phim 'Tây du ký' 1986 gây sốt trở lại
Nhạc mở đầu "Tây du ký" bản năm 1986 và bản phối mới bùng nổ nhờ hiệu ứng game Black Myth: Wukong.
Theo People Daily, phiên bản Vân cung tấn âm mới và cũ thu hút hàng tỷ lượt xem trên các nền tảng video. Một tháng qua, hàng trăm nghìn người chia sẻ các video ngắn về bản nhạc. Vân cung tấn âm liên tục được trình diễn lại trong các show truyền hình, trên đường phố ở Trung Quốc.
Bản phối nhạc "Tây du ký" 1986 cho game "Black Myth: Wukong". Video: 8082 Audio
Tác phẩm hot trở lại do hiệu ứng Black Myth: Wukong - trò chơi điện tử ra mắt cuối tháng 8, gây sốt trong giới game thủ toàn thế giới. Black Myth: Wukong bán được hơn 18 triệu bản sau hai tuần ra mắt, trở thành một trong trò chơi bán chạy nhất lịch sử ngành game. Theo Sina ngày 10/10, doanh thu trò chơi đạt 7 tỷ nhân dân tệ, tương đương 988 triệu USD (tính trên nền tảng phân phối Steam, chưa bao gồm doanh thu từ những nền tảng phân phối trực tuyến khác).
Dàn nhạc chơi "Vân cung tấn âm" ở chương trình Trung thu hồi tháng 9. Video: CCTV
Black Myth: Wukong được đầu tư bài bản về kỹ xảo, nội dung, âm nhạc. Game sử dụng hai bản nhạc phim Tây du ký 1986 là Xin hỏi đường ở nơi nào và Vân cung tấn âm. Nhạc sĩ Hứa Kính Thanh, tác giả hai bài hát, cho biết mãn nguyện vì tác phẩm của ông có sức sống mới ở lĩnh vực ngoài phim ảnh. Ông nhận xét Vân cung tấn âm lan tỏa mạnh hơn do không có lời, tiết tấu nhanh. Nhạc sĩ đánh giá bản phối trong game hiện đại và phù hợp chủ đề câu chuyện.
Tuy vậy, Hứa Kính Thanh không hài lòng vì hơn một tháng qua, nhiều nơi sử dụng tác phẩm của ông mà không xin phép. Chẳng hạn, một số ca sĩ bật nhạc trong chương trình thương mại hoặc khi livestream bán hàng. Nhiều người đặt lời cho Vân cung tấn âm để biểu diễn. Ông yêu cầu người sử dụng tôn trọng quyền tác giả khi biểu diễn thương mại.
Bản phối sử dụng đầu phim "Tây du ký" 1986. Video: CCTV
Hứa Kính Thanh viết Vân cung tấn âm năm 1983. Trong video trên trang cá nhân, nhạc sĩ nói lúc đó đạo diễn Dương Khiết yêu cầu sáng tác nhạc phẩm dài đúng hai phút 40 giây, vừa biểu đạt được không khí của "đại náo thiên cung", "giao chiến yêu ma" vừa thể hiện được chặng đường thỉnh kinh.
Một hôm, vì mệt, Hứa Kính Thanh ngủ thiếp trên bàn. Bên ngoài, vài công nhân cầm thìa gõ lên hộp cơm ở giờ ăn trưa. Nhạc sĩ bừng tỉnh, bật dậy ghi lại các nốt nhạc đầu tiên "ten ten ten ten". Ông là người đầu tiên sử dụng âm nhạc điện tử cho nhạc phim Trung Quốc.
Nhạc sĩ Hứa Kính Thanh (phải) và Lục Tiểu Linh Đồng (đóng Tôn Ngộ Không) thời quay "Tây du ký". Ảnh: Sohu
Hứa Kính Thanh còn sáng tác 13 ca khúc, hơn 100 đoạn nhạc trong Tây du ký, trong đó có Xin hỏi đường ở nơi nào, Tình nhi nữ, Thiếu nữ Thiên Trúc... Theo The Paper, những tác phẩm của Hứa Kính Thanh phổ biến quá rộng rãi nhưng tiền tác quyền cho ông thấp. Năm 2008, bản Trư Bát Giới cõng vợ gây sốt trở lại, được nhiều người tải làm nhạc chuông điện thoại nhưng Hứa Kính Thanh nói ông chỉ nhận được hơn 8.000 tệ (27 triệu đồng) tác quyền. Năm 2016, ông tiết lộ nhận được 100.000 nhân dân tệ tiền tác quyền (338 triệu đồng) mỗi năm.
Từ thập niên 1990, Hứa Kính Thanh mơ ước thực hiện đêm nhạc chủ đề Tây du ký. Tuy nhiên, nhạc sĩ không đủ kinh phí thực hiện. Năm 2016, sau khi viết tâm nguyện trên trang cá nhân, ông bất ngờ khi được nhiều khán giả động viên. Sau đó, Hứa Kính Thanh gạt đi các băn khoăn, e ngại để kêu gọi quyên góp kinh phí thực hiện đêm nhạc. Kết quả, gần 30.000 người gửi tổng số tiền khoảng năm triệu nhân dân tệ (gần 17 tỷ đồng) cho nhạc sĩ, vượt mức ba triệu tệ mà ông mong đợi. Nhiều người nói ủng hộ nhạc sĩ vì cảm thấy "nợ ông một tấm vé liveshow".
Bài hát "Trư Bát Giới cõng vợ" trong "Tây du ký 1982" khắc họa tính ham chơi, mê ăn, háo sắc của nhân vật.
Nguồn: [Link nguồn]